Theo dõi màu sắc nước tiểu giúp bạn biết khi nào nên uống nước
Trong suốt không màu
Nếu nước tiểu của bạn không có sắc vàng, khả năng cao bạn đang uống nhiều nước hơn lượng nước cơ thể thực sự cần. Hiện tượng này có thể đi kèm dấu hiệu đi tiểu quá thường xuyên. Người trưởng thành thường tiểu tiện khoảng 4-10 lần trong ngày.
Uống nước quá nhiều có thể gây mất các chất điện giải và dẫn đến ngộ độc nước trong một số trường hợp hiếm gặp. Bạn nên uống từ từ từng ngụm nhỏ để nước có thời gian thấm qua thành ruột vào mạch máu và thỏa mãn nhu cầu khát của một cơ thể bị thiếu nước.
Màu vàng nhạt
Đây là dấu hiệu cho thấy lượng nước trong cơ thể bạn đang ở trạng thái lý tưởng nhất. Ngoài việc uống nước, bạn có thể ăn thêm một số loại rau củ quả giàu nước như: Cà chua, dưa chuột, dâu tây, bắp cải, rau xà lách, các loại dưa vàng, dưa hấu.
Màu vàng hơi đậm
Khi thấy nước tiểu có màu vàng đậm như hổ phách, bạn cần bổ sung nước. Nồng độ cao các chất thải trong nước tiểu khiến màu nước tiểu sậm hơn bình thường.
Màu nâu hoặc cam đậm
Nếu nước tiểu của bạn có màu nâu hoặc cam đậm, cơ thể bạn đã thiếu nước nghiêm trọng. Một số vấn đề sức khỏe như bệnh tiêu chảy, sốt, nôn mửa có thể khiến cơ thể mất nước nhanh chóng. Bạn nên bù lại nước cho cơ thể với những thức uống giàu chất điện giải.
Lưu ý:
Thiếu nước không phải nguyên nhân duy nhất khiến nước tiểu có màu đậm. Một số thực phẩm có màu đậm như việt quất, măng tây, cà rốt có thể khiến nước tiểu của bạn có màu sắc bất thường. Ngoài ra, bệnh về thận, gan và rối loạn máu cũng ảnh hưởng đến nước tiểu của bạn.
Khi nhận thấy một số triệu chứng như sốt, buồn nôn, đau bụng, nước tiểu có mùi, bạn nên đi khám để được chẩn đoán và tìm ra nguyên nhân khiến nước tiểu có màu không bình thường.
Tham khảo thông tin tại bài viết: Màu sắc nước tiểu tiết lộ điều gì?