Bản tin mới về Sức khoẻ và Y tế ngày 21/6
Hà Nội: 30 ca nhập viện mỗi ngày do sốt xuất huyết
Số ca mắc sốt xuất huyết tăng bất thường
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến nay, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận khoảng 1.700 bệnh nhân (tăng 3,9 lần so với cùng kỳ năm trước), trong đó có một trường hợp tử vong (tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa). Trung bình mỗi ngày có hơn 30 ca sốt xuất huyết nhập viện.
Nhiều địa bàn ghi nhận số ca mắc cao hơn nhiều so với năm ngoái, như Đống Đa (gần 500 ca, tăng 8,8 lần so với cùng kỳ năm 2016), Hoàng Mai (gần 400 ca, tăng 6,4 lần); các quận, huyện như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín... có số ca mắc sốt xuất huyết tăng từ 3 đến 5 lần so với cùng kỳ năm 2016.
Chỉ số côn trùng có tăng cao bắt đầu từ tháng 3, có nhiều điểm vượt ngưỡng nguy cơ như An Khánh, Phú Lương, La Phù, Dương Nội, Hoàng Liệt, Trương Định, Láng Thượng - cao nhất vào tháng 5.
Nguồn: http://congly.vn/xa-hoi/suc-khoe/ha-noi-30-ca-nhap-vien-moi-ngay-do-sot-xuat-huyet-214854.html
Việt Nam sắp ghép được mặt, ruột, tử cung
GS Trịnh Hồng Sơn chia sẻ bước tiến mới trong lĩnh vực ghép tạng tại Việt Nam
Chia sẻ ngày 20/6, GS.TS. Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm điều phối tạng quốc gia chia sẻ một bước tiến mới trong lĩnh vực ghép tạng.
Ghép tứ chi, ghép mặt và ghép tử cung, ghép phổi tạo bước đi mới trong lĩnh vực ghép tạng ở Việt Nam. Ca ghép phổi cho người lớn sẽ được Bệnh viện Việt Đức thực hiện vào tháng 9-2017. Bệnh viện cũng sẵn sàng cho việc ghép chi thể, ghép mặt và ghép tử cung. Đối với ca ghép phổi, bệnh nhân dự kiến được ghép phổi là một người đàn ông bị bệnh lý về phổi, luôn phải sử dụng máy thở để duy trì sự sống.
Tính đến 31/5/2017, số ca ghép tạng tại Việt Nam lên tới 2.425 ca. Trong đó, Việt Nam đã thực hiện thành công 2.327 ca ghép thận, 77 ca ghép gan, 18 ca ghép tim, một ca ghép thận + tụy, một ca ghép tim + phổi và một ca ghép phổi.
Nguồn: http://danviet.vn/tin-tuc/viet-nam-sap-ghep-duoc-mat-ruot-tu-cung-780728.html
Vỡ tá tràng do bị cọc nhồi bê tông ép vào bụng
Cọc bê tông ép khiến bệnh nhân bị vỡ, dập nhiều bộ phận nội tạng
Ngày 20/6, thông tin từ BS Mai Hóa, Trưởng khoa Nội tổng quát, Bệnh viện Quận Thủ Đức, TPHCM cho hay, tại đây vừa tiếp nhận, kịp thời cứu sống một trường hợp bị tai nạn lao động chấn thương rất nặng.
Nạn nhân là anh Nguyễn Tành C. (33 tuổi) nhập viện trong tình trạng co gồng cứng toàn thân, đau bụng dữ dội. Khai thác bệnh sử ghi nhận, trong quá trình lao động, do sơ ý nên anh bị cọc nhồi bê tông ép vào bụng, gục tại chỗ. Qua các xét nghiệm huyết học, sinh hóa, siêu âm, chụp CT-Scanner, bác sĩ xác định, người bệnh bị viêm phúc mạc toàn thể do vỡ tạng rỗng sau chấn thương bụng kín.
