Động kinh là một hội chứng bệnh lý của não xảy ra thành cơn, là bệnh thần kinh mạn tính phổ biến ảnh hưởng lớn đối với sức khoẻ người bệnh và cộng đồng. Nhiều quan niệm sai lầm cho rằng đây là bệnh tâm thần, bệnh di truyền. Do đó, khiến người bệnh tự ti không đi điều trị, gia đình bệnh nhân giấu bệnh vì lo sợ dị nghị, xấu hổ.
1. Bạn biết gì về bệnh động kinh?
Động kinh là bệnh trong dân gian còn gọi là phong xù, kinh phong, kinh giật. Đây là một trạng thái bệnh lý của não bộ, do sự phóng điện đột ngột kịch phát và tăng đồng bộ của các tế bào thần kinh vỏ não. Với đặc điểm có các cơn rối loạn kịch phát chức năng của não về vận động, tâm thần, cảm giác, giác quan, thần kinh thực vật và ý thức.
Theo thống kê, số người mắc bệnh động kinh chiếm khoảng 0,5 - 0,7% dân số, số người bệnh mới mắc trung bình hàng năm là 20 - 70 người trong 100.000 dân. Nhưng tỷ lệ giữa các nước, vùng, khu vực có sự khác nhau.
Điều đáng lưu ý, tỷ lệ bệnh động kinh ở trẻ em khá nhiều, khoảng 50% số bệnh nhân động kinh dưới 10 tuổi và đến 75% số người động kinh dưới 20 tuổi. Tuổi càng lớn thì tỷ lệ bệnh động kinh càng thấp, nhưng từ tuổi 60 trở lên tỷ lệ động kinh lại tăng lên. Các nguyên nhân tử vong là do trạng thái động kinh, tự tử và tai nạn khi lên cơn.
Bệnh động kinh có thể gây ra chậm phát triển trí tuệ, nếu bệnh xảy ra ở trẻ nhỏ, điều trị không đúng sẽ gây trở ngại đến việc học tập, lao động. Về lâu dài có thể trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng, thích hợp có thể chữa khỏi, bệnh ổn định lâu dài. Vì đa phần người bệnh động kinh chỉ cần dùng thuốc, điều trị nội khoa tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ là khỏi bệnh, và tỷ lệ rất nhỏ khoảng có 10-20% bệnh nhân phải tiến hành phẫu thuật.
Động kinh là bệnh thần kinh mạn tính phổ biến ảnh hưởng lớn đối với sức khoẻ và cộng đồng.
2. Nguyên nhân gây bệnh động kinh
Có nhiều nguyên nhân động kinh trong đó có thể chia như sau:
- Động kinh ở trẻ sơ sinh: Theo nghiên cứu khoảng 1% trẻ sơ sinh có các cơn co giật và thường là động kinh triệu chứng, các nguyên nhân chính là:
Ngạt lúc lọt lòng
Chấn thương sản khoa
Hạ canxi huyết
Hạ magne huyết
Hạ natri huyết
Chảy máu trong sọ
Hạ đường huyết...
- Động kinh ở trẻ: Đối với trẻ nhỏ (sau sơ sinh) có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây động kinh. Các nguyên nhân thường gặp là:
Bại não
Viêm não
Viêm màng não
Tổn thương cấu trúc trong sọ
Bệnh chuyển hoá
Ngộ độc (thuốc, chì)
Bệnh di truyền
Chấn thương
Và động kinh nguyên phát (không rõ nguyên nhân)…
- Động kinh ở người lớn:
Do chấn thương
Do khối u
Chảy máu
Dị dạng mạch máu
Bệnh mạch máu não
Bệnh bẩm sinh
Nhiễm độc rượu
Thuốc tâm thần, lạm dụng thuốc…
- Động kinh ở người già: Động kinh có thể do ung thư di căn, u não, các rối loạn tuần hoàn não...
Động kinh là một hội chứng bệnh lý của não xảy ra thành cơn.
3. Dấu hiệu nhận biết cơn động kinh
Có nhiều biểu hiện khác nhau ở cơn động kinh, một số trường hợp có triệu chứng báo trước, xảy ra trước cơn động kinh. Những triệu chứng này xảy ra nhanh ngay trước cơn thì gọi là cơn động kinh thoảng qua.
Biểu hiện rất đa dạng nhưng thường gặp là:
3.1. Động kinh toàn thể
Cơn động kinh xuất hiện rất đột ngột, người bệnh thường kêu lên một tiếng rồi ngã lăn ra, ngay lập tức mất ý thức hoàn toàn.
Cơn động kinh thường trải qua 3 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Giai đoạn co cứng kéo dài trong khoảng chừng một phút, khi đó người bệnh động kinh có biểu hiện co cứng toàn bộ các cơ tứ chi, cơ ở thân, ở ngực, hai tay co, hai chân duỗi… dẫn đến ngưng thở, tím tái, có thể cắn vào lưỡi.
