Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Triple test – xét nghiệm sàng lọc dị tật trước sinh

Tất cả phụ nữ mang thai từ tuần 15-20 đều nên thực hiện xét nghiệm triple test. Vậy triple test là gì?

Triple test – xét nghiệm sàng lọc dị tật trước sinh

1. Xét nghiệm sàng lọc dị tật trước sinh triple test là gì?

Xét nghiệm sàng lọc dị tật trước sinh, hay còn gọi là triple test cho phép phân tích khả năng thai nhi mắc các dị tật bẩm sinh liên quan tới các bất thường cấu trúc gen, bằng cách đo lường nồng độ 3 chỉ tố của nhau thai, đó là:

  • AFP: Alpha fetoprotein
  • β-HCG: beta human chorionic gonadotropin
  • estriol

Xét nghiệm sàng lọc triple test thực hiện khi thai phụ mang thai từ tuần 15-20.

Ngoài ra, xét nghiệm sàng lọc dị tật bẩm sinh khác có thể sử dụng là xét nghiệm sàng lọc bộ 4 yếu tố (the quadruple marker screen test), bằng cách đo thêm một chất nữa là inhibin A, một protein do nhau thai và buồng trứng tiết ra.

2. Xét nghiệm sàng lọc triple test được thực hiện như thế nào?

Triple test được thực hiện trên mẫu máu của thai phụ, bằng cách đo lường 3 chỉ tố trong máu, đó là:

AFP: là protein do bào thai sản xuất. Khi AFP tăng cao trong máu thì thai nhi có nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh, như dị tật ống thần kinh (neural tube defects), dị tật thành bụng (abdominal wall defects).

HCG: là hormone được sản xuất trong quá trình mang thai. Khi nồng độ HCG giảm, báo hiệu sự phát triển không bình thường của thai, ví dụ như dọa sảy thai hoặc chửa ngoài tử cung. Nồng độ HCG cao có thể gặp trong chửa trứng, đa thai.

Estriol: là một dạng của Estrogen, được sản xuất bởi thai nhi và rau thai. Khi nồng độ estriol giảm, thai nhi có nguy cơ mắc hội chứng Down, nguy cơ này tăng lên khi AFP giảm và HCG tăng.

3. Xét nghiệm Triple test có thể sàng lọc những dị tật bẩm sinh nào ở thai nhi?

Khi kết quả triple test bất thường thì thai nhi có thể gặp các nguy cơ sau:

  • Dị tật ống thần kinh: tật nứt đốt sống, quái thai không não
  • Đa thai: như mang thai đôi hoặc ba
  • Hội chứng Down: Trisomy 21 – ba nhiễm sắc thể số 21
  • Hội chứng Edwards: Trisomy 18 – ba nhiễm sắc thể số 18
     

4. Đối tượng nào cần thực hiện xét nghiệm sàng lọc triple test?

Tất cả phụ nữ mang thai từ tuần 15-20 đều nên thực hiện xét nghiệm triple test. Những nhóm thai phụ sau đây có chỉ định bắt buộc phải thực hiện xét nghiệm triple test:

  • Từ 35 tuổi trở lên
  • Tiền sử gia đình có dị tật bẩm sinh
  • Mắc tiểu đường type 2 và đang điều trị bằng insulin
  • Tiếp xúc với phóng xạ liều cao
  • Nhiễm virus trong thời kỳ mang thai

5. Kết quả xét nghiệm triple test được bác sỹ sử dụng như thế nào?

Kết quả xét nghiệm triple test cho biết nguy cơ thai nhi mắc các dị tật bẩm sinh như tật nứt đốt sống, hội chứng Down,…. Cần lưu ý rằng, đây không phải là một xét nghiệm mang tính chẩn đoán xác định, mà chỉ đơn thuần cho biết nguy cơ có thể xảy ra.

Khi đánh giá kết quả triple test, bác sỹ sẽ xem xét thêm một số yếu tố ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm này, bao gồm:

  • Cân nặng thai phụ
  • Chủng tộc
  • Tuổi
  • Có bị bệnh tiểu đường hay không
  • Tuổi thai vào thời điểm xét nghiệm
  • Mang thai đơn hay đa thai

6. Cần làm gì tiếp theo khi có kết quả xét nghiệm triple test?

Khi kết quả triple test chỉ ra không bình thường, mẹ bầu và gia đình đừng quá lo lắng.  Hãy cùng hỏi ý kiến bác sỹ, họ có thể khuyên bạn thực hiện thêm các xét nghiệm khác để chẩn đoán chính xác hơn.

