Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Liệu pháp giác hơi trong y học cổ truyền

Liệu pháp giác hơi là một dạng liệu pháp y học cổ xưa, trong đó các bác sĩ trị liệu sẽ đặt những chiếc cốc đặc biệt lên da trong vài phút để tạo lực hút. Việc sử dụng liệu pháp giác hơi có nhiều mục đích khác nhau, bao gồm để giúp giảm đau, giảm viêm, tăng lưu thông máu, thư giãn, và đặc biệt như một loại massage mô sâu. Hãy cùng tìm hiểu các đặc điểm của liệu pháp giác hơi qua bài viết dưới đây.

Phương pháp thực hiện liệu pháp giác hơi

Giác hơi là một phương thức trị liệu có nguồn gốc từ Trung Quốc, còn có tên gọi khác là hỏa liệu pháp. Cơ chế của giác hơi là dùng những chiếc cốc chuyên dụng để đặt lên da người bệnh, với mục đích là tạo áp suất âm trong những chiếc cốc này và gây sung huyết mạch máu tại chỗ, giúp giảm đau, giảm viêm, giải độc hoặc phòng và điều trị một số bệnh lý.

Những chiếc cốc giác hơi có thể được làm bằng:

  • Thủy tinh
  • Cây tre
  • Đất nung
  • Silicone

Theo xu hướng hiện nay, liệu pháp Y học cổ truyền này đang trở nên hợp thời hơn. Liệu pháp giác hơi xuất hiện trong các nền văn hóa Ai Cập, Trung Quốc và Trung Đông cổ đại. Một trong những sách giáo khoa y học lâu đời nhất trên thế giới, Ebers Papyrus, đã mô tả cách người Ai Cập cổ đại sử dụng liệu pháp giác hơi vào năm 1.550 trước Công nguyên.

Phân loại giác hơi

Có các phương pháp giác hơi khác nhau, bao gồm:

  • Giác hơi khô
  • Giác hơi ướt
  • Giác hơi khí

Trong cả hai loại giác hơi khô và ướt, các chuyên gia trị liệu sẽ cho một chất dễ cháy như rượu, thảo mộc hoặc giấy vào cốc và châm lửa. Khi lửa tắt, cốc sẽ được đặt úp ngược vào da. Khi không khí bên trong cốc nguội đi, nó tạo ra môi trường chân không. Điều này làm cho da nổi lên và đỏ lên khi các mạch máu được giãn nở. Thông thường, cốc giác hơi được để trong tối đa 3 phút.

Một phiên bản hiện đại hơn của giác hơi sử dụng một máy bơm cao su thay vì lửa để tạo chân không bên trong cốc. Đôi khi các chuyên gia trị liệu sử dụng cốc silicon, chúng có thể di chuyển từ vị trí này sang vị trí khác trên da để tạo hiệu ứng giống như mát-xa.

Đối với phương pháp giác hơi ướt, chúng tạo ra một lực hút nhẹ bằng cách để một cốc trong khoảng 3 phút. Sau đó, chuyên viên trị liệu sẽ lấy chiếc cốc ra và dùng dao mổ nhỏ để tạo những vết cắt nhỏ, nhẹ trên da. Tiếp theo, các chuyên gia trị liệu sẽ thực hiện lần hút thứ hai để hút ra một lượng máu nhỏ.

Thông thường, một người bình thường sẽ sử dụng từ 3-5 cốc giác hơi trong buổi giác hơi đầu tiên. Theo các chuyên gia đến từ Hiệp hội Giác hơi Anh lưu ý, hiếm khi có được nhiều hơn 5-7 chiếc cốc được sử dụng cùng lúc. Đồng thời sau khi giác hơi, da có thể được bôi thuốc mỡ kháng sinh và băng lại để ngăn ngừa nhiễm trùng. Da sẽ trông bình thường trở lại trong vòng 10 ngày.

