Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần phân liệt

Tâm thần phân liệt là bệnh loạn thần nặng tiến triển từ từ, có khuynh hướng dẫn đến mạn tính. Người bệnh thường tách ra khỏi cuộc sống chung quanh, thu dần vào thế giới nội tâm, tình cảm trở nên khô lạnh, khả năng học tập và làm việc ngày càng giảm sút; có những hành vi, ý nghĩ kỳ dị, khó hiểu...

Vì vậy sau các biện pháp điều trị bệnh, việc phục hồi chức năng tâm lý xã hội và lao động nghề nghiệp là vấn đề cần được quan tâm.

Phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần phân liệt sau điều trị là quá trình thực hiện, tạo nên cơ hội cho bệnh nhân vốn chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống hàng ngày đạt được các mục đích tối ưu về chức năng sinh hoạt giao tiếp, tâm lý xã hội, lao động nghề nghiệp để có thể hòa nhập với cộng đồng và môi trường ở chung quanh.

Phục hồi chức năng tâm lý xã hội

Sự cần thiết phải phục hồi và cách thức phục hồi

Bệnh nhân tâm thần phân liệt sau khi được điều trị có thể hết các triệu chứng rối loạn tâm thần nhưng không học tập, làm việc và lao động được; có nội tâm bất ổn định làm ảnh hưởng đến sinh hoạt. Người bệnh thường có khuynh hướng sống ngày càng tách rời, xa lánh xã hội ở chung quanh; khó hòa nhập với cộng đồng và bệnh có khả năng tiến triển trở thành mạn tính. Trên cơ sở tồn tại này, xã hội cũng có xu hướng bỏ rơi bệnh nhân và thường xem họ không thể giúp ích được gì cho xã hội.

Để giúp cho việc phục hồi chức năng của người bệnh tâm thần phân liệt sau điều trị, nhân viên y tế cần giải thích cho người bệnh, gia đình bệnh nhân về bệnh lý mắc phải; đồng thời nên chấp nhận bệnh tâm thần phân liệt, xây dựng các chương trình phục hồi chức năng tâm lý và lao động nghề nghiệp cho từng người bệnh.

Ngoài ra, phải giải thích cho người bệnh tầm quan trọng của việc dùng thuốc và cách dùng thuốc; hướng dẫn xử trí các tác dụng phụ của thuốc. Cần giúp cho người bệnh, người nhà của bệnh nhân biết cách ứng xử với những biểu hiện bất thường có thể phát hiện.

Một số điểm cần lưu ý khi phục hồi

Cần lưu ý người bệnh tâm thần phân liệt bỏ nhà đi lang thang dễ có nguy cơ bệnh nặng thêm và bị nhiều ảnh hưởng khác do không được chăm sóc. Phải thuyết phục làm sao để gia đình, người thân của bệnh nhân ứng xử với người bệnh thuận lợi; bệnh nhân cảm thấy có được sự quan tâm, chăm sóc, yêu thương, đùm bọc; có không khí ấm áp, cảm giác an toàn khi sống với người thân.

Trên thực tế, người bệnh không thể thực hiện được các hoạt động, công việc như trước khi bị bệnh; vì vậy bác sĩ điều trị và người thân của bệnh nhân phải quan tâm tìm hiểu khả năng sinh hoạt, làm việc của người bệnh; trên cơ sở này giúp họ có thể làm được những việc có ích mà họ có thể làm được. Người bệnh không thể thực hiện sinh hoạt một cách hoàn chỉnh, công việc hay nôn nóng; do đó cần hướng dẫn cho người thân trong gia đình hiểu là phải kiên nhẫn, chia công việc ra từng công đoạn cho người bệnh dễ thực hiện, dần dần làm từ việc đơn giản đến việc phức tạp để có thể thực hiện phù hợp, khỏi bồn chồn và nôn nóng.

Đối với những hành vi, cách cư xử khác thường của người bệnh; nhân viên y tế cần giải thích cho gia đình bệnh nhân có sự hiểu biết cần thiết để không nên căng thẳng, không nên phê phán và tranh luận hoặc trừng phạt hay xa lánh họ; tìm cách hướng dẫn người bệnh tránh thực hiện những hành vi, cách cư xử khác thường đó. Nên động viên, khuyến khích, biểu dương, khen ngợi khi người bệnh làm được một việc tốt hoặc có sự cư xử phù hợp với những vấn đề mà người thân và gia đình mong muốn để họ vẫn cảm thấy rằng bản thân mình được yêu mến, sống còn có ích; dễ chấp nhận sự hướng dẫn điều trị, chăm sóc của bác sĩ và gia đình hơn.

