Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Bệnh tiểu đường hay đái tháo đường nguy hiểm như thế nào?

Ngày nay bệnh đái tháo đường (còn gọi bệnh tiểu đường) đang phát triển trên quy mô toàn thế giới, không những ở các nước phát triển mà cả các nước đang phát triển cũng có tỷ lệ mắc rất cao. Việt Nam có tỷ lệ mắc bệnh khoảng 5%.

Chính vì vậy, Tổ chức y tế thế giới đang báo động về căn bệnh này do các biến chứng của bệnh ngày càng nặng nề như khiến người bệnh trở nên tàn tật, hoặc mù lòa.
 

Để tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh này, trước hết ta phải biết đái tháo đường là gì?

Đái tháo đường (ĐTĐ) là một hội chứng có đặc tính biểu hiện bằng tăng glucose máu do hậu quả của việc thiếu hoặc mất hoàn toàn insulin hoặc có liên quan tới sự suy yếu trong bài tiết và hoạt động của insulin.

Phân loại đái tháo đường:

Đái tháo đường tuýp 1 (ĐTĐ phụ thuộc insulin)

  • Nguyên nhân là do tuyến tụy không sản xuất hoặc sản xuất được rất ít chất insulin. Do đó chỉ có cách điều trị là tiêm insulin đều đặn để duy trì hoạt động của cơ thể.
  • Thường gặp ở thanh niên và trẻ em.
  • Biểu hiện rầm rộ: tăng đường máu, có đường trong nước tiểu, uống nhiều, tiểu nhiều, ăn nhiều, sụt cân nhiều.
  • Đái tháo đường loại này có thể được kiểm soát tốt bằng insulin, chế độ ăn thích hợp, tập thể dục và theo dõi cẩn thận.

Đái tháo đường tuýp 2 (ĐTĐ không phụ thuộc insulin)

  • Đây là loại phổ biến nhất. Nguyên nhân là do tuyến tụy không đủ lượng insulin và/ hoặc các tế bào mỡ, gan, cơ hầu như không sử dụng insulin.
  • Thường gặp ở người trên 40 tuổi.
  • Biểu hiện âm thầm, không bộc lộ triệu chứng.
  • Thường đi kèm tình trạng thừa cân, béo phì và các biến chứng tim mạch, thần kinh, nhiễm khuẩn, rối loạn chuyển hóa.
  • Đái tháo đường loại này cần dùng thuốc viên, insulin hay kết hợp cả 2 để duy trì đường máu.

Ngoài ra, còn có đái tháo đường thai nghén: là triệu chứng rối loạn dung nạp glucose được chẩn đoán lần đầu tiên khi mang thai.

Biểu hiện của bệnh đái tháo đường như thế nào?

  • Ăn nhiều: Các tế bào cơ thể không có đủ năng lượng để thực hiện các hoạt động hàng ngày. Do vậy, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách tìm kiếm thêm nguồn năng lượng, dẫn đến những cơn đói cồn cào.
  • Đi tiểu nhiều: Lượng nước tiểu thường từ 3 lít trở lên, có nhiều trường hợp tiểu tới 15 – 20 lít/ngày, nước trong, khi khô thường để lại vết bẩn hoặc mảng trắng hoặc có ruồi, kiến bâu vào nước tiểu.
  • Uống nhiều: Thường xuyên đi tiểu khiến cho cơ thể bị mất nước vì vậy bệnh nhân phải uống lượng nước bằng với lượng nước tiểu thải ra.
  • Gầy nhiều: có thể giảm từ 5 đến 10 cân trong vòng 2-3 tháng. Nhưng với những người có bệnh tiểu đường, giảm cân đột ngột hoặc không rõ nguyên nhân có thể là một dấu hiệu của bệnh.
  • Mệt mỏi: Ở bệnh nhân tiểu đường, các tế bào cơ thể rất khó hấp thụ glucose gây ra sự thiếu hụt năng lượng trong cơ thể khiến bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi và khó chịu.
  • Biểu hiện của biến chứng: Tê bì tay chân, đau thắt ngực, mù lòa…

Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường là gì?

Theo WHO 1999

Phân loại Nồng độ glucose máu mmol/l (mg/dl)
Lúc đói Test dung nạp glucose sau 2h
ĐTĐ >7,0 (126) và/hoặc >11,1 (200)
Rối loạn dung nạp glucose <7,0 (126) và 7,8 – 11,1 (200)
Rối loạn glucose lúc đói 6,1 – 7  
Glucose máu bình thường lúc đói <6,1 và <7,8

Nghiệm pháp dung nạp glucose: bệnh nhân được đo nồng độ glucose máu trước và 2h sau khi uống 75 g glucose trong 250 ml nước. Trước đó bệnh nhân được nhịn đói qua đêm.

Bệnh đái tháo đường nguy hiểm như thế nào?

Do việc sử dụng đường kém hiệu quả dẫn đến tình trạng cơ thể thiếu năng lượng để hoạt động. Các rối loạn chuyển hóa tạo ra nhiều chất gây độc hại cho cơ thể, chúng phá hủy và giảm hoạt động của hệ thống tuần hoàn và các bộ phận trong cơ thể. Bệnh này gây ra các tác hại sau:

  • Người luôn mệt mỏi, giảm chất lượng cuộc sống.
  • Gây các biến chứng nguy hiểm: bệnh tiểu đường nhất là những trường hợp đường huyết không được ổn định, sẽ cho ra nhiều biến chứng như bệnh võng mạc mắt, bệnh suy thận, bệnh tim mạch, bệnh của hệ thống thần kinh ngoại biên, bệnh suy giảm miễn dịch làm dễ nhiễm trùng…
  • Gây tàn phế: Biến chứng cắt cụt chân là biến chứng thường gặp mà người mắc đái tháo đường sợ nhất, ước tính có hơn 5% các bệnh nhân đái tháo đường bị cắt cụt ngón chân, bàn chân, hoặc cẳng chân. Cứ mỗi 30 giây trôi qua, trên thế giới lại có một người bệnh ĐTĐ bị cắt cụt chân.
 
  • Gây tử vong vì các biến chứng: bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ bị tổn thương hệ thống mạch vành và các chứng đau thắt ngực, loạn nhịp tim, rung nhĩ, nhồi máu cơ tim, suy tim, tai biến mạch máu não, đột tử nhiều gấp 2-4 lần người thường.

Vì vậy, chúng ta cần theo dõi và phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh để chữa trị kịp thời và hạn chế tối thiểu các biến chứng nguy hiểm mà bệnh đái tháo đường gây nên…

Theo baovesuckhoe365.com
Bình luận
Tin mới
Xem thêm