Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

8 phương pháp sơ cứu đến từ thiên nhiên

Với những tai nạn nhỏ, đừng vội chạy ra hiệu thuốc, thay vào đó, hãy tìm quanh nhà của bạn. Với những trường hợp cần sơ cứu thông thường, rất nhiều người muốn dùng các phương pháp tự nhiên hơn là dùng thuốc. May mắn thay, nguồn nguyên liệu thiên nhiên để sử dụng trong các trường hợp như thế là khá dồi dào.

Cho dù bạn phải xử lý vết thương hở hoặc vết bầm tím của trẻ nhỏ hoặc bạn vừa tự làm tổn thương bản thân hay bạn chỉ muốn chuẩn bị trước cho mọi tình huống, 8 cách tự nhiên dưới đây có thể là những cách sơ cứu bạn cần đến.

Baking soda khi bị ong chích

Baking soda có thể dùng ở nhà như một chất làm sạch hoặc để giữ  thực phẩm tươi lâu, nhưng baking soda còn có nhiều công dụng khác nữa. Một trong số đó là có thể dùng khi bị ong chích.

Khi bị ong đốt, bạn và những người xung quanh thường rất lo lắng, cuống quýt. Nhưng hãy bình tĩnh, đổ baking soda ra lòng bàn tay, thêm nước để tạo ra một hỗn hợp sền sệt, sau đó thoa hỗn hợp này lên chỗ bị ong chích để làm giảm đau, bớt sưng tấy và giảm viêm.

Chú ý: Nếu nạn nhân bị ong chích dị ứng với ong hoặc có các triệu chứng sốc phản vệ (như chóng mặt, mặt đỏ, bất tỉnh, nói lắp hoặc đau dữ dội), bạn nên gọi cấp cứu NGAY hoặc đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Lá húng quế khi bị muỗi đốt

Muỗi đốt thường làm bạn cảm thấy gứa ngáy, đôi khi còn đau, sưng tấy. Nhưng bạn có tin không, một loại rau thơm thường dùng – lá húng quế - có thể làm giảm cảm giác ngứa ngáy do muỗi đốt đấy nhé. Hãy vò nát rồi chà xát một vài lá húng quế lên vùng da bị muỗi đốt, cảm giác ngứa có thể biến mất. Thêm nữa, các nghiên cứu còn chứng minh rằng tinh dầu từ lá húng quế có thể có tác dụng đuổi muỗi (cả ban ngày lẫn ban đêm).

Nếu như nhà bạn đang có nhiều muỗi làm phiền, hãy giữ 1 ít húng quế trong bếp hoặc trồng húng quế trong vườn. Bạn vừa có sẵn một loại thuốc giảm ngứa lại vừa có thể đuổi muỗi ra khỏi vườn và nhà của bạn. Tuy nhiên, khi đi du lịch đến vùng có nhiều muỗi, tốt nhất bạn nên tuân theo những khuyến nghị chống muỗi.

Nha đam khi bị cháy nắng

Nha đam là loại cây nên trồng trong gia đình bạn. Nha đam có thể rất hữu ích khi bị cháy nắng hoặc những khi bị bỏng nhẹ do sơ ý lúc làm bếp, hoặc những vết mẩn ngứa nhẹ, và thậm chí là những vết cắt nhỏ bởi nha đam rất lành tính, có tác dụng làm dịu và mát da.

Khi bị cháy nắng, bạn hãy bứt một lá nha đam, bóc lớp vỏ ngoài ra và bôi phần dịch trong lên vùng da bị cháy nắng. Bạn sẽ thấy dịu mát ngay thôi.

Mật ong cho những vết cào xước

Mật ong ít khi được biết đến trong việc trị thương, nhưng mật ong đã được dùng từ nhiều thế kỷ trước để điều trị các vết cắt, vết cào xước và những vết thương sâu hơn.

Với những vết cào xước nhỏ, trước hết, hãy rửa sạch vết thương. Sau đó, trộn một thìa canh mật ong với một thìa canh tinh chất nha đam.Thoa hỗn hợp này lên vết thương, sau đó bảo quản hỗn hợp trong tủ lạnh và sử dụng lại khi cần. Với những vết cắt hoặc vết thương sâu hơn, bạn vẫn nên đến khám bác sỹ.

Cỏ xạ hương (thyme) cho những vết cắt

Một phương pháp để làm sạch các vết thương hở là dùng cỏ xạ hương, một loại thảo mộc có chứa nhiều tác dụng chữa bệnh nhưng ít được biết đến. Tinh dầu từ cỏ xạ hương có tác dụng chống khuẩn rất tuyệt vời.

Cách dùng: Đun sôi nước, sau đó thêm 1 thìa cà phê lá xạ hương khô và để nguội hỗn hợp cho đến khi có thể thoa lên da được, dùng một miếng vải sạch bọc hỗn hợp này lại và chà nhẹ lên vết thương. Hỗn hợp này có thể thay thế cho xà phòng để rửa vết thương. 

Hoa cúc hôi (calendula) cho những vết cắt và vết bỏng

Nếu không bị bỏng nặng hoặc bị rách da sâu, bạn có thể trị những vết bỏng khi làm bếp hoặc vết cắt nhỏ bằng hoa cúc hôi, một loại hoa có cùng họ với hoa cúc vạn thọ. Bạn cũng có thể mua các sản phẩm từ loại hoa này dưới dạng sáp hoặc thuốc mỡ bôi da hoặc dạng xịt không chứa cồn và có thể dùng cho trẻ nhỏ.

