Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Cảnh giác với bệnh hen suyễn ở trẻ em mùa lạnh

Bệnh suyễn ở trẻ em còn gọi là bệnh hen phế quản (HPQ) là một bệnh mạn tính của đường hô hấp. Bệnh biểu hiện bằng sự co thắt phế quản và làm tăng tiết chất nhầy niêm mạc phế quản.

Bệnh suyễn ở trẻ em còn gọi là bệnh hen phế quản (HPQ) là một bệnh mạn tính của đường hô hấp. Bệnh biểu hiện bằng sự co thắt phế quản và làm tăng tiết chất nhầy niêm mạc phế quản. Hai hiện tượng này làm cản trở sự lưu thông của không khí, vì vậy trẻ khó thở. Mức độ khó thở nhiều hay ít còn tùy thuộc vào sự co thắt phế quản và sự bài tiết dịch nhầy nhiều hay ít. Ngoài ra, còn tùy thuộc vào tính chất của bệnh có bị viêm nhiễm do vi sinh vật (vi khuẩn, virus, vi nấm) hay không? Nếu có thì bệnh còn phức tạp hơn nhiều.

Căn nguyên của HPQ là gì?

Người ta chưa xác định hết các căn nguyên, bởi vì theo các chuyên gia về bệnh hen thì có rất nhiều loại có khả năng gây bệnh hen hoặc là gây nguy cơ cao của bệnh HPQ.

Một điều dễ nhận thấy là mỗi khi thời thiết thay đổi từ nắng ấm sang lạnh, gió mùa đông bắc, áp thấp nhiệt đới, ẩm ướt, trẻ cảm lạnh do mặc không đủ ấm, tắm khi có gió lùa, mặc quần áo bị ướt (do trẻ nghịch nước hoặc khi trẻ “tè ra quần” mà người lớn không biết...) thì ở các trẻ có tiền sử HPQ rất dễ tái phát.

Viêm đường hô hấp do vi sinh vật (như viêm mũi họng, VA, viêm phế

quản, tiểu phế quản), một số thức ăn (như tôm cua, ốc...), lông của một số động vật nuôi trong nhà (như chó, mèo...), một số côn trùng, tiết túc, đặc biệt là mạt gà, một số dược phẩm hoặc đôi khi gắng sức (khóc, chạy nhảy nhiều, đùa nghịch quá mức...) cũng là một trong các nguy cơ cao làm cho trẻ có tiền sử bị HPQ tái phát.

Vấn đề khói, bụi bẩn cũng là một trong những vấn đề cần quan tâm. Khói thuốc lá, thuốc lào do người lớn phả ra một cách thường xuyên, khói bếp do đun rơm rạ, củi, rác, nhất là khói và khí của bếp than đá (than tổ ong); bụi nhiều nhất là các vùng đô thị vệ sinh môi trường, vệ sinh hoàn cảnh, vệ sinh công nghiệp chưa tốt, là những yếu tố có nguy cơ cao làm cho trẻ xuất hiện cơn HPQ.

Làm thế nào để biết trẻ bị Hen phế quản?

Đối với cơn HPQ nhẹ, thường xuất hiện khi gắng sức (khóc, chạy nhảy quá mức...), biểu hiện là cơn ho như: ho gà, nói được câu dài không bị ngắt quãng. Nghe phổi thấy có tiếng ran rít vào cuối thì thở ra.

Đối với HPQ vừa thì cơn ho xuất hiện khi trẻ gắng sức, tiếng nói ngắt quảng, bắt đầu thấy dấu hiệu co kéo lồng ngực, hõm ức, hố thượng đòn. Nghe thấy ran rít thì thở ra.

Đối với HPQ nặng thì khó thở, ho khi nghỉ ngơi, cánh mũi phập phồng; trẻ nhỏ không thể bú được; hiện tượng co kéo lồng ngực, mũi ức, hố thượng đòn rất rõ; nhìn môi của trẻ thấy tím tái. Nói hoặc khóc rất khó khăn (chỉ từng từ một). Nghe phổi có ran rít to cả 2 thì thở ra và hít vào.

