Mỗi bé có nhịp độ đi tiêu riêng nhưng nhìn chung trẻ được coi là táo bón nếu đi ngoài dưới 3 lần mỗi tuần, phân ít, cứng hoặc vỡ vụn như phân dê. Bé cũng được coi là bị táo bón nên đi ngoài phân quá rắn, cảm thấy căng thẳng và đau khi đi tiêu.
Táo bón rất phổ biến ở trẻ em, nguyên nhân thường không liên quan tới bệnh lý thể chất. Khoảng 1/3 trẻ 4-7 tuổi từng bị táo bón. 5% học sinh tiểu học bị táo bón kéo dài hơn 6 tháng. Táo bón mạn tính thường gặp nhất ở trẻ 2-4 tuổi, trong giai đoạn tập ngồi bô. Khoảng 25% trường hợp táo bón khởi phát ngay trong năm đầu đời.
Có thể nhận biết táo bọn dựa trên các dấu hiệu sau:
- Đi tiêu ít hơn bình thường (dưới 3 lần/tuần)
- Đau và căng thẳng khi đi tiêu.
- Chán ăn, đau bụng, chướng bụng.
- Phân khô, cứng, tạo thành các cục nhỏ.
- Sợ đi tiêu và thậm chí sợ ngồi vào bồn cầu.
- Không có cảm giác mót tiêu.
- Có cảm giác đi tiêu chưa hết phân.
- Đau ở hậu môn.
- Phân có thể lẫn máu do nứt hậu môn.
- Phân có mùi khó chịu.
- Đái rắt, nhiễm trùng tiết niệu.
- Són phân lỏng.
Táo bón có thể xảy ra đột ngột (vì sụ sau khi trẻ bị ốm và ăn uống không đầy đủ trong vài ngày), hoặc có thể xảy ra từ từ, rất khó nhận biết. Với một số bé, chỉ một lần duy nhất bị đau khi đi tiêu do phân khô cứng, khó rặn cũng đủ để bé sợ vào nhà vệ sinh và bắt đầu nhịn đi tiêu. Một hay nhiều yếu tố sau đây có thể góp phần gây táo bón ở trẻ:
- Dinh dưỡng: không uống đủ nước hay ăn đủ thực phẩm giàu chất xơ, khiến phân khô và cứng, khó tống ra ngoài.
- Nhịn tiêu: đôi khi trẻ có thể nhịn tiêu quá lâu vì ngại sử dụng nhà vệ sinh công cộng, hay vì nhà vệ sinh không sạch sẽ, hoặc trẻ còn mải mê chơi và không muốn ngừng trò chơi của mình.Trẻ nín đi ngoài bằng cách thít chặt các cơ quanh hậu môn, phớt lờ cơn mót đại tiện. Phân tích tụ trong ruột ngày càng nhiều và trở nên cứng hơn, rất khó tống ra ngoài.
- Thay đổi nhịp điệu hàng ngày: sự thay đổi nhịp điệu sinh hoạt, chẳng hạn một chuyến đi xa, việc chuyển nhà, đổi trường hay thay đổi loại sữa công thức đang dùng có thể ảnh hưởng tới nhịp điệu đi tiêu tự nhiên của trẻ, dẫn tới táo bón.
- Vận động ít: hoạt động thể lực ít có thể khiến ruột của trẻ trở nên chậm chạp, lười biếng hơn, dẫn tới táo bón.
- Táo bón trong gia đình: nếu các thành viên khác trong gia đình cũng bị táo bón, điều này có thể làm tăng nguy cơ táo bón của trẻ.
- Sử dụng thuốc : một số thuốc có thể dẫn tới táo bón, ví dụ như codein, một số thuốc ho, thuốc chống co giật, thuốc kháng histamin chống dị ứng.
Các biện pháp phòng ngừa táo bón
- Không nên bỏ bữa, ăn uống đúng giờ sẽ giúp bé đi vệ sinh đúng giờ.
- Dạy trẻ lắng nghe cơ thể mình và đi vệ sinh khi có tín hiệu.
- Yêu cầu bé đi tiêu vào thời gian cố định, chẳng hạn sau bữa sáng hoặc sau bữa tối hàng ngày. Thông thường cơ thể gửi tín hiệu mót tiêu tới não 15-20 phút sau bữa ăn, tập cho trẻ đi vệ sinh vào các thời điểm này là cách rất tốt để luyện cho ruột đáp ứng với tín hiệu mót tiêu. Trẻ đang trong giai đoạn tập ngồi bô cần tập 5-10 phút mỗi ngày sau mỗi bữa ăn.
- Cho bé đủ thời gian để không phải vội vã. Biến giờ đi tiêu trở thành trò vui vẻ, với những phần thưởng nho nhỏ, chẳng hạn đọc cho bé câu chuyện yêu thích hay cho bé chơi trò thổi bong bóng xà phòng sau khi đi vệ sinh.
- Nếu bé kêu đau khi đi tiêu thì nên yêu cầu bé dừng lại và thử đi vào một lúc khác.
- Ngăn chặn hành vi nín tiêu của bé.
- Động viên bé hoạt động nhiều để tăng nhu động ruột. Với trẻ nhỏ có thể áp dụng các bài tập mát xa bụng, vận động chân và ngâm mình trong bồn nước ấm.
- Thường xuyên cho bé uống nước; tránh uống quá nhiều sữa, nước quả.
- Thêm nhiều chất xơ sẽ giúp bé duy trì thói quen đi vệ sinh, nhưng điều này chỉ có tác dụng khi táo bón đã được xử lý.
|
1. Tăng cường vận động
Trẻ bị táo bón có thể bị thiếu năng lượng và trở nên kém hoạt bát. Tuy nhiên, vận động thường xuyên lại rất quan trọng, giúp thức ăn di chuyển dọc theo ruột. Việc sử dụng các cơ ở lưng, bụng và đùi giúp ích cho hoạt động của ruột.
Uống nhiều nước giúp tăng lượng chất lỏng trong phân, khiến phân mềm hơn và dễ tống ra ngoài.
Cách tính lượng dịch trẻ cần đưa vào cơ thể mỗi ngày
(bao gồm sữa, nước, nước hoa quả và thức ăn)
- Trẻ 0-12 tháng cần khoảng 150 ml dịch/kg cân nặng. Ví dụ bé nặng 6 kg cần khoảng 800 ml dịch/ngày.
- Trẻ 0-6 tháng không cần bổ sung nước hay đồ uống khác ngoài sữa, nhưng sau 6 tháng có thể bổ sung tới 180 ml các loại dịch và nước trong thực phẩm.
- Trẻ 1-3 tuổi cần khoảng 1,2 lít dịch/ngày.
- Trẻ > 3 tuổi cần khoảng 1,5 lít dịch/ngày.
|
Cố gắng cho trẻ ăn chế độ ăn cân đối, giàu chất xơ, nhiều rau củ quả. Chất xơ giúp làm tăng khối lượng phân, khiến chúng mềm hơn và dễ tống ra ngoài.
Cách tính lượng chất xơ (g) trẻ cần ăn mỗi ngày
Tuổi của trẻ (số năm) + 5 (g) (với trẻ > 2 tuổi)
Ví dụ bé 7 tuổi cần 7+5 = 12 g chất xơ/ngày.
|
BS Trần Thu Thủy - Theo BV Nhi TW