Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Viêm não Nhật Bản đang bùng phát

Lại một mùa viêm não Nhật Bản nữa lại đến. Vậy bạn đã trang bị cho mình cùng gia đình những kiến thức về bệnh cũng như các biện pháp phòng bệnh chưa?

Virus gây viêm não Nhật Bản là một loại virus thuộc nhóm Flavivirus, có liên quan chặt chẽ với virus Dengue (gây bệnh sốt xuất huyết), virus sốt vàng và virus ở bờ Tây sông Nil, các loại virus này đều được lan truyền bởi muỗi.

Virus viêm não Nhật Bản là nguyên nhân quan trọng nhất gây bệnh viêm não do virus ở châu Á. Trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên được ghi nhận ở Nhật Bản năm 1871.

Tỉ lệ nhiễm bệnh dao động trong khoảng từ <1 đến >10 trường hợp trên 100.000 dân hoặc cao hơn trong các vụ dịch. Uớc tính có gần 68.000 trường hợp nhiễm bệnh mỗi năm trên thế giới, với khoảng 13.600 – 20.400 trường hợp tử vong. Bệnh gặp chủ yếu ở trẻ em nhưng mọi lứa tuổi đều có nguy cơ mắc bệnh. Hầu hết người lớn ở những nước có bệnh lưu hành đều có miễn dịch tự nhiên sau nhiễm trùng hồi trẻ.

Triệu chứng và dấu hiệu

Triệu chứng thường gặp nhất của bệnh là đau đầu và sốt nhẹ, hoặc không có biểu hiện, chỉ có  1/250 các trường hợp có triệu chứng lâm sàng nặng. Những trường hợp nặng có các triệu chứng khởi phát nhanh chóng, bao gồm sốt cao, đau đầu, cứng gáy, mất phương hướng, hôn mê, co giật, liệt cứng và sau cùng là tử vong. Tỉ lệ tử vong trong những trường hợp này khá cao, lên tới 30%.

Trong những người sống sót, có khoảng 20-30% gặp các di chứng vĩnh viễn về nhận thức, hành vi và các vấn đề về thần kinh như liệt, động kinh tái phát hoặc không có khả năng ngôn ngữ.

Lan truyền

24 quốc gia trong WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) thuộc khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương có tình trạng lây truyền virus viêm não Nhật Bản, với khoảng hơn 3 tỉ người bị phơi nhiễm.

Virus này lan truyền sang người qua vết cắn của muỗi Culex (mà chủ yếu là Culex tritaenoirhynchus) bị nhiễm virus.

Nhưng ngược lại, những người đã bị nhiễm virus không đủ lượng virus để lây truyền cho những con muỗi khi bị chúng hút máu. Virus tồn tại trong một chu trình lây truyền giữa muỗi, lợn, và/ hoặc các loài chim dưới nước. Vì vậy, bệnh chủ yếu được tìm thấy ở các vùng nông thôn và ven đô, nơi con người sống gần các vật chủ.

Tại các khu vực ôn đới của châu Á, virus lây truyền chủ yếu trong mùa nóng và có thể phát triển thành các dịch lớn. Ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, sự lây nhiễm có thể xảy ra quanh năm nhưng thường gặp vào mùa mưa và trước khi thu hoạch ở các vùng trồng lúa.

Chẩn đoán

Những người đi du lịch hoặc sống trong khu vực có bệnh viêm não Nhật Bản lưu hành được coi là một trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh. Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây viêm não bệnh nhân cần được xét nghiệm máu, hoặc chính xác hơn là xét nghiệm dịch não tủy.

Điều trị

Không có biện pháp để chữa khỏi căn bệnh này. Điều trị được tập trung vào việc làm giảm các triệu chứng nặng và hỗ trợ bệnh nhân vượt qua nhiễm trùng.

Phòng bệnh

Vắc – xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản đã có và đảm bảo tính an toàn, hiệu quả. WHO khuyến cáo lịch tiêm phòng viêm não Nhật Bản cần được tích hợp vào lịch tiêm chủng quốc gia ở tất cả các khu vực mà bệnh được công nhận là một vấn đề sức khỏe cộng đồng. Thậm chí, ngay cả những nơi có tỉ lệ mắc bệnh thấp thì tiêm phòng vẫn được khuyến cáo nếu khu vực đó có khí hậu phù hợp cho sự phát triển và lan truyền của virus. Có rất ít bằng chứng cho thấy sự giảm gánh nặng bệnh tật do viêm não Nhật Bản từ các can thiệp khác hơn so với tiêm chủng phòng bệnh ở người.

Có 4 loại chính của vắc-xin viêm não Nhật Bản đang được sử dụng: vắc-xin bất hoạt có nguồn gốc từ não chuột, vắc-xin bất hoạt có nguồn gốc từ tế bào Vero, vắc-xin sống giảm độc lực và vắc-xin sống tái tổ hợp.

Trong những năm qua, vắc-xin sống giảm độc lực SA14-14-2 sản xuất tại Trung Quốc đã trở thành vắc-xin được sử dụng rộng rãi nhất trong các nước có dịch bệnh lưu hành, và được sự đồng ý của WHO vào tháng năm 2013. Vắc-xin bất hoạt có nguồn gốc từ tế bào và vắc-xin sống tái tổ hợp dựa theo chủng vắc-xin sốt vàng cũng đã được WHO cấp phép. Trong tháng 11 năm 2013, Gavi mở một quỹ tài trợ các chiến dịch tiêm phòng viêm não Nhật Bản trong nước có dịch bệnh.

Tất cả các du khách đến những vùng lưu hành của viêm não Nhật Bản nên thận trọng để tránh bị muỗi đốt bằng việc sử dụng các biện pháp bảo hộ cá nhân bao gồm sử dụng kem chống muỗi, bình xịt, và mặc quần áo dài tay. Những du khách ở các khu vực này trong một thời gian dài được khuyến cáo chủng ngừa.

Tại Việt Nam, Cục y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo: tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Tiêm chủng với 3 liều cơ bản:

  • Mũi 1: Tiêm càng sớm càng tốt ngay sau 1 tuổi
  • Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần
  • Mũi 3: sau mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Bùng phát dịch bệnh

Viêm não Nhật Bản bùng phát mỗi 2-15 năm. Sự lây nhiễm virus tăng lên vào mùa mưa, khi muỗi phát triển mạnh. Tuy nhiễn, vẫn chưa có bằng chứng cho thấy sự gia tăng của bệnh sau các trận lũ lớn hoặc sóng thần. Sự lan truyền của virus ở những khu vực mới có tương quan với sự phát triển của nông nghiệp và thâm canh lúa nước cùng với các công trình thủy lợi.

Bình luận
Tin mới
Xem thêm