Các nguyên nhân gây sa sút trí tuệ là gì?
Bệnh sa sút trí tuệ là sự suy giảm dần khả năng trí tuệ vốn có từ trước của bệnh nhân. Có hai nguyên nhân chính gây nên bệnh sa sút trí tuệ ở người cao tuổi là bệnh Alzheimer và các bệnh do nguyên nhân mạch máu.
- Bệnh do nguyên nhân mạch máu gồm: nhồi máu não đa ổ; nhồi máu não ở các vị trí hạch nền, đồi não, vùng trán...; bệnh não chất trắng xơ cứng động mạch dưới vỏ Binswanger; sa sút trí tuệ đa ổ khuyết dưới vỏ do tăng huyết áp và tiểu đường; sa sút trí tuệ do xuất huyết não.
- Bệnh do mạch máu phối hợp với bệnh Alzheimer: bệnh toàn thân gây sa sút trí tuệ như thiểu năng tuyến giáp, thiếu vitamin B12 và acid folic, tăng canxi máu, nhiễm HIV, giang mai thần kinh; bệnh ở hệ thần kinh trung ương làm mất nhận thức: u não, não úng thủy, tai biến mạch máu não, bệnh Parkinson...
Biểu hiện của bệnh sa sút trí tuệ như thế nào?
Biểu hiện sớm của sa sút trí tuệ thông thường là giảm trí nhớ tức là bị quên những điều đã biết trước đây. Bệnh nhân gặp khó khăn khi tiêu tiền, mất kỹ năng mua sắm, gặp khó khăn khi đi lại, lúc dùng điện thoại... Thay đổi nhân cách như vẻ mặt ngơ ngác, thái độ thờ ơ với mọi người, hay than phiền là bị quên hết cả. Bệnh nhân bị loạn trí nhớ về không gian, khó nhận biết nơi mình đang ở và những nơi khác mà mình đã biết trước đây, họ luôn tin rằng họ đang ở một nơi khác với nơi họ đang ở thật sự dù có những đồ vật quen thuộc.
Có những bệnh nhân lại gặp chứng quên toàn bộ thoáng qua. Đó là một rối loạn có tính chất chu kỳ của hệ thần kinh trung ương biểu hiện bằng sự mất trí nhớ đột ngột. Họ thường hay lặp lại câu hỏi, nhấn mạnh từ cuối hay nhắc lại đoạn cuối của câu. Nếu bị quên do cao tuổi thì bệnh nhân mất dần tính hài hước trong giao tiếp, suy nghĩ chậm dần, nhân cách ít biến đổi, thường quên sự việc mới xảy ra nhưng lại nhớ rất kỹ các sự việc đã xảy ra rất lâu.
Trường hợp bị quên do các nguyên nhân tâm thần, bệnh nhân thường bị rối loạn thần kinh thực vật, mất ngủ, chất lượng công việc giảm sút, ăn mất ngon, hay lo lắng sợ hãi. Nếu bị quên do các bệnh thần kinh thường có các biểu hiện khiếm khuyết thần kinh. Đa số bệnh nhân sa sút trí tuệ bề ngoài vẫn có vẻ bình thường, nên không phát hiện sớm được bệnh. Do giảm trí nhớ và nhận thức nên bệnh nhân gặp nhiều trở ngại trong sinh hoạt hằng ngày. Vì vậy bệnh nhân ngày càng bị động và dần dần lẩn tránh mọi giao tiếp xã hội.
Những bệnh nhân sa sút trí tuệ do nguyên nhân mạch máu còn có thêm các biểu hiện thần kinh khu trú như: yếu cơ, liệt cơ, rối loạn cảm giác, rối loạn phản xạ. Các nhà chuyên môn còn định ra tiêu chuẩn để xác định sa sút trí tuệ giai đoạn sớm gồm: bệnh nhân có than phiền về việc giảm sút trí nhớ; trí nhớ của bệnh nhân có giảm so với tuổi; mọi hoạt động, sinh hoạt trong đời sống hằng ngày vẫn bình thường; chức năng nhận thức chung bình thường; bệnh nhân chưa bị sa sút trí tuệ.
Các phương pháp điều trị sa sút trí tuệ
Một nghiên cứu cho thấy tỷ lệ người bị sa sút trí tuệ tăng dần theo độ tuổi: trên 65 tuổi khoảng 5 - 10%; trên 80 tuổi khoảng 20% và khoảng 47 % từ 85 tuổi trở lên. Ở châu Âu và châu Mỹ có 60 - 70% bệnh nhân sa sút trí tuệ do Alzheimer và 15 - 20% do nguyên nhân mạch máu. Nhưng ở châu Á lại có 60 - 70% bệnh nhân sa sút trí tuệ do nguyên nhân mạch máu; còn lại là số bệnh nhân sa sút trí tuệ do Alzheimer hay phối hợp nhiều nguyên nhân khác.
Với tiến bộ của y học có thể điều trị sự suy giảm trí nhớ ở giai đoạn còn sớm hoặc làm quá trình tiến triển bệnh chậm lại, giúp cho bệnh nhân có chất lượng cuộc sống tốt hơn. Hiện có rất nhiều loại thuốc điều trị đặc hiệu đối với các chứng quên do sa sút trí tuệ, quên do tai biến mạch máu não, quên ở người cao tuổi...
Theo quan niệm mới, có thể dùng các thuốc chống thoái hóa não như các vitamin E, C, gingo giloba và piracetam có tác dụng chống ôxy hóa bảo vệ tế bào não tránh khỏi tác hại của các gốc tự do. Để điều trị bệnh sa sút trí tuệ có thể sử dụng một trong các thuốc sau: thuốc ức chế men cholinesterase; ở phụ nữ dùng nội tiết tố estrogen thay thế; sử dụng nhóm thuốc statin; thuốc chống tinh bột hóa ở hệ thần kinh.
Tập thể dục đều đặn thường xuyên giúp cải thiện trí nhớ và làm chậm quá trình lão hóa cũng như sa sút trí tuệ. Nhiều nghiên cứu cho thấy tập thể dục làm giảm tần suất tai biến mạch máu não ở nam 40-49 tuổi do giúp giảm huyết áp, giảm trọng lượng cơ thể, giảm fibrinogen huyết tương, giảm hoạt động tiểu cầu, tăng hoạt hóa plasminogen huyết tương...
Thực hiện chế độ ăn điều độ, hợp lý như giảm ăn muối; bổ sung đầy đủ các vitamin B12, B6, folat trong khẩu phần ăn sẽ làm giảm nồng độ homocystein; bỏ hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia... sẽ giảm thiểu nguy cơ bệnh tim mạch, nhũn não và tai biến mạch máu não.
Theo Giaoducsuckhoe