Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Nguyên nhân gây ban xuất huyết

Ban xuất huyết là hiện tượng thoát mạch của hồng cầu vào tổ chức dưới da, dưới niêm mạc. Nó xảy ra một cách tự phát và biến mất trong vài ngày thường không để lại di chứng.

Nguyên nhân gây ban xuất huyết

Ban xuất huyết hay xuất huyết dưới da là sự xuất hiện tự nhiên (không do chấn thương) ở ngoài da của các thương tổn có màu đỏ, không biến mất dưới kính đè do hồng cầu xuyên qua thành mạch. Những đốm xuất huyết này cũng có thể nằm ở trên các cơ quan hay niêm mạc (niêm mạc miệng).

Ban xuất huyết xảy ra khi mạch máu bị vỡ, khiến máu tụ lại dưới da, các vết xuất huyết này có kích thước từ nhỏ cho tới những mảng lớn. Ban xuất huyết thường là lành tính nhưng có thể là triệu chứng của một căn bệnh nghiêm trọng như rối loạn đông máu.

Tình trạng giảm tiểu cầu có thể gây xuất huyết và bầm tím bất thường. Đây có thể là một bệnh di truyền hoặc cũng có thể do một số nguyên nhân khác như:

  • Cấy ghép tủy xương
  • Ung thư
  • Hóa trị
  • Cấy ghép tế bào gốc
  • Nhiễm HIV
  • Liệu pháp thay thế hormon
  • Liệu pháp estrogen
  • Sử dụng một số thuốc

Bạn nên đi khám ngay nếu nhận thấy bất kỳ thay đổi bất thường nào trên da.

Nguyên nhân gây ban xuất huyết

Có 2 dạng ban xuất huyết: ban xuất huyết không giảm tiểu cầu và ban xuất huyết giảm tiểu cầu.

Những nguyên nhân có thể gây ban xuất huyết không giảm tiểu cầu:

  • Rối loạn đông máu
  • Một số căn bệnh bẩm sinh mắc phải khi sinh hoặc trước khi sinh như rubella, nhiễm cytomegalovirus
  • Sử dụng một số thuốc như steroid và thuốc ảnh hưởng đến chức năng tiểu cầu
  • Thành mạch yếu
  • Viêm mạch máu
  • Bệnh Scorbut do thiếu hụt vitamin C

Một số nguyên nhân gây ban xuất huyết giảm tiểu cầu:

  • Một số thuốc ngăn cản sự hình thành của tiểu cầu
  • Do truyền máu
  • Rối loạn miễn dịch như ban xuất huyết giảm tiểu cầu tự phát
  • Nhiễm trùng huyết

Chẩn đoán

Bác sỹ sẽ kiểm tra các biểu hiện trên da để chẩn đoán xem bạn có bị ban xuất huyết hay không. Bác sỹ cũng có thể hỏi về tiền sử gia đình và tiền sử bệnh, ví dụ như thời điểm ban bắt đầu xuất hiện. Bác sỹ cũng có thể làm sinh thiết da kèm với xét nghiệm đếm tế bào máu.

Những xét nghiệm trên có thể giúp đánh giá liệu tình trạng xuất huyết của bạn có phải là do mắc một căn bệnh nghiêm trọng nào đó như rối loạn tiểu cầu hay rối loạn về máu hay không. Đếm số lượng tiểu cầu có thể giúp xác nhận nguyên nhân gây ra ban xuất huyết và giúp bác sỹ tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất.

Ban xuất huyết có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Trẻ em có thể xuất hiện ban xuất huyết sau khi bị nhiễm virus và thường sẽ tự hồi phục hoàn toàn mà không cần điều trị. Phần lớn trẻ em bị mắc xuất huyết giảm tiểu cầu sẽ hồi phục trong vòng vài tháng sau khi khởi phát bệnh. Tuy nhiên đối với người lớn, ban xuất huyết thường là mạn tính và cần phải điều trị để kiểm soát triệu chứng và duy trì số lượng tiểu cầu ở mức độ ổn định.

Điều trị

Biện pháp điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra ban xuất huyết. Người lớn được chẩn đoán xuất huyết giảm tiểu cầu nhẹ có thể tự hồi phục.

