Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Phòng nhiễm giun ở trẻ em

Khoảng 20-50% người Việt có thể bị nhiễm giun, đa phần là trẻ em, học sinh. Với tỷ lệ này, theo Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam hiện là nước có số người nhiễm giun đường ruột cao ở châu Á.

Khoảng 20-50% người Việt có thể bị nhiễm giun, đa phần là trẻ em, học sinh. Với tỷ lệ này, theo Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam hiện là nước có số người nhiễm giun đường ruột cao ở châu Á. Tình trạng môi trường sống ô nhiễm cùng với kiến thức vệ sinh hạn chế nên người dân Việt Nam, đặc biệt là trẻ em dễ trở thành đối tượng của các bệnh lý nguy hiểm do nhiễm giun lâu dài.

Con đường lây truyền của giun

Giun là loài sống ký sinh trong ruột người, số lượng trứng chúng đẻ ra mỗi ngày nhiều vô số kể. Thông thường, cách lây truyền của chúng theo đường đại tiện của người ra ngoài đất. Sau đó trứng giun phát triển rồi quay lại gây nhiễm bệnh cho người khác, thậm chí là gây tái nhiễm lại cho chính mình.

Rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để phòng nhiễm giun. Ảnh: T.N

Ở các loại như giun đũa, giun tóc, giun kim… thì đường lây qua đường tiêu hóa. Nếu ăn phải thức ăn bẩn hoặc vệ sinh kém, khi xâm nhập qua đường miệng vào trong dạ dày, trứng giun sẽ nở thành ấu trùng giun. Ấu trùng giun chui qua thành ruột non vào máu, theo dòng máu đi khắp nơi trong cơ thể, sau đó đến phổi, và chúng phát triển thành ấu trùng trưởng thành hơn, rồi di chuyển ngược lên phế quản đến họng và sẽ bị nuốt trở lại xuống ruột non, tại đây chúng phát triển thành giun trưởng thành rồi lại tiếp tục đẻ trứng theo một “lập trình” gần như được mặc định sẵn.

Với giun móc thì trứng giun sẽ nở thành ấu trùng ở đất, sau đó ấu trùng giun xâm nhập cơ thể ký chủ chủ yếu là chui qua da (chân, tay…), vào máu hay rất ít trường hợp ấu trùng có thể qua đường miệng xuống ruột, rồi cũng vào máu và sau đó sẽ tiếp tục chu trình như là của giun đũa.

Và những hệ lụy đối với sức khỏe

Dù xâm nhập vào cơ thể người bằng con đường nào thì khả năng gây hại của chúng vô cùng nguy hiểm. Ở giai đoạn ấu trùng, giun đũa và giun móc có thể gây viêm phổi dị ứng, giun móc gây viêm da tại chỗ do ấu trùng qua da. Ở giai đoạn giun trưởng thành, do chất tiết của giun, hoạt động của giun gây kích thích hóa học, cơ học tại chỗ làm thành ruột bị tổn thương, buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu lỏng, đi ngoài ra máu.

Giun đũa có chu kỳ phát triển trong 30 ngày, có thể gây tắc ruột, lồng ruột, viêm tắc ruột, giun chui ống mật, viêm ruột thừa, dẫn đến suy dinh dưỡng, giảm khả năng phát triển trí tuệ của trẻ.

Giun tóc có chu kỳ phát triển 60 - 70 ngày, đẻ 3.000 - 20.000 trứng một ngày, sống 5 - 10 năm. Giun tóc có thể gây tổn thương niêm mạc ruột, hội chứng giống lỵ, dẫn đến rối loạn tiêu hóa, đau bụng, buồn nôn, táo bón, khó tiêu, chán ăn, nhiễm nặng và kéo dài gây sa trực tràng, nhiễm trùng thứ phát, thiếu máu nhược sắc.

Giun móc có chu kỳ phát triển trong 4-5 tuần, đẻ 9.000-30.000 trứng giun mỗi ngày, ký sinh trong tá tràng. Nó có thể gây thiếu máu nặng, suy tim, phù nề, phụ nữ rong kinh, vô kinh, gầy mòn, phù thũng, suy kiệt, phối hợp các bệnh khác.

Nhiễm giun móc hay gặp ở trẻ em lớn sống ở vùng nông thôn do tiếp xúc nhiều với đất cát, phân bón… Khi ấu trùng chui qua da thì tại chỗ cơ thể hay thấy nốt hồng ban dị ứng hoặc các mụn nhỏ và ở giai đoạn ấu trùng qua phổi thì xuất hiện ho, ngứa họng, viêm họng.

Trẻ nhiễm giun móc thường mệt mỏi, chán ăn, đau bụng, đau vùng thượng vị hoặc quanh rốn đau âm ỉ, đau cả lúc no, lúc đói, táo bón, đi ngoài phân đen, chóng mặt, ù tai, da xanh, thiếu máu. Nếu không điều trị dần dần trẻ bị thiếu máu nặng và có thể tử vong do suy tim. Người nhiễm trứng giun mất 0,02 - 0,1ml máu một ngày gây thiếu máu nhược sắc, suy tim, suy kiệt, viêm dạ dày, tá tràng...

Phòng nhiễm giun thế nào?

