Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, các dung dịch rửa tay nên chứa ít nhất 60% cồn ethanol để đạt hiệu quả sát khuẩn tốt nhất. Bạn nên tránh những sản phẩm chứa methanol và 1-propanol. Đây là các dạng cồn dễ bay hơi, có thể gây ngộ độc và tổn thương các tế bào trong cơ thể.
Với trẻ nhỏ, cha mẹ không nên chọn nước rửa tay có mùi, màu như đồ ăn. Trẻ có thể nhầm lẫn nước rửa tay với đồ uống, dẫn đến các tai nạn đáng tiếc.
Dùng lượng sản phẩm quá ít
Đừng tiết kiệm dung dịch rửa tay khô! Các chuyên gia khuyến cáo sử dụng lượng dung dịch bằng đồng xu để có thể làm sạch toàn bộ bàn tay của bạn.
Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch giúp bạn vệ sinh được cả mu bàn tay, lòng bàn tay cũng như các kẽ tay. Do đó, khi sử dụng gel rửa tay khô, bạn cũng cần một lượng sản phẩm đủ để đạt hiệu quả làm sạch như khi dùng xà phòng.
Rửa tay vội vàng
Cha mẹ cần hướng dẫn trẻ rửa tay kỹ càng trong ít nhất 20 giây
Dùng dung dịch rửa tay khô không có nghĩa là bạn có thể làm sạch tay nhanh hơn. Bạn cần chà sát bàn tay với nước rửa tay khô trong 20 giây như khi rửa tay với xà phòng và nước.
Khi hướng dẫn trẻ nhỏ rửa tay, cha mẹ có thể cùng trẻ hát bài “Chúc mừng sinh nhật” 2 lần (thời lượng tương đương 20 giây).
Lau tay sau khi dùng nước rửa tay
Nước rửa tay khô sẽ để lại cảm giác nhờn và ướt trên tay trong vài giây. Tuy nhiên, bạn không nên dùng khăn để lau đi sản phẩm thừa trên da hay chùi tay vào quần áo. Hành động này sẽ làm giảm hiệu quả của nước rửa tay khô và khiến tay nhiễm khuẩn từ trang phục trên người bạn.
Nếu bạn chà tay đủ lâu (20 giây), dung dịch rửa tay chứa cồn sẽ khô và không để lại cảm giác khó chịu trên tay.
Sử dụng nước rửa tay khô khi tay bẩn bụi đất
Nước rửa tay khô không làm sạch hiệu quả trong trường hợp tay dính bụi đất
Nước rửa tay không thể giúp làm sạch bàn tay lấm lem, bụi bẩn hoặc dính dầu mỡ. Trong các trường hợp này, tốt hơn hết bạn nên rửa tay với xà phòng và nước sạch.
Nếu bạn không tìm được nguồn nước để rửa tay, hãy cố gắng không dùng tay chạm lên khuôn mặt, mắt, mũi, miệng. Bạn cũng nên vệ sinh điện thoại, tay lái xe máy, ô tô hay nắm cửa bị dính bẩn từ bàn tay của mình.
Dùng nước rửa tay khô không đúng lúc
Thời điểm dùng nước rửa tay khô quan trọng không kém cách sử dụng. Dưới đây là những trường hợp bạn cần rửa tay để bảo vệ sức khỏe:
- Trước khi chuẩn bị thức ăn và trước khi ăn.
- Sau khi sử dụng nhà vệ sinh, sau khi thay tã cho trẻ em.
- Sau khi chạm vào khẩu trang và thay khẩu trang.
- Khi dùng tay để che mũi, hắt hơi hay xì mũi.
- Khi đến những nơi công cộng như siêu thị, cửa hàng tạp hóa, chợ…
- Sau khi vuốt ve thú cưng.
- Sau khi tiếp xúc với người có biểu hiện ốm.
Tham khảo thông tin tại bài viết: Chú ý lựa chọn đúng và không lạm dụng nước rửa tay khô