Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Chăm sóc hằng ngày cho bệnh nhân Alzheimer

Nếu gia đình bạn có một người thân mắc Alzheimer, bạn sẽ hiểu chăm sóc cá nhân hằng ngày cho bệnh nhân Alzheimer là một thách thức không hề nhỏ. Hãy xem các lời khuyên dưới đây để việc chăm sóc trở lên dễ dàng hơn.

Theo mức độ tăng dần của bệnh, người bệnh Alzheimer sẽ dần dần không thể tự làm các hoạt động sinh hoạt hằng ngày như tắm rửa, mặc quần áo, ăn uống, đi vệ sinh ...và luôn cần tới sự hỗ trợ của người khác.

Một nguyên tắc cơ bản của việc chăm sóc người bệnh Alzheimer là: hãy luôn quan sát, trợ giúp người bệnh thực hiện những công việc cá nhân họ không thể thực hiện được. Điều này có nghĩa là, mức độ trợ giúp của bạn sẽ tăng dần lên theo tiến triển của bệnh. Bạn hãy cố gắng cân bằng giữa việc giúp đỡ của bạn và khả năng tự làm được của họ. Hãy chỉ trợ giúp những gì họ không thể làm được mà thôi vì điều đó trước tiên có lợi cho chính bản thân người bệnh.

Bên cạnh đó, hãy biến việc trợ giúp trở nên dễ dàng nhất với cả bạn và người bệnh.

Dưới đây là những việc thường ngày bạn thường phải trợ giúp và cách làm thế nào để mỗi việc, mỗi ngày trở nên dễ chịu hơn.

Tắm rửa

Tắm rửa là hoạt động khiến người mắc alzheimer bối rối nhiều nhất. Đây là một việc mà bạn thường xuyên nên giúp đỡ họ.

  • Hãy làm việc tắm rửa trở lên thoải mái: hãy chắc chắn rằng phòng tắm có đầy đủ ánh sáng, kín gió và ấm áp, để khăn, xà phòng và các vật dụng khác ở nơi quen thuộc và dễ lấy. Một chút nhạc nhẹ nhàng sẽ giúp người bệnh thư giãn.
  • Chú ý đến sự riêng tư: Nếu người thân của bạn cảm thấy ngại ngùng về việc khỏa thân thì hãy đặt một chiếc khăn qua vai hoặc đùi. Sử dụng bông tắm hoặc khăn để làm sạch cơ thể.
  • Giúp người thân cảm thấy họ cảm thấy kiểm soát được: giải thích các bước mà bạn đang giúp họ để họ không cảm thấy mình mất kiểm soát với cơ thể chính mình. Hãy để họ tự làm những việc mà họ có thể làm được, chẳng hạn như kỳ cọ 1 vài phần cơ thể.
  • Thay thế tắm trong bồn tắm với tắm bằng vòi hoa sen với bông tắm: Hãy giúp họ nhiều nhất có thể. Có thể thay thế việc tắm bồn bằng vòi hoa sen. Việc tắm bồn chỉ cần 2 đến 3 lần một tuần là đủ, rửa sạch mặt, chân, nách, bộ phận sinh dục, có thể kết hợp luôn với việc gội đầu, việc gội đầu trong bồn tắm có thể dễ dàng hơn là khi dùng vòi hoa sen.
  • Không bao giờ để họ một mình trong lúc tắm rửa: do người bệnh Alzheimer dần dần sẽ trở nên yếu đuối và không kiểm soát được bản thân mình nên để họ 1 mình khi tắm rửa có thể gây nguy hiểm, chẳng hạn như trượt ngã, bị bỏng, bị lạnh... Bạn nên luôn trong tình trạng sẵn sàng giúp đỡ người thân trong việc tắm rửa, không vì bận việc nọ việc kia mà để họ một mình.

Mặc quần áo

Sự suy giảm thể chất cũng như tinh thần khiến cho ngay cả việc mặc quần áo của bệnh nhân Alzheimer ngày càng khó khăn hơn. Đây là một số cách giúp người thân của bạn luôn ăn mặc gọn gàng:

  • Hướng dẫn trực tiếp: lấy quần áo ra và đặt trực tiếp lên tay của người bệnh, hướng dẫn họ trình tự mặc quần áo và để họ thực hiện những thao tác có thể làm được, chẳng hạn như tự mặc quần áo lót.
  • Hạn chế lựa chọn: không nên khiến họ bối rối khi lựa chọn quần áo để mặc. Tốt nhất, hãy lựa chọn và đưa ra một bộ quần áo phù hợp hoàn cảnh và thời tiết. Tuy nhiên, nếu họ vẫn có  khả năng lựa chọn, hãy đưa ra 1 vài bộ bạn đã chọn sẵn.
  • Quan tâm đến sở thích hay gu ăn mặc của người thân: hãy chú ý tìm hiểu họ muốn mặc gì và lựa chọn giúp phù hợp. Đừng cố ép họ phải mặc những bộ quần áo mà bạn chọn. Nếu được, hãy để họ tự quyết định xem họ thích ăn mặc như thế nào.
  • Làm cho việc mặc quần áo trở lên đơn giản hơn. Ví dụ như bạn có thể thay dây buộc giày, cúc bằng dây buộc bằng vải hoặc khóa kéo đơn giản.

