Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

3 tháng đầu thai kì: Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Có một số triệu chứng bạn sẽ cần phải chú ý hơn đến trong những tháng đầu của thai kì. Ví dụ như buồn nôn, ra máu hay ra chất nhày âm đạo không phải là bất thường, nhưng đôi khi chúng lại là những vấn đề. Vậy khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ?

3 tháng đầu thai kì: Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Mang thai là khoảng thời gian đầy hào hứng, đặc biệt là lần mang thai đầu tiên. Bạn sẽ nhận thấy rất nhiều thay đổi trong cơ thể mình. Nhiều thay đổi trong số đó là hoàn toàn bình thường và hầu hết phụ nữ có một thai kì khỏe mạnh.

Bạn có thể bỏ qua những dấu hiệu là manh mối để tránh những rắc rối lớn. Hiểu biết về những điều cần chú ý có thể giúp bạn chăm sóc tốt hơn cho bản thân cũng như bào thai đang lớn dần lên trong cơ thể bạn. Bất cứ khi nào bạn lo lắng về những vấn đề bạn đang gặp phải, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn!

Ra máu âm đạo

Theo Natali Aziz, chuyên khoa sản tại bệnh viện Lucile Packard Children tại Palo Alto, California, “Đôi khi ra máu thấm giọt là bình thường nhưng nếu ra máu nặng có thể là dấu hiệu của sảy thai hoặc chửa ngoài tử cung. Máu càng có màu đỏ tươi thì càng đáng chú ý.”

“Nếu bạn bị chảy máu và đau bụng tương tự như đau bụng trong chu kì kinh thì có thể đó là dấu hiệu của dọa sảy thai. Nếu triệu chứng này đi kèm với đau nhói ở bụng dưới thì nó có thể là dấu hiệu của chửa ngoài tử cung, một biến chứng nghiêm trọng xảy ra khi trứng đã được thụ tinh ở bên ngoài tử cung, thường là ở ống dẫn trứng.”, theo bác sĩ chuyên khoa sản Manju Monga, Đại học Y Baylor ở Houston.

Khi đó bạn nên làm gì? Monga nói: “Bác sĩ của bạn có thể sẽ siêu âm, khám và làm một số xét nghiệm máu tùy theo triệu chứng của bạn.” Mặc dù ra máu thấm giọt hoặc chảy máu nhẹ có thể không phải là một vấn đề nghiêm trọng, nhưng bạn đừng lờ đi nếu đi kèm theo đau bụng, chảy máu nhiều.

Buồn nôn và nôn nhiều

 

Trong ba tháng đầu tiên, hầu hết các phụ nữ đều bị có thể buồn nôn và nôn. Những nếu nó xảy ra nghiêm trọng làm bạn mất nước thì cần lưu ý. Nếu bạn không thể giữ được nước hay chất lỏng nào mà bạn uống trong vòng 12h mà không nôn, hãy gọi cho bác sĩ.

Điều đó có nghĩa là nôn đã làm ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày của bạn dẫn đến sụt cân, chóng mặt, mất nước và rối loạn điện giải, Aziz nói.

Khi đó, hãy gọi cho bác sĩ, bạn có thể sẽ phải nằm viện để điều trị mất nước và sử dụng một số thuốc để kiểm soát tình trạng nôn.

Sốt cao

Sốt cao trên 38OC khi mang thai không thể coi thường. Nó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng và gây ảnh hưởng đến thai nhi.

Sốt khi mang thai kèm theo phát ban và đau khớp, có thể là một dấu hiệu của nhiễm cytomegalovirus (CMV), Toxoplasma và Parvovirus. CMV là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh điếc bẩm sinh, Aziz nói.

Hãy báo với bác sĩ nếu sốt kèm theo với bất kì các triệu chứng nào như những triệu chứng đường hô hấp trên, đau mỏi người, và các triệu chứng giống như cúm, phát ban, đau khớp. Và hãy tiêm phòng cúm hàng năm.

Ra dịch nhày âm đạo và ngứa

Theo Aziz, đôi khi dịch nhày âm đạo là bình thường nhưng trong một số trường hợp nó có thể là dấu hiệu của các bệnh nhiễm trùng có thể điều trị được hoặc các bệnh lây qua đường tình dục có thể để lại những hậu quả cho thai kì.

Nếu đó là một nhiễm trùng thì nó có thể có hại cho đứa trẻ.

Đừng ngại, hãy nói cho bác sĩ của bạn biết vì nếu đó là vấn đề thì điều trị sẽ mang lại kết quả tốt cho thai nhi.

Đau hoặc cảm giác bỏng rát khi đi tiểu

Theo Aziz, đó có thể là biểu hiện của nhiễm trùng bàng quang hoặc đường tiết niệu, nếu không được điều trị, chúng có thể dẫn tới những nhiễm trùng nặng hơn, sinh non.

Nếu đó là một nhiễm trùng thì việc điều trị có thể giúp bạn giảm đau và có một thai kì khỏe mạnh.

Đau hoặc sưng ở một bên bắp chân, cẳng chân, đau đầu nhiều

Nó không xảy ra ở hầu hết phụ nữ mang thai nhưng nếu xuất hiện thì nguy cơ rất lớn là có cục máu đông.

Cục máu đông ở bắp chân có thể dẫn tới đau hoặc sưng, thậm chí có thể bắn lên phổi, gây tử vong.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Những thay đổi trên da trong thai kỳ

Bình luận
Tin mới
Xem thêm