Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Virus Marburg và đợt bùng phát trên toàn cầu

Đại dịch COVID-19 chưa chấm dứt, nhưng chúng ta lại tiếp tục phải đối mặt với những căn bệnh có khả năng bùng phát thành dịch tiếp theo. Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo về căn bệnh do virus Marburg gây ra – một căn bệnh có tỉ lệ tử vong rất cao và đặc biệt nguy hiểm.

Trong một văn bản công bố ngày 17/7, WHO cho biết các mẫu máu xét nghiệm của hai người tử vong tại vùng Ashanti phía Nam Ghana dương tính với virus Marburg. Cả hai bệnh nhân đều có các triệu chứng như tiêu chảy, sốt, buồn nôn và tử vong trong vòng một ngày sau khi nhập viện hồi cuối tháng 6. Một bệnh nhân 26 tuổi, người còn lại 51 tuổi. Hiện ít nhất 90 người khác tiếp xúc với hai bệnh nhân đã được nhận diện và chịu sự theo dõi của giới chức y tế địa phương cũng như WHO.

Theo VTV

Virus Marburg

Virus Marburg là tác nhân gây ra căn bệnh cùng tên – căn bệnh có tỉ lệ tử vong rất cao, lên đến 88%. Bệnh lần đầu được phát hiện năm 1967 sau khi bùng phát đồng thời tại 2 địa điểm là Marburg và Franfurt (Đức), và ở Belgrade (Serbia).

Bản thân virus Marburg và virus Ebola đều là thành viên của họ virus Filoviridae (filovirus). Mặc dù bản chất là 2 loại virus khác nhau, nhưng các bệnh cảnh lâm sàng của 2 căn bệnh này tương đối giống nhau. Chúng đều tương đối hiếm gặp, nhưng khi bùng phát thì tỉ lệ tử vong thường cao.

Hai đợt bùng phát lớn xảy ra đồng thời ở Marburg và Frankfurt ở Đức, và ở Belgrade, Serbia, vào năm 1967 đã dẫn đến sự công nhận lần đầu tiên của căn bệnh này. Sự bùng phát cùa căn bệnh có liên quan đến phòng thí nghiệm sử dụng khỉ xanh châu Phi (Cercopithecus aethiops) du nhập từ Uganda. Sau đó, các đợt bùng phát và các trường hợp lẻ tẻ đã được báo cáo ở Angola, Cộng hòa Dân chủ Congo, Kenya, Nam Phi (ở một người có lịch sử du lịch đến Zimbabwe) và Uganda. Năm 2008, hai trường hợp độc lập đã được báo cáo ở những du khách đã đến thăm một hang động, nơi loài dơi Rousettus sinh sống ở Uganda.

Sự lây truyền

Ban đầu, nhiễm virus Marburg ở người đến từ việc tiếp xúc trong thời gian dài tại các mỏ hoặc hang động – nơi có các đàn dơi Rousettus sinh sống. Tuy nhiên hiện nay, virus Marburg lây lan từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết hoặc các chất dịch cơ thể khác từ người bị nhiễm bệnh, và thậm chí thông qua các bề mặt và vật liệu bị nhiễm các dịch chất này.

Bản thân nhân viên y tế bị nhiễm bệnh khi điều trị cho bệnh nhân nghi ngờ hoặc nhiễm virus Marburg là những người có nguy cơ cao. Điều này đã xảy ra thông qua tiếp xúc gần với bệnh nhân, trong khi các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng không được thực hiện nghiêm ngặt và đảm bảo mức độ an toàn cần thiết. Lây truyền qua các thiết bị tiêm bị ô nhiễm, hoặc qua chấn thương do kim tiêm cũng có liên quan đến tình trạng bệnh nặng hơn, kéo theo suy giảm sức khỏe nhanh chóng và có thể là tỷ lệ tử vong cao hơn. Hơn nữa, việc thực hiện các nghi lễ chôn cất có các hành động tiếp xúc trực tiếp với thi thể của người quá cố mắc bệnh cũng có thể góp phần vào việc lan truyền virus Marburg. Nhìn chung, tất cả mọi người đều có thể là nguồn lây nhiễm miễn trong máu có chứa virus.

Triệu chứng của bệnh virus Marburg

Thời gian ủ bệnh (khoảng thời gian từ khi nhiễm trùng đến khi xuất hiện triệu chứng) thay đổi từ 2 đến 21 ngày.