Đối với cơn HPQ rất nặng (ác tính) thì trẻ khó thở dữ dội, không thể khóc hoặc nói và lúc này nghe phổi không còn thấy ran. Cơn hen xảy ra liên tiếp trong nhiều ngày nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời.

Trong HPQ, nếu có kèm theo sốt thì rất có khả năng trẻ bị viêm đường hô hấp (có thể là hô hấp trên hoặc hô hấp dưới) do vi sinh vật (vi khuẩn, vi nấm hoặc virus).

Khi trẻ nghi bị Hen phế quản nên làm gì?

Cần thiết cho trẻ đi khám bệnh, đặc biệt là khám bác sĩ chuyên khoa nhi, tuyệt đối không nên nghe theo mách bảo của bạn bè, người thân không có chuyên môn về y, nhất là không có kinh nghiệm về HPQ ở trẻ em. Không nên tự mua thuốc để điều trị cho trẻ vì không những không khỏi, mà nhiều khi còn gây nguy hiểm cho tính mạng của trẻ.

Những lúc trẻ đang bị lên cơn HPQ không được tắm cho trẻ, tránh cho trẻ chơi, ngồi hoặc bế trẻ ra nơi có gió lùa sẽ làm cho trẻ bị lạnh đột ngột, cơn hen sẽ tăng nặng hơn. Đối với trẻ lớn nên động viên, an ủi, tình cảm với cháu, không nên làm cho trẻ buồn, lo lắng, chán nản.

Khi trẻ lên cơn hen nặng, hen cấp tính (khó thở gấp, dữ dội, môi tím, không bú được, không khóc được, nói ngắt quãng hoặc không nói được...) cần khẩn trương đưa cháu đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu, tránh để xảy ra điều đáng tiếc.

Nên làm gì để phòng bệnh Hen phế quản?

Cần mặc ấm cho trẻ về mùa lạnh, nhất là khi đi ra khỏi nhà. Chỉ nên tắm cho trẻ khi không có cơn hen (trẻ vẫn ăn, chơi bình thường). Tắm ở buồng không có gió lùa, tắm nước ấm, cần tắm nhanh, tắm xong phải lau khô người cho trẻ ngay, lau bằng khăn khô và mặc ngay quần áo cho trẻ. Mùa lạnh mỗi lần chuẩn bị tắm, rửa cho trẻ nên chuẩn bị một số phương tiện như: quần áo sạch, lò sưởi, điều hòa nóng (nếu có điều kiện) để sau khi tắm, rửa xong là cháu được tiếp xúc ngay với khí ấm, hạn chế lạnh đột ngột làm cho trẻ dễ bị cảm lạnh và nguy cơ xuất hiện cơn HPQ trên trẻ có sẵn tiền sử bị hen.

Đối với trẻ có tiền sử HPQ thì không cho trẻ ăn, uống các loại thức ăn có nguy cơ cao xuất hiện cơn hen như: tôm, cua, ốc. Bố, mẹ và người lớn không nên hút thuốc trong nhà. Nếu chưa có điều kiện dùng bếp điện, bếp ga thì nên cải tiến bếp đun củi, rơm, rạ bằng loại bếp ít khói. Không nên nuôi chó, mèo trong nhà. Cần đề phòng có mạt gà chui trong chăn, gối, đệm bằng cách phơi nắng chăn, gối, đệm mỗi khi có điều kiện. Trong phòng ngủ của trẻ không nên quét nhà bằng chổi mà nên lau bụi bằng khăn ướt, hút bụi bằng máy (nếu có thể). Trẻ đã từng bị HPQ, đã được bác sĩ tư vấn và điều trị cần nghe theo chỉ dẫn của thầy thuốc, đặc biệt cần điều trị phòng hen theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Bởi vì khi trẻ bị HPQ, ngoài việc điều trị cắt cơn hen còn có điều trị dự phòng. Mặt khác, điều trị bệnh HPQ trẻ em không giống như người lớn về thuốc, liều lượng, cách dùng... bởi lẽ “trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ lại”.

