Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Phản ứng có hại của tia xạ chữa ung thư: Khắc phục thế nào?

Hiện nay, bệnh ung thư đang có xu hướng gia tăng. Xạ trị là một trong những phương pháp được dùng trong điều trị.

Xạ trị có thể gây hại cho hệ tiêu hóa

Các nhà khoa học đã ghi nhận có khoảng 10-15% bệnh nhân ung thư được xạ trị với liều cao có thể bị biến cố gây viêm ruột non hay đại tràng do tia xạ vì niêm mạc ruột rất nhạy cảm với tia xạ, nhất là khu vực tái sinh trong các hốc tuyến; đồng thời các tiểu động mạch nuôi dưỡng ruột cũng rất nhạy cảm nên sử dụng tia xạ liều cao có thể gây viêm mạch máu mạn tính dẫn đến tình trạng thiếu máu mạn tính ở ruột. Các trường hợp viêm ruột do tia xạ tăng lên rõ rệt khi sử dụng liều trên 4.000 rad. Có nhiều yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ viêm ruột, đặc biệt là các trường hợp có phẫu thuật cũ ở ổ bụng và các bệnh lý viêm vùng khung chậu gây dính làm cố định một số quai ruột, làm cho các quai ruột này thường xuyên tiếp nhận tia xạ của những lần chạy tia xạ điều trị.

Biểu hiện phản ứng có hại của xạ trị

Biểu hiện lâm sàng của tình trạng viêm ruột do xạ trị có thể xảy ra cấp tính hay mạn tính. Thể cấp tính xảy ra ngay trong đợt chạy tia xạ với tác hại trực tiếp của tia xạ lên các tế bào tái sinh của những hốc tuyến, tác hại này thường phục hồi hoàn toàn vì tế bào biểu mô được tái sinh rất nhanh; người bệnh có triệu chứng buồn nôn, nôn, đi tiêu chảy có máu, có khi mang tính chất của một đại tràng dễ bị kích thích và có thể kéo dài vài tuần rồi hết. Thể mạn tính thường xuất hiện sau khoảng thời gian từ 6 - 18 tháng, có khi lâu hơn sau khi xạ trị thể hiện sự tổn thương không hồi phục của các tiểu động mạch bị xơ hóa và tắc nghẽn. Triệu chứng lâm sàng thường biểu hiện tình trạng đi tiêu chảy lỏng kéo dài, đau bụng và được chẩn đoán xác định bằng kỹ thuật sinh thiết niêm mạc ruột với hình ảnh teo niêm mạc, có nhiều ổ loét nhỏ mạn tính, có các nguyên bào sợi lạ, các tế bào khổng lồ nhiều nhân và viêm động mạch mạn tính...

Xử trí thế nào?

Đối với thể cấp tính, khi điều trị phải giảm liều tia xạ, giảm cho người bệnh ăn bằng đường miệng và thay thế bằng truyền dung dịch dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch.

phan-ung-co-hai-cua-tia-xa-chua-ung-thu-khac-phuc-the-nao-1

Xạ trị có thể gây hại cho hệ tiêu hóa.

Đối với thể mạn tính, cần đối phó với tình trạng kém hấp thu qua đường tiêu hóa bằng cách sử dụng các dung dịch dinh dưỡng truyền qua đường tĩnh mạch, sử dụng các loại thuốc chống tiêu chảy và dùng kháng sinh để diệt vi khuẩn có hại tăng sinh ở ruột. Trong những trường hợp cần thiết mới phải phẫu thuật khi có các biến chứng xảy ra như thủng ruột, tắc ruột, có lỗ dò hoặc xuất huyết nặng; thực tế bệnh nhân bị tử vong sau phẫu thuật chiếm tỷ lệ rất cao, khoảng 30-50% các trường hợp.

Điều cần quan tâm

Hiện nay, để điều trị bệnh ung thư, trong đó có ung thư một số cơ quan nội tạng, ngoài phương pháp hóa trị liệu và phẫu thuật cắt bỏ khối u, loại bỏ hạch di căn thì phương pháp xạ trị được sử dụng khá phổ biến sau phẫu thuật. Tuy vậy, khi dùng phương pháp xạ trị với tia phóng xạ để điều trị sẽ có tác dụng không mong muốn hay phản ứng có hại xảy ra đối với hệ tiêu hóa, chủ yếu là ruột. Do đó, trong quá trình điều trị phải theo dõi bệnh nhân chặt chẽ để phát hiện các triệu chứng có liên quan nhằm xử trí can thiệp hỗ trợ phù hợp tùy theo thể bệnh cấp tính hay thể bệnh mạn tính. Người bệnh cũng cần cung cấp các thông tin cần thiết, kịp thời cho bác sĩ điều trị để giúp cho việc phát hiện, chẩn đoán và xử trí hiệu quả.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Hóa trị ảnh hưởng thế nào đến cơ thể?

BS. NGUYỄN TRÂM ANH - Theo Sức khỏe & Đời sống
Bình luận
Tin mới
Xem thêm