Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Đánh giá sơ bộ về biến thể Omicron (B.1.1.529) của WHO

Ngày 26 tháng 11 năm 2021, nhóm chuyên gia tư vấn và đánh giá sự tiến hóa virus SARS-CoV-2 của WHO (viết tắt là TAG-VE) được triệu tập và bắt đầu tiến hành triển khai xem xét một cách đặc biệt về biến thể mới – biến thể Omicron (B.1.1.529). Là một nhóm chuyên gia độc lập theo dõi và đánh giá định kỳ sự tiến hóa của virus, TAG-VE được cho là sẽ xem xét các đột biến cụ thể một cách chi tiết, cũng như sự kết hợp của chúng có làm thay đổi mức ảnh hưởng của virus đối với con người hay không. Điều này là cực kỳ quan trọng khi các biến thể của virus SARS-CoV-2 vẫn đang biến đổi hàng ngày và chống lại các loại vaccine đặc hiệu hiện có.

Biến thể B.1.1.529

Biến thể B.1.1.529 (còn gọi là biến thể Omicron) lần đầu tiên được báo cáo tới WHO từ Nam Phi vào ngày 24 tháng 11 năm 2021. Theo tình hình dịch tễ học ở Nam Phi cho thấy, biểu đồ dịch tễ học tại quốc gia này được đặc trưng bởi ba đỉnh khác nhau theo các trường hợp mắc mới được báo cáo, và chủ yếu là vẫn là biến thể Delta. Tuy nhiên tại những tuần gần đây, các ca nhiễm đã tăng mạnh trở lại và trùng với việc phát hiện biến thể mới B.1.1.529, và ca nhiễm B.1.1.529 đầu tiên được xác nhận là từ mẫu bệnh phẩm được thu thập vào ngày 9 tháng 11 năm 2021.

Biến thể Omicron có chứa một số lượng lớn các đột biến, và một số trong đó đang rất đáng lo ngại. Theo các bằng chứng sơ bộ cho thấy, nguy cơ tái nhiễm với biến thể này cao hơn so với các biến thể được xếp vào loại đáng lo ngại khác hiện nay. Số lượng các trường hợp của biến thể Omicron dường như đang gia tăng ở hầu hết các địa phương ở Nam Phi, và việc chẩn đoán bằng phương pháp PCR hiện tại tiếp tục giúp phát hiện biến thể này một cách chính xác. Một số phòng thí nghiệm đã chỉ ra rằng đối với một xét nghiệm PCR được sử dụng rộng rãi hiện nay trong xác định virus SARS-CoV-2, một trong ba gen mục tiêu không được phát hiện (được gọi là S gene dropout hoặc S gene target failure); và do đó dựa trên xét nghiệm này có thể sử dụng đánh dấu cho biến thể Omicron trong thời gian chờ xác nhận chính xác quá trình giải trình tự gene. Bằng cách sử dụng phương pháp này, biến thể Omicron có thể được phát hiện với tốc độ nhanh hơn so với sự gia tăng nhiễm trùng trước đó, nhưng điều này cũng cho thấy sự tăng trưởng gia tăng mạnh của loại biến thể này.

Biến thể được xếp loại đáng lo ngại

Một số nghiên cứu hiện tại vẫn đang được tiến hành, và TAG-VE sẽ tiếp tục đánh giá biến thể này một cách chi tiết nhất. WHO cho biết sẽ công bố những phát hiện mới tới các quốc gia thành viên và công chúng khi cần thiết. Dựa trên các bằng chứng hiện tại cho thấy sự thay đổi bất lợi về mặt dịch tễ học COVID-19, TAG-VE đã khuyến cáo WHO rằng biến thể này nên được chỉ định là VOC – hay biến thể đáng lo ngại. Theo đó, WHO đã chỉ định B.1.1.529 là VOC, và đặt tên biến thể mới là Omicron.

Việc nâng mức cảnh báo của một biến thể lên đáng lo ngại sẽ mang tới những yêu cầu khắt khe hơn tại các quốc gia đang lưu hành biến thể, cũng như những chiến lược dự phòng cẩn trọng hơn đối với các quốc gia chưa xuất hiện biến thể đó. Theo WHO, các quốc gia được yêu cầu thực hiện các vấn đề như sau:

  • Tăng cường các nỗ lực giám sát, cũng như việc giải trình tự biến thể để hiểu rõ hơn về các biến thể SARS-CoV-2 lưu hành.
  • Gửi trình tự bộ gen hoàn chỉnh và siêu dữ liệu liên quan đến cơ sở dữ liệu có sẵn công khai, chẳng hạn như GISAID.
  • Báo cáo các trường hợp/cụm ban đầu liên quan đến nhiễm biến thể mới cho WHO thông qua cơ chế IHR.
  • Ở những nơi có năng lực và phối hợp với cộng đồng quốc tế, thực hiện điều tra thực địa và đánh giá phòng thí nghiệm để nâng cao hiểu biết về tác động tiềm tàng của biến thể đối với dịch tễ học COVID-19, mức độ nghiêm trọng, hiệu quả của các biện pháp y tế công cộng và xã hội, phương pháp chẩn đoán, đáp ứng miễn dịch, trung hòa kháng thể hoặc các đặc điểm liên quan khác.

Công dân tại các quốc gia cũng sẽ cần được nhắc nhở thực hiện các biện pháp dự phòng để giảm nguy cơ mắc COVID-19 nghiêm ngặt hơn, bao gồm các biện pháp y tế và xã hội đã được chứng minh tính hiệu quả như đeo khẩu trang phù hợp, vệ sinh tay, giữ khoảng cách, cải thiện tình trạng thông thoáng gió của không gian trong nhà, tránh không gian đông đúc và đặc biệt là tiêm phòng vaccine.

Việc phân loại virus SARS-CoV-2 là biến thể đáng lưu ý (VOI) hay biến thể đáng lo ngại (VOC) được dựa trên các tiêu chí:

Các biến thể đáng lưu ý (VOI):

  • Với những thay đổi di truyền được dự đoán hoặc biết là ảnh hưởng đến đặc điểm của virus như khả năng lây truyền, mức độ nghiêm trọng của bệnh, khả năng thoát khỏi miễn dịch, chẩn đoán hoặc điều trị thiếu xót; và…
  • Đã được xác định là gây ra sự lây truyền đáng kể ở cộng đồng hoặc tại nhiều cụm ca bệnh, ở nhiều quốc gia có tỷ lệ ngày càng tăng tương đương với số lượng các trường hợp ngày càng tăng theo thời gian hoặc các tác động dịch tễ học rõ ràng khác để gợi ý nguy cơ mới xuất hiện đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu.

Các biến thể đáng lo ngại (VOC) là một biến thể SARS-CoV-2 đáp ứng định nghĩa của VOI và thông qua đánh giá so sánh, đã được chứng minh là có liên quan đến một hoặc nhiều thay đổi sau đây ở mức độ có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng toàn cầu bao gồm:

  • Tăng khả năng lây truyền hoặc thay đổi bất lợi trong dịch tễ học COVID-19; HOẶC
  • Tăng độc lực hoặc thay đổi trong biểu hiện bệnh lâm sàng; HOẶC
  • Giảm hiệu quả của các biện pháp y tế công cộng và xã hội hoặc chẩn đoán, vaccine hay các phương pháp điều trị có sẵn

Tham khảo thêm thông tin tại: Biến thể Omicron của virus SARS - CoV-2 và những điều cần biết

 

Viện Y học ứng dụng Việt Nam (Tổng hợp) -
Bình luận
Tin mới
Xem thêm