Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Những điều cần biết về tiêm phòng dị ứng

Liệu pháp miễn dịch dị ứng (tiêm phòng dị ứng) có thể sẽ giúp thay đổi cuộc sống của rất nhiều người bị dị ứng, nhưng đây không phải là phương pháp an toàn tuyệt đối và cũng không phải là lựa chọn duy nhất khi điều trị dị ứng.

Những điều cần biết về tiêm phòng dị ứng

Dị ứng, cho dù là dị ứng theo mùa hay dị ứng quanh năm, cũng có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của bạn. Trong một số trường hợp, dị ứng thậm chí có thể nguy hiểm chết người. Nhưng với một số loại dị ứng nhất định, thì liệu pháp miễn dịch dị ứng (còn gọi là tiêm phòng dị ứng) có thể là một biện pháp hiệu quả.

Tiêm phòng dị ứng có thể đòi hỏi rất nhiều thời gian và cố gắng, nhưng lợi ích mà nó mang lại có thể sẽ thay đổi cuộc sống của những người bị dị ứng trong thời gian dài, ở bất kỳ lứa tuổi nào.

Hiệu quả của biện pháp này đã chứng minh đối với trẻ nhỏ và người trưởng thành trẻ tuổi, và một nghiên cứu năm 2016 cũng chứng minh rằng, tiêm phòng dị ứng có thể hiệu quả cả đối với người cao tuổi, có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh dị ứng theo mùa ở người cao tuổi (65-75 tuổi) đi khoảng 55% sau 3 năm và có thể làm giảm nhu cầu dùng thuốc đi khoảng 64%. Tuy nhiên, mỗi người là khác nhau và có thể, một số người sẽ không đáp ứng với phương pháp điều trị này.

Nếu bạn có kết quả dương tính với tình trạng dị ứng và đang cân nhắc đến liệu pháp miễn dịch dị ứng, dưới đây là 10 điều bạn nên biết.

Mũi tiêm phòng dị ứng có chứa tác nhân gây dị ứng, do vậy, có thể gây ra phản ứng

Cơ chế hoạt động của mũi tiêm phòng dị ứng là khiến người bệnh phải tiếp xúc với một lượng rất nhỏ tác nhân gây dị ứng. Lượng tác nhân gây dị ứng trong mỗi mũi tiêm sẽ tăng dần theo thời gian dể cơ thể sẽ hình thành khả năng dung nạp. Các mũi tiêm phòng dị ứng sẽ thay đổi hệ miễn dịch, từ việc có phản ứng dị ứng với tác nhân gây dị ứng cho đến khi không còn xuất hiện phản ứng dị ứng nữa. Với một số người, sự thay đổi này là đủ để họ không cần phải sử dụng thuốc dị ứng nữa và với một số người khác, việc này sẽ khiến việc dùng các thuốc dị ứng hiệu quả hơn.

Nhưng vì trong các mũi tiêm phòng dị ứng có chứa tác nhân gây dị ứng, nên phản ứng dị ứng hoàn toàn có thể xảy ra. Những phản ứng này có thể bao gồm từ sưng phù, ngứa tại vết tiêm (thường là trên cánh tay) cho đến hắt hơi, sổ mũi, hiếm gặp hơn là sốc phản vệ.  Đó là lý do vì sao sau khi tiêm, bạn nên ở lại phòng khám 30 phút để nếu phản ứng dị ứng có thể xảy ra thì các bác sỹ cũng có thể kiểm soát và điều trị kịp thời.

Tiêm phòng dị ứng không chỉ được dùng để điều trị dị ứng theo mùa

Tiêm phòng dị ứng sẽ rất hiệu quả với những người bị dị ứng theo mùa, nhưng tiêm phòng dị ứng cũng có thể sẽ phát huy hiệu quả với tình trạng dị ứng quanh năm với các tác nhân dị ứng ở trong nhà, ví dụ như dị ứng nấm mốc, mạt bụi nhà hoặc dị ứng lông súc vật. Tuy nhiên, tiêm phòng dị ứng lại không có tác dụng với tình trạng dị ứng thực phẩm. Tiêm phòng dị ứng có thể sẽ là một lựa chọn tốt cho những người không muốn uống thuốc dị ứng hoặc những người không thể/không muốn tránh khỏi các tác nhân gây dị ứng với họ, ví dụ như súc vật hoặc việc đi ra ngoài.

Cần phải tuân thủ điều trị trong một thời gian dài

Tiêm phòng dị ứng sẽ được chia thành 2 giai đoạn. Trong giai đoạn hình thành, bạn sẽ cần được tiêm 1-2 lần/tuần trong vòng từ 3-6 tháng. Sau đó, bạn sẽ bước vào giai đoạn duy trì và chỉ cần tiêm khoảng 1-2 lần/tháng, kéo dài trong vòng vài năm.

