Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Bệnh viêm loét hang vị dạ dày

Nhiều bệnh nhân sau khi nội soi dạ dày, nhận kết quả chẩn bệnh: viêm loét hang vị dạ dày và rất băn khoăn, không hiểu rõ 2 chữ “hang vị” vì thường chỉ nghe nói đến “viêm loét dạ dày”.

Viêm, loét hang vị dạ dày là một bệnh hay gặp, bệnh gây ảnh hưởng đến sức khỏe, ảnh hưởng lớn đến lao động, học tập, đặc biệt có thể gây nên biến chứng, nhất là người cao tuổi.

 

Nội soi dạ dày là một thủ thuật có nhiều giá trị vì bác sĩ nội soi quan sát trực tiếp được bằng mắt

Lời khuyên của thầy thuốc

Khi đã bị viêm, loét hang vị cần ăn uống các chất mềm, dễ tiêu, nhất là những người cao tuổi có bộ phận răng, hàm đã suy giảm. Không nên ăn chua, cay quá mức, không nên hút thuốc, uống cà phê, trà đặc, bởi vì các chất kích thích này nếu dùng vào chiều tối sẽ làm ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ. Khi giấc ngủ bị rối loạn, không ngủ được hoặc ngủ ít, chập chờn thì bệnh viêm loét hang vị càng đau và bệnh sẽ nặng thêm. Nên tập thể dục thường xuyên, tùy theo sức khỏe của mình mà chọn lựa phương pháp cho thích hợp.

Đặc điểm của viêm, loét hang vị dạ dày

Dạ dày nếu nhìn thẳng vào thì có hình dạng chữ J. Về mặt giải phẫu thì dạ dày được chia làm nhiều phần, bắt đầu từ tâm vị, phình vị, thân vị, hang vị và tận cùng là môn vị. Dạ dày là nơi phình to nhất trong hệ thống đường tiêu hóa của con người, phía trên nối với phần cuối thực quản và phía dưới nối với phần đầu ruột non (tá tràng) nên thường gọi là dạ dày - tá tràng. Dạ dày có 2 bờ là bờ cong lớn và bờ cong nhỏ. Hang vị là phần nằm ngang của dạ dày, từ góc bờ cong nhỏ tới lỗ môn vị.

Dạ dày có thể bị mắc nhiều bệnh ở các vùng khác nhau của dạ dày (hoặc đơn lẻ hoặc cùng một lúc nhiều vị trí đều bị bệnh) nhưng đáng quan tâm nhất là viêm hoặc loét hoặc có khối u của vùng hang vị. Bệnh viêm, loét hang vị có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng người lớn chiếm tỉ lệ cao hơn trẻ em, đặc biệt là người cao tuổi.

Vì vậy, cần cảnh giác với bệnh viêm, loét hang vị biến chứng ung thư. Đặc điểm của bệnh là tùy theo các vị trí của viêm và loét khác nhau mà có các tên gọi khác nhau (viêm loét dạ dày, viêm loét hang vị, viêm loét tâm vị, viêm loét bờ cong nhỏ, viêm loét tiền môn vị, viêm loét tá tràng hoặc cả dạ dày và hành tá tràng). Trong bài viết này chỉ đề cập đến viêm, loét hang vị.

Nguyên nhân và triệu chứng

Nguyên nhân gây viêm, loét hang vị rất đa dạng, nhất là vị trí chứa đựng các loại thức ăn, nước uống và một trong các cơ quan của cơ thể luôn luôn hoạt động 24/24 giờ trong ngày. Trong đó đáng chú y nhất là do nhiễm vi khuẩn gây viêm hang vị cấp tính hoặc mãn tính (còn gọi là viêm dạ dày cấp, mãn tính) bởi các vi khuẩn gây ngộ độc thức ăn (vi khuẩn thương hàn, vi khuẩn lỵ, vi khuẩn ngộ độc thịt…), đặc biệt là nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP).

