Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Hiểu lầm về thuốc tránh thai khẩn cấp

Nếu bạn vừa quan hệ tình dục không có biện pháp bảo vệ và lại chưa sẵn sàng để mang thai, thì thuốc tránh thai khẩn cấp có thể là một lựa chọn cho bạn

Hiểu lầm về thuốc tránh thai khẩn cấp

Tại Mỹ, gần một nửa trong số 6,7 triệu ca mang thai mỗi năm là những ca mang thai ngoài ý muốn. Ở độ tuổi vị thành niên (dưới 19 tuổi), số ca mang thai ngoài ý muốn lên tới 80%.

Thuốc tránh thai khẩn cấp có thể dự phòng được các trường hợp mang thai ngoài ý muốn. Một nghiên cứu thống kê rằng, thuốc tránh thai khẩn cấp có thể làm giảm số ca mang thai ngoài ý muốn đi một nửa. Tuy nhiên, rất nhiều phụ nữ, đặc biệt là nữ giới trẻ, không hiểu rõ về thuốc tránh thai ngoài ý muốn, đặc biệt là không rõ về cách sử dụng loại thuốc này. Dưới đây là những sự thật và hiểu lầm về thuốc tránh thai khẩn cấp hay gặp nhất.

Thuốc tránh thai ngoài ý muốn có tác dụng tương tự như thuốc phá thai?

Sự thật: Thuốc tránh thai ngoài ý muốn có thể dự phòng việc mang thai, nhưng sẽ không có tác động gì nếu bạn đã mang thai từ trước khi sử dụng thuốc.

Các loại thuốc tránh thai khẩn cấp đều có chứa hormone, có tác dụng chính là ức chế quá trình rụng trứng. Ngoài ra, thuốc tránh thai khẩn cấp cũng có thể ngăn chặn việc mang thai thông qua việc ngăn cản quá trình thụ tinh hoặc ngăn chặn trứng đã thụ tinh làm tổ vào niêm mạc tử cung. Về mặt y học, bạn chỉ được coi là mang thai khi trứng đã thụ tinh làm tổ được bên trong tử cung. Nếu bạn uống thuốc tránh thai khẩn cấp nhưng đã có thai sẵn từ trước thì việc uống thuốc cũng sẽ không ảnh hưởng tới cái thai trong bụng bạn.

Bạn cần phải được kê đơn?

Sự thật: Trên thực tế, trong quá khứ, một số loại thuốc tránh thai khẩn cấp phải được kê đơn khi sử dụng.

Tuy nhiên hiện nay, hầu hết các thuốc tránh thai khẩn cấp phổ biến có thể sử dụng không cần sự kê đơn của bác sỹ. Mặc dù vậy, bạn vẫn nên hỏi ý kiến của bác sỹ hoặc dược sỹ trước khi sử dụng thuốc. 

Bạn không cần uống thuốc vội vàng?

Sự thật: Hướng dẫn sử dụng các loại thuốc tránh thai khẩn cấp thường ghi rằng, nên uống thuốc trong vòng 72 giờ sau khi quan hệ tình dục không có biện pháp bảo vệ. Tuy nhiên, thuốc tránh thai khẩn cấp sẽ phát huy tác dụng tốt nhất nếu được uống trong vòng 12 giờ sau khi quan hệ tình dục không có biện pháp bảo vệ (hiệu quả tránh thai khi đó đạt tới 95%). Sau khoảng thời gian này, hiệu quả của thuốc có thể sẽ giảm đi đáng kể. Thông thường, nếu uống thuốc sau 24-48 giờ hiệu quả đạt 85% và sau 49-72 giờ hiệu quả chỉ còn 58%.

Ngoài ra, có một số loại thuốc tránh thai khẩn cấp đặc biệt, ví dụ như thuốc Ella dùng tại Mỹ, có thể uống trong vòng 5 ngày sau khi quan hệ tình dục mà vẫn không mất đi hiệu quả (hiệu quả tránh thai khoảng 80-85%).

Thuốc tránh thai khẩn cấp là không an toàn?

