Nhiều người thường xem nhẹ cảm giác mệt mỏi của cơ thể, cho rằng nó sẽ khỏi khi cơ thể được nghỉ ngơi, hoặc áp chế cảm giác này bằng cách sử dụng cà phê hay trà. Song, kết quả là cảm giác mệt mỏi vẫn kéo dài. Để khắc phục tình trạng này thì nắm rõ nguyên nhân rất quan trọng.
Dưới đây là một số nguyên nhân chính có thể trả lời câu hỏi "Vì sao bạn luôn mệt mỏi?":
Thiếu máu
Thiếu máu là một loại bệnh lý xảy ra khi số lượng hồng cầu trong máu thấp hơn bình thường. Điều này khiến cho lượng oxy vận chuyển trong máu đến các mô, cơ quan bị thiếu hụt dẫn đến tình trạng mệt mỏi, da nhợt nhạt, khó thở, chóng mặt, đau đầu...
Bạn cần bổ sung thực phẩm dinh dưỡng có chứa sắt, chế độ ăn uống cân bằng để giảm nguy cơ thiếu máu.
Do mắc bệnh tuyến giáp
Suy giáp và cường giáp là một trong những nguyên nhân khiến bạn cảm thấy mệt mỏi
Tuyến giáp hoạt động bằng cách sản xuất các hormone gọi là thyroxine, giúp điều chỉnh mức năng lượng và kiểm soát trao đổi chất. Khi các hormone tuyến giáp hoạt động không hiệu quả làm quá trình chuyển hóa bị rối loạn, sẽ khiến cho cơ thể bạn cảm thấy mệt mỏi.
Bệnh đái tháo đường
Hơn một triệu người được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường type 2 mỗi năm. Đường hay glucose giúp cơ thể duy trì các hoạt động sống bình thường. Với người bệnh đái tháo đường type 2, glucose bị tích tụ trong máu dẫn tới mệt mỏi, khát nước, đi tiểu nhiều, đói, giảm cân, suy giảm thị lực…
Thiếu vitamin B12
Vitamin B12 là một trong những vitamin chính mà cơ thể cần để duy trì mức năng lượng. Sự thiếu hụt vitamin B12 khiến cơ quan hoạt động không hiệu quả, làm cơ thể rơi vào tình trạng mệt mỏi, ủ rũ. Nếu bạn thấy cơ thể mỏi mệt kéo dài, kèm theo các biểu hiện khác như ngứa bàn tay, bàn chân, chóng mặt, mất trí nhớ, suy giảm thị lực thì có thể bạn đang thiếu vitamin B12 và cần đến cơ sở y tế để kiểm tra.
Trầm cảm
Serotonin là một hormone quan trọng giúp điều hòa đồng hồ sinh học của cơ thể. Tình trạng phiền muộn và trầm cảm ảnh hưởng rất lớn tới khả năng giảm tiết hormone serotonin của não bộ. Trầm cảm có thể làm giảm mức năng lượng của cơ thể và khiến bạn mệt mỏi cả ngày. Bạn cũng rơi vào tình trạng khó ngủ hoặc thức giấc từ sáng sớm.
Ngưng thở khi ngủ
Loại rối loạn giấc ngủ này khiến bạn thấy mệt sau khi dậy do não bị đánh thức để khởi động lại quá trình hô hấp. Chứng bệnh trên biểu hiện thông qua ngáy và dẫn tới bệnh tim, tăng huyết áp và đột quỵ.
Thiếu nước
Giữ đủ nước là cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe tổng thể của bạn. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng não người sẽ co lại nếu bị thiếu nước. Ngay cả khi thiếu một lượng nước nhỏ, bạn cũng có thể thấy mình chậm chạp hơn.
Lười vận động
Không chỉ khiến sức khỏe đi xuống mà lười vận động còn khiến bạn mệt mỏi và không có năng lượng làm việc. Để giảm mệt mỏi, thay vì ngồi lì một chỗ, bạn nên ra ngoài và tập thể dục. Tập thể dục có thể tiếp thêm năng lượng, cải thiện tâm trạng tốt hơn.
Tham khảo thông tin tại bài viết: 5 nguyên nhân khiến bạn lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi cả ngày