Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

7 triệu chứng thiếu sắt cần biết

Thiếu sắt là tình trạng thiếu dinh dưỡng phổ biến nhất và là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh thiếu máu. Dưới đây là 7 triệu chứng thiếu sắt nên lưu ý.

Vai trò của sắt

Sắt là một chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể mà chúng ta nhận được từ thức ăn. Sắt cần thiết cho sức khỏe cả tinh thần và thể chất và giữ cho mức năng lượng của chúng ta tăng lên.

Sắt có trong hemoglobin, được tìm thấy trong các tế bào hồng cầu. Hemoglobin mang oxy trong máu từ phổi đến phần còn lại của cơ thể. Oxy cần thiết trong não để tập trung và trong cơ bắp để cung cấp năng lượng thể chất. Sắt cần thiết để duy trì một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, giúp cơ thể chống lại các bệnh nhiễm trùng. Sắt cũng cần thiết để duy trì các tế bào, da, tóc và móng khỏe mạnh.

Sắt cần thiết cho sức khỏe cả tinh thần và thể chất.

Thế nào là thiếu sắt?

Sắt từ thực phẩm được hấp thụ vào cơ thể bởi các tế bào đường tiêu hóa. Sau đó, sắt được giải phóng vào máu, nơi transferrin (một protein) gắn vào và đưa sắt đến gan. Sắt được dự trữ trong gan dưới dạng ferritin và được giải phóng khi cần thiết để tạo ra các tế bào hồng cầu mới trong tủy xương.

Sự cân bằng sắt là cần thiết cho tất cả các hoạt động sống của tế bào.

Thiếu sắt là sự suy giảm lượng sắt toàn cơ thể, đặc biệt là kho dự trữ sắt của đại thực bào và tế bào gan. Trong một số trường hợp nhất định như mất máu, chế độ ăn uống không lành mạnh hoặc hấp thụ sắt kém có thể khiến lượng sắt giảm xuống quá thấp, tạo ra sự thiếu hụt.

Để kiểm tra tình trạng thiếu sắt, bác sĩ sẽ lấy máu để đo nồng độ hemoglobin. Phạm vi hemoglobin bình thường đối với phụ nữ là khoảng 12 đến 15 gam trên mỗi decilit. Đối với nam giới, là 13,5 đến 17,5 gram mỗi decilit.

Nếu kết quả xét nghiệm dưới mức bình thường, bác sĩ có thể yêu cầu siêu âm, nội soi hoặc các xét nghiệm thăm khám khác để kiểm tra có xuất huyết bên trong hay không. Nếu đó không phải là nguyên nhân, có những lý do khác khiến có thể dẫn đến thiếu sắt như mắc bệnh về tiêu hoá, phụ nữ có thai…

Những người ăn chay, thuần chay và có chế độ ăn không bao gồm thực phẩm giàu chất sắt có nguy cơ cao bị thiếu sắt.

Các triệu chứng thiếu sắt phổ biến

Thiếu sắt có thể được chẩn đoán thông qua xét nghiệm máu, nhưng có một số triệu chứng nên chú ý.

 

Mệt mỏi liên tục

Mệt mỏi là một trong những triệu chứng thiếu sắt đầu tiên xuất hiện. Sự mệt mỏi có thể xuất hiện ở cả thể chất và tinh thần, như khó thở, thiếu năng lượng và sương mù não. Có thể có nhiều lý do khác dẫn đến mệt mỏi, nhưng nếu không có vấn đề về giấc ngủ nghiêm trọng và không có bệnh lý tiềm ẩn nào khác, thì thiếu sắt là một trong những nguyên nhân phổ biến.

 

Đánh trống ngực

Nếu cảm thấy tim mình đập nhanh bất thường hoặc nhịp bất thường, đặc biệt là khi không tham gia vào bất kỳ hoạt động gắng sức nào, thì thiếu sắt là một nguyên nhân tiềm ẩn.

Tuy nhiên, nếu những cơn đánh trống ngực này xảy ra thường xuyên, thì cần thăm khám tại các cơ sở y tế để loại trừ bất cứ bệnh lý tiềm ẩn nào.

Da xanh xao

Thiếu oxy trong máu có thể khiến da nhợt nhạt, đặc biệt là xung quanh mí mắt dưới. Hiệu ứng này dễ nhận thấy nhất ở những người có nước da sáng.

 

Rụng tóc

Mức độ sắt thấp có thể cản trở sức khỏe của các nang tóc, ngăn cản chúng thay thế hiệu quả phần tóc rụng tự nhiên hằng ngày. Với mức độ thay thế thấp hơn, có thể phát triển thành rụng tóc đáng kể trong thời gian dài.

Tay chân lạnh

Bàn tay và bàn chân lạnh có thể là kết quả của bệnh thiếu máu do thiếu sắt. Những người bị thiếu máu, lưu thông máu kém khắp cơ thể vì không có đủ tế bào hồng cầu để cung cấp oxy cho mô.

Thèm ăn lạ

Hầu như bất kỳ sự thiếu hụt dinh dưỡng nào cũng có thể dẫn đến cảm giác thèm ăn khi cơ thể cố gắng cân bằng hơn. Tuy nhiên, khi thiếu sắt, có thể bắt đầu thèm ăn những chất không ăn được như đất hoặc kim loại, đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy nhu cầu dinh dưỡng không được đáp ứng.

Dễ mắc bệnh nhiễm trùng

Sắt đóng một vai trò quan trọng trong một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, vì vậy nếu thiếu sắt, cơ thể có thể dễ mắc các bệnh nhiễm trùng.

Điều trị thiếu sắt như thế nào?

Có một số cách để tăng lượng sắt:

Thông qua chế độ ăn

  • Thịt: Thịt bò, thịt lợn hoặc thịt cừu, đặc biệt là thịt nội tạng như gan.
  • Gia cầm: Gà, vịt, đặc biệt là gan và thịt sẫm màu.
  • Cá, đặc biệt là động vật có vỏ, cá mòi và cá cơm.
  • Rau có nhiều lá xanh, bắp cải bao gồm bông cải xanh, cải xoăn, củ cải xanh và rau cải thìa...
  • Các loại đậu
  • Mì ống, ngũ cốc, gạo và ngũ cốc giàu chất sắt...

Dùng thuốc bổ sung sắt

Nếu thay đổi chế độ ăn uống vẫn không đủ, cần thăm khám bác sĩ để được kiểm tra, đánh giá kỹ lưỡng về nguyên nhân tiềm ẩn của các triệu chứng. Nếu các xét nghiệm máu cho thấy lượng sắt thấp, bác sĩ có thể đề nghị liệu pháp điều trị bổ sung sắt.

Thuốc bổ sung sắt có thể được sử dụng để tăng lượng sắt trong máu. Bổ sung sắt có thể gây kích ứng dạ dày và nhu động ruột. Nên uống khi đói, hoặc với nước cam để tăng khả năng hấp thụ.

Thuốc bổ sung sắt hiệu quả hơn so với các biện pháp can thiệp bằng chế độ ăn uống đơn thuần nhưng cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn và giám sát của chuyên gia y tế.

 

 

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Bổ sung sắt thế nào cho an toàn?

Theo Sức Khỏe & Đời Sống
Bình luận
Tin mới
Xem thêm