Bệnh do virus Marburg gây ra có khởi phát đột ngột, với các triệu chứng điển hình bao gồm sốt cao, đau đầu dữ dội và sự khó chịu nghiêm trọng về mặt thể chất. Đau nhức cơ bắp là một đặc điểm phổ biến đi kèm. Tiêu chảy, đau bụng, chuột rút, buồn nôn và nôn có thể bắt đầu xuất hiện vào ngày thứ ba khi bệnh bắt đầu khởi phát. Triệu chứng tiêu chảy có thể kéo dài trong một tuần. Tại thời điểm này, bệnh nhân được mô tả các đặc điểm "giống như bóng ma": đôi mắt sâu do mất nước, khuôn mặt vô cảm và tình trạng thờ ơ cực độ. Trong đợt bùng phát ở châu Âu năm 1967, tình trạng phát ban không ngứa là một đặc điểm được ghi nhận ở hầu hết bệnh nhân sau 2 đến 7 ngày khởi phát các triệu chứng.

Nhiều bệnh nhân có biểu hiện xuất huyết nặng sau 5 đến 7 ngày khởi phát bệnh, và các ca tử vong thường có kèm một số dạng chảy máu, đại đa phần đến từ nhiều khu vực cơ thể. Máu tươi trong chất nôn và phân thường đi kèm với chảy máu mũi, nướu và âm đạo. Chảy máu tự phát tại các vị trí tiêm tĩnh mạch (nơi truyền dịch hoặc lấy máu). Trong giai đoạn nặng của bệnh, bệnh nhân sốt cao. Bệnh nhân có thể gặp phải các rối loạn thần kinh như nhầm lẫn, khó chịu và hung hăng. Viêm tinh hoàn (viêm một hoặc cả hai bên tinh hoàn) đã được báo cáo gặp phải ở một số trường hợp trong giai đoạn cuối của bệnh (15 ngày sau khởi phát bệnh).

Đối với các trường hợp tử vong, các trường hợp này xảy ra thường xuyên nhất trong khoảng từ 8 đến 9 ngày sau khi khởi phát triệu chứng, và thường xảy ra trước khi mất máu nghiêm trọng và sốc.

Chẩn đoán bệnh

Bệnh có thể khó phân biệt trên lâm sàng với các bệnh truyền nhiễm khác như sốt rét, sốt thương hàn, bệnh Shigella, viêm màng não và các bệnh sốt xuất huyết do virus khác. Việc xác nhận các triệu chứng là do virus Marburg gây ra được thực hiện bằng các phương pháp chẩn đoán như sau:

  • Xét nghiệm miễn dịch hấp thụ liên kết với enzyme (ELISA)
  • Xét nghiệm phát hiện kháng nguyên
  • Xét nghiệm trung hòa huyết thanh
  • Xét nghiệm dựa trên kỹ thuật phản ứng chuỗi polymerase (RT-PCR)
  • Soi kính hiển vi điện tử
  • Phân lập virus bằng nuôi cấy tế bào.

Các mẫu được thu thập từ bệnh nhân là một nguy cơ nguy hiểm sinh học cực độ; thử nghiệm trong phòng thí nghiệm trên các mẫu không bất hoạt nên được tiến hành trong điều kiện ngăn chặn sinh học tối đa. Tất cả các mẫu sinh học nên được đóng gói bằng hệ thống đóng gói khi vận chuyển trong nước và quốc tế.

Điều trị và vaccine

Hiện tại không có vaccine hoặc phương pháp điều trị kháng virus nào được chấp thuận cho điều trị bệnh do virus Marburg. Tuy nhiên, các phương pháp chăm sóc nâng cao - bù nước bằng dịch miệng hoặc tĩnh mạch - và điều trị các triệu chứng cụ thể sẽ cải thiện khả năng sống sót của người bệnh.

Một số kháng thể đơn dòng đang được phát triển và một số loại thuốc kháng virus, ví dụ như Remdesivir và Favipiravir cũng đã được sử dụng trong các nghiên cứu lâm sàng để điều trị bệnh do virus Ebola, và cũng có thể được thử nghiệm hoặc được sử dụng trong điều trị bệnh do virus Marburg.

Vào tháng 2020 năm 26, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu đã cấp phép cho 2 loại vaccine là Zabdeno (Ad26.ZEBOV) và Mvabea (MVA-BN-Filo) sử dụng trong việc chống lại virus Marburg. Mvabea chứa một loại virus được gọi là Vaccinia Ankara Bavarian Nordic (MVA) đã được sửa đổi để sản xuất 4 protein từ Zaire ebolavirus và ba loại virus khác cùng nhóm (filoviridae). Vaccine có khả năng bảo vệ chống lại virus Marburg, nhưng hiệu quả của nó chưa được chứng minh trong các thử nghiệm lâm sàng.