Theo suc khoe doi song
Bình luận
Tin mới
  • 14/07/2025

    Bài tập tốt nhất cho chứng đau thắt lưng

    Đau thắt lưng là một trải nghiệm phổ biến đối với nhiều người. Nó thường có thể dẫn đến đau, ngứa ran hoặc tê ở phần thân dưới. Có nhiều nguyên nhân gây đau thắt lưng, phổ biến nhất bao gồm căng cơ, tư thế xấu và tuổi tác.

  • 13/07/2025

    Lựa chọn trang phục và phụ kiện chống nắng hiệu quả cho thanh thiếu niên

    Mùa hè đến mang theo cái nắng gay gắt, đặc biệt tại Việt Nam – nơi khí hậu nhiệt đới khiến bức xạ tia cực tím (UV) đạt mức cao trong nhiều tháng. Đối với thanh thiếu niên lứa tuổi năng động, thường xuyên tham gia các hoạt động ngoài trời như thể thao, dã ngoại hay đi học việc bảo vệ làn da và sức khỏe trước tia UV là vô cùng cần thiết.

  • 12/07/2025

    Chất tạo ngọt nhân tạo làm thúc đẩy cơn đói, khiến bạn ăn nhiều hơn

    Một nghiên cứu mới đã tìm hiểu cách thức sucralose, một chất tạo ngọt không calo, ảnh hưởng đến các tín hiệu não bộ liên quan đến cảm giác đói.

  • 11/07/2025

    Những dấu hiệu của tình yêu thái quá và cách xử lý

    Việc ai đó thể hiện tình cảm với bạn có thể khiến bạn cảm thấy vui vẻ và phấn khích khi bạn đang trong giai đoạn đầu của một mối quan hệ mới. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải phân biệt sự mới lạ của một mối quan hệ mới với các hành vi thái quá.

  • 10/07/2025

    Vận động cùng con - giải pháp gắn kết tình cảm gia đình

    Trong cuộc sống hiện đại, khi thời gian dành cho gia đình ngày càng bị thu hẹp bởi công việc và các thiết bị điện tử, việc tìm kiếm một hoạt động vừa tốt cho sức khỏe vừa giúp gắn kết tình cảm cha con trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

  • 10/07/2025

    Cách phòng tránh và xử trí khi trẻ bị cháy nắng

    Những ngày hè đầy nắng là thời điểm lý tưởng để đưa trẻ ra ngoài chơi, đi biển, cắm trại, picnic,... Tuy nhiên, dành quá nhiều thời gian dưới ánh nắng mặt trời có thể khiến trẻ dễ bị cháy nắng. Cháy nắng nặng không chỉ gây khó chịu mà còn có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe về da cho trẻ. Cùng đọc bài viết sau đây để biết cách phòng tránh và xử trí khi trẻ bị cháy nắng.

  • 09/07/2025

    Đau đầu do thời tiết nóng bức: Nguy cơ tiềm ẩn và giải pháp phòng ngừa hiệu quả

    Mùa hè mang theo những ngày nắng kéo dài, không khí oi bức và nền nhiệt độ cao, tạo nên nhiều thách thức đối với sức khỏe con người. Một trong những ảnh hưởng phổ biến nhưng ít được chú ý là tình trạng đau đầu do nóng.

  • 08/07/2025

    Các nguồn cung cấp chất béo cho cơ thể

    Chất béo là một trong ba nhóm dưỡng chất thiết yếu, cùng với carbohydrate và protein, có vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động sống của cơ thể con người.

Xem thêm