Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Đái dầm ở trẻ em - Chọn phương pháp điều trị phù hợp (Phần 2)

Điều trị hiệu quả chứng đái dầm giúp cải thiện đáng kể sự tự tin của trẻ. Để đạt kết quả cao, có thể phải kết hợp cả điều trị hành vi và dùng thuốc. Đái dầm tiên phát và thứ phát được điều trị như nhau, trừ khi xác định được bệnh lý, là thủ phạm gây đái dầm thứ phát.

Trước khi bàn về vấn đề điều trị đái dầm, có hai điểm quan trọng cần bàn tới. Thứ nhất, cha mẹ cần thông suốt rằng đái dầm không phải hành vi cố ý. Thứ hai, phần lớn bác sĩ nhi khoa chỉ bàn luận vấn đề đái dầm khi trẻ 6 tuổi hoặc hơn. 

Trong điều trị, quan trọng nhất là xác định xem bé đã sẵn sàng hợp tác hay chưa, điều này đặc biệt quan trọng trong điều trị hành vi. Nếu bé chưa sẵn sàng hợp tác, việc điều trị cần được trì hoãn hay đơn giản hóa cho tới khi bé sẵn sàng.

Các dấu hiệu nhận biết bé muốn thoát đái dầm 

Phần lớn trẻ em bắt đầu tỏ ra quan tâm tới vấn đề này lúc 6-7 tuổi. Có 5 dấu hiệu nhận biết con đã sẵn sàng hợp tác để thoát đái dầm: 

  • Buổi sáng khi thức giấc, bé bắt đầu nhận ra đêm trước mình bị đái dầm và không thích điều này. 
  • Bé nói không muốn mặc bỉm nữa.
  • Bé nói muốn thôi đái dầm ban đêm.
  • Bé hỏi xem trong nhà có ai bị đái dầm khi còn nhỏ hay không.
  • Bé không muốn phải mặc bỉm vì đái dầm.

Cha mẹ có thể làm gì để con bớt căng thẳng?

  • Nhắc bé rằng đái dầm chẳng phải lỗi của ai.  
  • Nói với bé rằng rất nhiều bạn khác cũng có vấn đề tương tự.
  • Không phạt hay làm bé xấu hổ vì tội đái dầm.
  • Nhắc nhở các anh chị trong nhà không chế nhạo bé.
  • Kể cho bé nghe chuyện người lớn trong gia đình cũng từng đái dầm (nếu có).
  • Không làm ầm ĩ khi thấy bé đái dầm.
  • Khen ngợi khi bé giúp cha mẹ xử lý hậu quả của đái dầm: giúp mẹ thay ga trải giường, mang đồ bẩn vào phòng giặt...
  • Khen ngợi nếu bé có tiến bộ: tỉnh dậy ban đêm để đi tiểu, tè dầm bãi nhỏ hơn, ngủ qua đêm mà không tè dầm...

I. Các phương pháp điều trị hành vi 

1. Hạn chế đồ uống

  • Hạn chế lượng nước trẻ được uống sau bữa tối, điều này giúp giảm lượng nước tiểu sản xuất vào ban đêm. 
  • Không nên hạn chế quá nghiêm ngặt vì bé có thể hiểu nhầm là đang bị trừng phạt và sẽ tỏ thái độ thù địch. 
  • Cần chú ý cho bé uống đủ nước vào ban ngày.

2. Đánh thức bé vào ban đêm

Đánh thức và đưa bé vào nhà vệ sinh vài giờ sau khi đi ngủ. Trong đa số trường hợp, bé sẽ nửa tỉnh nửa mê khi đi vệ sinh. 

Một số bác sĩ cho rằng phương pháp này khiến tình trạng đái dầm trở nên trầm trọng hơn, lý do là thay vì để bé học cách nhận biết bàng quang đã đầy khi đang ngủ, phương pháp này chỉ tập cho bàng quang tống nước tiểu ra ngoài vào khoảng thời gian nhất định mỗi đêm.  