Virus Marburg ở động vật

Loài dơi Rousettus aegyptiacus được coi là vật chủ tự nhiên của virus Marburg, trong khi loài dơi ăn quả hiện chưa rõ có phải là vật chủ của virus này hay không. Do đó, sự phân bố địa lý của virus Marburg có thể trùng lặp với phạm vi địa lý của dơi Rousettus.

Loài khỉ xanh châu Phi (Cercopithecus aethiops) được du nhập từ Uganda được coi là nguồn lây nhiễm cho con người trong đợt bùng phát bệnh Marburg đầu tiên.

Việc thử nghiệm các loại virus Ebola khác nhau trên lợn đã báo cáo cho thấy lợn là nhóm động vật nhạy cảm với filovirus và cũng dễ loại bỏ virus này. Do đó, lợn được coi là vật chủ khuếch đại tiềm năng trong các đợt bùng phát. Mặc dù chưa có động vật nuôi nào khác được xác nhận là có liên quan đến sự bùng phát filovirus, tuy nhiên một biện pháp phòng ngừa được đưa ra là cần thiết cho đến khi các nghiên cứu tiến hành chứng minh điều này.

Các biện pháp phòng ngừa là cần thiết trong các trang trại lợn ở châu Phi để tránh lợn bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc với dơi ăn quả. Sự lây nhiễm như vậy có khả năng khuếch đại virus và gây ra hoặc góp phần vào sự bùng phát diện rộng.

Phòng ngừa và kiểm soát dịch

Kiểm soát dịch bệnh tốt cần dựa vào việc áp dụng một loạt các biện pháp can thiệp cụ thể, như quản lý ca bệnh, giám sát và truy tìm sự liên lạc giữa các ca bệnh, quản lý phòng thí nghiệm tốt, chôn cất an toàn và huy động toàn xã hội tham gia. Sự tham gia của cộng đồng là chìa khóa để kiểm soát thành công các đợt bùng phát dịch. Nâng cao nhận thức về các yếu tố nguy cơ lây nhiễm virus Marburg và các biện pháp bảo vệ mà các cá nhân có thể thực hiện là một cách hiệu quả để giảm lây truyền ở người.

Thông điệp giảm thiểu rủi ro nên tập trung vào một số yếu tố:

  • Giảm nguy cơ lây truyền từ dơi sang người phát sinh từ việc tiếp xúc lâu với các khu vực mỏ hoặc hang động nơi có các đàn dơi sinh sống. Trong các hoạt động làm việc hoặc nghiên cứu hoặc tham quan du lịch, nên đeo găng tay và mặc quần áo bảo hộ thích hợp (bao gồm cả khẩu trang). Trong thời gian bùng phát, tất cả các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật (máu và thịt) nên được nấu chín kỹ trước khi sử dụng.
  • Giảm nguy cơ lây truyền từ người sang người trong cộng đồng phát sinh từ tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân bị nhiễm bệnh, đặc biệt là với dịch cơ thể. Cần tránh tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân nhiễm virus. Nên đeo găng tay và trang bị thiết bị bảo hộ cá nhân thích hợp khi chăm sóc bệnh nhân bị bệnh tại nhà. Rửa tay thường xuyên nên được thực hiện sau khi đến thăm người thân bị bệnh trong bệnh viện, cũng như sau khi chăm sóc bệnh nhân bị bệnh tại nhà.
  • Các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi Marburg nên nỗ lực để đảm bảo rằng người dân được thông báo đầy đủ, cả về bản chất của căn bệnh này và về các biện pháp ngăn chặn sự bùng phát cần thiết.
  • Các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh bao gồm chôn cất kịp thời, an toàn và trang nghiêm cho người quá cố, xác định những người có thể đã tiếp xúc với người bị nhiễm virus và theo dõi sức khỏe trong 21 ngày. Bên cạnh đó, tách người khỏe mạnh khỏi người bệnh để ngăn chặn sự lây lan và cung cấp dịch vụ chăm sóc cho bệnh nhân đã khỏi bệnh. Ngoài ra, duy trì vệ sinh tốt và một môi trường sạch sẽ cần được đảm bảo.
  • Giảm nguy cơ lây truyền qua đường tình dục có thể xảy ra. Dựa trên phân tích sâu hơn bởi các nghiên cứu đang diễn ra, WHO khuyến cáo rằng nam giới sau khi khỏi bệnh nên áp dụng các biện pháp quan hệ tình dục và vệ sinh an toàn trong 12 tháng kể từ khi mắc bệnh hoặc cho đến khi tinh dịch xét nghiệm âm tính với virus 2 lần. Nên tránh tiếp xúc với dịch chất lỏng cơ thể và nên rửa bằng xà phòng và nước.
  • Kiểm soát lây nhiễm trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Nhân viên y tế phải luôn thực hiện các biện pháp phòng ngừa tiêu chuẩn khi chăm sóc bệnh nhân, bất kể chẩn đoán giả định là gì. Điều này bao gồm vệ sinh tay cơ bản, vệ sinh đường hô hấp, sử dụng thiết bị bảo hộ cá nhân, thực hành tiêm an toàn và thực hành chôn cất an toàn. Đối với các nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân nghi ngờ hoặc đã xác nhận nhiễm virus, nên áp dụng các biện pháp kiểm soát lây nhiễm tăng cường để ngăn ngừa tiếp xúc với máu và dịch cơ thể của bệnh nhân cũng như các bề mặt hoặc vật liệu bị ô nhiễm như quần áo và bộ đồ giường. Khi tiếp xúc gần (trong vòng 1 mét) với bệnh nhân mắc bệnh, nhân viên y tế nên đeo kính bảo vệ mặt (tấm chắn mặt hoặc khẩu trang y tế và kính bảo hộ), áo choàng dài tay sạch và găng tay (găng tay vô trùng cho một số thủ thuật). Đối với các nhân viên phòng thí nghiệm cũng có nguy cơ cao, cần được đào tạo và xử lý trong các phòng thí nghiệm với các trang thiết bị phù hợp khi lấy mẫu lấy từ người và động vật để điều tra.

