Ho là triệu chứng rất thường gặp ở trẻ em. Nhưng dù bạn có làm cha mẹ của bao nhiêu đứa trẻ chăng nữa đôi lúc vẫn bối rối khi đối diện với những tiếng ho, đợt này con có thể ho khan đến khàn tiếng, lúc khác ho lại kèm theo đờm đặc.
Nhiều bậc phụ huynh thường lo lắng khi con bị ho, nhưng thực tế đây là phản xạ có lợi để bảo vệ đường thở được thông thoáng, giúp hít thở dễ dàng. Không phải mức độ ho nhiều ít của trẻ lúc nào cũng song hành với mức độ nặng của bệnh. Thật vậy, trẻ có thể ho rất nhiều khi bị viêm hô hấp trên nhưng thường đây không phải là các trường hợp bệnh nặng. Trái lại, khi bị viêm phổi - một thể bệnh nặng thật sự - trẻ lại thường ít ho hơn.
Khi trẻ bị ho, cha mẹ nên để trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn, theo dõi bé thường xuyên để đề phòng trường hợp trẻ ho nhiều, có biểu hiện khó thở, thở nhanh thì cần đưa đi bệnh viện ngay lập tức. (Ảnh minh họa)
Theo Thầy thuốc Ưu tú, TS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa Hô hấp - Bệnh viện Nhi đồng 1, có 2 cách để phân ra các loại ho. Một là phân chia theo mức độ thời gian, nếu trẻ ho dưới 4 tuần lễ (nguyên nhân hàng đầu là do nhiễm trùng đường hô hấp) thì được xếp vào tình trạng ho cấp tính, nhưng nếu vượt quá 4 tuần là ho kéo dài. Ở trẻ nhỏ đa phần là các trường hợp ho cấp tính, còn ho kéo dài thường gặp ở trẻ lớn hơn.
Hai là phân chia theo tính chất của cơn ho đó là ho khan và ho có đờm. Song rất khó để phân biệt “ranh giới” giữa 2 tình trạng này, bởi đôi khi trong cùng một bệnh lý ho khan và ho có đờm sẽ xảy ra kế tiếp nhau. Chẳng hạn như, ho do hen suyễn trong giai đoạn đầu là ho khan, sau đó mới chuyển sang ho có đờm. Hơn nữa, ở trẻ nhỏ hoàn toàn không có khả năng khạc đờm, vì thế trong một số trường hợp khi ho các bé vẫn nuốt vào dẫn đến việc cha mẹ khó nhận định rõ ràng con ho đờm hay ho khan.
Vệ sinh đường hô hấp là một trong những biện pháp quan trọng để bảo vệ sức khỏe ngay từ “cửa ngõ” đầu tiên giúp chống lại các mầm bệnh. Cơ thể có sạch thì hệ hô hấp mới khỏe mạnh. Do đó, các bậc phụ huynh cần lưu ý, cho dù trẻ có mắc bệnh thì vẫn cần được vệ sinh thân thể đúng cách, như vậy mới tránh được nguy cơ nhiễm khuẩn.
Cùng với đó là giữ nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng, tránh khói bụi ô nhiễm, tập cho trẻ thói quen rửa tay, đeo khẩu trang, che miệng khi ho và hắt hơi… Đây là những nguyên tắc hữu ích không chỉ bảo vệ trẻ trước đại dịch COVID-19 mà còn nhiều mầm bệnh khác trên đường hô hấp.
“Việc vệ sinh mũi miệng không phải lúc nào cũng cần thiết với trẻ em. Bình thường, niêm mạc mũi của mỗi người đã hình thành cơ chế bảo vệ. Chỉ thực hiện vệ sinh mũi miệng khi trẻ mắc bệnh đường hô hấp mà có hiện tượng chảy mũi, nghẹt mũi, nhưng phải đúng kỹ thuật.
Nguyên tắc chung mà mẹ cần nhớ là rửa tay sạch sẽ trước khi vệ sinh cho bé, dụng cụ phải đặt gọn gàng và ngăn nắp chất thải cần phải được bỏ vào thùng rác đúng nơi quy định. Có như vậy mới đảm bảo được cho em bé khỏe và tránh lây nhiễm từ môi trường xung quanh” - BS Tuấn nói.
Để vệ sinh mũi cho trẻ, cách thứ nhất mẹ có thể áp dụng phương pháp bấc sâu kèn, dùng khăn giấy mềm và dai se lại một đầu to, một đầu nhỏ. Sau đó, mẹ đặt nhẹ đầu nhỏ vào mũi, nước mũi sẽ ngấm từ từ vào khăn giấy. Một lúc sau, mẹ nhẹ nhàng kéo khăn ra. Trong trường hợp trẻ bị sổ mũi đặc, mẹ có thể dùng nước muối sinh lý nhỏ vài giọt vào mũi trẻ để dịch mềm ra hơn, khi đó thực hiện bấc sâu kèn sẽ thuận lợi hơn.