Sự thật: Trong khoảng một nửa số trường hợp dùng thuốc, thì thuốc tránh thai khẩn cấp có thể gây buồn nôn và nôn mửa. Nhưng chưa có bằng chứng nào cho thấy thuốc tránh thai khẩn cấp có thể gây ra những tác hại khác cho sức khỏe, nếu được sử dụng đúng cách. Phản ứng phụ của thuốc tránh thai khẩn cấp đôi khi còn ít hơn so với thuốc tránh thai hàng ngày. Và nếu so sánh với những nguy cơ của việc mang thai ngoài ý muốn mang lại, thì những phản ứng phụ do thuốc tránh thai khẩn cấp gây ra chỉ là rất nhỏ.

Bạn có thể sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp thay thế cho các biện pháp tránh thai khác?

Sự thật: Các biện pháp tránh thai thông thường, ví dụ như thuốc tránh thai hàng ngày hoặc bao cao su, hiệu quả hơn rất nhiều so với thuốc tránh thai khẩn cấp trong việc phòng tránh thai. Ngoài ra, chi phí sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp cũng sẽ cao hơn so với việc dùng thuốc tránh thai hàng ngày hoặc bao cao su.

Thuốc tránh thai khẩn cấp có thể bảo vệ bạn khỏi các bệnh lây truyền qua đường tình dục?

Sự thật: Hoàn toàn không. Thuốc tránh thai khẩn cấp không có tác dụng bảo vệ bạn khỏi bất cứ loại bệnh lây truyền qua đường tình dục nào (ví dụ như herpes hoặc HIV). Quan hệ tình dục không có biện pháp bảo vệ sẽ làm tăng cao nguy cơ nhiễm trùng của bạn. Bao cao su là biện pháp tránh thai duy nhất có thể bảo vệ bạn khỏi các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Theo thống kê, có khoảng một nửa số người thường xuyên quan hệ tình dục tại Mỹ mắc một loại bệnh lây truyền qua đường tình dục nào đó, và bệnh có thể biểu hiện triệu chứng hoặc không. Do vậy, nếu bạn nghi ngờ mình mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, hãy đi kiểm tra ngay.

Thuốc tránh thai khẩn cấp khuyến khích quan hệ bừa bãi?

Sự thật: Chưa có một bằng chứng nào cho thấy việc sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp sẽ làm tăng số lượng bạn tình, giảm tuổi quan hê tình dục lần đầu hay tăng tỷ lệ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục cả.

Một nghiên cứu tại Anh chỉ ra rằng, trong số 3000 nam giới và nữ giới tuổi từ 14-15, thì việc dạy cho các em về thuốc tránh thai khẩn cấp không làm thay đổi hành vi tình dục hoặc thậm chí còn không làm thay đổi việc sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp của bản thân các em.

Chú ý khi dùng thuốc tránh thai khẩn cấp

Đúng như tên gọi, đây là loại thuốc chỉ nên dùng khi bạn lỡ quan hệ tình dục mà không dùng các biện pháp bảo vệ khác, hoặc khi sử dụng các biện pháp tránh thai khác thất bại, chứ không nên được sử dụng hàng ngày hoặc sử dụng thường xuyên.

Nếu dùng thường xuyên, thuốc tránh thani khẩn cấp có thể gây ra nhiều tác dụng phụ có hại cho sức khỏe, thậm chí ảnh hưởng đến hạnh phúc, tương lai lâu dài của bạn. Thuốc có thể gây buồn nôn hoặc nôn, đầy bụng, chóng mặt, làm rối loạn nội tiết, khiến cho bạn có thể bị rong kinh kéo dài hoặc vô kinh. Khi đó, việc thụ thai lại trở nên khó khăn. Đó là chưa kể, việc uống thuốc nhiều, uống sai, khả năng tránh thai không còn, bạn vẫn có thể sẽ có thai như bình thường, phải đi nạo phá thai ngoài ý muốn, gây ảnh hưởng tâm lý, suy sụp sức khỏe, viêm nhiễm…

Tốt nhất, khi có nhu cầu tránh thai, bạn nên tìm hiểu thật kỹ các biện pháp tránh thai hiện có và đến các cơ sở y tế để được tư vấn lựa chọn biện pháp phù hợp nhất.
Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Phụ nữ hay uống thuốc tránh thai nên ăn nhiều những thực phẩm này

Ths.Bs. Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam
Bình luận
Tin mới
Xem thêm