Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Bệnh viêm màng não gia tăng Thầy thuốc khuyến cáo gì?

Từ đầu hè, các ca bệnh viêm não - màng não có xu hướng gia tăng. Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2016, Khoa Truyền nhiễm - BV Bạch Mai đã tiếp nhận...

Từ đầu hè, các ca bệnh viêm não - màng não có xu hướng gia tăng. Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2016, Khoa Truyền nhiễm - BV Bạch Mai đã tiếp nhận và điều trị cho 43 bệnh nhân được chẩn đoán viêm màng não nước trong (Aseptic meningitis). Tuy nhiên, thực tế người dân còn chủ quan với căn bệnh này, khi mắc bệnh không nhập viện ngay hoặc không theo chỉ định của bác sĩ khiến bệnh biến chứng nguy hiểm.

Các BS hội chẩn ca bệnh khó tại Khoa Truyền nhiễm - BV Bạch Mai.

Bệnh nhân nữ Nguyễn Ánh T. (24 tuổi, ở Phú Xuyên, Hà Nội) có thai 17 tuần vào điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai ngày 11/7/2016 sau khi xuất hiện sốt cao liên tục 3 ngày kèm đau đầu, buồn nôn. Các bác sĩ ở tuyến dưới chẩn đoán sốt virut.

Tuy nhiên, sau khi nhập viện được làm các xét nghiệm máu và chọc dịch não tủy, bệnh nhân được xác định viêm màng não nước trong. Qua 10 ngày điều trị tích cực và theo dõi thai kỳ, tình trạng của thai phụ đã tương đối ổn định và có thể xuất viện trong một vài ngày tới. Rất may là bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị kịp thời nên đã không ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe của hai mẹ con.

TS.BS. Đỗ Duy Cường - Phụ trách Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Từ đầu vụ hè, các ca bệnh viêm não - màng não có xu hướng gia tăng. Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2016, khoa đã tiếp nhận và điều trị cho 43 bệnh nhân được chẩn đoán viêm màng não nước trong, trong đó riêng hai tháng 5 và 6/2016 có 32 ca, chiếm 75% các trường hợp. Bệnh nhân đến từ các tỉnh/thành khác nhau như Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Nghệ An, Thanh Hóa,...

Riêng Hà Nội ghi nhận 9 bệnh nhân. Tất cả bệnh nhân xác định viêm màng não nước trong đều có biểu hiện sốt cao đột ngột liên tục từ 39oC trở lên kèm theo đau khắp đầu hoặc đau vùng hai bên thái dương lan lên đỉnh đầu. Các triệu chứng khác kèm theo như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, rối loạn ý thức, một số có biểu hiện co giật, hôn mê. Trong số các bệnh nhân nhập viện, xét nghiệm PCR dịch não tủy khẳng định có 6 ca dương tính với virut Coxackie.

Bệnh cảnh viêm não - màng não xuất hiện sau khi nhiễm một số loại virut như viêm não Nhật Bản, Coxackie, quai bị, thủy đậu... Triệu chứng thường không điển hình khiến người bệnh chủ quan hoặc các bác sĩ chẩn đoán nhầm, dễ bỏ qua.

TS. Cường cho biết: Viêm màng não nước trong thường có căn nguyên là virut, nếu được điều trị sớm sẽ có tiên lượng tốt, tỷ lệ tử vong và di chứng thần kinh thấp hơn so với viêm màng não mủ và viêm não. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân khi được phát hiện trong tình trạng nặng, do chủ quan nghĩ mình chỉ bị sốt virut hoặc chỉ bị viêm họng, tiêu chảy thông thường mà không biết đó là những dấu hiệu ban đầu của bệnh viêm não - màng não.

Nhiều người đã tự điều trị làm giảm nhẹ hoặc sai lệch các triệu chứng của bệnh khiến bác sĩ chẩn đoán nhầm với bệnh khác. Việc chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn muộn có nguy cơ để lại các di chứng nguy hiểm như: giảm vận động, chậm phát triển trí tuệ, não úng thủy, áp-xe não, điếc, giảm thị lực, động kinh...

Kháng sinh không có tác dụng…

Viêm màng não nước trong thực ra là một hội chứng với đặc điểm là có hội chứng màng não, dịch não tủy biến loạn nhẹ như: tăng nhẹ protein (dưới 1g/l), tăng nhẹ số lượng tế bào (chủ yếu lympho), nhưng các xét nghiệm vi sinh thông thường như nhuộm Gram hay nuôi cấy dịch não tủy không tìm thấy được vi khuẩn. Từ “nước trong” ở đây có nghĩa là nhìn bằng mắt thường thấy màu trong nhưng thực tế xét nghiệm không bình thường, để phân biệt với viêm màng não mủ - dịch não tủy nhìn thấy thường đục.