Vi khuẩn HP là loài vi khuẩn gây viêm loét hang vị chiếm tỉ lệ cao nhất trong các loại nguyên nhân do vi sinh vật gây ra. Viêm loét hang vị cũng có thể gặp ở những người do viêm thoái hóa khớp (mà căn bệnh này gặp đa số ở người cao tuổi) dùng các thuốc giảm viêm corticoid (prednisolon, medrol, solumedrol) hoặc các loại thuốc giảm đau không steroid (diclofenac, mobic, piroxecam…), aspirin.

Ngoài ra, viêm hang vị cấp tính còn có thể do uống rượu nhiều, lúc đang đói hoặc do tác động tâm lý căng thẳng kéo dài, stress. Khi viêm hang vị kéo dài không được chữa trị hoặc chữa trị không đúng có thể dẫn đến loét hang vị, loét cả hành tá tràng, đặc biệt là loét bờ cong nhỏ, tiền môn vị, môn vị.

Biểu hiện của bệnh là đau, tức vùng trên rốn (thượng vị), có lúc cơn đau dữ dội nhưng hầu hết là đau âm ỉ. Lúc mới bị bệnh thường đau sau khi ăn, đau về đêm nhiều hơn ban ngày và đau dễ xuất hiện khi thời tiết lạnh, áp thấp nhiệt đới hoặc gió mùa đông bắc. Đau có thể xuất hiện khi ăn chua, cay, nhất là sau uống rượu, bia, nước giải khát có ga. Kèm theo đau là buồn nôn, nôn, phân lúc lỏng lúc đặc, thậm chí phân rắn chắc như phân dê.

Khi đã bị loét thì đau cả lúc no lẫn lúc đói, người gầy, da xanh, mệt mỏi do các chất dinh dưỡng không hấp thu được đủ cho nhu cầu hoạt động của con người, trong đó chất sắt bị hấp thu rất kém gây thiếu máu. Nguy hiểm nhất là loét hang vị biến chứng thành u ác tính. Người bệnh lúc này sẽ đau bụng nhiều bất kể lúc nào, nôn nhiều, người gầy rõ rệt, da có màu vàng rơm.

Để chẩn đoán viêm, loét hang vị, ngoài hỏi bệnh (đây là một công đoạn không thể thiếu và đóng góp khá quan trọng trong chẩn đoán bệnh), khám lâm sàng thì chụp X-quang dạ dày có thuốc cản quang và nội soi dạ dày. Chụp X-quang dạ dày có thuốc cản quang cho đến hiện nay vẫn còn giá trị. Nội soi dạ dày là một thủ thuật mới có nhiều giá trị vì bác sĩ nội soi quan sát trực tiếp được bằng mắt. Tuy nhiên phải là bác sĩ được đào tạo nội soi cơ bản để dần dần có kinh nghiệm giúp cho việc chẩn đoán viêm loét hang vị ngày càng có hiệu quả hơn.

Qua nội soi có thể sinh thiết ở vị trí viêm hoặc loét để xét nghiệm tế bào học, trong trường hợp nghi có bất thường hoặc sinh thiết để chẩn đoán có vi khuẩn HP hay không bằng phương pháp nhuộm gram. Ưu điểm của phương pháp nhuộm Gram từ mảnh sinh thiết là thấy được hình thể vi khuẩn (dạng xoắn, cong), không bắt màu thuốc nhuộm gram (gram âm) và biết được cách sắp xếp của các vi khuẩn HP. Mảnh sinh thiết còn dùng để thử tét xác định men ureaza góp phần vào việc chẩn đoán có vi khuẩn HP hay không. Bởi vì vi khuẩn HP có men này.