Việc thực hiện đúng lịch trình này vô cùng quan trọng để đảm bảo hiệu quả của các mũi tiêm cũng như làm giảm tối đa nguy cơ xuất hiện các phản ứng tiêu cực. Với một số người, việc này là đáng để thử nghiệm nhưng với một số người khác, họ lại không có đủ thời gian để tuân theo lịch trình này. Ngoài ra, mặc dù việc tiêm chỉ diễn ra trong vòng một vài phút, bạn sẽ vẫn phải ở lại phòng khám ít nhất 30 phút sau mỗi mũi tiêm – một yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến việc tuân thủ điều trị.

Thuốc kháng histamine có thể khiến cho việc tiêm phòng dị ứng trở nên dễ dàng hơn

Sử dụng thuốc kháng histamine đường uống trước mỗi mũi tiêm có thể giúp làm giảm phản ứng phụ và các phản ứng tiêu cực. Việc sử dụng thuốc kháng histamin đường uống đặc biệt quan trọng nếu bạn sắp bước vào giai đoạn duy trì hoặc bạn có phản ứng rất mạnh mẽ tại vị trí được tiêm. Ngoài ra, một số nghiên cứu còn gợi ý rằng, sử dụng thuốc kháng histamine trước giai đoạn hình thành cũng có thể làm tăng hiệu quả của các mũi tiêm phòng dị ứng.

Để các mũi tiêm thực sự phát huy tác dụng, có thể sẽ mất vài năm

Các mũi tiêm phòng dị ứng không phải là loại thuốc có tác dụng nhanh. Mặc dù với một số người có thể sẽ bắt đầu cảm thấy tốt hơn ngay từ giai đoạn hình thành, nhưng đa số mọi người sẽ không nhận thấy sự cải thiện rõ rệt cho đến khi ở trong giai đoạn duy trì từ 6-18 tháng.

Trên thực tế, một nghiên cứu gần đây tại Anh chỉ ra rằng, sẽ cần ít nhất là 3 năm cho tới khi các mũi tiêm phòng dị ứng thực sự có hiệu quả hơn việc dùng giả dược trong việc điều trị chứng dị ứng theo mùa. Giai đoạn duy trì cho đa số các mũi tiêm phòng dị ứng thường kéo dài từ 3-5 năm. Sau giai đoạn này, một số người sẽ cảm nhận thấy hiệu quả giảm dị ứng kéo dài, nhưng với một số người sẽ lại cần tiếp tục điều trị.

Tiêm phòng dị ứng không phải phù hợp với tất cả mọi người

Đa số người trưởng thành và trẻ em trên 5 tuổi đều có thể tiêm phòng dị ứng. Nhưng nếu bạn hoặc con bạn bị hen suyễn nặng, không kiểm soát được thì có thể bác sỹ sẽ khuyên không nên tiêm phòng dị ứng. Nên đợi đến khi cơn hen qua đi, hoặc khi sức khỏe tốt hơn mới có thể áp dụng phương pháp này. Phụ nữ mang thai trong giai đoạn duy trì của việc tiêm phòng dị ứng có thể tiếp tục việc điều trị (Nghiên cứu thậm chí còn gợi ý rằng miễn dịch trị liệu trước hoặc trong quá trình mang thai có thể làm giảm nguy cơ bị dị ứng của em bé sau này). Nhưng, phụ nữ không nên bắt đầu tiêm phòng dị ứng hoặc tăng liều thuốc trong quá trình mang thai.

Một số loại thuốc, ví dụ như thuốc chẹn beta, có thể làm giảm hiệu của của epinephrine – loại thuốc rất quan trọng, có thể cứu sống tính mạng trong trường hợp sốc phản vệ. Mặc dù sốc phản vệ rất hiếm gặp nhưng lại là nguy cơ nguy hiểm cho những người tiêm phòng dị ứng, nên bạn sẽ được khuyên không nên tiêm phòng dị ứng nếu đang sử dụng thuốc chẹn beta (hoặc các loại thuốc khác có thể làm giảm hiệu quả của epinephrine).

Tiêm phòng dị ứng có thể khiến bệnh hen suyễn và eczema thuyên giảm

Khi nghĩ về các triệu chứng dị ứng, mọi người thường đơn giản nghĩ về các triệu chứng như ngứa mắt, ngạt mũi, sổ mũi hoặc trong trường hợp xấu nhất là sốc phản vệ. Tiêm phòng dị ứng có thể dự phòng được tất cả những triệu chứng dị ứng ở trên, và còn có thể hữu ích trong những bệnh liên quan. Nếu bạn bị hen suyễn, thì việc kiểm soát được tình trạng dị ứng có thể sẽ giúp làm giảm số lần lên cơn hen, cải thiện tình trạng hô hấp và giảm nhu cầu dùng thuốc. Eczema, một tình trạng viêm da, cũng thường liên quan đến các triệu chứng dị ứng do yếu tố môi trường.