Một số bác sĩ coi đây là biện pháp đơn giản mà cha mẹ có thể áp dụng trong khi chờ đợi bé tự thoát khỏi đái dầm hay trở nên hợp tác để thoát đái dầm.  

Một số tài liệu cho thấy biện pháp này tỏ ra hiệu quả, có thể giúp bé thoát đái dầm. 

Cha mẹ cần chú ý khuyến khích bé chịu một phần trách nhiệm cho việc đái dầm như đi tiểu đều đặn trước khi đi ngủ, để áo quần bị ướt vào chậu giặt. Động viên và khen thưởng khi bé qua được một đêm khô ráo. Giúp bé lập lịch theo dõi sự tiến bộ và dán cho bé một tấm hình ngộ nghĩnh cho mỗi đêm không đái dầm.

Nên lập bảng theo dõi sát sự tiến bộ của con.

3. Điều trị bàng quang

Trước đây, các bác sĩ khuyến cáo cho trẻ đái dầm tập các bài căng giãn bàng quang:

  • Trẻ được hướng dẫn nhịn tiểu càng lâu càng tốt vào ban ngày. Mục tiêu là để bàng quang rộng ra vì nhiều bé có dung lượng bàng quang nhỏ hơn bình thường. 
  • Phương pháp này có thể giúp làm tăng dung lượng bàng quang nhưng không làm giảm đáng kể tần suất đái dầm. 
  • Trẻ thường đái dầm trở lại khi ngừng tập. 

Phương pháp này không còn được khuyến cáo vì các lý do: 

  • Bé rất khó nhịn tiểu khi mót tiểu. 
  • Có rất ít nghiên cứu xác nhận tính hiệu quả của phương pháp này.
  • Trẻ thường xuyên nhịn tiểu có thể mắc chứng rối loạn tiểu tiện trong tương lai.

Điều trị bàng quang hiện đại hướng trẻ tới việc tập trung hơn vào chức năng bàng quang, khuyến khích bé:

  • Tăng lượng nước uống vào ban ngày
  • Nghĩ về cảm giác bàng quang đầy nước tiểu
  • Đáp ứng ngay với tín hiệu đầu tiên từ bàng quang
  • Đái kiệt mỗi lần tiểu tiện.

4. Đồng hồ báo thức cho trẻ đái dầm

Thiết bị này giúp đánh thức bé khi bé đái dầm. Nó gồm 2 phần chính: bộ phận cảm nhận ẩm ướt được cài vào quần lót và chuông để đánh thức bé. Một số thiết bị có thêm khả năng rung, giúp đánh thức bé hiệu quả hơn. Có 3 loại đồng hồ báo thức: đồng hồ đeo lên người, đồng hồ không dây và thảm gắn chuông.

Đồng hồ báo thức chống đái dầm dạng đeo lên người.

Khi trẻ đái dầm, nước tiểu sẽ kích hoạt bộ phận cảm biến, làm chuông kêu to, đánh thức bé dậy đi vệ sinh. Sau nhiều tuần nghe chuông, bé học được cách nhận biết các tín hiệu của bàng quang và tỉnh dậy trước khi đái dầm. Bé có thể khỏi đái dầm sau 3 tháng luyện tập. 

Nghiên cứu cho thấy đồng hồ báo thức mang lại hiệu quả cao nhất, lên tới 75%, và tỷ lệ tái phát thấp nhất so với các phương pháp điều trị chống đái dầm khác. 

Một nhược điểm của phương pháp này là đòi hỏi rất nhiều công sức của bé và gia đình. Cả nhà phải thức giấc thường xuyên vào ban đêm trong suốt thời gian dài, điều không phải ai cũng có thể chấp nhận. 

5. Liệu pháp tâm lý

Đây là lựa chọn cho trẻ đái dầm thứ phát do những thay đổi hay chấn thương tâm lý trong cuộc đời, hoặc cho trẻ quá mất tự tin vì tật đái dầm.

II. Điều trị bằng thuốc

Có một vài loại thuốc được sử dụng để điều trị đái dầm. Có thể dùng thuốc đơn độc hoặc kết hợp với điều trị hành vi. 