Tác dụng của phương pháp giác hơi

Theo Y học cổ truyền

Theo Y học cổ truyền, giác hơi có tác dụng điều chỉnh âm dương, sơ kinh thông lạc, phù chính khử tà, hoạt huyết khử ứ, giải trừ đau nhức.

Thông qua tác dụng kích thích phụ áp cơ giới của nhiệt độ, giác hơi dẫn đến những phản ứng cục bộ và toàn thân, từ đó điều chỉnh chức năng của cơ thể, tiêu trừ nhân tố bệnh lý.

Theo y học hiện đại

Theo Y học hiện đại, áp suất âm bên trong cốc giác hơi có tác dụng kéo da vào vùng bên trong cốc giác, giúp các lỗ chân lông mở ra, kích thích sự lưu thông của máu trong lòng mạch, đồng thời còn tạo ra một lỗ thông để loại trừ các độc tố trong cơ thể.

Bên cạnh đó, môi trường chân không bên trong cốc giác còn giúp các mô giãn nở cục bộ, chính việc này tạo điều kiện cho mạch máu giãn nở và tăng lưu lượng máu đến các mô bệnh lý, tăng cung cấp oxy, tăng chuyển hóa tế bào và giúp kháng viêm, giảm đau hiệu quả.

Các nghiên cứu về giác hơi cho thấy điều gì?

Chưa có nhiều nghiên cứu khoa học về giác hơi. Theo một báo cáo được xuất bản vào năm 2015 trên Journal of Traditional and Complementary Medicine cho thấy, liệu pháp giác hơi có thể giúp điều trị mụn trứng cá, herpes zoster và giảm đau.

Điều đó tương tự với những phát hiện từ một báo cáo năm 2012, được công bố trên PLoS One. Các nhà nghiên cứu tại Úc và Trung Quốc đã xem xét 135 nghiên cứu về giác hơi. Họ kết luận rằng liệu pháp giác hơi có thể có hiệu quả khi thực hiện kết hợp với các phương pháp điều trị khác, chẳng hạn như châm cứu hoặc sử dụng thuốc. Liệu pháp giác hơi kết hợp có thể hiệu quả đối với các bệnh và các tình trạng khác nhau, chẳng hạn như:

  • Herpes zoster
  • Mụn
  • Liệt mặt
  • Thoái hóa đốt sống cổ

Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu lưu ý rằng các bằng chứng khoa học có thể bị sai lệch và cần có những nghiên cứu tốt hơn để đánh giá. Nhìn chung, Hiệp hội giác hơi Anh cho rằng liệu pháp giác hơi được sử dụng để điều trị:

  • Các rối loạn máu như thiếu máu và máu khó đông
  • Các bệnh thấp khớp như viêm khớp và đau cơ xơ hóa
  • Rối loạn trong sinh sản và phụ khoa
  • Các vấn đề về da như bệnh chàm hay mụn trứng cá
  • Tăng huyết áp
  • Đau nửa đầu
  • Lo âu, trầm cảm
  • Tắc nghẽn phế quản do dị ứng hoặc hen suyễn
  • Suy giãn tĩnh mạch

Các phản ứng phụ của liệu pháp giác hơi

Giác hơi nhìn chung khá an toàn, miễn là chúng ta đến gặp chuyên gia y tế và tuân theo chỉ dẫn cũng như phương pháp thực hiện chính xác. Tuy nhiên, một số tác dụng phụ có thể xuất hiện ở khu vực mà cốc chạm vào da như:

  • Khó chịu nhẹ
  • Bỏng
  • Vết bầm tím
  • Các bệnh hay các vấn đề truyền qua da. Nếu cốc và dụng cụ bị dính máu và không được khử trùng đúng cách giữa các bệnh nhân, các bệnh lây truyền qua đường máu như viêm gan B và C có thể bị lây lan.