Ăn uống

Thông thường, một người mắc bệnh alzheimer sẽ không thể nhớ là mình đã ăn gì hoặc tại sao lại cứ phải ăn uống. Để giải quyết vấn đề này, một vài mẹo nhỏ sau đây có thể giúp bạn:

  • Ăn vào một giờ nhất định: hãy cứ dọn bữa ăn theo những giờ giấc nhất định và mời họ ăn một cách bình thường nhất. Đừng đợi đến khi người thân bạn đòi ăn bởi vì họ có thể không biết khi nào họ đói hay khát nước đâu.
  • Sử dụng đĩa:  sử dụng một chiếc đĩa trắng sẽ giúp họ phân biệt được đâu là thức ăn đâu là đồ đựng thức ăn. Tương tự như thế, việc tương phản mầu sắc sẽ giúp họ phân biệt các thứ trên bàn ăn. Không nên sử dụng bát đĩa hay khăn trải bàn có họa tiết hoa văn rườm rà, việc đó sẽ khiến họ không phân biệt được.
     
  • Chia nhỏ bữa ăn: để giúp cho người thân không bị quá tải với việc ăn uống bạn nên chia nhỏ đồ ăn thành nhiều bữa trong ngày hơn là thành ba bữa lớn.
  • Cắt nhỏ thực phẩm để ăn bằng tay sẽ dễ dàng cho họ hơn. Hãy tránh không cho người thân của bạn ăn những thực phẩm khó nhai và nuốt như các loại hạt, bỏng ngô, cà rốt sống....
  • Hạn chế các thứ gây xao nhãng: tắt hết ti vi, đài, để điện thoại ở chế độ rung trong lúc ăn. Bạn cũng nên bỏ những thứ không cần thiết trên bàn ăn đi để tránh làm mất sự tập trung của người thân.
  • Ăn cùng nhau: bữa tối là một cơ hội để người thân bạn có thể hòa nhập với xã hội và giúp họ không cảm thấy cô đơn lạc lõng. Bạn có thể cho họ ăn những bữa ăn nhẹ để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng.

Đi vệ sinh

Khi bệnh alzheimer trở lên nặng hơn thì việc đi vệ sinh sẽ khó kiểm soát hơn. Giúp người thân của bạn kiểm soát vấn đề vệ sinh sẽ duy trì sự tự tôn trong họ.

  • Đảm bảo việc tìm phòng vệ sinh dễ dàng: dán nhãn dấu hiệu nhà vệ sinh ở trên cửa phòng vệ sinh hoặc hình ảnh nhà vệ sinh để người thân của bạn có thể dễ dàng nhận ra. Đôi khi, bạn cần phải làm cả đường chỉ dẫn dễ nhận biết để hướng người thân đi đúng vào phòng vệ sinh. Vào ban đêm, việc đi vệ sinh chắc chắn sẽ cần tới sự giúp đỡ của bạn 
     
  • Để ý tới các dấu hiệu muốn đi vệ sinh: bồn chồn hoặc giật mạnh quần áo là dấu hiệu cho thấy một người muốn đi vệ sinh. Tuy nhiên, dấu hiệu ở mỗi người có thể khác nhau, do vậy, bạn hãy chú ý quan sát để nhận biết dấu hiệu muốn đi vệ sinh của riêng người đó.
  • Đừng đợi cho đến khi người thân của bạn yêu cầu được đi vệ sinh: hãy cho người thân của bạn đi vệ sinh thường xuyên dù họ có hay không có nhu cầu. Đôi lúc, việc này cần có sự kiên nhẫn như với trẻ rất nhỏ, bạn nên định kỳ dẫn người thân vào nhà vệ sinh và trợ giúp họ đi vệ sinh.
  • Mặc quần áo dễ cởi: thay thế khóa kéo phức tạp hoặc cúc bằng những sợi dây vải và chọn loại quần có chun ở cạp. Quần áo càng đơn giản càng dễ cởi sẽ càng phù hợp với họ.
  • Cẩn thận với các tai nạn trượt ngã trên sàn nhà vệ sinh: nếu được, hãy thay thế gạch lát sàn chống trơn trượt hoặc sử dụng các loại trải sàn chống trơn trong nhà tắm của bạn. Dép đi trong nhà tắm cũng cần được lựa chọn  loại an toàn nhất.  

Kiên nhẫn là chìa khóa

Giúp người thân mắc alzheimer trong các hoạt động thường ngày đòi hỏi sự kiên nhẫn và tỉ mỷ. Không nên nản lòng nếu mọi việc không theo ý muốn. Hãy tìm đến sự giúp đỡ của chuyên gia hoặc các nhóm hỗ trợ chăm sóc khi bạn thấy băn khoăn hoặc nản lòng. 

Hãy nhớ, cùng với việc chăm sóc người thân mắc Alzheimer, bạn cũng cần phải tranh thủ và tạo cho mình những khoảng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý. Đừng cố ôm mọi việc vào mình, hãy yêu cầu sự trợ giúp của người khác khi cần. Bởi vì, chăm sóc người thân Alzheimer là một quá trình lâu dài. Và trước tiên, bạn cần phải vững vàng cả về thể chất và tâm lý.

Ths.Bs.Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam
Bình luận
Tin mới
Xem thêm