Thuốc không mang lại hiệu quả kéo dài và đa số trẻ đái dầm trở lại khi ngừng thuốc, vì vậy bác sĩ thường khuyến cáo cho trẻ dùng thuốc trong thời gian ngắn, hoặc dùng với mục đích kiểm soát triệu chứng nếu các biện pháp khác đều thất bại.

1. Desmopressin (Minirin)

Là thuốc tổng hợp tương tự vasopressin, có tác dụng ức chế thận sản xuất nước tiểu. 

Hiệu quả ở 50% bệnh nhân. 

Các nghiên cứu gần đây cho thấy desmopressin có tác dụng tốt hơn ở trẻ lớn, trẻ có dung tích bàng quang bình thường. 

Thuốc không gây nguy hiểm nếu dùng đúng chỉ định. 

Chú ý hạn chế lượng nước uống vào sau bữa ăn tối để đề phòng giảm natri trong máu.  

Desmopressin dạng viên.

Desmopressin có dạng uống và dạng xịt mũi, thuốc được dùng trước khi đi ngủ và vẫn hiệu quả cả khi không dùng đều đặn mỗi đêm. Vì thuốc tiềm ẩn nguy cơ tác dụng phụ nguy hiểm nên cần được sử dụng một cách thận trọng dưới sự kiểm soát của bác sĩ.

Năm 2007 Cục quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) đã yêu cầu ngừng dùng Desmopressin dạng xịt để điều trị đái dầm tiên phát. Nguyên nhân là do bên cạnh các tác dụng phụ không nguy hiểm như gây khó chịu ở mũi, chảy máu cam, đau bụng, đau đầu, thuốc dạng xịt còn gây co giật do hạ natri máu, có thể dẫn tới tử vong.

Cũng theo FDA, thuốc dạng viên vẫn tiếp tục được sử dụng nhưng cần tạm dừng điều trị trong thời gian bệnh cấp tính có thể dẫn tới mất cân bằng nước điện giải như sốt, nôn, tiêu chảy, tập luyện thể lực nặng và những tình trạng đòi hòi trẻ phải uống nhiều nước. Cần hạn chế uống nước từ 1 giờ trước đến 8 giờ sau khi dùng thuốc. 

Các triệu chứng sớm của ngộ độc nước bao gồm đau đầu, buồn nôn và nôn. Nếu xuất hiện các triệu chứng này, cần ngừng cho bé dùng thuốc và đưa bé đi khám bác sĩ ngay. Trẻ tăng động giảm chú ý cần được kiểm soát lượng dịch uống vào một cách sát sao, đề phòng những hành động bột phát. 

Năm 2013, Khoa Thận Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành thử nghiệm sử dụng Minirin cho 35 trẻ đái dầm tiên phát. Kết quả cho thấy, điều trị bằng Minirin mang lại tỷ lệ thành công cao nhất sau 3 tháng (70,8%), đau đầu xuất hiện ở 17% trẻ dùng thuốc.

2. Imipramine

Một loại thuốc trầm cảm. 

Từ phát hiện về tình trạng khó tống nước tiểu ra khỏi bàng quang ở một số bệnh nhân dùng Imipramine để điều trị trầm cảm, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu thuốc này trên bệnh nhân đái dầm. 

Hiệu quả thu được là 40%.  

Lo ngại lớn nhất là sự chênh lệch quá nhỏ giữa liều hiệu quả và liều gây độc. Imipramine là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến trẻ tử vong vì ngộ độc ở Anh. Trẻ có thể chết vì vô tình dùng thuốc quá liều. Một số bác sĩ cho rằng thuốc không đủ an toàn để sử dụng trong các bệnh lành tính như đái dầm.

3. Oxybutynin

Là thuốc kháng tiết cholin, có tác dụng chống co thắt, thường được kê cho bệnh nhân có bàng quang hoạt động quá độ. Những bệnh nhân này bị co thắt bàng quang không thể kiểm soát, phải đi tiểu liên tục, mót tiểu đột ngột không có dấu hiệu báo trước. Trẻ có bàng quang hoạt động quá mức thường đái dầm nhiều hơn 1 lần mỗi đêm và cũng đái dầm cả ban ngày. 