Sau nhiều giờ khẩn trương trên bàn mổ, bác sĩ đã giúp người bệnh vượt qua được cơn nguy kịch. Hiện bệnh nhân đang được theo dõi, chăm sóc tích cực, tình trạng sức khỏe dần ổn định.
Nguồn: http://vtc.vn/vo-ta-trang-do-bi-coc-nhoi-be-tong-ep-vao-bung-d331181.html
Nam Định: Cấp cứu cho bé trai bị mũi kéo cắm xuyên qua tai
Phim chụp X-quang cho thấy mũi kéo đâm sâu vào bên tai bệnh nhi.
Một bé trai 2 tuổi rưỡi bị một chiếc kéo to cắm vào ống tai, sau đó được bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương mổ rút dị vật. Bệnh nhi được gia đình đưa vào bệnh viện Nam Định hôm 19/6 rồi chuyển lên Hà Nội.
Kiểm tra nhanh, các bác sĩ nhận thấy cháu bé may mắn không bị tổn thương thần kinh số 7. Phim chụp X-quang phát hiện mũi kéo đâm sâu vào trong tai khoảng hơn 3 cm. Sau khi gây mê nội khí quản, các bác sĩ đã quyết định rút trực tiếp dị vật.
Sau khi cấp cứu, hiện cháu bé đã tỉnh táo, chơi ngoan, vết thương không còn chảy máu. Các bác sĩ vẫn tiếp tục theo dõi đề phòng sẹo hẹp ống tai.
Nguồn: http://vtc.vn/nam-dinh-cap-cuu-cho-be-trai-bi-mui-keo-cam-xuyen-qua-tai-d331179.html
Bé 9 tháng tuổi bị biến dạng mặt vì xe tập đi lao vào bếp lửa
Ngày 20/6, BS Hồ Xuân Hương, Khoa Bỏng trẻ em (Viện Bỏng quốc gia) cho biết, bé Hứa Thị Như Phượng, 9 tháng tuổi, Thiện Hòa, Bình Gia (Lạng Sơn) nhập viện ngày 14/6 trong tình trạng bỏng nặng.
Trước đó, chiều tối hôm 12/6 bà nội sắp nồi cơm đặt lên bếp củi nấu rồi chạy ra ngoài đóng cửa chuồng gà. Cháu Phượng đang ngồi ở chiếc xe tập đi thấy chỗ bếp sáng liền lao xe vào. Bé Phượng bị bỏng 15%, trong đó 12% độ sâu 3 – 4 ở đầu, mặt, cổ, thân chi. Phần mặt của bé bị ngã vào bếp nên tình trạng vô cùng nguy hiểm bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến mắt và đường hô hấp.
Hiện tại bé Phượng được điều trị tích cực và vết thương trên cơ thể bé đã có chuyển biến tích cực, mắt đã hé được một phần. Tuy nhiên, do vết bỏng sâu thời gian tới bé sẽ trải qua nhiều đợt phẫu thuật, phải điều trị lâu dài.
Nguồn: http://danviet.vn/tin-tuc/be-9-thang-tuoi-bi-bien-dang-mat-vi-xe-tap-di-lao-vao-bep-lua-780721.html
Ghép sọ não cứu bé trai 37 ngày tuổi bị xuất huyết não do thiếu vitamin K
Trước đó, ngày 07/5/2017, tại Hồi Sức Cấp Cứu, BV Sản Nhi Quảng Ninh tiếp nhận bé Phạm Đức P. (37 ngày tuổi, tại TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh). Bé nhập viện trong tình trạng quấy khóc từng cơn, li bì, bỏ bú kèm theo có nôn trớ sau ăn, da nhợt nhạt được gia đình đưa vào viện khám… Qua hội chẩn chuyên khoa, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị: Xuất huyết trong não lan rộng, tại nhiều nơi và chỉ định Phẫu thuật Lấy máu tụ trong sọ, ngoài màng cứng, dưới màng cứng cho bé.
Hiện sau 45 ngày điều trị, chăm sóc đặc biệt tại BV, bé Phạm Đức P. đã được các bác sĩ cho ra viện, về đoàn tụ cùng gia đinh.