- Giai đoạn 2: Giai đoạn co giật cơ kéo dài trong khoảng chừng một vài phút, khi đó người bệnh giật cơ từng đợt đều đặn có nhịp, hai mắt trợn trừng, nhấp nháy, miệng sùi bọt có lẫn máu.
- Giai đoạn 3: Giai đoạn hôn mê, lú lẫn, sau giai đoạn co giật người bệnh vào giai đoạn hôn mê sâu, thở rống, đái trong quần. Sau đó lúc tỉnh dậy thấy đau đầu, mỏi mệt.
Tuy nhiên, cũng có người có thể gặp cơn không điển hình, người bệnh chỉ mất ý thức, té ngã.
Có nhiều biểu hiện khác nhau ở cơn động kinh như co giật cơ, hai mắt trợn trừng, nhấp nháy, miệng sùi bọt.
3.2. Động kinh vắng ý thức
Ở trạng thái này người bệnh động kinh có đặc trưng bởi sự đột ngột mất ý thức, ngừng mọi hoạt động trong thời gian rất ngắn vài chục giây. Lúc đó họ như đờ đẫn, mắt nhìn vô hồn, đánh rơi viết, đồ vật đang cầm hoặc chữ viết bỗng trở nên nguệch ngoạc. Đây là tình trạng rất nguy hiểm nếu người bệnh động kinh đang điều khiển phương tiện lưu thông, trèo cao, lao động…
3.3. Động kinh cục bộ
Người bệnh động kinh ngoài các trạng thái trên còn có thể gặp các cơn co giật cục bộ ở mặt, tay hoặc chân…
3.4. Động kinh thái dương
Ở trạng thái này còn gọi là động kinh tâm thần. Đây là một vấn đề rất phức tạp, đòi hỏi phải có nhiều kinh nghiệm mới có thể chẩn đoán được vì biểu hiện của nó rất giống rối loạn tâm thần.
Khi mắc các vấn đề về động kinh, nếu không được điều trị đúng sẽ gây các hệ luỵ cho người bệnh. Trong đó thường thấy là biến đổi nhân cách, tính tình. Người bệnh trở nên dễ giận dữ, ích kỷ, độc ác, có tính thù vặt, tư duy lai nhai… Lâu hơn nữa có thể sa sút tâm thần do bệnh động kinh.
Điều đặc biệt nếu không kiểm soát được cơn động kinh, người bệnh có thể lên cơn lúc đang làm việc gây ra tai nạn như: Té ngã gây bỏng, nguy hiểm thậm chí có thể tử vong nếu không có người cứu kịp thời.
4. Chăm sóc người bệnh động kinh tại nhà như thế nào?
Bệnh động kinh nếu phát hiện sớm, điều trị đúng có thể khỏi bệnh, ổn định lâu dài. Người bệnh vẫn phát triển trí tuệ, có thể học tập bình thường. Vì vậy không được kỳ thị người bệnh, nếu phát hiện người thân có những biểu hiện nên đến cơ sở y tế gần nhất để được khám.
Người thân nên động viên, nhắc nhở người bệnh uống thuốc đúng theo hướng dẫn của thầy thuốc.
Uống đủ liều, đủ thời gian, không được tự ý ngưng thuốc, bỏ thuốc, đổi thuốc mà không có ý kiến của bác sĩ.
Nếu không tuân thủ bác sĩ điều trị có thể làm xuất hiện cơn động kinh liên tục rất nguy hiểm đến tính mạng.
5. Xử trí đúng cơn động kinh và những điều cần tránh
5.1. Xử trí khi có cơn động kinh
Nếu có cơn động kinh xảy ra, cần phải xử trí đúng. Để hạn chế tối đa các thương tổn do co giật có thể gây ra cần xử trí đúng như sau:
Bước 1: Cần cho người bệnh nằm nghiêng sang bên trái, lau sạch nước bọt, các chất nôn, ói (nếu có)…
Bước 2: Nới rộng cổ áo, thắt lưng để người bệnh dễ thở hơn. Yêu cầu mọi người xung quanh lùi ra xa tạo không gian thoáng khí.
Bước 3: Lót dưới đầu người bệnh chăn, màn hay gối để giảm sang chấn khi co giật.
Bước 4: Xem gần người bệnh có đồ vật có thể gây sang chấn cho bệnh nhân: Bàn ghế, đồ vật sắc nhọn… cần di dời. Bạn có thể dùng tay đè lên các khớp lớn như khớp gối để giảm nguy cơ trật khớp do co giật.
Bước 5: Sau cơn động kinh cần ở bên cạnh người bệnh vì một số bệnh nhân có lú lẫn, hành vi vô ý thức có thể nguy hiểm cho bản thân và người khác.
Lưu ý: Cần theo dõi thời gian của cơn co giật của người bệnh động kinh. Thông thường sau cơn động kinh khoảng 2 - 4 phút sẽ hết co giật. Nếu trường hợp đã hết co giật nhưng người bệnh vẫn chưa tỉnh táo trở lại, có biểu hiện khó thở, lên một cơn động kinh khác cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
5.2. Những điều cần tránh
Không cố gắng đưa bất cứ đồ vật nào vào miệng bệnh nhân vì lo sợ người bệnh căn phải lưỡi, chỉ thực hiện ngáng lưỡi khi thành thạo kỹ năng này.