Tổng kết

Giác hơi là một phương pháp có từ lâu đời, với nguyên lý dùng lửa là nhiệt nên được sử dụng chủ yếu để chữa các chứng bệnh do hàn (lạnh) gây ra. Giác hơi tương đối an toàn, tuy nhiên cũng có những lưu ý nhất định trong việc điều trị bằng phương pháp này. Nếu có nhu cầu và mong muốn sử dụng liệu pháp giác hơi trong các vấn đề sức khỏe, tốt nhất là nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và có những khuyến nghị, điều chỉnh hợp lý.

Tham khảo thêm thông tin tại: Ẩm thực cổ truyền chữa bệnh

 

BS. Minh Khánh - Viện Y học ứng dụng Việt Nam (tổng hợp từ Webmd) -
Bình luận
Tin mới
  • 09/12/2024

    Giúp người cao tuổi vượt qua nỗi cô đơn mùa đông

    Mùa đông lạnh thường mang đến cảm giác cô đơn và trầm lắng, đặc biệt là đối với người cao tuổi. Sự thay đổi thời tiết, cùng với những hạn chế về sức khỏe và khả năng vận động khiến người già dễ rơi vào tình trạng cô lập, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và thể chất.

  • 09/12/2024

    Phòng ngừa loãng xương ở người cao tuổi

    Với tỷ lệ mắc cao ở người cao tuổi, loãng xương là mối đe dọa tiềm tàng dẫn đến gãy xương và suy giảm chất lượng cuộc sống. Cùng Viện Y học ứng dụng Việt Nam tìm hiểu các biện pháp điều trị và phòng ngừa hiệu quả để đối phó với căn bệnh này!

  • 09/12/2024

    4 lý do nên thêm nghệ vào chế độ ăn trong mùa đông

    Nghệ không chỉ là loại gia vị tốt mà còn có tác dụng hỗ trợ chữa một số bệnh. Dưới đây là 4 lợi ích sức khỏe khi sử dụng nghệ trong mùa đông.

  • 08/12/2024

    Chế độ dinh dưỡng cho trẻ gái dậy thì sớm

    Tuy không phải là yếu tố quyết định nhưng dinh dưỡng có thể ảnh hưởng đến quá trình dậy thì ở nữ giới. Một chế độ ăn uống cân bằng, giàu dinh dưỡng, hạn chế các thực phẩm không lành mạnh sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện và giảm thiểu các nguy cơ liên quan đến dậy thì sớm.

  • 08/12/2024

    Chế độ ăn cho trẻ dậy thì sớm

    Trẻ em ngày nay có xu hướng dậy thì sớm. Dinh dưỡng cũng là một trong những yếu tố góp phần gây dậy thì sớm ở trẻ.

  • 08/12/2024

    Chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp ích cho làn da của bạn như thế nào?

    Da của chúng ta là cơ quan lớn nhất của cơ thể và nhiều tình trạng da có cả biểu hiện bên trong và bên ngoài. Chỉ có một số ít nghiên cứu đã xem xét cách chế độ ăn uống có thể tác động đến một số tình trạng da liễu nhất định. Bài viết dưới đây sẽ liệt kê danh sách các tình trạng da phổ biến và cách chế độ ăn uống có thể giúp ích hoặc gây hại cho làn da của bạn.

  • 07/12/2024

    Bí quyết để xương chắc khỏe ở thời kỳ mãn kinh

    Sự thay đổi nội tiết tố ở phụ nữ tuổi mãn kinh không chỉ dẫn đến các triệu chứng được nhiều người biết đến như bốc hoả, thay đổi tâm trạng,…mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe xương, tăng nguy cơ loãng xương và gãy xương.

  • 07/12/2024

    Nên làm gì khi bé gái dậy thì sớm?

    Xu hướng dậy thì sớm ngày càng gia tăng. Một số ít có thể là biểu hiện của bệnh lý, cần được điều trị đặc biệt.

Xem thêm