Ít người biết tuyến ức. Tiếng Anh thymus có gốc Hy Lạp (thymos) mang suy nghĩ cổ xưa: nơi mà linh hồn cùng ý chí, tình cảm gắn vào. Năm 1961, Miller khám phá được vai trò tuyến ức: trường đào tạo miễn dịch.
Tuyến ức: trường đào tạo miễn dịch
Quá trình khổ luyện. Tuyến ức phối hợp với tủy xương được gọi là cơ quan nguồn của miễn dịch. Các tế bào gốc từ tủy xương di chuyển đến tuyến ức rồi sinh sôi mạnh mẽ tạo ra một quần thể dày đặc các tế bào thymô “vị thành niên” hay là các tế bào Tiền T. Các tế bào thymô phải vào trong tuyến ức để được tôi luyện. Có sự chọn lọc khe khắt. Chỉ có 2% tế bào thymô đủ trình độ để ra trường. 98% kia chết trong “quá trình khổ luyện”. Trưởng thành ra khỏi tuyến ức được mang tên lymphô bào T gọi tắt tế bào T với khả năng chiến đấu thật chuẩn. Thật hay, tuyến ức lọc ra các tế bào nhận diện được các kháng nguyên bồ nhà trong cơ thể mình, để dung nạp cái gì của mình. Có hai loại: tế bào T loại CD4+ và tế bào T loại CD8+. Tuyến ức cung cấp nhiều tế bào T lúc đầu đời. Thoái hóa khoảng 3% mỗi năm vào thời kỳ trung niên, phù hợp với sự giảm sút các tế bào T.
Khoảng hơn hai mươi hoóc-môn được tuyến ức nhả ra, có năm thứ yếu tố ức chủ lực: Thymôsin alpha 1, Thymôsin bêta 4, Prothymôsin, yếu tố THF và Thymôpolein. Mỗi yếu tố ức lo một công đoạn trong chuỗi trưởng thành tế bào T.
Được nghỉ hưu sớm
Bé mới chào đời thì hệ miễn dịch ngoại vi còn trống trơn phải ứng phó các quan hệ sinh tử ở những ngày tháng đầu đời. Tuyến ức phát triển tới cỡ lúc bé chuẩn bị rời lòng mẹ. Trường miễn dịch tuyến ức tích cực đào tạo. Khi các tế bào T học trò đã đủ lông đủ cánh, gồm hai loại tế bào T CD4+ và T CD8+ tuyến ức tung ra khắp nơi. Các tế bào T theo dòng máu tụ ở các cơ quan miễn dịch (hạch lymphô, lá lách). Lúc dậy thì tuyến ức ngừng lớn thậm chí bắt đầu teo sớm hơn. Teo lại theo nhịp 3% mỗi năm cho đến tuổi trung niên (35 - 40 tuổi), rồi xuống nhịp 1%. Tuyến ức như đã lo tròn nhiệm vụ rất sớm. Đúng là Nợ tang bồng trang trắng, vỗ tay reo (thơ Nguyễn Công Trứ). Tuyến ức teo có vẻ là một điều bất lợi cho cơ thể, mà sao thấy ở hầu hết giống loài có xương sống, chắc là có sức ép tiến hóa đây. Lúc tuổi trẻ, bộ máy miễn dịch còn non, cơ thể phải đổ sức sớm vào cho sự đề kháng. Rồi tới lúc xong phận sự tuyến ức như được nghỉ hưu sớm để nhường chỗ cho các bộ phận khác của cơ thể, nhất là hệ sinh dục có mục tiêu truyền giống.
Binh chủng mạnh nhất bảo vệ cơ thể
Các tế bào lymphô B và T. Các tế bào bạch cầu trong máu có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể. Các tế bào lymphô là một trong năm loại bạch cầu. Tế bào lymphô B gọi tắt là tế bào B vì xuất phát và trưởng thành từ tủy xương (Bone marrow). Tế bào lymphô T gọi tắt là tế bào T, xuất phát từ tế bào Tiền T trong tuỷ xương rồi trưởng thành từ tuyến ức (Thymus).
Hai loại tế bào T. Tế bào T loại CD8+ mang thụ thể là prôtêin CD8+ ngoài mặt, còn gọi là tế bào T sát thủ vì có khả năng hủy diệt mạnh các tế bào nhiễm virút, các tế bào ung thư và cũng dự phần thải bỏ mô ghép. T CD8+ quản lý tất cả các tế bào của cơ thể, sẵn sàng tiêu diệt bất cứ kháng nguyên lạ nào. Tế bào T loại CD4+ mang thụ thể là prôtêin CD4+, biệt danh là tế bào T giúp đỡ vì hỗ trợ các loại bạch cầu khác trong nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ cơ thể: thúc đẩy tế bào T “sát thủ” làm việc, giúp tế bào B tiết kháng thể, bảo vệ cơ thể.
Con tạo oái oăm
HIV: virút rêtrô giống lạ. Francoise Barré-Sinoussi và Luc Montagnier công bố trên báo Science tháng 5/1983 là họ đã tìm ra thủ phạm gây HIV-AIDS. Đó là một virút rêtrô, giống lạ. Virút gây nhiễm tế bào T, sinh sôi rồi thoát ra ngoài, gây chết các tế bào chủ. Nửa Giải Nobel Y học năm 2008 được trao cho hai người Pháp tìm ra HIV - “tặng vật” của thiên nhiên, hàng hiệu mới toanh.