Tuyệt đối không di chuyển bệnh nhân khi đang co giật, không đè hoặc giữ tay, chân bệnh nhân lúc đang co giật.
Tuyệt đối không được nhỏ chanh, hay ép người bệnh uống bất cứ chất nào khác vì không những không cắt được cơn mà còn có nguy cơ làm tắc đường thở gây tử vong.
Không được chữa thầy bùa, làm phép, không chữa bệnh theo mách bảo… sẽ gây mất thời gian điều trị bệnh và nguy hại đến sức khoẻ.
Không được xa lánh, kỳ thị người bệnh, cần thương yêu, nâng đỡ, tạo điều kiện cho người bệnh bớt mặc cảm bệnh tật, tạo không khí thoải mái, vui chơi, giải trí để họ có thể phát huy việc học, lao động.
5.3. Đối với người bệnh cần
Uống thuốc đúng chỉ định, bảo quản thuốc kháng động kinh thật cẩn thận vì quá liều sẽ gây ngộ độc.
Không nên xem tivi truyền hình, chơi vi tính quá lâu có thể làm cơn động kinh xuất hiện.
Không nên làm các công việc nguy hiểm như trèo cao, lái xe, vận hành máy móc, công việc liên quan đến sông nước, lửa, ga… vì có nguy cơ xảy ra tai nạn hoả hoạn, tử vong nếu bất chợt xảy ra cơn động kinh.
Tóm lại: Điều trị bệnh động kinh bằng thuốc, do đó người bệnh cần tuân thủ điều trị, tránh điều trị theo mách bảo sẽ nguy hại đến sức khoẻ. Cần nhớ rằng điều trị tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ là có thể khỏi bệnh. Trong quá trình điều trị, cách chăm sóc người bị bệnh động kinh rất quan trọng vì các yếu tố như tinh thần, chế độ dinh dưỡng… cũng ảnh hưởng rất nhiều đến cơn co giật, vì thế người thân lẫn bệnh nhân đều phải biết cách chăm sóc người bị động kinh đúng đắn, khoa học. Sự quan tâm, hỗ trợ trong cuộc sống từ phía gia đình rất quan trọng, giúp cải thiện sức khỏe lẫn tinh thần của bệnh nhân được thoải mái và nhanh nhất.
Tham khảo thêm thông tin bài viết: Bệnh động kinh ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?
Do các loại thuốc Tây y điều trị bệnh Parkinson thường đi kèm với tác dụng phụ và nguy cơ “nhờn thuốc” khi dùng lâu dài, nhiều người tìm tới các phương pháp Đông y với hy vọng các loại thảo dược tự nhiên sẽ an toàn hơn với cơ thể.
Khi bước vào giai đoạn lão hóa, cơ thể con người trải qua nhiều thay đổi sinh lý, suy giảm chức năng của hệ cơ xương khớp và dễ mắc phải các bệnh lý về xương khớp, đặc biệt là trong mùa đông lạnh
Tức giận là một cảm xúc bình thường mà ai cũng sẽ trải qua, bởi hiếm ai có thể giữ được bình tĩnh khi bị tấn công, xúc phạm, phản bội hay thất bại... Tuy nhiên, tức giận quá thường xuyên hoặc kéo dài có thể gây ra nhiều vấn đề đối với sức khỏe.
Mùa đông đến đi kèm với sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, không khí hanh khô và độ ẩm giảm. Những yếu tố này gây nên các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu. Các bệnh lý đường hô hấp không chỉ gây khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.
Đau chân là vấn đề phổ biến ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của nhiều người. Cùng tìm hiểu 9 phương pháp đơn giản, hiệu quả để chữa đau chân tại nhà. Áp dụng đúng cách, bạn có thể giảm đau, cải thiện lưu thông máu và tăng cường sức khỏe cho đôi chân của mình.
Thật khó khăn khi bạn phải đối mặt với bệnh tiêu chảy, nhất là khi bạn đang phải cho con bú. Trong bài viết này, Viện Y học ứng dụng Việt Nam sẽ chia sẻ một số biện pháp khắc phục tự nhiên để điều trị bệnh tiêu chảy cho các bà mẹ vẫn đang trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ.
Ăn rau đầu tiên trong bữa ăn có tác dụng thế nào với người bệnh đái tháo đường? Thứ tự các ăn các món trong bữa ăn của người bệnh đái tháo đường có gì đặc biệt? Nhân Ngày thế giới phòng chống đái tháo đường 14/11, cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Ngày Trẻ em Thế giới là dịp để chúng ta cùng nhau tôn vinh và bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước. Trong bối cảnh cuộc sống hiện đại với nhiều thay đổi, việc chăm sóc sức khỏe toàn diện cho trẻ em càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.