Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Các tình huống sinh đôi kỳ thú

Lẽ thường, khi sinh sản, một tinh trùng sẽ gặp 1 trứng để tạo thành 1 hợp tử. 1 hợp tử ấy sẽ phân chia tế bào, biệt hóa thành 1 cơ thể hoàn chỉnh. Nhưng khi tất cả con số 1 ấy không còn nguyên vẹn, chúng ta sẽ có các cặp sinh đôi đầy thú vị.

Sinh đôi và giống nhau y hệt

Sinh đôi nghĩa là trong 1 lần mang thai bà mẹ mang đồng thời 2 thai nhi. Và khi sinh ra, 2 thai nhi đó sẽ chào đời cùng 1 lần. Với trường hợp đầu tiên, 2 đứa trẻ sinh đôi sẽ sinh ra cùng 1 thời điểm và giống nhau y hệt.

Điều lý thú ở đây là hai đứa trẻ sinh ra giống nhau đến không tưởng. Chúng sẽ cùng là con gái hoặc cùng là con trai, cùng có tóc đen, cùng có mắt đen, cùng có da trắng và cùng có môi đỏ... Nói chung, người thứ nhất có đặc điểm gì thì người thứ hai sẽ có đặc điểm đó y chang. Chỉ có bố mẹ mới phân biệt được đâu là anh/chị, đâu là em bởi giữa họ vẫn có những nét khác biệt tinh tế nhất định. Còn với người ngoài, sự giống nhau đến y hệt khiến cho họ không thể phân biệt được đâu là anh/chị và đâu là em. Người ta gọi trường hợp này là sinh đôi cùng trứng.

Sinh đôi giống hệt nhau.

Tại sao lại có trường hợp này? Đó là vì trong quá trình thụ tinh, người mẹ chỉ rụng ra 1 trứng, trứng đó chỉ được thụ tinh bởi 1 tinh trùng và kết quả là chỉ có 1 hợp tử. Lẽ ra 1 hợp tử đó chỉ được phát triển thành 1 bào thai. Nhưng do một sự cố nào đó, 1 hợp tử đó lại sinh sản và phân chia thành 2 tế bào mầm gốc đầu tiên trước khi phát triển thai nhi. Và 2 tế bào mầm gốc này sẽ phát triển độc lập thành 2 bào thai. Khi bà mẹ đi siêu âm sẽ thấy 2 bào thai với 1 hoặc 2 bánh nhau, 1 hoặc 2 túi ối. Nhưng điều đó không quan trọng, điều quan trọng là bố mẹ đã sinh ra 2 người con giống nhau y đúc và có nét lai tạo giữa cả bố và mẹ. Đương nhiên, chúng sẽ mang gen cả bố và mẹ, chia đôi 50/50 để không ai “tị” ai.

Sinh đôi nhưng khác nhau đến trái ngược

Trường hợp này xảy ra như sau: khi mang thai, bà mẹ phát hiện thấy có 2 thai nhi trong tử cung. Khi sinh ra, chúng ta có 2 đứa trẻ chào đời. Nhưng kỳ lạ thay, chúng chẳng giống nhau tẹo nào. Chúng có thể cùng là gái, cùng là trai nhưng cũng có thể là 1 gái - 1 trai, khác nhau đến trái ngược về giới tính. Ngay cả khi cùng là gái hoặc cùng là trai nhưng người thì có nước da trắng muốt còn người kia nước da lại vượt thang bảng xếp hạng độ ngăm đen. Người thì có thể cao vót nhưng người kia lại thấp bé xinh xinh. Nhưng điều quan trọng, họ vẫn có nét nào đó giống nhau về ngoại hình và họ vẫn chia đều gen bố mẹ 50/50. Trường hợp này gọi là sinh đôi khác trứng.

Tại sao lại xảy ra trường hợp này? Sự cố đáng yêu này được “đổ lỗi” cho mẹ. Mẹ bé đáng ra chỉ được phép rụng 1 quả trứng cho 1 chu kỳ kinh nguyệt. Nhưng vào 1 ngày đẹp trời nào đó trong 1 tháng đẹp trời của năm, cả 2 buồng trứng đều có trứng phát triển song hành và chúng nhất quyết phải đòi rụng chung 1 ngày. Và kết quả bạn đã rõ, bà mẹ có tận 2 trứng để thụ tinh, bố thì vẫn cho ra 500 triệu tinh trùng và đương nhiên, mỗi chàng tinh trùng sẽ ấp ủ thụ tinh cho 1 trứng để phát triển thành 1 cơ thể độc lập. Khi siêu âm, mẹ sẽ thấy 2 thai nhi, 2 túi ối, 2 bánh nhau rõ rệt và sẽ có 2 đứa trẻ chào đời. Bố mẹ nên vui gấp đôi thay vì lo lắng vì chúng vẫn chung bộ gen với bố mẹ mà thôi.