Bạn chỉ cần phải điều trị khi ban xuất huyết không thể tự khỏi. Quá trình điều trị bao gồm sử dụng thuốc và đôi khi cần phẫu thuật cắt bỏ lá lách. Trong quá trình điều trị cần ngừng sử dụng một số loại thuốc ảnh hưởng đến chức năng tiểu cầu như aspirin, thuốc chống đông và ibuprofen…

Corticosteroid

Sử dụng corticosteroid có thể làm tăng số lượng tiểu cầu trong trường hợp xuất huyết giảm tiểu cầu tự miễn do thuốc này có tác dụng ức chế miễn dịch. Thường sẽ mất khoảng 2-6 tuần thì lượng tiểu cầu mới trở lại bình thường. Khi đó, bác sỹ có thể chỉ định ngừng thuốc.

Ngoài ra, bạn cần phải thảo luận với bác sỹ về những nguy cơ có thể gặp phải khi sử dụng corticosteroid lâu dài như tăng cân, đục thủy tinh thể và mất xương.

Tiêm tĩnh mạch globulin miễn dịch

Nếu ban xuất huyết gây ra chảy máu nặng, bác sỹ có thể chỉ định tiêm tĩnh mạch globulin miễn dịch (IVIG). Liệu pháp này có thể được sử dụng để làm tăng nhanh số lượng tiểu cầu trước khi phẫu thuật. Tuy có tác dụng khá nhanh nhưng globulin miễn dịch thường chỉ phát huy hiệu quả trong một thời gian ngắn. Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm đau đầu, buồn nôn và sốt.

Một số thuốc điều trị khác

Những loại thuốc mới nhất được sử dụng để điều trị ban xuất huyết đó là romiplostim (Nplate) và eltrombopag (Promacta). Những thuốc này có tác dụng kích thích tủy xương sản xuất tiểu cầu, giảm nguy cơ bầm tím và chảy máu. Các tác dụng không mong muốn:

  • Đau đầu
  • Hoa mắt
  • Buồn nôn
  • Đau cơ khớp
  • Nôn mửa
  • Tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Liệu pháp sinh học như sử dụng rituximad (Rituxan) có thể giúp giảm đáp ứng miễn dịch. Nó được sử dụng chủ yếu để điều trị cho những bệnh nhân bị xuất huyết giảm tiểu cầu nặng hay bệnh nhân không đáp ứng với corticosteroid. Các tác dụng phụ bao gồm:

  • Hạ huyết áp
  • Đau họng
  • Ban da
  • Sốt

Phẫu thuật cắt bỏ lách

Nếu thuốc điều trị không có hiệu quả đối với ban xuất huyết, bác sỹ có thể chỉ định cắt bỏ lách. Loại bỏ lách là biện pháp giúp tăng nhanh số lượng tiểu cầu. Nguyên nhân là do lách là cơ quan chịu trách nhiệm tiêu hủy tiểu cầu.

Tuy nhiên, cắt bỏ lách không phải là biện pháp hiệu quả với tất cả mọi người. Phẫu thuật này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ như tăng nguy cơ nhiễm trùng. Trong trường hợp cấp cứu, khi ban xuất huyết gây chảy máu nghiêm trọng, bác sỹ sẽ chỉ định truyền khối tiểu cầu, corticosteroid và globulin miễn dịch.

Trong quá trình điều trị, bác sỹ sẽ tiến hành theo dõi số lượng tiểu cầu để xác định xem liệu pháp điều trị có hiệu quả hay không. Họ có thể thay đổi phương pháp điều trị tùy theo hiệu quả của nó.

Triển vọng điều trị

Tiên lượng điều trị đối với ban xuất huyết phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu không được điều trị, xuất huyết giảm tiểu cầu có thể gây chảy máu nặng ở một số bộ phận cơ thể. Xuất huyết ở não bộ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Những bệnh nhân được điều trị sớm hoặc chỉ bị nhẹ thường hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, ban xuất huyết cũng có thể tiến triển thành mãn tính trong trường hợp nặng hoặc nếu không được chữa trị kịp thời.