Nguyên tắc điều trị và phòng bệnh

Khi đã xác định viêm, loét hang vị cần điều trị sớm, tích cực theo đơn của bác sĩ, bởi vì ngày nay đã có phác đồ điều trị hiệu quả khi viêm loét hang vị. Người bệnh không nên tự mua thuốc điều trị hoặc dùng thuốc của những người không hiểu biết chuyên môn về y học. Người bệnh cũng không nên dùng đơn thuốc của một người khác để mua thuốc điều trị cho mình, bởi vì còn tùy thuộc nguyên nhân gây bệnh và khả năng đáp ứng của từng người, đặc biệt là người cao tuổi. Điều trị sớm, tích cực nhằm mục đích để bệnh chóng khỏi tránh xảy ra biến chứng và đưa lại sức khỏe cho người bệnh.

TS.BS. BÙI MAI HƯƠNG - Theo SKĐS
Bình luận
Tin mới
  • 03/04/2025

    Ăn gì cho đẹp da, khắc phục da sần sùi do vảy nến?

    Người bị vảy nến nên bổ sung các loại thực phẩm chống viêm, giàu vitamin đồng thời hạn chế những thực phẩm có khả năng khiến bệnh phát triển, góp phần kiểm soát tốt bệnh và giúp làn da đẹp mịn màng hơn.

  • 03/04/2025

    Đẻ mắc vai hay dấu hiệu “con rùa” trong sản khoa

    Đẻ mắc vai hay còn gọi là dấu hiệu “con rùa” - là tình trạng xảy ra khi một hoặc cả hai vai của em bé bị kẹt trong quá trình sinh thường. Không có dấu hiệu báo trước và không có cách nào để ngăn ngừa tình trạng này xảy ra. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể bao gồm việc em bé quá lớn, xương chậu của mẹ nhỏ hoặc đỡ đẻ sai tư thế. Tình trạng này có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng bao gồm cả chấn thương thần kinh cho em bé. Cùng đọc bài viết sau để hiểu thêm về tình trạng này!

  • 02/04/2025

    Nâng cao tầm vóc Việt

    Tầm vóc không chỉ là thước đo chiều cao đơn thuần mà còn phản ánh sức khỏe và sự phát triển toàn diện của một dân tộc. Tuy nhiên, thực trạng chiều cao của người Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế so với bạn bè quốc tế

  • 01/04/2025

    Tăng cường miễn dịch cho trẻ mùa xuân

    Mùa xuân đến, mang theo không khí ấm áp và sức sống mới cho vạn vật. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm giao mùa, khí hậu biến đổi thất thường, tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, virus và mầm bệnh sinh sôi phát triển.

  • 01/04/2025

    Ngày Thế Giới Nhận Thức về Tự Kỷ: Hiểu đúng và đồng hành cùng người tự kỷ

    Ngày 2 tháng 4 hàng năm, thế giới cùng hướng về Ngày Thế Giới Nhận Thức về Tự Kỷ – một sự kiện do Liên Hợp Quốc khởi xướng nhằm kêu gọi sự quan tâm sâu sắc hơn đến rối loạn phổ tự kỷ (ASD).

  • 31/03/2025

    Chăm sóc da cho bé vào mùa xuân: Mẹo nhỏ cho mẹ

    Mùa xuân là thời điểm giao mùa, khí hậu thất thường, hanh khô, độ ẩm thấp, dễ gây ra những ảnh hưởng không tốt đến làn da nhạy cảm của trẻ nhỏ.

  • 30/03/2025

    Những thay đổi về làn da tuổi mãn kinh

    Tuổi mãn kinh không chỉ gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe sinh lý nữ, mà còn ảnh hưởng đến làn da. Chị em phụ nữ nên lưu ý điều gì khi chăm sóc da tuổi ngoài 40?

  • 30/03/2025

    Người cao tuổi và bệnh giao mùa

    Giao mùa là thời điểm chuyển tiếp giữa các mùa trong năm, kéo theo sự thay đổi của thời tiết, khí hậu. Đối với người cao tuổi, giai đoạn này thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe do hệ miễn dịch suy giảm và cơ thể dần lão hóa.

Xem thêm