Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Chứng dày sừng nang lông ở trẻ em

Bệnh dày sừng nang lông là bệnh mạn tính, kéo dài quanh năm, mùa đông phát triển hơn mùa hè và phổ biến ở tuổi mới lớn. Bệnh không chỉ làm mất thẩm mỹ mà còn khiến người mắc gặp khó khăn trong sinh hoạt, giao tiếp hàng ngày.

Chứng dày sừng nang lông (keratosis pilaris – KP) là một căn bệnh lý mạn tính về da có ảnh hưởng tới ít nhất 1 trong 5 trẻ em trên toàn thế giới. Ban xuất hiện trong bệnh lý dày sừng nang lông thường dưới dạng những ban sẩn thô sần sùi (những bướu nhỏ trong lỗ chân lông). Thường thì những bướu nhỏ này sẽ có màu của da, nhưng đôi khi chúng cũng có màu loang lổ hay giống như mụn đầu trắng.

Nguyên nhân gây bệnh

Keratin là một loại protein tự nhiên của da. Bình thường da sẽ chỉ sản xuất 1 lượng keratin vừa đủ để bảo vệ các tế bào da bên trong, nhưng khi da quá khô, và để phòng vệ thì da chúng ta sẽ tích cực tiết ra chất sừng (keratine) để bảo vệ da. Khi lượng sừng được sản xuất quá nhiều như vậy, nó sẽ làm cho lỗ chân lông bị tắt nghẽn, tạo nên những hột sừng cứng tại lỗ chân lông, làm cho da sần sùi như da gà. Chứng dày sừng nang lông là một căn bệnh có tính di truyền trong gia đình.

Căn bệnh này ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào

Chứng dày sừng nang lông thường ảnh hưởng đến một số vị trí như mặt trên cánh tay và đùi, đôi khi cả ở mông và trên má.

Đây là một căn bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng song đôi khi lại gây phiền toái cho người bệnh do vẻ bên ngoài thiếu thẩm mỹ. Hầu như da chỉ bị kích ứng khi trở nên quá khô và ngứa hay khi trẻ cậy những vết sần. Chứng bệnh này thường sẽ giảm đi theo thời gian và được cải thiện vào mùa hè, nhưng với một số người thì căn bệnh hầu như không thuyên giảm quanh năm.

Rất hiếm trẻ em bị mắc chứng bệnh này như là dấu hiệu của một căn bệnh di truyền và cũng rất ít trẻ bị mắc bệnh quá nặng.

Chẩn đoán

Bác sỹ có thể dễ dàng chẩn đoán chứng dày sừng nang lông chỉ cần dựa vào quan sát các đặc điểm trên da và hỏi tiền sử bệnh nhân.

Điều trị

Căn bệnh này hầu như không cần điều trị trừ khi nó gây nhiều khó chịu và phiền toái cho bệnh nhân. Hiện nay không có một phương pháp nào thực sự hiệu quả để điều trị chứng bệnh này, tuy nhiên việc ử dụng các loại kem dưỡng ẩm có bổ sung ure và acid lactic có thể giúp cải thiện thẩm mỹ trên da. Tuy nhiên đôi khi những loại kem này có thể gây kích ứng da và thường không được khuyến cáo sử dụng cho trẻ em.

Liệu pháp điều trị bằng laser có thể được sử dụng trong những trường hợp nặng, tuy nhiên tác dụng chủ yếu của laser chỉ là làm giảm những vết mẩn đỏ trên da chứ không thể làm tiêu hoàn toàn những vết sần.

Khi nào nên đi khám bác sỹ

Hãy đưa trẻ tới bác sỹ nếu chứng dày sừng nang lông khiến cho da trẻ bị ngứa hoặc khi nó ảnh hưởng đến nhiều phần trên cơ thể (như lông mày, đầu gối hay khuỷu tay…)

Bình luận
Tin mới
Xem thêm