Việt Nam là nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, môi trường ẩm ướt là điều kiện vô cùng thuận lợi để các loại giun sinh sôi và phát triển. Vì thế cần phải nâng cao ý thức về vấn đề vệ sinh cũng như điều chỉnh lại thói quen ăn uống… để bảo vệ sức khỏe. Nên tẩy giun định kỳ mà không cần các chẩn đoán trước đó đối với tất cả mọi người có nguy cơ cao sống trong các vùng lây nhiễm.

Môi trường tập thể, khu dân cư đông đúc hay trường học chính là những nơi lý tưởng nhất để tẩy giun định kỳ và đồng loạt (2 - 3 lần/năm). Ngoài ra, gia đình cũng là nơi đặc biệt quan trọng để các thành viên cùng nhau phòng bệnh và điều trị đồng thời, điều này sẽ đạt hiệu quả cao hơn vì tránh tái nhiễm.

Rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, mỗi khi tay bị bẩn, sau khi chơi đùa xong, trước và sau khi chăm sóc người bệnh, trước và sau khi cho người khác ăn…

Các loại rau sống và hoa quả phải được rửa sạch trước khi ăn. Không nên ăn các loại thức ăn chưa nấu chín như: gỏi cá, tiết canh, bò tái…

Không uống nước chưa đun sôi từ các nguồn nước giếng, hồ, sông, suối…

Không để móng tay dài và cáu bẩn. Tuyệt đối không gặm móng tay (đối với trẻ em). Nên mang giầy dép khi ra ngoài, không ngồi lê trên đất.

Luộc sôi đồ dùng gia đình như: chăn, màn, ga trải giường, gối... vệ sinh sạch sẽ đồ chơi trẻ con nếu trong nhà có mầm nhiễm.

Không đại tiện, không phóng uế bừa bãi. Xử lý các chất thải, vệ sinh nhà cửa, trường lớp sạch sẽ.

BS. Lê Nhân - Theo Sức khỏe & Đời sống
Bình luận
Tin mới
  • 21/11/2024

    Trị bệnh Parkinson bằng Đông y có hiệu quả không?

    Do các loại thuốc Tây y điều trị bệnh Parkinson thường đi kèm với tác dụng phụ và nguy cơ “nhờn thuốc” khi dùng lâu dài, nhiều người tìm tới các phương pháp Đông y với hy vọng các loại thảo dược tự nhiên sẽ an toàn hơn với cơ thể.

  • 21/11/2024

    Tăng cường sức khỏe xương khớp cho người cao tuổi trong mùa đông

    Khi bước vào giai đoạn lão hóa, cơ thể con người trải qua nhiều thay đổi sinh lý, suy giảm chức năng của hệ cơ xương khớp và dễ mắc phải các bệnh lý về xương khớp, đặc biệt là trong mùa đông lạnh

  • 21/11/2024

    Tức giận - Kẻ thù thầm lặng của sức khỏe

    Tức giận là một cảm xúc bình thường mà ai cũng sẽ trải qua, bởi hiếm ai có thể giữ được bình tĩnh khi bị tấn công, xúc phạm, phản bội hay thất bại... Tuy nhiên, tức giận quá thường xuyên hoặc kéo dài có thể gây ra nhiều vấn đề đối với sức khỏe.

  • 21/11/2024

    Bệnh hô hấp và cách bảo vệ sức khỏe trong mùa lạnh

    Mùa đông đến đi kèm với sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, không khí hanh khô và độ ẩm giảm. Những yếu tố này gây nên các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu. Các bệnh lý đường hô hấp không chỉ gây khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.

  • 20/11/2024

    9 cách chữa đau chân tại nhà hiệu quả

    Đau chân là vấn đề phổ biến ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của nhiều người. Cùng tìm hiểu 9 phương pháp đơn giản, hiệu quả để chữa đau chân tại nhà. Áp dụng đúng cách, bạn có thể giảm đau, cải thiện lưu thông máu và tăng cường sức khỏe cho đôi chân của mình.

  • 19/11/2024

    Các phương pháp điều trị bênh tiêu chảy tự nhiên khi bạn đang cho con bú

    Thật khó khăn khi bạn phải đối mặt với bệnh tiêu chảy, nhất là khi bạn đang phải cho con bú. Trong bài viết này, Viện Y học ứng dụng Việt Nam sẽ chia sẻ một số biện pháp khắc phục tự nhiên để điều trị bệnh tiêu chảy cho các bà mẹ vẫn đang trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ.

  • 18/11/2024

    Tại sao người đái tháo đường nên ăn rau đầu tiên?

    Ăn rau đầu tiên trong bữa ăn có tác dụng thế nào với người bệnh đái tháo đường? Thứ tự các ăn các món trong bữa ăn của người bệnh đái tháo đường có gì đặc biệt? Nhân Ngày thế giới phòng chống đái tháo đường 14/11, cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

  • 18/11/2024

    Ngày Trẻ em Thế giới: Bồi dưỡng sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ

    Ngày Trẻ em Thế giới là dịp để chúng ta cùng nhau tôn vinh và bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước. Trong bối cảnh cuộc sống hiện đại với nhiều thay đổi, việc chăm sóc sức khỏe toàn diện cho trẻ em càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Xem thêm