Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Túi sa niệu quản: Phát hiện sớm, tránh biến chứng

Mỗi người bình thường được sinh ra với 2 thận và mỗi thận lại có một niệu quản giúp việc dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang.

Túi sa niệu quản: Phát hiện sớm, tránh biến chứng

Mỗi người bình thường được sinh ra với 2 thận và mỗi thận lại có một niệu quản giúp việc dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang. Tuy nhiên, cứ khoảng 125 người lại có 1 người có thể có “thận niệu quản đôi”, nguy cơ đi kèm với bệnh lý này là tình trạng  “túi sa niệu quản”. Bệnh có thể gặp ở bất cứ tuổi nào, từ trẻ sơ sinh cho đến tuổi già, nhưng bệnh gặp nhiều ở trẻ em.

Túi sa niệu quản (TSNQ) là một dị tật bẩm sinh thường gặp ở trẻ gái hơn ở trẻ trai. Đó là một phần nổi phồng lên trong bàng quang của đoạn cuối niệu quản. Túi phình này có thể là tắc dòng nước tiểu chảy xuống bàng quang.

TSNQ có thể: Phình rất to, chiếm phần lớn bàng quang hoặc chỉ là một túi phình nhỏ; Ở trong hoặc ngoài bàng quang hoặc xuống tới cổ bàng quang hay niệu đạo; Xảy ra với thận niệu quản đơn hoặc thận niệu quản đôi. 90% túi sa niệu quản ở trẻ gái là thận niệu quản đôi; Có thể có hoặc không phối hợp với luồng trào ngược bàng quang thận; Có thể xảy ra cả 2 bên phải và trái.

TSNQ cũng có thể gặp với niệu quản đơn. TSNQ là tình trạng giãn thành nang giả của đoạn niệu quản đổ vào phần dưới niêm mạc bàng quang.

TSNQ trong thận niệu quản đôi có thể phối hợp với luồng trào ngược bàng quang thận làm cho dòng nước tiểu chảy ngược từ bàng quang lên thận qua niệu quản cùng bên.

TSNQ thường được phát hiện ra ở khoảng 2 tuổi nhưng cũng có thể chẩn đoán được dị tật này từ trong bào thai với phương pháp chẩn đoán trước sinh.

Hình ảnh TSNQ qua siêu âm (trên) và hình minh họa TSNQ
đi kèm với dị tật niệu quản đôi (dưới).

Triệu chứng của TSNQ

Thường rất ít triệu chứng, có thể là: đau, mỏi lưng hoặc đau bụng; nhiễm khuẩn tiết niệu; sốt; tiểu buốt; nước tiểu nặng mùi; Tiểu ra máu; tiểu nhiều lần;

Ở trẻ em, có thể thấy các triệu chứng lâm sàng như: nhiễm khuẩn tiết niệu: sốt cao, tiểu đục, chậm lớn; Những rối loạn tiểu tiện: Đái khó, đái dắt từng lúc, đái đau, đái rỉ.

Ở người lớn, có thể thấy đau vùng thắt lưng âm ỉ, có lúc đau tăng lên thành cơn như cơn đau quặn thận. Nhiễm khuẩn tiết niệu biểu hiện dưới dạng viêm bàng quang cấp tính hoặc bán cấp tái phát, viêm thận bể thận tái phát hoặc đái mủ. Có các rối loạn tiểu tiện như đái buốt, đái dắt, đặc biệt là đái khó. Đái khó thường xuyên hoặc xuất hiện thành cơn gây nên bí đái mạn tính không hoàn toàn.

TSNQ có thể gây biến chứng gì?

Biến chứng chính quan trọng nhất của TSNQ là gây hủy hoại và nhiễm trùng thận. TSNQ làm tắc dòng chảy của nước tiểu có thể gây tổn thương sự phát triển bình thường của thận cũng như giảm khả năng lọc cầu thận.

Luồng trào ngược bàng quang thận rất hay phối hợp nếu ở thận niệu quản đôi. Hơn nữa, với thận niệu quản đơn, luồng trào ngược có thể xảy ra ở bên đối diện. Có thể sinh ra sỏi tiết niệu.

Chẩn đoán có khó?

TSNQ hoàn toàn có thể chẩn đoán trước sinh nhờ siêu âm. Với những trẻ có triệu chứng như đã nói ở trên, đặc biệt là triệu chứng nhiễm khuẩn tiết niệu, cần làm thêm chẩn đoán hình ảnh để phát hiện túi sa niệu quản.

Siêu âm là kỹ thuật hàng đầu giúp chẩn đoán. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác sẽ góp phần chẩn đoán mức độ bệnh.

Ngoài ra, chụp bàng quang niệu đạo, chụp CT, chụp cộng hưởng từ (MRI cho phép phẫu thật viên lựa chọn phương pháp phẫu thuật.

Điều trị thế nào?

Phương pháp điều trị ngoại khoa có thể là:

Chọc dò qua niệu đạo: Thường chỉ định cho túi sa niệu quản đúng chỗ trong bàng quang và thành mỏng. Với nội soi bàng quang, túi sa niệu quản được chọc thủng hoặc rạch nhỏ làm xẹp đi giúp dòng nước tiểu chảy dễ dàng từ thận xuống bàng quang.

Cắt cực trên thận: Trong một số trường hợp thận niệu quản đôi, khi túi sa niệu quản làm cực trên thận tương ứng không còn chức năng thì cần cắt bỏ phần này.

Cắt thận: Thường ở thận niệu quản đơn nếu túi sa niệu quản làm mất chức năng thận.

Mổ cắt túi sa và trồng lại niệu quản: Đây là phẫu thuật mở với kết quả rất cao (90-95%). Mở bàng quang, cắt bỏ túi sa và trồng lại niệu quản vào thành bàng quang.

Nối niệu quản – bể thận hoặc nối niệu quản – niệu quản: Nếu phần trên của niệu quản có túi sa còn tốt và nếu không có luồng trào ngược ở phần dưới thì có thể áp dụng phương pháp nối phần bị tắc vào phần không tắc của niệu quản hoặc bể thận.

Điều trị nội khoa: Kháng sinh được sử dụng để dự phòng viêm thận. Với trẻ có túi sa gây tắc hoặc luồng trào ngược bàng quang thận, cần dùng kháng sinh dự phòng nhiễm khuẩn tiết niệu cho đến khi mổ.

BS. Lê Sĩ Trung - Theo Sức khỏe & Đời sống
Bình luận
Tin mới
Xem thêm