Sinh đôi cùng huyết thống nhưng không giống cha

Tình huống này xảy ra như sau: Bố mẹ hân hoan chào đón 2 đứa trẻ chào đời và mong ngóng nhìn khuôn mặt đẹp đẽ của chúng. Bà mẹ thì mừng còn ông bố thì hân hoan khôn xiết. Nhưng vài ngày sau, 2 đứa bé càng lớn thì đứa anh càng giống bố bao nhiêu thì đứa em càng giống chú nó bấy nhiêu (chú là em của bố). Điều không may xảy ra, với toàn bộ sự nghi ngại sâu sắc, phân tích gen của đứa em lại không giống bố, ngược lại, giống chú nó mới phiền phức. Nhưng sự thật khó hiểu nữa cho cả bố, mẹ và các bác sĩ, chú nó lại đang công tác ở nước ngoài, cách Việt Nam tận nửa vòng trái đất. Việc nghi ngờ mẹ và chú có tình chung, ý riêng là không thể. Bác sĩ cũng đã xét nghiệm gen lặp lại vài lần nhưng đều cho ra 1 kết quả giống nhau, việc nhầm lẫn là không thể có. Và rõ ràng, đứa em vẫn không chịu mang gen của bố? Khó hiểu quá! Nhưng khoa học cũng đã ghi nhận những trường hợp hiếm hoi như thế này và đã trả lời, đó là sinh đôi cùng huyết thống (chung dòng máu cha chú) nhưng lại không giống cha, còn gọi là sinh đôi thể khảm hay là chimera.

Tại sao lại có trường hợp này? Cội nguồn nguyên do như sau: Mẹ vẫn chung thủy và yêu bố như bình thường. Mẹ vẫn sinh ra trứng như bình thường. Chỉ có 1 điều bất thường, thời điểm này cách đây 9 tháng trước, bà mẹ tự nhiên có 2 trứng rụng. Nhưng nếu chỉ có vậy thì cũng chưa gây bối rối. Bố lại tự nhiên có 2 tinh trùng không giống nhau y hệt: 1 tinh trùng mang hoàn toàn gen của bố, 1 tinh trùng lại mang gen của chú. Cả 2 tinh trùng này lại siêu khỏe và đều thụ thai thành công. Kết quả, bố mẹ sinh ra 2 người con, 1 người của cha và đương nhiên 1 người của chú. Mặc dù chú không thụ thai cho mẹ, dù trực tiếp hay gián tiếp.

Điểm rắc rối chính là chỗ này. Tại sao trong cơ thể của bố lại có gen của chú? Câu trả lời chính là chimera hay là sinh đôi thể khảm.

Chúng ta cùng điều tra ông bố đang bị một đống câu hỏi dồn lên não. Ngược lại xa hơn nữa, 30 năm về trước, bố và chú cũng được sinh đôi như 2 đứa trẻ bây giờ.

Nhưng chú thì hoàn toàn bình thường, chỉ có bố là siêu thường. Trong cơ thể của bố, ngay từ khi còn là hợp tử đang lớn lên, đã tiếp nhận một vài tế bào của chú lẫn sang. Những tế bào này được tiếp nhận và không bị từ chối. Chúng được bào thai của người bố tiếp nhận đầy đủ và đồng ý kiểm soát trong quá trình biệt hóa. Cứ thế lớn dần, bào thai của bố khảm một vài tế bào mô của chú, phát triển thành thai nhi rồi sinh ra thành bố như bây giờ. Đến tận bây giờ, cơ thể bố vẫn có đa số tế bào của bố, nhưng có một phần nhỏ tế bào của chú được gửi gắm tiếp nhận thêm. Những tế bào bị lẫn sang đã phát triển thành những mô độc lập với gen độc lập, chịu sự kiểm soát thống nhất của bộ gen chung. Bố có thể có cánh tay phải của chú, có thể có tinh hoàn trái của chú, có thể có nửa mái tóc của chú, nhóm máu của chú chung với nhóm máu của bố... tùy thuộc những tế bào gửi gắm của chú sẽ phát triển thành mô nào. Trong tình huống này, bố đã có 2 loại tinh trùng, 1 của bố và 1 của chú, đồng thời tế bào của chú đã chui sang cơ thể bố và phát triển thành 1 tinh hoàn độc lập hoặc 1 thùy độc lập của tinh hoàn.