Sự tồn tại dai dẳng của virus Marburg ở những người đang hồi phục sau bệnh

Virus Marburg được biết là tồn tại ở các vị trí đặc quyền miễn dịch – đặc biệt là ở một số trường hợp đã khỏi bệnh. Những vị trí này bao gồm tinh hoàn và bên trong mắt.

  • Ở những phụ nữ đã bị nhiễm bệnh khi mang thai, virus vẫn tồn tại trong nhau thai, nước ối và thai nhi.
  • Ở những phụ nữ đã bị nhiễm bệnh trong khi cho con bú, virus có thể tồn tại trong sữa mẹ.

Tình trạng xuất hiện triệu chứng tái phát nhưng không tái nhiễm ở một số trường hợp đã hồi phục sau bệnh là một tình trạng hiếm gặp, song đã được ghi nhận. Hiện tượng này cho đến nay vẫn chưa được hiểu biết đầy đủ.

Sự lây truyền virus Marburg qua tinh dịch bị nhiễm bệnh đã được ghi nhận trong khoảng thời gian lên đến 07 tuần sau khi hồi phục về mặt lâm sàng. Vẫn cần có thêm nhiều dữ liệu nghiên cứu giám sát về nguy cơ lây truyền qua đường tình dục, và đặc biệt là về sự phổ biến của virus có thể lây truyền trong tinh dịch theo thời gian. Hiện tại, dựa trên bằng chứng hiện có, WHO khuyến cáo rằng:

  • Nam giới sau hồi phục nên được kiểm tra tinh dịch khi xuất viện và xét nghiệm tinh dịch khi sẵn sàng về tinh thần và thể chất, trong vòng 03 tháng kể từ khi xác định nhiễm bệnh.
  • Tất cả nam giới hồi phục sau mắc bệnh và bạn tình của họ nên được tư vấn để đảm bảo thực hành tình dục an toàn cho đến khi tinh dịch có hai lần xét nghiệm âm tính với virus.
  • Cung cấp bao cao su cho các đối tượng.
  • Sau khi xét nghiệm âm tính, nam giới có thể tiếp tục các hoạt động tình dục bình thường một cách an toàn với nguy cơ lây truyền virus Marburg được giảm thiểu.
  • Nên thực hành các hoạt động tình dục và vệ sinh an toàn trong 12 tháng kể từ khi khởi phát bệnh/hoặc cho đến khi tinh dịch âm tính đối với virus.
  • Thực hành vệ sinh tay và vệ sinh cá nhân tốt bằng cách rửa ngay lập tức và kỹ lưỡng bằng xà phòng và nước sau khi tiếp xúc vật lý với tinh dịch, kể cả sau khi thủ dâm. Trong giai đoạn này, bao cao su nên được sử dụng và cần được xử lý một cách an toàn, để tránh tiếp xúc với dịch từ tinh dịch.
  • Cần được thể hiện sự tôn trọng, đoàn kết và yêu thương lẫn nhau trong thời gian mắc bệnh.