Cách thứ hai là dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi và sau đó hút ra ngoài, nhưng với phương pháp này mẹ cần lưu ý không nên hút dịch mũi ra ngoài bằng chính miệng của mình, vì đây là nguyên nhân lây truyền mầm bệnh từ mẹ sang con. Hiện nay, mẹ có thể sử dụng ống nhựa hoặc dùng ống bóp nhỏ bằng cao su để hút dịch nhầy ở mũi ra, sau khi dùng xong cần vệ sinh sạch sẽ, tránh tạo thành “ổ vi khuẩn” tại các dụng cụ này.
Nên vệ sinh các dụng cụ sau khi hút mũi cho trẻ.
(Ảnh minh họa)
BS Tuấn khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên sử dụng một số lượng lớn nước muối sinh lý để rửa mũi cho con tại nhà, việc này chỉ nên thực hiện tại các cơ sở y tế hoặc người có chuyên môn đã được huấn luyện, nếu không có thể khiến trẻ bị sặc gây nguy hiểm tính mạng.
Bên cạnh mũi, việc vệ sinh răng miệng cũng quan trọng không kém. Theo nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, việc súc miệng bằng nước muối 2 lần 1 ngày có thể giảm thiểu được tối đa tình trạng viêm họng ở trẻ em và cả người lớn. Cha mẹ nên cho trẻ súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc có thể tự pha chế dung dịch này cho con dùng tại nhà. Ở những vùng lạnh nên sử dụng nước muối ấm để súc miệng sẽ tốt hơn so với nước muối thông thường.
Về dinh dưỡng, cha mẹ cần cho trẻ ăn đầy đủ chất, không nên kiêng ăn. Việc cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng không chỉ giúp trẻ vượt qua bệnh tật mà còn phòng tránh suy dinh dưỡng, nhanh chóng lấy lại dáng vóc quân bình sau mỗi đợt bệnh. Nhất là sau khi điều trị viêm phổi, nhiều nghiên cứu trong nước cũng như trên thế giới đã chỉ ra, đại đa số các trường hợp trẻ đều có tình trạng sụt cân, thậm chí là suy dinh dưỡng.
Khi trẻ bị ho nói riêng, mắc các bệnh đường hô hấp nói chung cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất, không kiêng sữa, tôm, cua hay thịt bò.
(Ảnh minh họa)
Điều cần lưu ý là, khi trẻ ho, rất dễ bị nôn ói, do đó cha mẹ nên chia nhỏ bữa ăn, cữ bú; nên nấu các món ăn mềm để dễ nuốt, dễ tiêu hóa - đây là giải pháp quan trọng để giảm đau họng và rát cổ do ho nhiều ở trẻ. Đặc biệt là nên bổ sung nhiều trái cây chứa nhiều vitamin C giúp các bé có thêm sức đề kháng.
Tương tự với nước cũng chia thành nhiều đợt nhỏ, uống nhiều và không để khát mới uống. Nước mang lại nhiều tác động tích cực, không chỉ để chống mất nước do nôn ói, sốt khiến đờm dãi bị đặc quánh gây tắc trong đường hô hấp mà còn giúp làm dịu cơn ho cho trẻ. Đặc biệt, uống nước là một trong những biện pháp đã được chứng minh có hiệu quả tương đương với việc nhiều người ra tiệm thuốc tây mua các loại thuốc long đờm đắt tiền.
Các bậc phụ huynh cần biết rằng ho là phản xạ có lợi, nhờ đó đờm dãi, các loại virus, vi khuẩn, các mầm bệnh trong đường hô hấp được tống xuất ra ngoài, không tồn lưu lâu trong đường thở em bé. Do đó, trong một số trường hợp phải tôn trọng, không tìm mọi cách để kiềm chế phản xạ có lợi này, hay nói cách khác không nên quá lạm dụng thuốc ho.
Tuy nhiên trong trường hợp nếu trẻ ho quá nhiều đến mức cảm thấy đau họng, khó thở, đau ngực, biếng ăn, khó ngủ, ói… gây ảnh hưởng đến việc ăn ngủ, sinh hoạt, đi học khó khăn thì nên sử dụng thuốc ho. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như của Bộ Y tế Việt Nam, tốt nhất là nên sử dụng những loại thuốc ho có nguồn gốc từ thảo dược vừa an toàn lại hiệu quả.