Hoa cúc hôi có tác dụng kháng khuẩn, giữ vết thương không bị nhiễm trùng và mau lành hơn. Hoa cúc hôi cũng rất giàu flavonoid, một chất chống ôxy hóa có nguồn gốc thực vật, có tác dụng bảo vệ các tế bào da khỏi các tổn thương do các gốc tự do. Hoa cúc hôi khô hoặc tươi có thể dùng làm cồn thuốc, chiết xuất chất lỏng, dịch truyền, thuốc mỡ và kem bôi da.

Cây phỉ (witch hazel) cho những vết bầm tím

Cây phỉ được coi là một chất làm se, làm co tự nhiên, có trong lá, cành và vỏ của những khóm cây phỉ. Cây phỉ là được dùng như một vị thuốc từ nhiều thập kỷ trước, từ việc làm dịu những vết ngứa trên da cho đến việc trị mụn trứng cá. Cây phỉ cũng được dùng để vết bầm tím mau lành hơn.

Cây phỉ có tác dụng làm tăng cường lưu lượng máu ở gần vùng da bề mặt, do đó, nó có tác dụng làm tan máu đọng ở các vết bầm tím cũng như giảm tình trạng viêm. Khi bạn có một vết bầm tím, chườm lạnh và nâng cao vị trí bị bầm tím, nếu được. Sau đó, ngâm một miếng vải mỏng, sạch trong nước chiết từ cây phỉ và đặt lên vùng da bị tím vài lần trong ngày cho đến khi vết bầm tím biến mất.

Hoa kim sa cho những vết thương sưng và đau

Hoa của cây kim sa, một loại hoa thuộc họ hoa cúc, có thể giúp các mô bị tổn thương mau lành, giảm viêm và giảm đau. Với những vết thương nhỏ như sưng vì va đập, bầm tím, sưng và đau cơ, bạn có thể dùng hoa kim sa cả bằng đường thoa ngoài da hoặc đường uống (dưới dạng viên).

Đó là một phương thuốc sơ cấp cứu tuyệt vời. Mua những thuốc bôi ngoài da có chiết xuất hoa kim sa hoặc thuốc uống có hoa kim sa với hiệu lực 30X (hoa kim sa sẽ độc nếu uống với liều cao hơn). Với đường uống, bạn có thể uống 3 lần/ngày, với việc thoa ngoài da, bạn có thể thoa vào bất cứ vị trí nào từ 1-6 lần/ngày.

Thông tin về tác dụng của thảo dược tìm trong bài viết: Liệu pháp giảm đau tự nhiên không dùng thuốc

Ths.Bs.Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Everydayhealth
Bình luận
Tin mới
  • 24/11/2024

    Thoát vị khe hoành là gì?

    Thoát vị hoành, hay thoát vị khe hoành, xảy ra khi phần trên của dạ dày bị đẩy lên ngực thông qua một lỗ mở ở cơ hoành (cơ ngăn cách bụng với ngực). Tình trạng này xảy ra ở nơi dạ dày và thực quản của bạn nối lại với nhau, còn được gọi là ngã ba thực quản dạ dày. Đôi khi, thoát vị khe hoành không gây ra vấn đề gì và không cần điều trị.

  • 23/11/2024

    Cách giảm đau mỏi chân khi đứng lâu

    Đau chân khi đứng lâu là tình trạng mà nhiều người gặp phải. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể khắc phục vấn đề này bằng một vài thay đổi nhỏ trong thói quen sinh hoạt hàng ngày

  • 23/11/2024

    Triệu chứng và biến chứng của bệnh vẩy nến

    Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh vẩy nến khác nhau tùy thuộc vào từng người và loại bệnh vẩy nến. Mặc dù bệnh vẩy nến là tình trạng mãn tính kéo dài suốt đời, một số người có thể thấy các triệu chứng biến mất trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.

  • 22/11/2024

    Thuốc xịt mũi ngừa cúm

    Bạn có bỏ qua mũi tiêm phòng cúm hàng năm vì bạn ghét bị tiêm không? Điều đó có thể hiểu được. Nhưng đừng để điều đó ngăn cản bạn tiêm vắc-xin. Có một lựa chọn khác: dành cho bạn: vắc-xin xịt mũi.

  • 22/11/2024

    Loại tiếng ồn nào tốt cho giấc ngủ?

    Chắc hẳn ai cũng đã từng nghe qua câu chuyện dùng tiếng ồn trắng giúp các bé sơ sinh ngủ ngon và sâu giấc. Vậy đã bao giờ bạn thắc mắc, có những loại tiếng ồn nào và đâu là tiếng ồn dành cho người lớn? Mọi câu hỏi sẽ được giải đáp ngay sau đây.

  • 22/11/2024

    Cách cải thiện triệu chứng đau thần kinh tọa

    Ngày càng nhiều người trẻ bị đau thần kinh tọa với biểu hiện đau phần lưng dưới lan xuống chân. Để kiểm soát cơn đau thần kinh tọa, người bệnh cần điều chỉnh từ thói quen sinh hoạt hàng ngày.

  • 21/11/2024

    Trị bệnh Parkinson bằng Đông y có hiệu quả không?

    Do các loại thuốc Tây y điều trị bệnh Parkinson thường đi kèm với tác dụng phụ và nguy cơ “nhờn thuốc” khi dùng lâu dài, nhiều người tìm tới các phương pháp Đông y với hy vọng các loại thảo dược tự nhiên sẽ an toàn hơn với cơ thể.

  • 21/11/2024

    Tăng cường sức khỏe xương khớp cho người cao tuổi trong mùa đông

    Khi bước vào giai đoạn lão hóa, cơ thể con người trải qua nhiều thay đổi sinh lý, suy giảm chức năng của hệ cơ xương khớp và dễ mắc phải các bệnh lý về xương khớp, đặc biệt là trong mùa đông lạnh

Xem thêm