Để giải quyết vấn đề này chỉ cần xét nghiệm gen của bố. Nếu bố là người có 2 nhóm máu, 2 loại tinh trùng, 2 bộ gen hoặc có những bộ phận có vẻ lạc loài trong hình thể thì đích thị bố là sinh đôi thể khảm, đã khảm một phần bộ gen người chú, là anh em song sinh, sang cơ thể mình.

Sinh đôi thể khảm cũng đã từng xảy ra ở mẹ khiến cho mẹ chung thủy, bố thụ thai, vậy rồi con sinh ra lại chẳng chịu có chút xíu gen nào của mẹ, nó lại mang gen của dì nó (em của mẹ). Lúc này, mẹ của em bé chính là người sinh đôi thể khảm, trong đó khảm những tế bào của dì vào cơ thể mẹ.

Sinh đôi nhưng lại giống... “bác hàng xóm”

Tình huống trong trường hợp này như sau: Bà mẹ sau lần vượt cạn vất vả, chào đời được 2 đứa con. Ban đầu, người ta thấy chúng không giống nhau lắm. Có sao đâu, có thể do trường hợp sinh đôi khác trứng mà. Bố mẹ em bé vẫn kỳ vọng đến lúc bé lớn lên ra hình ra hài thì chúng sẽ thêm phần giống bố, giống mẹ. Nhưng oái oăm thay, 2 đứa trẻ càng lớn, 1 đứa thì càng tỏ ra nịnh bố, giống bố đến “y xì đúc”. Nhưng đứa còn lại lại tỏ ra không ưa bố lắm, chẳng chịu giống bố chút nào. Điều bực mình nhất với ông bố, nó không giống bố thì nên giống mẹ phần nhiều, tự nhiên là thế, nhưng nó lại không làm thế. Nó lại cứ đòi thể hiện giống bác hàng xóm tốt bụng ở kế bên. Đi xét nghiệm gen thì không có gen của bố mà lại trùng khớp với gen của bác hàng xóm!!?? Trường hợp này là sinh đôi khác cha.

Tại sao lại có trường hợp này xảy ra? Mọi phiên lý lẽ đều được “quy về” cho mẹ. Lúc này, mặc dù có 2 đứa trẻ sinh đôi nhưng chúng lại có tận 2 người cha khác biệt hoàn toàn. Và sâu xa của vấn đề vừa nằm ở tự nhiên, vừa nằm ở xã hội.

Phần thuộc về tự nhiên như sau: bà mẹ đáng yêu của chúng ta có khả năng sinh sản ngoại lệ. Thông thường, chúng ta sẽ có 1 trứng rụng trong 1 chu kỳ kinh nguyệt để thụ tinh. Nhưng trong 1 tháng may mắn, bà mẹ có 2 trứng phát triển độc lập với nhau. Điều tuyệt vời tiếp theo, 2 trứng lại không rụng sát nhau, 1 trứng rụng, được tinh trùng của bố thụ tinh và thành thai nhi, 1 trứng kia, không chịu thoái hóa, lại tiếp tục rụng sau đó 1 vài tuần và tiếp tục được thụ tinh.

Phần thuộc về xã hội: tiếp câu chuyện ở trên, quả trứng rụng sau lẽ ra không được thụ tinh, bị thải ra ngoài vì tinh trùng của bố đã thụ tinh cho trứng đầu tiên hết rồi. Nhưng có vẻ bà mẹ của chúng ta trở nên phóng khoáng quá mức cần thiết, tình nguyện đem nốt quả trứng còn lại nhờ bác hàng xóm thụ tinh giúp hoặc là bác hàng xóm tốt bụng quá mức, sang nhà chơi, để quên tinh trùng cho quả trứng thứ 2 (nói đơn giản là bà mẹ ngoại tình sau khi đã được thụ thai). Hai người (mẹ+bác hàng xóm) cứ yên tâm là đã có thai với bố rồi thì chắc chẳng thể đậu thai tiếp. Nhưng thai vẫn đậu ngoài dự kiến, oái oăm thay. Thai của bố thì đã thụ thành công, vẫn lớn lên, thai của bác hàng xóm cũng chẳng kém cạnh, cũng thụ thành công và cũng lớn lên ngang ngửa. Cùng lúc bà mẹ mang 2 đứa con của 2 người cha khác nhau và chúng vẫn được sinh ra cùng 1 thời điểm, người ta gọi là sinh đôi khác cha.

