Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Ảo thính: nguyên nhân và cách điều trị, dự phòng

Ảo thính – hay ảo giác thính giác – là tình trạng xảy ra khi nghe thấy giọng nói hoặc âm thanh lạ không tồn tại trong thực tế. Tình trạng này có thể chỉ xảy ra tạm thời và không gây hại gì tới sức khỏe, tuy nhiên trong một số trường hợp đặc biệt chúng có thể là dấu hiện của các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng.

Điều gì gây ra ảo thính?

Ảo thính xảy ra khi một người nghe thấy những âm thanh hoặc giọng nói không có thật trong thực tại. Những âm thanh này được người gặp phải miêu tả là rất thật – dù thực tế không phải vậy. Tình trạng này là một trong các loại ảo giác phổ biến ở con người, bên cạnh một số loại ảo giác khác như ảo thị (ảo giác thị giác), ảo khứu (ảo giác khứu giác)…

Đối với những người gặp phải tình trạng này, ảo thính được mô tả có thể cảm nhận qua nhiều hình thức khác nhau, bao gồm âm thanh nghe thấy qua tai, cảm nhận qua bề mặt cơ thể, cảm nhận trong tâm trí hoặc đơn giản là từ bất cứ nơi nào trong vùng không gian xung quanh. Tình trạng này có thể xảy ra một cách thường xuyên, hoặc chỉ xuất hiện theo từng đợt, với những cơn ngắn cô lập.

Trong y khoa, ảo thính thường liên quan đến tâm thần phân liệt – một tình trạng bệnh lý nặng của tâm thần – hay có thể xuất hiện cùng với một số vấn đề sức khỏe tâm thần khác. Một số tình trạng bệnh lý không liên quan đến tâm thần cũng có thể gây ra tình trạng này như mất thính lực…

Theo nghiên cứu, ước tính có khoảng 5-28% dân số tại Hoa Kỳ gặp phải ảo thính, và đây được coi là loại ảo giác phổ biến nhất. Một số trường hợp đặc biệt báo cáo trải qua cảm giác này trong khi ngủ, và vì phổ biến như vậy nên thông thường đây không phải là tình trạng quá nguy hiểm.

Các loại ảo thính

Có 2 kiểu ảo giác thính giác nổi bật là nghe thấy giọng nói hoặc nghe thấy âm thanh/tiếng ồn.

1. Nghe thấy giọng nói

Tình trạng ảo thính nghe thấy giọng nói là hiện tượng xuất hiện giọng nói vang lên trong đầu, cảm giác rất thật như có người đang nói nhưng thực tế không có bất kỳ giọng nói nào. Trải nghiệm tình trạng này có thể khác nhau ở nhiều người khác nhau, nhưng thậm chí có thể khác nhau ở mỗi lần gặp phải trên cùng 1 người.

Khi mô tả sự khác biệt, những tiêu chí được liệt kê bao gồm tần suất gặp phải, cảm giác ra sao, nội dung có quen thuộc hay không, phát ra từ một nguồn hay nhiều nguồn, số lượng giọng nói ít hay nhiều hay tính chất của giọng nói (trực tiếp, gián tiếp như đang ngồi trong hội trường hay đang có người thảo luận xung quanh). Bên cạnh đó, các trường hợp gặp phải còn mô tả giọng nói mang tính tích cực hay tiêu cực, gây đau đầu, khó chịu và còn có thể ra lệnh làm điều gì đó có thể gây hại cho bản thân hoặc người xung quanh.

Tình trạng ảo thính giọng nói thường ảnh hưởng đến những người mắc phải tâm thần phân liệt và/hoặc rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Đôi khi, chúng có thể xảy ra với bất cứ ai khỏe mạnh.

2. Nghe thấy âm thanh/tiếng ồn

Nếu ai đó nói rằng họ gặp phải ảo thính trong giấc ngủ, ngay lúc bắt đầu thiếp đi hoặc thức dậy thì điều này có thể được coi là bình thường, không đáng lo ngại. Theo nghiên cứu, 70% người được khảo sát nói rằng họ gặp phải tình trạng như vậy ít nhất 1 lần trong đời.

Trong trường hợp gặp nghe thấy âm thanh/tiếng ồn ngay trong khi tỉnh táo, đây có thể là dấu hiệu của vấn đề sức khỏe tâm thần hay thần kinh. Trong trường hợp này, nên đi khám để được các chuyên gia y tế đánh giá và có các biện pháp xử trí kịp thời.

Nguyên nhân nào gây ra ảo thính?

1. Tâm thần phân liệt

Khoảng 75% người mắc phải tình trạng tâm thần phân liệt báo cáo gặp phải ảo thính, với điển hình là ảo thính nghe thấy giọng nói. Tâm thần phân liệt ở đây đề cập đến một bệnh với một loại các điều kiện xảy ra thuộc nhóm rối loạn tâm thần. Tình trạng này có thể xảy ra và khiến người mắc bệnh như ngừng kết nối với thực tế, trong đó các loại ảo giác xuất hiện.

Tâm thần phân liệt đặc trưng bởi:

  • Các rối loạn tâm thần
  • Ảo giác
  • Ảo tưởng (niềm tin sai lầm vào 1 vấn đề)
  • Lời nói, hành vi không kiểm soát
  • Cảm xúc bị ức chế
  • Suy giảm khả năng suy luận, giải quyết vấn đề
  • Rối loạn các chức năng khác

Tình trạng tâm thần phân liệt có thể tiến triển qua nhiều giai đoạn khác nhau, và mỗi giai đoạn đó cũng có thể gặp phải các ảo giác.

