Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Thuốc điều trị loét dạ dày - tá tràng: Lưu ý những tác dụng không mong muốn

Trước đây, loét dạ dày - tá tràng chủ yếu được điều trị ngoại khoa, đến nay, nhờ có nhiều loại thuốc ra đời mà phương pháp nội qua được lựa chọn chủ yếu. Dưới đây là các nhóm thuốc trị loét dạ dày - tá tràng và các tác dụng phụ cần lưu ý.

Nhóm thuốc kháng acid (antacid):

Cho đến nay có nhiều loại thuốc antacid dùng để chữa loét tiêu hóa. Một thuốc antacid được gọi là lý tưởng phải mạnh để trung hòa acid dạ dày, dễ uống, ít hấp thu vào máu từ đường dạ dày ruột, đồng thời ít tác dụng phụ.

Bicarbonat natri và canci carbonat là các antacid tác dụng nhanh, mạnh, nhưng có khuynh hướng gây nhiễm kiềm toàn thân và chứa nhiều natri (hội chứng sữa – kiềm), đồng thời nó gây một trở ngược làm tăng tiết gastrin dẫn đến HCl lại được tiết nhiều hơn trước. Canci carbonat cũng gây nên hội chứng sữa kiềm và canci còn kích thích trực tiếp lên tế bào thành gây tăng tiết HCl. Do đó, các thuốc này hiện nay hầu như không dùng trong điều trị loét tiêu hóa.

Hình ảnh vi khuẩn H.Pylory (ảnh nhỏ) - một thủ phạm gây viêm loét dạ dày - tá tràng (ảnh lớn).

Hydroxit nhôm thuốc có xu hướng gây táo bón, khi sử dụng kéo dài nguy cơ cạn kiệt phosphat, kết quả bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, khó chịu, chán ăn.

Hydroxit magie có thể làm phân lỏng; thuốc được thải qua thận, do vậy khi sử dụng các chế phẩm có magie cần thận trọng với bệnh nhân suy thận.

Các thuốc kháng thụ thể H2 của histamin

Cimetidin là thế hệ đầu tiên của thuốc kháng H2, có tác dụng cắt cơn đau nhanh. Cimetidin dùng lâu có thể có tác dụng phụ như rối loạn tinh thần (ở người già, người suy thận), nhịp tim chậm, hạ huyết áp, tăng nhẹ men gan, vú to, liệt dương... các tác dụng phụ này sẽ hết khi ngừng dùng thuốc.

Ranitidin là thế hệ thứ hai, ra đời sau cimetidin, gây giảm tiết dịch vị gấp 5 – 10 lần cimetidin khi sử dụng cùng liều. Thuốc không làm thay đổi diễn tiến tự nhiên của bệnh. Sau đợt điều trị ngắn hạn mà dừng thuốc tỷ lệ tái phát là 50% trong vòng 6 tháng, 85% tái phát sau 1 năm. Thuốc có ít tác dụng phụ hơn cimetidin, chủ yếu là nhức đầu, chóng mặt, ngứa,... ngừng thuốc thì hết.

Các thuốc thế hệ 3 (nizatidin), thế hệ 4 (famotidin) ra đời có tác dụng mạnh hơn và ít tác dụng phụ hơn cimetidin rất nhiều.

Thuốc ức chế bơm proton

Omeprazole có thể làm hết các triệu chứng lâm sàng ngay từ những ngày đầu sử dụng. Các tác dụng phụ thường thấy là tiêu chảy, táo bón, đau đầu.

Lansoprazole là thuốc ức chế bơm proton thế hệ thứ hai, thuốc có tác dụng làm liền sẹo tốt. Tác dụng phụ ít gặp, chủ yếu là nhức đầu, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa.

Pantoprazole là thuốc thế hệ thứ 3 trong nhóm này. Thuốc được dung nạp tốt, liền sẹo nhanh, ít tác dụng phụ.

Rabeprazole thuốc thế hệ thứ 4, tác dụng ức chế tiết acid mạnh hơn omeprazole 2 – 10 lần. Thuốc nhanh chóng kiểm soát acid, ngay trong ngày đầu đã chế tiết acid tới 88%. Tác dụng phụ thường gặp là hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu...

Esomeprazole thuốc thế hệ thứ 5, có tác dụng ức chế tiết acid kéo dài. Thuốc ít tác dụng phụ, có thể gặp là nhức đầu, tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn.

Các thuốc băng se và bảo vệ niêm mạc dạ dày

Sucralfat được sử dụng tốt trong trường hợp trào ngược dịch mật. Thuốc có thể gây táo bón, giảm hấp thu tetracycline, phenytonin... và không dùng cho người suy thận nặng.

Bismuth dạng keo là một kim loại nặng, trước đây người ta đã sử dụng bismuth để điều trị bệnh loét tiêu hóa có hiệu quả, song dùng liều cao kéo dài gây ra hội chứng não bismuth và từ đó đã có khuyến cáo không nên dùng bismuth. Từ khi phát hiện bismuth có thêm khả năng diệt vi khuẩn Helicobacter pylori (HP), người ta tái sử dụng bismuth để điều trị loét tiêu hóa dưới các dạng keo hữu cơ. Thuốc an toàn khi sử dụng liều ngắn hạn, phân có màu sẫm hoặc đen là bình thường.

Nhóm thuốc nuôi dưỡng niêm mạc dạ dày

Dùng các thuốc prostaglandin (PG) được chứng minh trong lâm sàng có hiệu quả trong điều trị viêm loét tiêu hóa, chúng làm giảm bài tiết acid dạ dày và kích thích, đồng thời làm tăng sức đề kháng niêm mạc đối với tổn thương mô. Thuốc có tác dụng tăng bài tiết chất nhầy; kích thích bài tiết bicarbonat dạ dày và tá tràng; duy trì và tăng lượng máu tới niêm mạc dạ dày; duy trì hàng rào niêm mạc dạ dày; kích thích sự hồi phục tế bào niêm mạc dạ dày.

Kháng sinh diệt HP

Amoxicilline: được sử dụng trong các phác đồ diệt HP và cho hiệu quả cao vì hầu như không có hiện tượng kháng thuốc, tác dụng phụ ít, có thể gặp đi ngoài, viêm đại tràng giả mạc, buồn nôn, nôn...

Metronidazol và tinidazol: là các kháng sinh thuộc nhóm 5 nitroimidazol, tác dụng phụ của metronidazol khi dùng ngắn ngày có thể buồn nôn, đi ngoài, dị ứng; dùng dài ngày có thể bị giảm cảm giác.

Clarithromycin: kháng sinh thuộc nhóm macrolid, có phổ hoạt động rộng với vi khuẩn Gr (+) và Gr(-). Trong điều trị HP hiện clarithromycin được khuyên dùng trong phác đồ ba thuốc. Clarithromycin có hiệu quả diệt HP cao, tỷ lệ kháng thuốc của vi khuẩn thấp và ổn định hơn rất nhiều metronidazol.

ThS. Nguyễn Vân Anh - Theo Sức khỏe & Đời sống
Bình luận
Tin mới
Xem thêm