Hướng dẫn, giúp đỡ người bệnh để họ có thể quyết định thực hiện được một cách đúng đắn trước một công việc nào đó rất quan trọng và cần thiết. Bác sĩ điều trị, gia đình và người thân của bệnh nhân phải thường xuyên, tiếp tục nói chuyện với người bệnh, để cho họ tham gia vào những cuộc nói chuyện trong gia đình; cần lắng nghe để người bệnh có thể nói được hết những suy nghĩ, tâm tư, cảm giác và thể hiện là mọi người trong nhà đều hiểu được họ.

Trong sinh hoạt hàng ngày, cần giúp đỡ và hướng dẫn người bệnh thực hiện được những công việc thông thường, biết tự chăm sóc cho bản thân mình, có thể làm được những việc đơn giản như tắm giặt, vệ sinh cá nhân; gấp chăn màn, quần áo; quét nhà, thu xếp, dọn dẹp gọn gàng nơi ăn chốn ở của họ... Không nên để bệnh nhân ở trong tình trạng thụ động, cần giúp đỡ và hỗ trợ họ đi lại, đi chơi đây đó, giao tiếp, ứng xử, làm việc phù hợp với khả năng của họ. Tránh những tình huống có thể ảnh hưởng, làm cho tình trạng bệnh lý của người bệnh càng nặng thêm như bị những cảm xúc căng thẳng, lo lắng, sợ hãi, buồn phiền; có những lời nói, cử chỉ, hành vi, thái độ thiếu thân thiện, không thận trọng của người chung quanh; tránh các cảm xúc đau buồn đột ngột, những xung đột trong mối quan hệ trong gia đình và cộng đồng xã hội đối với bản thân họ.

Khi tình trạng bệnh lý của người bệnh trở nên xấu hơn qua cách cư xử khác thường của bệnh nhân như: trầm lặng, không ăn uống, thu mình lại hoặc trở nên hiếu động, nói luôn miệng hoặc bị kích động, sợ hãi; có ý định gây thương tích cho bản thân hay dọa nạt, tấn công người khác thì gia đình cần nhanh chóng đưa người bệnh đến các bệnh viện chuyên khoa để được xử trí điều trị phù hợp.

Cần phục hồi chức năng tâm lý xã hội, lao động nghề nghiệp sau điều trị bệnh tâm thần phân liệt (ảnh minh họa)

Phục hồi chức năng lao động nghề nghiệp

Sự cần thiết phải phục hồi

Người bệnh tâm thần phân liệt sau khi được điều trị có thể giảm bớt hoặc mất đi các triệu chứng bệnh lý, chức năng tâm lý xã hội có khả năng được hồi phục nhưng không thể lao động, làm việc được; trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội dẫn đến sự buồn chán đối với bản thân. Vì vậy việc phục hồi chức năng lao động nghề nghiệp cho người bệnh sẽ giúp khắc phục được tình trạng này.

Lao động nghề nghiệp sẽ giúp cho người bệnh phát huy khả năng hoạt động tâm thần, hướng suy nghĩ của bệnh nhân vào công việc; hạn chế bớt việc suy nghĩ lan man, giúp họ quên đi bệnh tật, quên các cảm giác khó chịu do tình trạng ảo giác và hoang tưởng gây ra. Công việc và lao động nghề nghiệp cũng giúp người bệnh thoát khỏi hoàn cảnh ăn không ngồi rồi, đi lang thang, phá phách; giúp họ tự tin vào bản thân, xóa bỏ mặc cảm, ăn ngon và ngủ yên hơn.

Đồng thời chính công việc và lao động nghề nghiệp cũng sẽ làm cho mọi người ở chung quanh giảm bớt những suy nghĩ sai lầm về người bệnh.

Cách thức phục hồi

Trên thực tế, tùy theo từng trường hợp người bệnh và hoàn cảnh, môi trường sống của mỗi bệnh nhân để chọn lựa cho họ loại hình lao động nghề nghiệp thích hợp, phục hồi lại công việc cũ trước đây người bệnh vẫn làm như chăn nuôi, trồng trọt, lao động tiểu thủ công nghiệp... Có thể dạy cho bệnh nhân một công việc mới đơn giản, dễ thực hiện và phù hợp điều kiện hoàn cảnh.

Lưu ý các công việc để người bệnh bắt đầu trở lại làm là những việc nhẹ nhàng, đi từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phúc tạp hoặc có thể chia công việc ra làm nhiều công đoạn để giúp họ dễ dàng làm và hoàn thành từng công đoạn một. Khi khởi đầu, cần có người hướng dẫn, kèm cặp, giúp đỡ; bảo đảm an toàn cho người bệnh khi lao động, làm việc. Nên có sự đánh giá, động viên, khen ngợi và khuyến khích họ để thúc đẩy công việc thực hiện tốt hơn.