“Tiêu chí quan trọng nhất khi lựa chọn thuốc ho cho con mẹ cần nhớ đó là hiệu quả phải được kiểm chứng qua kinh nghiệm của cha ông từ ngàn đời xưa, đã được kiểm duyệt qua các thử nghiệm lâm sàng và được thực hiện một cách khoa học.
Tiếp đến là lựa chọn thuốc ho phù hợp với lứa tuổi của trẻ, vì không phải loại nào cũng có thể dùng cho trẻ em. Nếu bé ho khan chúng ta vẫn có thể lựa chọn những loại thuốc ho giúp ức chế ho. Nhưng ngược lại, nếu bé ho có đờm mà sử dụng những loại thuốc có tính chất ức chế ho có thành phần kháng histamine sẽ khiến tình trạng bệnh dai dẳng, kéo dài hơn.
Thuốc ho dạng siro sẽ thích hợp hơn với trẻ nhỏ.
(Ảnh minh họa)
Tiêu chí cuối cùng giá cả phù hợp, sẽ rất lãng phí nếu chúng ta lựa chọn thuốc ho quá đắt tiền chỉ để điều trị triệu chứng mà thôi. Trong khi đó chúng ta có thể sử dụng những loại thuốc do công ty dược Việt Nam sản xuất với giá cả tương đối mềm” - BS Tuấn hướng dẫn.
Lưu ý, trẻ nhỏ sẽ không thể uống thuốc dưới dạng viên, thay vào đó thuốc ho dạng siro sẽ thích hợp hơn. Hơn nữa, thuốc ho chỉ là một biện pháp để điều trị triệu chứng tạm thời, không thể nào thay thế được việc điều trị nguyên nhân.
Vì vậy, bên cạnh việc sử dụng thuốc ho, cha mẹ cần để mắt tới trẻ, nếu xuất hiện các dấu hiệu như khó thở, ho nhiều có máu, sốt liên tục không giảm, ho khạc đờm màu vàng xanh hôi như mủ thì cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Hoặc nếu bé dùng thuốc ho 7 ngày mà không thấy thuyên giảm thì cũng nên cho bé đi khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân, có hướng xử trí phù hợp.
Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Bác sĩ chỉ ra nguyên nhân khiến trẻ bị ho dai dẳng không khỏi.
Do các loại thuốc Tây y điều trị bệnh Parkinson thường đi kèm với tác dụng phụ và nguy cơ “nhờn thuốc” khi dùng lâu dài, nhiều người tìm tới các phương pháp Đông y với hy vọng các loại thảo dược tự nhiên sẽ an toàn hơn với cơ thể.
Khi bước vào giai đoạn lão hóa, cơ thể con người trải qua nhiều thay đổi sinh lý, suy giảm chức năng của hệ cơ xương khớp và dễ mắc phải các bệnh lý về xương khớp, đặc biệt là trong mùa đông lạnh
Tức giận là một cảm xúc bình thường mà ai cũng sẽ trải qua, bởi hiếm ai có thể giữ được bình tĩnh khi bị tấn công, xúc phạm, phản bội hay thất bại... Tuy nhiên, tức giận quá thường xuyên hoặc kéo dài có thể gây ra nhiều vấn đề đối với sức khỏe.
Mùa đông đến đi kèm với sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, không khí hanh khô và độ ẩm giảm. Những yếu tố này gây nên các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu. Các bệnh lý đường hô hấp không chỉ gây khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.
Đau chân là vấn đề phổ biến ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của nhiều người. Cùng tìm hiểu 9 phương pháp đơn giản, hiệu quả để chữa đau chân tại nhà. Áp dụng đúng cách, bạn có thể giảm đau, cải thiện lưu thông máu và tăng cường sức khỏe cho đôi chân của mình.
Thật khó khăn khi bạn phải đối mặt với bệnh tiêu chảy, nhất là khi bạn đang phải cho con bú. Trong bài viết này, Viện Y học ứng dụng Việt Nam sẽ chia sẻ một số biện pháp khắc phục tự nhiên để điều trị bệnh tiêu chảy cho các bà mẹ vẫn đang trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ.
Ăn rau đầu tiên trong bữa ăn có tác dụng thế nào với người bệnh đái tháo đường? Thứ tự các ăn các món trong bữa ăn của người bệnh đái tháo đường có gì đặc biệt? Nhân Ngày thế giới phòng chống đái tháo đường 14/11, cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Ngày Trẻ em Thế giới là dịp để chúng ta cùng nhau tôn vinh và bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước. Trong bối cảnh cuộc sống hiện đại với nhiều thay đổi, việc chăm sóc sức khỏe toàn diện cho trẻ em càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.