Bảng thống kê các đợt bùng phát dịch do Virus Marburg

Năm

Quốc gia

Ca mắc

Tử vong

Tỉ lệ tử vong

2017

Uganda

3

3

100%

2014

Uganda

1

1

100%

2012

Uganda

15

4

27%

2008

Hà Lan (du nhập từ Uganda)

1

1

100%

2008

Mỹ (du nhập từ Uganda)

1

0

0%

2007

Uganda

4

2

50%

2005

Angola

374

329

88%

1998 - 2000

Cộng hòa Dân chủ Congo

154

128

83%

1987

Kenya

1

1

100%

1980

Kenya

2

1

50%

1975

Nam Phi

3

1

33%

1967

Yugoslavia

2

0

0%

1967

Đức

29

7

24%

Tham khảo thêm thông tin tại: Sự bùng phát và tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu của bệnh đậu mùa khỉ - thông tin từ WHO

Viện Y học ứng dụng Việt Nam (Tổng hợp) - Theo WHO, VTV
Bình luận
Tin mới
  • 26/04/2024

    Nguyên nhân gây ngứa đa xơ cứng và cách điều trị

    Các rối loạn về giác quan, bao gồm cả cảm giác ngứa, có thể xảy ra trong bệnh đa xơ cứng. Đôi khi, những cảm giác này có thể là dấu hiệu sớm của bệnh.

  • 26/04/2024

    5 loại thực phẩm không nên ăn cùng chuối

    Mặc dù chuối là một loại trái cây giàu dinh dưỡng nhưng theo y học cổ truyền Ấn Độ, sự kết hợp chuối và một số thực phẩm sẽ gây khó chịu cho hệ tiêu hóa đối với một nhóm người.

  • 26/04/2024

    Chế độ ăn cho người bị nhiễm vi khuẩn HP

    Cùng với tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ, chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa loét dạ dày do nhiễm vi khuẩn HP.

  • 26/04/2024

    Tại sao cần tiêm vaccine phòng uốn ván?

    Uốn ván là một căn bệnh nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cơ và dây thần kinh của cơ thể nhưng có thể phòng ngừa được. Nó thường gây co thắt, tạo cảm giác đau đớn và cứng cơ hàm. Uốn ván là một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng và dễ dàng phòng ngừa bằng tiêm chủng. Nguyên nhân là do độc tố được tạo ra bởi bào tử của vi khuẩn Clostridium tetani. Những vi khuẩn này sống trong môi trường, bao gồm cả trong đất, bụi và phân động vật.

  • 26/04/2024

    Vì sao da đầu đổ nhiều mồ hôi và cách cải thiện?

    Da đầu đổ nhiều mồ hôi khiến tóc bết, khó chịu, ngứa ngáy và tăng nguy cơ các bệnh về da. Tìm hiểu nguyên nhân tình trạng nhiều mồ hôi da đầu cũng như cách khắc phục tại nhà.

  • 26/04/2024

    Nguyên nhân khiến da mỏng hơn

    Làn da mỏng manh là làn da dễ bị nẻ và tổn thương. Đó là một vấn đề phổ biến ở người lớn tuổi. Khi bạn già đi, các lớp da của bạn sẽ mỏng đi và trở nên mỏng manh hơn. Tuy nhiên, có một số yếu tố khác ảnh hưởng đến độ dày của da. Ngay cả những rối loạn và việc sử dụng thuốc cũng có thể góp phần làm mỏng da.

  • 25/04/2024

    10 mẹo để loại bỏ nếp nhăn biểu cảm

    Nếp nhăn biểu cảm là những đường nhăn trên khuôn mặt xuất hiện khi chúng ta cử động cơ mặt. Chúng thường xuất hiện ở những vùng da mỏng manh như trán, giữa hai lông mày và xung quanh mắt và miệng.

  • 25/04/2024

    Dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thiếu hụt protein

    Protein là một chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với sức khỏe. Khi cơ thể thiếu hụt protein sẽ xuất hiện một số dấu hiệu cảnh báo..

Xem thêm