Trứng
Trong trứng có salmonella, vi khuẩn có thể gây ngộ độc, tiêu chảy, thậm chí dẫn đến tử vong ở người già, trẻ nhỏ và những người bị suy giảm miễn dịch. Những phương pháp chế biến như chần, luộc, ốp trứng lòng đào chưa thể loại bỏ vi khuẩn này trong trứng.
Khi bảo quản ở nhiệt độ phòng qua đêm hoặc trong thời gian dài, các vi khuẩn sẽ sinh sôi đến mức độ nguy hiểm, có thể gây ngộ độc. Trứng có vị ngon nhất khi ăn nóng mà lại dễ chế biến, do đó, bạn chỉ nên nấu vừa đủ và không giữ lại món trứng thừa.
Thịt gà
Giống như trứng, thịt gà có thể chứa vi khuẩn salmonella. Nhiệt độ phòng là môi trường lý tưởng để loại vi khuẩn này sinh sôi trong thực phẩm. Do đó, khi hâm nóng thịt gà, bạn nên đảm bảo cho nhiệt độ bên trong thịt đạt ít nhất 75 độ C. Đồng thời, không nên hâm nóng thịt gà bằng lò vi sóng nhiều hơn 1 lần.
Củ dền
Nitric oxide trong củ dền có thể chuyển hóa thành các chất có hại cho hệ tiêu hóa
Trong củ dền chứa nitric oxide, hợp chất có khả năng tăng khả năng hoạt động thể chất và điều hòa huyết áp. Tuy nhiên, nitric oxide này lại tương tác kém với nhiệt độ cao, có thể chuyển hóa thành nitrite ảnh hưởng đến chức năng vận chuyển oxy trong máu. Đồng thời, nitrite kết hợp với amin trong môi trường dạ dày sinh ra nitrosamine - một chất có khả năng gây ung thư.
Quá trình chế biến, để nguội rồi lại hâm nóng thực phẩm chứa nitric oxide như củ dền, củ cải turnip, rau chân vịt có thể gây ra hiện tượng này. Do đó, bạn không nên bảo quản món ăn thừa từ củ dền hay hâm nóng để sử dụng lại.
Khoai tây
Dù được nấu chín ở nhiệt độ cao, khoai tây được để nguội ở nhiệt độ phòng quá lâu có thể xuất hiện khuẩn Clostridium botulinum - vi khuẩn sản sinh độc tố thần kinh gây liệt cơ. Clostridium botulinum có thể tồn tại trong đất, trong không khí hoặc nhiễm vào thực phẩm như đậu phụ, nấm, thịt.
Món khoai tây nướng trong giấy bạc thường dễ gây ngộ độc hơn cả, bởi Clostridium botulinum là vi khuẩn kỵ khí, sinh trưởng tốt trong môi trường kín. Đồng thời, khoai tây không nên được hâm nóng bằng lò vi sóng.
Cơm nguội
Cơm nên được bảo quản trong tủ lạnh và ăn khi còn nóng
Gạo chứa sẵn một loại vi khuẩn có tên là bacillus cereus gây ra các hội chứng ngộ độc như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đi ngoài. Ngay cả khi nấu thành cơm, vi khuẩn này vẫn có thể phát triển trở lại ở nhiệt độ phòng.
Sau 2 tiếng để ngoài môi trường, độc tố trong cơm nguội sản sinh ngày càng nhiều. Do đó, bạn chỉ nên bảo quản cơm nguội trong tủ lạnh (dưới 5 độ C) hoặc giữ nóng ở nhiệt độ trên 60 độ C trong vòng 2 tiếng.
Dầu thực vật chiết xuất bằng cách ép lạnh
Dầu hạt lanh, dầu olive, dầu hạt cải đều giàu acid béo omega-3 và một số chất béo không bão hòa tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, chúng đều dễ bị biến đổi thành phần hóa học ở nhiệt độ cao. Giữ lại dầu thừa đã bám mùi thức ăn sẽ làm giảm mùi vị cũng như chất lượng món ăn.
Đồ ăn nhiều dầu mỡ
Thực phẩm chiên rán như khoai tây chiên không thích hợp bảo quản qua đêm và hâm nóng lại bằng lò vi sóng. Khi đó, dầu ăn trong thực phẩm sẽ vượt qua điểm bốc khói, tạo ra các chất có hại với sức khỏe. Bạn nên dùng lò nướng, nồi chiên ở nhiệt độ thấp để làm nóng lại những món ăn nhiều dầu mỡ.
Hải sản
Các loại hải sản như cá, động vật có vỏ có nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Tuy nhiên, chúng rất nhanh hỏng, dễ ôi thiu khi bị những vi khuẩn phát triển mạnh ở nhiệt độ 5-60 độ C xâm nhập. Ngoài ra, protein trong hải sản có thể biến đổi nếu để qua đêm, có thể gây hại cho chức năng của gan, thận. Để đảm bảo an toàn thực phẩm, bạn không nên để hải sản đã nấu chín ở nhiệt độ thường quá 1-2 tiếng.
Tham khảo thông tin tại bài viết: Nên bảo quản thức ăn thừa trong bao lâu để đảm bảo sức khỏe?