Kẻ thù không đội trời chung. Virút HIV cứ nhằm tế bào T loại CD4+ mà chui vào gây nhiễm. Bệnh nặng lên, số lượng tế bào T CD4+ giảm xuống do các tế bào CD8+ nỗ lực không ngừng loại bỏ các tế bào CD4+ bị nhiễm, tế bào CD4+ không nhiễm mà vẫn chết hàng loạt, không biết tại sao. Khi T CD4+ tụt xuống dưới 400/mm3, sức đề kháng tuột dốc. Giậu đổ bìm leo, các loại virút và các loại nấm tạm trú trong cơ thể lại lừng lên gây các bệnh cơ hội: nhiễm trùng, ung thư. Ở người khỏe mạnh lượng T CD4+ đếm được trong khoảng 500 - 1.200 mm3. Số đếm CD4+ giảm xuống dưới 200 tế bào /mm3 có thể tương ứng bệnh tiến đến giai đoạn 3 (bệnh AIDS).
Tế bào T có một bửu bối là thụ thể CD4+, giúp hoạt động miễn dịch. Trớ trêu tế bào T là đích nhắm chính của HIV, y như các đối thủ của đội bóng đá Barcelona cứ bám chặt Lionel Messi. Tương phùng oan nghiệt: HIV có bửu bối riêng kháng nguyên gp120 gắn khớp vào CD4+, rồi chui tọt vào trong tế bào.
Theo WHO, toàn cầu có 36,9 triệu người đang mang virút HIV vào cuối năm 2014. Cho đến nay có 78 triệu người mắc bệnh, khoảng 39 triệu người đã chết. Vào tháng 6, 2015 có 15,8 triệu người bệnh được điều trị với thuốc ART (kháng virút rêtrô).
Thiên nhiên thử thách. Các nhà khoa học phải vất vả với virút rêtrô này. HIV thiên biến vạn hóa, thay hình đổi dạng nhanh nhạy, lại ra đòn sát thủ tàn phá đúng các tế bào bảo vệ cơ thể con người.
Đầu năm 2015, Bill Gates tỏ ra lạc quan là vắcxin và việc trị khỏi sẽ trở thành hiện thực trong 15 năm nữa. Theo một số chuyên gia, tiên liệu của nhà từ thiện đại gia Bill Gates có một số cơ sở khoa học, nhưng nhiều thách thức còn ở phía trước không thể xem nhẹ.
Mẹ thiên nhiên giao cho tuyến ức nhiệm vụ quan trọng, xong việc cho được Thảnh thơi thơ túi rượu bầu... Mới đây thôi tạo vật lại “tặng” cho con người virút HIV hàng hiệu mới toanh. Thật trớ trêu, lần này tuyến ức nghỉ hưu quá sớm!
Do các loại thuốc Tây y điều trị bệnh Parkinson thường đi kèm với tác dụng phụ và nguy cơ “nhờn thuốc” khi dùng lâu dài, nhiều người tìm tới các phương pháp Đông y với hy vọng các loại thảo dược tự nhiên sẽ an toàn hơn với cơ thể.
Khi bước vào giai đoạn lão hóa, cơ thể con người trải qua nhiều thay đổi sinh lý, suy giảm chức năng của hệ cơ xương khớp và dễ mắc phải các bệnh lý về xương khớp, đặc biệt là trong mùa đông lạnh
Tức giận là một cảm xúc bình thường mà ai cũng sẽ trải qua, bởi hiếm ai có thể giữ được bình tĩnh khi bị tấn công, xúc phạm, phản bội hay thất bại... Tuy nhiên, tức giận quá thường xuyên hoặc kéo dài có thể gây ra nhiều vấn đề đối với sức khỏe.
Mùa đông đến đi kèm với sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, không khí hanh khô và độ ẩm giảm. Những yếu tố này gây nên các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu. Các bệnh lý đường hô hấp không chỉ gây khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.
Đau chân là vấn đề phổ biến ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của nhiều người. Cùng tìm hiểu 9 phương pháp đơn giản, hiệu quả để chữa đau chân tại nhà. Áp dụng đúng cách, bạn có thể giảm đau, cải thiện lưu thông máu và tăng cường sức khỏe cho đôi chân của mình.
Thật khó khăn khi bạn phải đối mặt với bệnh tiêu chảy, nhất là khi bạn đang phải cho con bú. Trong bài viết này, Viện Y học ứng dụng Việt Nam sẽ chia sẻ một số biện pháp khắc phục tự nhiên để điều trị bệnh tiêu chảy cho các bà mẹ vẫn đang trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ.
Ăn rau đầu tiên trong bữa ăn có tác dụng thế nào với người bệnh đái tháo đường? Thứ tự các ăn các món trong bữa ăn của người bệnh đái tháo đường có gì đặc biệt? Nhân Ngày thế giới phòng chống đái tháo đường 14/11, cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Ngày Trẻ em Thế giới là dịp để chúng ta cùng nhau tôn vinh và bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước. Trong bối cảnh cuộc sống hiện đại với nhiều thay đổi, việc chăm sóc sức khỏe toàn diện cho trẻ em càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.