Hiện nay, máy tính bảng trở nên ngày càng phổ biến. Một thực tế cho thấy hầu hết tất cả trẻ em đều bị “mê hoặc” bởi kho trò chơi khổng lồ trên các loại máy tính bảng với màn hình cảm ứng, màu sắc rực rỡ, dễ dàng thao tác, điều khiển.
Không ít cha mẹ băn khoăn, lo lắng và không biết nên cho trẻ chơi như thế nào là đúng cách. Vài lời khuyên dưới đây sẽ giúp bạn phần nào định hướng cho trẻ.
1. CÙNG CHƠI VỚI TRẺ
Trước 3 tuổi, bạn không nên để trẻ chơi một mình với máy tính bảng cũng như không nên để trẻ tự quyết định chơi trò nào. Bạn hãy hướng dẫn và cùng chơi các trò đơn giản, quen thuộc với trẻ. Mục đích chính của việc chơi máy tính bảng trong giai đoạn này là giúp trẻ khám phá và điều khiển các đầu ngón tay theo trò chơi. Từ 3 tuổi, có thể bắt đầu cho trẻ tự chơi nhưng vẫn trong “khuôn khổ” nhất định.
2. CHỌN LỰA THỜI ĐIỂM THÍCH HỢP ĐỂ CHƠI
Màn hình máy tính bảng đã tạo nên một trạng thái kích thích cho não bộ của trẻ. Tuyệt đối không nên để trẻ chơi với máy tính bảng trước khi đi ngủ. Thay vào đó, bạn hãy để trẻ nô đùa và thư giãn. Nếu không, việc đi học vào sáng hôm sau sẽ trở nên mệt mỏi, và khó chịu đối với trẻ. Tuyệt đối không được lạm dụng máy tính bảng như một “vú em” để giữ trẻ ngồi im giúp bạn.
3. MỖI ĐỘ TUỔI MỘT THỜI LƯỢNG
Điều này phụ thuộc vào quỹ thời gian trong ngày của trẻ và cả của bạn nữa. Nhìn chung, vào khoảng 3 tuổi, trẻ chỉ được chơi không quá 20 phút/ ngày. Với trẻ nhỏ hơn thì không quá 15 phút/ngày. Vào khoảng từ 4-5 tuổi, không nên để trẻ chơi quá 60 phút/ ngày
4. BÁO TRƯỚC GIỚI HẠN CHƠI CHO TRẺ
Trẻ sẽ không tự mình ngừng chơi. Trong trường hợp mệt mỏi, trẻ có nguy cơ không tập trung, không chiến thắng và tức giận khi bị cha mẹ bắt ngừng chơi. Thêm vào đó, trẻ sẽ rất khó chấp nhận ngừng chơi khi đang chơi dang dở, khi còn nhiều “nhiệm vụ” phải hoàn thành trong trò chơi.
Lời khuyên cho trường hợp này là: Đừng cho trẻ chơi nếu bạn biết không có đủ thời gian để trẻ hoàn thành trò chơi (trước khi đi ra ngoài, đi học , trước giờ đi tắm hoặc đi ngủ,…). Nếu cha mẹ “tịch thu” máy tính bảng mà không báo trước trẻ sẽ không hiểu lý do vì sao. Vì vậy, cha mẹ cần giải thích cho trẻ hiểu lý do và thời điểm bạn muốn trẻ ngừng trước khi để trẻ bắt đầu chơi.
5. HÃY LÀM GƯƠNG CHO TRẺ
Cần giải thích cho trẻ hiểu rằng máy tính bảng không phải của trẻ mà là của cha mẹ. Và cha mẹ là người quyết định cho con mượn chơi trong những khoảng thời gian hợp lý. Theo các nhà phân tích tâm lý, tầm quan trọng của việc “mựơn” máy tính bảng nằm ở sự liên kết được tạo vào thời điểm chơi giữa trẻ và người lớn.
Đừng quan niệm máy tính bảng đơn giản chỉ là một công cụ để trẻ giúp trẻ “hoạt động” mà nó còn là cơ hội để tạo nên khoảng thời gian liên kết vui vẻ giữa cha mẹ và trẻ.
6. KIỂM TRA TRÒ CHƠI TRƯỚC
Để chắc chắn rằng trò chơi phù hợp với độ tuổi và khả năng của trẻ, cha mẹ cần kiểm tra trước nội dung, độ khó, hình ảnh và lợi ích mà trò chơi có thể mang lại cho trẻ.
7. KHÓA MẠNG (INTERNET) VỚI TRẺ NHỎ
Có không ít trò chơi miễn phí trên máy tính bảng lại giới thiệu các trò chơi tốn phí thông qua các dòng banner quảng cáo và chỉ cần một vài thao tác đơn giản để đi đến “cửa hàng” trên máy tính bảng để mua nó. Trẻ hoàn toàn có thể “vô tình” mua những ứng dụng này thông qua việc chi trả bằng thẻ ngân hàng cài đặt sẵn của cha mẹ trên máy mà không hề hay biết. Lời khuyên tốt nhất là bạn nên cho trẻ chơi máy trong chế độ “Máy bay” – chế độ này sẽ tự đông cắt mọi liên kết từ internet hoặc 3G.