Oxybutynin không phải thuốc điều trị hiệu quả cho đái dầm. Tuy nhiên, khi sử dụng kết hợp với đồng hồ báo thức hay desmopressin, nó giúp làm thư giãn bàng quang đủ để các biện pháp kia trở nên hiệu quả hơn.

III. Các biện pháp không chính thống 

Các biện pháp điều trị như châm cứu, thôi miên, dùng thuốc tolterodine, atomoxetine không được coi là tiêu chuẩn vì chưa được nghiên cứu đầy đủ. 

Bác sĩ Trần Thu Thủy - Theo Bệnh viện Nhi Trung Ương
Bình luận
Tin mới
  • 21/11/2024

    Trị bệnh Parkinson bằng Đông y có hiệu quả không?

    Do các loại thuốc Tây y điều trị bệnh Parkinson thường đi kèm với tác dụng phụ và nguy cơ “nhờn thuốc” khi dùng lâu dài, nhiều người tìm tới các phương pháp Đông y với hy vọng các loại thảo dược tự nhiên sẽ an toàn hơn với cơ thể.

  • 21/11/2024

    Tăng cường sức khỏe xương khớp cho người cao tuổi trong mùa đông

    Khi bước vào giai đoạn lão hóa, cơ thể con người trải qua nhiều thay đổi sinh lý, suy giảm chức năng của hệ cơ xương khớp và dễ mắc phải các bệnh lý về xương khớp, đặc biệt là trong mùa đông lạnh

  • 21/11/2024

    Tức giận - Kẻ thù thầm lặng của sức khỏe

    Tức giận là một cảm xúc bình thường mà ai cũng sẽ trải qua, bởi hiếm ai có thể giữ được bình tĩnh khi bị tấn công, xúc phạm, phản bội hay thất bại... Tuy nhiên, tức giận quá thường xuyên hoặc kéo dài có thể gây ra nhiều vấn đề đối với sức khỏe.

  • 21/11/2024

    Bệnh hô hấp và cách bảo vệ sức khỏe trong mùa lạnh

    Mùa đông đến đi kèm với sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, không khí hanh khô và độ ẩm giảm. Những yếu tố này gây nên các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu. Các bệnh lý đường hô hấp không chỉ gây khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.

  • 20/11/2024

    9 cách chữa đau chân tại nhà hiệu quả

    Đau chân là vấn đề phổ biến ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của nhiều người. Cùng tìm hiểu 9 phương pháp đơn giản, hiệu quả để chữa đau chân tại nhà. Áp dụng đúng cách, bạn có thể giảm đau, cải thiện lưu thông máu và tăng cường sức khỏe cho đôi chân của mình.

  • 19/11/2024

    Các phương pháp điều trị bênh tiêu chảy tự nhiên khi bạn đang cho con bú

    Thật khó khăn khi bạn phải đối mặt với bệnh tiêu chảy, nhất là khi bạn đang phải cho con bú. Trong bài viết này, Viện Y học ứng dụng Việt Nam sẽ chia sẻ một số biện pháp khắc phục tự nhiên để điều trị bệnh tiêu chảy cho các bà mẹ vẫn đang trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ.

  • 18/11/2024

    Tại sao người đái tháo đường nên ăn rau đầu tiên?

    Ăn rau đầu tiên trong bữa ăn có tác dụng thế nào với người bệnh đái tháo đường? Thứ tự các ăn các món trong bữa ăn của người bệnh đái tháo đường có gì đặc biệt? Nhân Ngày thế giới phòng chống đái tháo đường 14/11, cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

  • 18/11/2024

    Ngày Trẻ em Thế giới: Bồi dưỡng sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ

    Ngày Trẻ em Thế giới là dịp để chúng ta cùng nhau tôn vinh và bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước. Trong bối cảnh cuộc sống hiện đại với nhiều thay đổi, việc chăm sóc sức khỏe toàn diện cho trẻ em càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Xem thêm