Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Nước mắm - từ lịch sử ngàn năm đến gia vị không thể thiếu trong bữa ăn người Việt - Phần 2

Nước mắm, nước chấm là một phần không thể thiếu trong bữa ăn của người Việt. Đằng sau loại gia vị độc đáo này là những câu chuyện thú vị về qui trình sản xuất và chế biến. Mời bạn cùng Viện Y học ứng dụng Việt Nam tìm hiểu.

Nước mắm - từ lịch sử ngàn năm đến gia vị không thể thiếu trong bữa ăn người Việt (Phần 2)

Giá trị dinh dưỡng nước mắm

Bởi vì nồng độ muối cao, nước mắm chỉ được sử dụng làm gia vị với một lượng nhỏ thay vì là một nguồn cung cấp chủ yếu các chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, với việc tiêu thụ hằng ngày, nước mắm có thể là nguồn bổ sung cho những người có bữa ăn thiếu một số axit amin thiết yếu.

Nước mắm là dung dịch gồm nhiều loại axít amin cần thiết cho cơ thể (lysin, treomin, valin, methionin, tritophan, leucin, methionin, isoleucin, pheylalanin, alanin...) được tạo thành do sự thủy phân proteaza từ thủy hải sản ướp muối lâu ngày;

Các vitamin B1, B2, B12, PP; các hợp chất vô cơ như Na, Cl, P, K, Ca, Mg, S…(trong đó, NaCl chiếm 250 - 280g/l); Một số chất bay hơi (hydrocarbons, alchohols, carbonyls, axít béo, esters).
Thành phần nitơ gồm: nitơ toàn phần, nitơ hữu cơ, nitơ formol, nitơ amoniac, nitơ amin.

- Nitơ toàn phần và nitơ hữu cơ cao chứng tỏ nước mắm ngon.

- Tỉ lệ nitơ formol so với nitơ toàn phần cao, chứng tỏ nước mắm đã chín và thủy phân hoàn toàn.

- Tỉ lệ nitơ amoniac so với nitơ toàn phần thấp (dưới 35%), chứng tỏ nước mắm tốt, không thể bị thối được.

Ảnh hưởng nước mắm đến sức khỏe
Trong nước mắm có hơn 13 týp acid amin, đặc biệt là các acid amin thiết yếu, không thể thay thế như: valin, methionine, pheylalanin, alanine, isoleucine và quan trọng là lysine.
 
Lysine giúp trẻ ăn ngon miệng, gia tăng chuyển hóa, hấp thu tối đa dinh dưỡng và phát triển chiều cao. Việc thiếu hụt chất này có thể khiến trẻ chậm lớn, biếng ăn, dễ thiếu men tiêu hóa và nội tiết tố. Là một vi chất rất cần thiết nhưng cơ thể không tự tổng hợp được chất này mà phải được cung cấp qua nguồn thực phẩm. Tuy nhiên, lysine trong thực phẩm rất dễ bị phá huỷ trong quá trình đun nấu. Cách cung cấp lysine tiện lợi và hiệu quả nhất là sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn mà trong thành phần có chứa chất này với một lượng vừa đủ cho nhu cầu hàng ngày. Bạn có thể sử dụng sử dụng nước mắm nguyên chất cao đạm, nguồn bổ sung lysine lý tưởng cho trẻ nhỏ.
 
Một trong những kết quả rất quý của quá trình lên men của nước mắm là làm tăng hàm lượng một số vitamin, phải kể đến là B1, B2, PP và quan trọng là B12. Trong 100ml nước mắm có khoảng 5 microgam (mcg) vitamin B12. Theo tiêu chuẩn quốc tế, người phụ nữ có thai và nuôi con bú cần 2,2 mcg cho khẩu phần ăn mỗi ngày để đề phòng rối loạn sản xuất máu ở tủy xương và góp phần tránh dị tật nứt đốt sống thần kinh của thai nhi trong bụng mẹ từ những tháng đầu tiên.
 

Thành phần giàu axit amin tự do trong nước mắm có thể được hấp thụ nhanh chóng trong cơ thể và tham gia các quá trình sinh lý. Khác với protein gốc, sau khi thủy phân trong quá trình chưng cất, các peptide có chứa hoạt tính sinh học. Những hoạt tính phụ thuộc vào trọng lượng phân tử và sự sắp xếp chuỗi axit amin.

Các hoạt tính sinh học của peptide trong nước mắm liên quan đến các lợi ích sức khỏe như chống oxy hóa, hạ huyết áp và dự phòng các bệnh mãn tính. Do vậy, rất cần các nghiên cứu đầy đủ và kỹ lưỡng hơn để đánh giá chính xác giá trị dinh dưỡng cũng như công dụng thật sự của nước mắm.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Ai nên tăng cường bổ sung protein?

Bs.Nguyễn Thế Võ - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Tổng hợp từ Mercola, Jscimedcentral, vnua, SK&ĐS
Bình luận
Tin mới
Xem thêm