Nguồn: http://suckhoedoisong.vn/ghep-so-nao-cuu-be-trai-37-ngay-tuoi-bi-xuat-huyet-nao-do-thieu-vitamin-k-n133085.html
Suýt mất mạng vì tự ý bôi thuốc bảo vệ thực vật lên người
Chị Cứ Thị Phua và các vết lở loét trên vùng bụng do bôi thuốc bảo vệ thực vật lên người để chống ngứa.
Trung tâm Y tế huyện Mường Chà, Điện Biên vừa cứu chữa kịp thời 1 bệnh nhân suýt mất mạng vì tự ý bôi thuốc bảo vệ thực vật lên người để chống ngứa.
Trước đó, vào ngày 14/6, khi bị mẩn ngứa trong thời gian dài, chị Phua đã tự ý bôi thuốc bảo vệ thực vật lên phần vai phải và thấy dễ chịu hơn. Do đó, sáng hôm sau, chị lại tiếp tục bôi nhiều hơn tại vùng bụng. Sau khi bôi thuốc, không những không hết ngứa, mà chị còn thấy dần xuất hiện các triệu chứng nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, chảy nước miếng, chảy nước mắt... Nhờ được các bác sỹ cấp cứu kịp thời, chị Phua hiện đã tạm qua cơn nguy kịch.
Nguồn: http://vov.vn/tin-24h/suyt-mat-mang-vi-tu-y-boi-thuoc-bao-ve-thuc-vat-len-nguoi-638017.vov
Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Bản tin mới về Sức khoẻ và Y tế ngày 20/6
Chế độ ăn uống lành mạnh không thể thiếu thực phẩm giàu creatine - hợp chất tự nhiên giúp cung cấp năng lượng cho cơ bắp, cải thiện hiệu suất tập luyện và sức khỏe não bộ.
Có rất nhiều loại bệnh võng mạc khác nhau. Những bệnh này có thể do gen di truyền từ cha mẹ hoặc từ tổn thương võng mạc tích lũy trong suốt cuộc đời. Một số loại bệnh võng mạc phổ biến hơn các bệnh khác.
Chuối là một trong những loại thực phẩm có lợi ích dinh dưỡng đáng kể. Vậy khi ăn chuối luộc có tác dụng gì?
Nhiễm ký sinh trùng có thể dẫn đến một loạt các vấn đề sức khỏe như các triệu chứng về tiêu hóa không rõ nguyên nhân, ngứa, thiếu máu, đau cơ và khớp, ăn không thấy no,… Cùng tìm hiểu về 10 dấu hiệu cho thấy có thể bạn đang nhiễm ký sinh trùng qua bài viết sau đây!
Nước dừa có thành phần dinh dưỡng đặc biệt và nhiều lợi ích cho sức khỏe như cung cấp chất điện giải, giúp hạ huyết áp... Đây là lý do nước dừa ngày càng trở thành lựa chọn phổ biến của nhiều người.
Dù là trà đen, trà xanh, trà trắng hay trà ô long, trà nóng hay trà đá đều có nguồn gốc từ cây trà, Camellia sinensis. Nhưng trà thảo mộc thì khác. Trà thảo mộc bắt nguồn từ việc ngâm nhiều loại hoa, lá hoặc gia vị trong nước nóng. Hầu hết các loại trà này đều không có caffeine. Bạn có thể bắt đầu bằng những túi trà làm sẵn hoặc ngâm các nguyên liệu rời và sau đó lọc bỏ bã.
Nhiều người thực hiện thải độc cơ thể theo hướng dẫn truyền miệng và trên các nền tảng xã hội... và hiện nay đang dấy lên trào lưu thải độc bằng nước cốt chanh. Vậy sự thật về phương pháp thải độc này như thế nào?
Dầu dừa là một chất dưỡng ẩm tự nhiên. Nhiều người bị chàm nhận thấy dầu dừa có tác dụng làm dịu da và giảm các triệu chứng như khô và ngứa.