Do xét nghiệm triple test mang tính định hướng nguy cơ mắc dị tật bẩm sinh ở thai nhi, nên trong trường hợp kết quả cho thấy thai nhi có nguy cơ cao mắc các dị tật bẩm sinh kể trên, bác sỹ có thể chỉ định các xét nghiệm cần thiết khác, như thủ thuật chọc dò màng ối để chẩn đoán xác định. Xét nghiệm chọc ối được thực hiện trên dịch ối lấy từ tử cung, cho phép phát hiện các rối loạn di truyền của thai nhi, cũng như các nhiễm trùng bào thai.

Nếu kết quả AFP cao, để kiểm tra các dị tật ống thần kinh, bác sỹ sẽ tiếp tục siêu âm thai, kiểm tra cấu trúc sọ và xương sống của thai nhi để xác định tình trạng bệnh chính xác của thai nhi.

Trong trường hợp thai nhi được chẩn đoán xác định mắc các rối loạn di truyền nói trên, bác sỹ sẽ tư vấn cho bạn về các phương pháp xử lý, bao gồm cả việc đình chỉ thai nghén.  Lúc này, mẹ bầu cùng với gia đình sẽ cần thảo luận kỹ càng, cân nhắc các lời khuyên chuyên môn của bác sỹ cũng như tất cả các điều kiện của gia đình để có quyết định cuối cùng.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Những điều mẹ bầu cần biết về triple test

Lê Văn Công - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Healthline
Bình luận
Tin mới
  • 23/05/2025

    Chấy rận: Những điều bạn cần biết

    Chấy là loài côn trùng sáu chân nhỏ xíu bám vào da đầu và cổ của bạn và hút máu người. Mỗi con chấy chỉ có kích thước bằng một hạt vừng, vì vậy chúng rất khó phát hiện.

  • 22/05/2025

    6 loại thực phẩm giúp răng trắng đẹp

    Một số thực phẩm có khả năng làm răng trắng hơn nhờ tác động cơ học giúp loại bỏ mảng bám, kích thích tiết nước bọt làm sạch khoang miệng, hoặc chứa các hợp chất tự nhiên có thể giúp làm sáng răng nhẹ nhàng.

  • 22/05/2025

    Thêm bằng chứng cho thấy vaccine HPV giúp ngăn ngừa ung thư cổ tử cung

    HPV là virus lây truyền qua đường tình dục, có thể ảnh hưởng đến cả nam và nữ, liên quan đến nguy cơ cao mắc nhiều dạng ung thư khác nhau.

  • 21/05/2025

    Chế độ dinh dưỡng tham khảo cho người hẹp van động mạch chủ

    Chế độ ăn đóng vai trò hỗ trợ trong việc quản lý và hỗ trợ điều trị hẹp van động mạch chủ. Một chế độ ăn lành mạnh có thể giúp giảm các triệu chứng, kiểm soát các yếu tố nguy cơ và cải thiện chất lượng cuộc sống.

  • 21/05/2025

    Hướng dẫn giảm căng thẳng trong mùa thi

    Các bài kiểm tra và kỳ thi là một phần quan trọng trong quá trình học tập, nhưng đồng thời cũng có thể mang lại nhiều áp lực cho học sinh và cả những người chăm sóc các em. Việc tìm cách giảm căng thẳng và hỗ trợ học sinh trong giai đoạn này là điều cần thiết để đảm bảo sức khỏe tinh thần và kết quả học tập tốt nhất.

  • 20/05/2025

    Cải thiện thói quen ăn sáng để khởi đầu ngày mới tốt hơn

    Bữa sáng là bữa ăn giúp cung cấp năng lượng và dưỡng chất cần thiết cho cơ thể bắt đầu ngày mới. Khắc phục những sai lầm phổ biến sau giúp bạn duy trì thói quen ăn sáng khoa học và lành mạnh.

  • 20/05/2025

    6 mẹo chữa nghẹt mũi tại nhà hiệu quả nhất

    Nghẹt mũi là một dấu hiệu khó chịu, rất thường gặp khi chúng ta bị cảm cúm, nhiễm lạnh. Hiện vẫn chưa có cách chữa khỏi bệnh cảm lạnh thông thường, nhưng có rất nhiều mẹo tại nhà có thể làm giảm tình trạng nghẹt mũi do chứng cảm lạnh gây nên. Bài viết này sẽ phân tích các biện pháp khắc phục tình trạng nghẹt mũi tại nhà tốt nhất cùng với những điều cần tránh.

  • 19/05/2025

    Chế độ ăn cho người mắc lỵ trực trùng (lỵ trực khuẩn)

    Lỵ trực khuẩn là tình trạng nhiễm khuẩn đường tiêu hóa cấp tính và cần được điều trị kịp thời để phòng tránh những biến chứng nguy hiểm.

Xem thêm