Kết luận: Sự đa dạng của tự nhiên là bất tận. Có những điều xảy ra với tỷ lệ lớn sẽ được xếp vào quy luật của sinh giới. Những điều xảy ra với tỷ lệ nhỏ sẽ được xếp vào ngoài quy luật, gọi là đột biến. Sự đột biến tạo ra sự đa dạng. Và sự đột biến xảy ra với các cặp song sinh sẽ tạo ra những câu chuyện kỳ thú như ở trên. Sẽ còn nhiều câu chuyện kỳ thú về song sinh nhưng xin hẹn vào một dịp khác, chúng ta sẽ cùng khám phá tiếp về vấn đề này.

BS. Hưng Phúc - Theo Sức khỏe và Đời sống
Bình luận
Tin mới
  • 25/04/2024

    10 mẹo để loại bỏ nếp nhăn biểu cảm

    Nếp nhăn biểu cảm là những đường nhăn trên khuôn mặt xuất hiện khi chúng ta cử động cơ mặt. Chúng thường xuất hiện ở những vùng da mỏng manh như trán, giữa hai lông mày và xung quanh mắt và miệng.

  • 25/04/2024

    Dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thiếu hụt protein

    Protein là một chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với sức khỏe. Khi cơ thể thiếu hụt protein sẽ xuất hiện một số dấu hiệu cảnh báo..

  • 25/04/2024

    Dùng thuốc an toàn khi đang cho con bú

    Nếu bạn đang cho con bú sữa mẹ, bạn đang cho con bạn một khởi đầu khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu cần dùng thuốc, bạn có thể thắc mắc về việc thuốc có thể ảnh hưởng đến sữa mẹ như thế nào. Bài viết dưới đây là những gì bạn cần biết.

  • 25/04/2024

    Cẩn trọng với thói quen bóc da môi

    Bóc da môi là một thói quen không lành mạnh phổ biến ở nhiều người. Dù là vô tình hay hữu ý, nó có thể gây ảnh hưởng xấu đến sự khỏe đẹp của đôi môi.

  • 25/04/2024

    Tập thể dục khi mang thai

    Duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên trong suốt thai kỳ có thể giúp bạn khỏe mạnh và cảm thấy tốt nhất. Tập thể dục cũng có thể cải thiện tư thế của bạn và giảm một số khó chịu thường gặp như đau lưng và mệt mỏi. Một số bằng chứng cho thấy tập thể dục có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường thai kỳ (bệnh tiểu đường phát triển trong thai kỳ), giảm căng thẳng và tăng cường sức chịu đựng cần thiết cho quá trình chuyển dạ và sinh nở.

  • 24/04/2024

    Ngủ không quá 5 giờ mỗi đêm khiến da chảy xệ và nhiều nếp nhăn gấp đôi

    Thiếu ngủ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây lão hoá da. Nghiên cứu cho thấy người ngủ không đủ giấc làm tăng gấp đôi nếp nhăn và sự chảy xệ da so với người có giấc ngủ chất lượng.

  • 24/04/2024

    Mẹo chăm sóc da dầu mùa Hè

    Nhiệt độ cao kết hợp với ánh nắng khiến tuyến bã nhờn trên da hoạt động mạnh mẽ, da đổ nhiều dầu và dễ nổi mụn. Một vài mẹo chăm sóc da dưới đây giúp bạn kiểm soát dầu nhờn trên da.

  • 24/04/2024

    Nỗi lo an toàn thực phẩm mùa nắng nóng

    Thời tiết nắng nóng càng làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Cùng với sự quản lý của cơ quan chức năng, người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm, bởi nếu xuê xoa với bất kỳ vi phạm an toàn thực phẩm dù là nhỏ cũng gây hậu quả khôn lường.

Xem thêm