Cũng theo TS. Cường, nguyên nhân gây viêm màng não nước trong chủ yếu là do virut, ngoài ra, một số ít do lao, một số loại ký sinh trùng gây tăng bạch cầu ái toan, giang mai, rickettsia... Điều trị viêm não - màng não do virut chủ yếu là điều trị triệu chứng, dùng các thuốc hạ sốt giảm đau, có thể sử dụng corticoid để giảm viêm và chống phù não,... Lưu ý kháng sinh không có tác dụng đối với viêm não - màng não do virut. Tiên lượng thường tự khỏi sau 1-2 tuần, hiếm khi nặng gây tử vong.

Lời khuyên của thầy thuốc

TS. Cường khuyến cáo người dân nếu thấy các triệu chứng sốt cao đột ngột, đau đầu, buồn nôn hoặc nôn, rối loạn ý thức hoặc co giật,... thì cần đến khám tại các cơ sở y tế ngay. Khi nghĩ đến viêm màng não, bắt buộc phải xét nghiệm dịch não tủy. Tuy nhiên, nhiều khi sợ nguy hiểm nên bệnh nhân và người nhà đã không đồng ý chọc dịch não tủy.

TS. Cường giải thích: Để khẳng định có viêm màng não hay không thì phải lấy dịch não tủy xét nghiệm. Đây là một thủ thuật thăm dò bắt buộc trong các trường hợp nghi ngờ viêm màng não và là một thủ thuật khá đơn giản, an toàn, thực hiện bởi bác sĩ tại các cơ sở chuyên khoa. Sau chọc dịch não tủy, bệnh nhân có thể đau nhẹ vị trí chọc vài ngày rồi tự hết.

Vì vậy, người bệnh không vì quá lo sợ mà để mất đi cơ hội chữa trị kịp thời bởi chỉ sau 1 - 2 ngày bị viêm não nếu không được điều trị, bệnh đã có thể chuyển sang giai đoạn nặng hơn khiến não bị tổn thương, nguy cơ tử vong và biến chứng cao.

Mai Thanh - Theo Sức khỏe & Đời sống
Bình luận
Tin mới
  • 17/01/2025

    Phù nề sau sinh: Dấu hiệu nhận biết và cách xử trí hiệu quả

    Sau khi sinh, người mẹ thường tập trung vào việc chăm sóc trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, các vấn đề sức khỏe có thể phát sinh trong giai đoạn này, nhưng nhiều bà không nhận biết được các dấu hiệu cảnh báo sớm.

  • 16/01/2025

    Chế độ ăn cho người mắc hội chứng urê huyết tán huyết

    Một chế độ ăn uống được kiểm soát cẩn thận có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và làm chậm tiến triển của người bị hội chứng urê huyết tán huyết.

  • 16/01/2025

    Phân biệt nấm móng và vẩy nến móng tay

    Nấm móng và bệnh vẩy nến móng là hai tình trạng ảnh hưởng đến móng. Chúng có các triệu chứng tương tự nhau và bạn có thể bị cả nấm móng và vẩy nến móng tay cùng một lúc. Tuy nhiên, hai bệnh là khác nhau và có các phương pháp điều trị riêng biệt.

  • 15/01/2025

    VIAM Clinic Tri ân Bạn cũ - Món quà sức khỏe, Tết thêm vui

    Từ ngày 1/1 - 28/2/2025 Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM - thuộc Viện Y học ứng dụng Việt Nam triển khai chương trình tri ân: khám dinh dưỡng miễn phí.

  • 15/01/2025

    Ăn cà chua mỗi ngày có tốt không?

    Nhiều người ăn cà chua hàng ngày vì sở thích và mong muốn nhận được lợi ích sức khỏe từ loại thực phẩm bổ dưỡng này. Vậy ăn cà chua mỗi ngày có tốt không?

  • 15/01/2025

    Đón năm mới khỏe mạnh cùng thói quen chăm sóc sức khỏe từ chuyên gia

    Năm mới đến gần là thời điểm lý tưởng để chúng ta đặt ra những mục tiêu mới cho bản thân. Bên cạnh những kế hoạch về công việc, tài chính, đừng quên dành sự quan tâm đặc biệt cho sức khỏe của bản thân và gia đình.

  • 14/01/2025

    Chế độ ăn khi bị nhiễm giun tóc

    Chế độ ăn uống có thể tạo ra khả năng miễn dịch bảo vệ, hỗ trợ phương pháp điều trị cho người mắc bệnh nhiễm ký sinh trùng đường ruột, trong đó có giun tóc.

  • 14/01/2025

    Bệnh tim mạch mùa lạnh ở người cao tuổi: Nhận biết sớm và phòng tránh

    Người cao tuổi thường dễ mắc các bệnh tim mạch, đặc biệt là trong thời tiết lạnh giá. Nhiệt độ xuống thấp khiến cơ thể phải làm việc nhiều hơn để duy trì thân nhiệt, gây áp lực lên hệ tim mạch. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu và áp dụng các biện pháp phòng tránh là vô cùng quan trọng để bảo vệ sức khỏe tim mạch cho người cao tuổi trong mùa lạnh.

Xem thêm