Chung sống với ban xuất huyết

Đôi khi, ban xuất huyết không thể được chữa khỏi hoàn toàn. Một số loại thuốc và hoạt động có thể khiến bệnh tiến triển nặng hơn. Để giảm thiểu nguy cơ tiến triển bệnh, bạn nên tránh sử dụng các thuốc có thể làm giảm số lượng tiểu cầu như aspirin và ibuprofen. Bạn cũng chỉ nên tham gia vào các hoạt động nhẹ nhàng, ít tương tác để giảm nguy cơ chấn thương, bầm tím và chảy máu.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Xuất huyết dưới da

Bình luận
Tin mới
  • 02/07/2025

    Tất tần tật về trà thảo mộc

    Dù là trà đen, trà xanh, trà trắng hay trà ô long, trà nóng hay trà đá đều có nguồn gốc từ cây trà, Camellia sinensis. Nhưng trà thảo mộc thì khác. Trà thảo mộc bắt nguồn từ việc ngâm nhiều loại hoa, lá hoặc gia vị trong nước nóng. Hầu hết các loại trà này đều không có caffeine. Bạn có thể bắt đầu bằng những túi trà làm sẵn hoặc ngâm các nguyên liệu rời và sau đó lọc bỏ bã.

  • 01/07/2025

    Sự thật về phương pháp thải độc bằng nước cốt chanh

    Nhiều người thực hiện thải độc cơ thể theo hướng dẫn truyền miệng và trên các nền tảng xã hội... và hiện nay đang dấy lên trào lưu thải độc bằng nước cốt chanh. Vậy sự thật về phương pháp thải độc này như thế nào?

  • 01/07/2025

    Cách sử dụng dầu dừa điều trị chàm

    Dầu dừa là một chất dưỡng ẩm tự nhiên. Nhiều người bị chàm nhận thấy dầu dừa có tác dụng làm dịu da và giảm các triệu chứng như khô và ngứa.

  • 01/07/2025

    Vai trò của chất béo trong chế độ ăn lành mạnh

    Chất béo thường bị mang tiếng xấu mỗi khi nói về chế độ dinh dưỡng vì cho rằng đó là nguyên nhân gây bệnh tim mạch, tiểu đường hay béo phì. Quan niệm cắt bỏ hoàn toàn chất béo khỏi bữa ăn đã từng phổ biến trong một số khuyến nghị dinh dưỡng. Thực tế, không phải tất cả các chất béo đều có hại.

  • 30/06/2025

    Dùng nghệ và mật ong cùng nhau có tăng lợi ích không?

    Mật ong với nghệ có thể được dùng cùng nhau trong chế độ ăn hằng ngày và thực phẩm bổ sung, vậy tác dụng của chúng có mạnh hơn khi kết hợp?

  • 30/06/2025

    Nhận biết và xử lý vết thương do côn trùng cắn khi đi du lịch

    Du lịch là dịp để khám phá thiên nhiên, trải nghiệm văn hóa và tận hưởng những khoảnh khắc thư giãn. Tuy nhiên, bên cạnh những điều thú vị, các chuyến đi đôi khi cũng tiềm ẩn những rủi ro nhỏ nhưng phiền toái, chẳng hạn như những vết thương do côn trùng cắn

  • 29/06/2025

    Sữa nguyên chất có dinh dưỡng, lợi ích và rủi ro gì?

    Sữa là nguồn dinh dưỡng quan trọng nên có trong chế độ ăn hằng ngày, trong đó sữa nguyên chất được đánh giá là nguồn cung cấp protein tốt. Tìm hiểu về dinh dưỡng, lợi ích và rủi ro khi tiêu thụ sữa nguyên chất.

  • 29/06/2025

    Làm thế nào để bỏ thói quen dùng điện thoại

    Một số ứng dụng có thể cho bạn biết bạn dành bao nhiêu thời gian cho điện thoại và bạn dành bao nhiêu thời gian cho từng ứng dụng. Ngay cả khi bạn không nghĩ rằng mình sử dụng điện thoại quá nhiều, việc nhìn thấy những con số thống kê tần suất sử dụng có thể khiến bạn muốn đặt điện thoại xuống.

Xem thêm