Một vấn đề cũng cần được quan tâm là tổ chức thời gian phục hồi lao động nghề nghiệp phải phù hợp với tình hình sức khỏe của người bệnh, khả năng làm việc của từng người; đồng thời nên động viên bệnh nhân cố gắng, kiên nhẫn trong công việc và giúp cho họ có được thu nhập từ chính lao động nghề nghiệp của mình để tạo niềm tin nỗ lực phấn đấu.

Lời khuyên của thầy thuốc

Hiện nay theo các nhà khoa học, bệnh tâm thần phân liệt chiếm tỷ lệ khoảng từ 0,3 đến 1% dân số ở các nước và có khuynh hướng phát triển ở nhóm tuổi còn trẻ từ 18 đến 40, đây là lứa tuổi lao động chính của gia đình và xã hội.

Vì vậy sau khi người bệnh được điều trị giảm bớt hoặc khỏi hẳn những triệu chứng bệnh lý lâm sàng, gia đình bệnh nhân kể cả nhân viên y tế ở các cơ sở y tế chuyên khoa cần quan tâm đến việc thực hiện phục hồi chức năng tâm lý xã hội và lao động nghề nghiệp nhằm giúp bệnh nhân có điều kiện tiếp cận với môi trường sống ở chung quanh, hòa nhập vào cộng đồng như những người bình thường khác để họ không còn là gánh nặng của gia đình và xã hội nữa.

TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh - Theo impe-qn.org.vn
Bình luận
Tin mới
  • 21/04/2025

    Chế độ ăn uống phòng và điều trị hạ đường huyết

    Nếu không được xử trí kịp thời, hạ đường huyết có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, chế độ ăn uống khoa học hoàn toàn có thể hỗ trợ phòng và điều trị hạ đường huyết hiệu quả.

  • 21/04/2025

    Lưu ý quan trọng khi chọn sữa cho trẻ

    Một trong những câu hỏi phổ biến nhất mà các bậc cha mẹ đặt ra trong những năm đầu nuôi con là: "Con tôi nên uống loại sữa nào và vào thời điểm nào?". Từ giai đoạn sơ sinh đến khi cai sữa và chuyển sang chế độ ăn thông thường, vai trò của sữa trong chế độ dinh dưỡng của trẻ thay đổi đáng kể theo từng giai đoạn phát triển.

  • 21/04/2025

    Ảnh hưởng của I-ốt đến chức năng tuyến giáp

    Chức năng tuyến giáp có liên quan chặt chẽ với dinh dưỡng thông qua chế độ ăn uống. Các vi chất dinh dưỡng như i-ốt, selen, sắt, kẽm, đồng, magiê, vitamin A và vitamin B12 ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp và điều hòa hormon tuyến giáp trong suốt cuộc đời. Do vậy, những thay đổi trong chế độ ăn uống có thể làm thay đổi hệ vi khuẩn đường ruột, thiếu hụt vi chất dinh dưỡng, dẫn đến những thay đổi trong chức năng tuyến giáp.

  • 20/04/2025

    Nhận thức đúng về thực phẩm giải nhiệt mùa hè

    Mùa hè năm nay được dự báo nắng nóng gay gắt nên thực phẩm giải nhiệt, bảo vệ sức khỏe càng được người dân ưu tiên lựa chọn. Tuy nhiên, người dân cần nhận thức đúng để đưa ra lựa chọn chính xác

  • 20/04/2025

    6 loại thực phẩm nên thận trọng khi dùng chung với dứa

    Dứa là loại trái cây nhiệt đới có hương vị thơm ngon được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, đôi khi việc tiêu thụ dứa với một số loại thực phẩm lại không có lợi cho sức khỏe.

  • 20/04/2025

    7 loại thực phẩm cay giúp chống ngạt mũi và đau đầu do viêm xoang

    Đầu bạn đang đau nhức, bạn bị ngạt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, khó thở, rồi khứu giác và vị giác cũng rối loạn. Đây là những dấu hiệu phổ biến của cảm cúm, dị ứng thời tiết, viêm xoang. Một số thực phẩm có thể giúp bạn giảm các triệu chứng này !

  • 19/04/2025

    4 tác hại nghiêm trọng khi phụ nữ mang thai uống phải sữa giả

    Sữa giả không chỉ đơn giản là không có giá trị dinh dưỡng mà nó còn có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe người dùng, đặc biệt là phụ nữ mang thai cần được chăm sóc dinh dưỡng và đảm bảo an toàn sức khỏe.

  • 19/04/2025

    Chế độ ăn cho người bệnh lao vú

    Đối với người mắc bệnh lao vú, chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng để tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ quá trình điều trị và phục hồi sức khỏe.

Xem thêm