2. Các tình trạng sức khỏe tâm thần khác

Một số tình trạng sức khỏe tâm thần khác có thể gây ra ảo thính bao gồm: rối loạn lưỡng cực (20-50%), rối loạn căng thẳng sau chấn thương (khoảng 40%), rối loạn lo âu, trầm cảm (14%) và khoảng 10% người bị trầm cảm nặng.

3. Khiếm thính

Khiếm thính là một tình trạng có thể gây ra ảo thính. Theo nghiên cứu, ảo thính xảy ra ở khoảng 16% người trưởng thành bị khiếm thính, với 2 dạng cơ bản là ù tai và phức tạp (kết hợp của cả lời nói và âm thanh).

4. Các nguyên nhân khác

Những nguyên nhân này thường là tạm thời, bao gồm:

  • Sử dụng chất kích thích như rượu bia, ma túy
  • Thiếu ngủ
  • Trạng thái đói cực độ
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc nhất định
  • Căng thẳng hoặc đau buồn cực độ
  • Các tình trạng nhiễm trùng
  • Phục hồi sau can thiệp gây mê phẫu thuật
Điều trị ảo thính

Việc điều trị ảo giác thính giác phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra nó. Ảo giác gây ra bởi các điều kiện nhất định tạm thời, do vậy chúng sẽ dừng lại sau khi các vấn đề được điều trị hoặc được loại bỏ.

1. Thuốc để kiểm soát ảo thính

Thuốc để kiểm soát ảo thính có thể được sử dụng trong điều trị, bao gồm:

  • Các thuốc an thần kinh (thuốc chống loạn thần). Những loại thuốc này có thể giúp giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của ảo giác, đặc biệt là ở những trường hợp tâm thần phân liệt. Tất nhiên, thuốc cũng có những tác dụng phụ nhất định.
  • Thuốc bình thần. Thuốc bình thần hay hướng tâm thần, chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm và thuốc ổn định tâm trạng có thể giúp điều trị ảo giác trong đó có ảo thính ở những trường hợp bị trầm cảm hoặc hưng cảm nặng.

2. Tâm lý trị liệu (liệu pháp trò chuyện). Liệu pháp này có thể giúp kết hợp với thuốc.

Tâm lý trị liệu là một thuật ngữ chỉ một loạt các kỹ thuật điều trị nhằm giúp xác định và thay đổi những cảm xúc, suy nghĩ cùng hành vi đáng lo ngại. Một nhà tâm lý học hoặc bác sĩ tâm thần là người có thể hỗ trợ, giáo dục và hướng dẫn tốt nhất. Các loại tâm lý trị liệu có thể giúp hỗ trợ điều trị ảo giác thính giác bao gồm:

  • Liệu pháp hành vi nhận thức – học cách sửa đổi cách thức trải qua ảo thính, từ đó mang lại cảm giác kiểm soát và cải thiện đối với tình trạng này.
  • Liệu pháp chấp nhận và cam kết – giúp giảm ảo giác thính giác và có thể làm tăng cảm giác kiểm soát đối với người mắc bệnh.
  • Điều trị tích hợp tập trung vào ảo giác. Đây là một phương pháp điều trị cụ thể cho ảo giác bằng lời nói thính giác, liên quan đến các kỹ thuật từ liệu pháp hành vi nhận thức, tâm lý học, đào tạo đối phó, phục hồi chức năng và dùng thuốc. Phương pháp này nhấn mạnh sự tham gia tích cực của gia đình, sự can thiệp mạnh khi cần thiết và các chiến lược chuyên biệt.

Làm thế ngăn chặn ảo thính?

Nếu đang gặp phải tình trạng ảo thính khi ngủ thiếp đi, lời khuyên từ các chuyên gia như sau:

  • Ngủ đủ giấc, đủ chất lượng.
  • Ngủ đúng lịch, đều đặn.
  • Tránh rượu, chất kích thích và một số loại thuốc.

Trong các trường hợp liên quan đến các vấn đề sức khỏe tâm thần hoặc tình trạng thần kinh, hãy tham khảo ý kiến từ chuyên gia y tế để được tư vấn và có biện pháp hữu hiệu. Ngoài thuốc và liệu pháp trò chuyện, nhiều phương pháp khác nhau cũng có thể giúp quản lý và đối phó với tình trạng này như:

  • Các kỹ thuật gây mất tập trung, chẳng hạn như nghe nhạc, tập thể dục, nấu ăn hoặc thực hiện một sở thích. Điều này giúp các giọng nói ảo giác dịu đi, hoặc làm lơ đãng.
  • Tham gia nhóm hỗ trợ với những người khác trải qua ảo giác bằng lời nói thính giác.
  • Tự quyết tâm, chẳng hạn như phớt lờ giọng nói hoặc đứng lên chống lại chính điều đó.

Tổng kết

Ảo thính hay ảo giác thính giác có nhiều nguyên nhân khác nhau, và có những trường hợp không phải là điều gì quá đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu tình trạng này ảnh hưởng quá nhiều, gây gián đoạn và suy giảm chất lượng cuộc sống thì cách tốt nhất là cần tìm đến sự giúp đỡ của các chuyên gia y tế, thông qua việc khám và được tư vấn để có biện pháp can thiệt kịp thời. Kiểm tra sức khỏe định kỳ, và càng sớm càng tốt khi phát hiện các dấu hiệu bất thường là điều cần thiết và luôn được khuyến nghị với bất cứ ai.

Tham khảo thêm thông tin tại: Tâm thần phân liệt - bệnh thường gặp ở người trẻ

BS. Minh Khánh - Viện Y học ứng dụng Việt Nam (theo Clevelandclinic)
Bình luận
Tin mới
Xem thêm