Tiêm phòng dị ứng cũng có thể đem lại sự cải thiện tình trạng sức khỏe tinh thần

Tiêm phòng dị ứng không chỉ giúp các triệu chứng về mặt cơ thể tiến triển tốt hơn, mà còn có thể giúp cải thiện tình trạng sức khỏe tinh thần, đặc biệt là trong trường hợp bệnh dị ứng nặng và ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe cũng như cuộc sống của bạn. Ví dụ như tình trạng dị ứng côn trùng, một tình trạng khiến rất nhiều người khổ sở và khiến nhiều người không thể tham gia các hoạt động ngoài trời được. Một nghiên cứu năm 2014 chỉ ra rằng, những người bị dị ứng côn trùng được trị liệu miễn dịch không chỉ làm giảm nguy cơ bị sốc phản vệ và tử vong so với những người không điều trị bằng phương pháp này mà còn ít bị lo lắng và trầm cảm hơn.

Thuốc ngậm dưới lưỡi là một lựa chọn điều trị khác

Với những người ghét bị tiêm hoặc có lịch trình hàng ngày quá bận rộn, không thể tuân thủ được thời gian của liệu trình tiêm phòng dị ứng, thì thuốc ngậm dưới lưỡi có thể là một lựa chọn khác. Biện pháp này sẽ được sử dụng hàng ngày dưới dạng viên ngậm tan dưới lưỡi và chỉ cần sự theo dõi của bác sỹ khi sử dụng một vài liều đầu tiên. Viên ngậm dưới lưỡi thường được sử dụng cho dị ứng phấn hoa (cho người lớn và trẻ em), dị ứng cỏ phấn hương (chỉ dùng cho người trưởng thành). Một số bác sỹ tại Mỹ cũng sử dụng thuốc dạng nhỏ dưới lưỡi để điều trị các tình trạng dị ứng khác, mặc dù phương pháp này không được FDA chấp nhận.

Thông tin thêm trong bài viết: Phòng chống sốc phản vệ do dị ứng thực phẩm

Ts.Bs.Trương Hồng Sơn - Viện Y học ứng dụng Việt Nam
Bình luận
Tin mới
  • 28/03/2024

    Vì sao bạn nên tẩy lớp trang điểm trước khi tập thể dục?

    Việc trang điểm nhẹ nhàng trước khi đến phòng tập thể dục có thể giúp chị em phụ nữ tự tin hơn. Nhưng theo một nghiên cứu mới được đăng trên Journal of Cosmetic Dermatology, việc này có thể có thể làm giảm lượng dầu trên da, gây khô da.

  • 28/03/2024

    5 nguyên liệu không nên bỏ qua khi pha chế món sinh tố chống viêm

    Sinh tố là thức uống bổ sung năng lượng và vitamin hiệu quả khi bạn mệt mỏi vì thời tiết. Công thức pha chế sinh tố nên có những thực phẩm, nguyên liệu giàu chất chống viêm để bảo vệ sức khỏe.

  • 28/03/2024

    Bà bầu "bỏ túi" ngay những lợi ích không ngờ từ việc uống vitamin trong thai kỳ

    Vitamin dành cho bà bầu là những viên bổ sung được sản xuất đặc biệt nhằm cung cấp cho cơ thể phụ nữ mang thai các vitamin và khoáng chất cần thiết. Bác sĩ khuyên bạn uống vitamin ngay từ khi bắt đầu lên kế hoạch mang thai cũng như trong suốt thai kỳ.

  • 28/03/2024

    Thực phẩm, đồ uống nên hạn chế khi đang bị nghẹt mũi

    Dấu hiệu nghẹt mũi thường gặp khi bạn bị cảm cúm, viêm mũi dị ứng hoặc viêm đường hô hấp. Một số thực phẩm, đồ uống có thể khiến triệu chứng này trầm trọng hơn, cản trở việc hít thở của bạn.

  • 28/03/2024

    Chấn thương sọ não có hồi phục được không?

    Chấn thương sọ não luôn được coi là một trong những thương tổn nghiêm trọng nhất có thể xảy ra với con người. Tuy nhiên, với những tiến bộ mới trong lĩnh vực y tế và phục hồi chức năng, ngày càng có nhiều hy vọng để người bệnh chấn thương sọ não có thể phục hồi và hồi phục các chức năng quan trọng.

  • 27/03/2024

    Những triệu chứng và biến chứng điển hình của bệnh sởi

    Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng do virus sởi gây ra, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Nhận biết sớm các dấu hiệu và triệu chứng như sốt cao, ho, chảy nước mũi và phát ban da đặc trưng là rất quan trọng để điều trị kịp thời. Hiểu rõ các triệu chứng sởi còn giúp phòng ngừa sự lây lan của căn bệnh này.

  • 27/03/2024

    5 loại thảo mộc giúp tăng cường sức khoẻ hô hấp

    Khi gặp các vấn đề hô hấp, nhiều người có xu hướng tìm các giải pháp từ thiên nhiên để giảm nhanh các triệu chứng khó chịu cũng như tăng cường sức khoẻ đường thở. Dưới đây là 5 loại thảo mộc bạn có thể thử áp dụng.

  • 27/03/2024

    Biện pháp cải thiện triệu chứng viêm họng

    Viêm họng là vấn đề hô hấp có thể xảy ra quanh năm, nhất là trong thời tiết giao mùa do virus, vi khuẩn tấn công đường thở. Cần làm gì để cải thiện triệu chứng viêm họng hiệu quả?

Xem thêm