Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Ung thư amidan tiến triển âm thầm, làm sao để phát hiện?

Ung thư amidan là một dạng phổ biến của u vùng hầu họng. Triệu chứng của ung thư amidan nghèo nàn, bệnh nhân có thể chỉ thấy cảm giác vướng một bên họng, khó nuốt, hoặc thi thoảng đau nhói trong tai,...

Do ung thư amidan tiến triển âm thầm, triệu chứng nghèo nàn, nên thường được chẩn đoán muộn khi đã di căn sang các khu vực lân cận, như lưỡi và các hạch bạch huyết. Vì thế, việc phát hiện sớm để có các biện pháp điều trị sớm là rất quan trọng.

Ung thư amidan là một trong những loại ung thư vùng tai mũi họng thường gặp. Bao gồm các khối u ở thành hố amidan, cũng như ở trụ trước, trụ sau. Trong nhiều trường hợp rất khó xác định điểm xuất phát. Không rõ khối u là từ amidan hay là từ các thành hố xung quanh amiđan, vì chúng liên quan mật thiết với nhau.

1. Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư amidan

Có nhiều nguyên nhân gây ung thư amidan nhưng các nghiên cứu cho thấy các yếu tố liên quan đến bệnh sinh bao gồm.

- Thói quen lạm dụng rượu và thuốc lá: Rượu bia và thuốc lá đều là những yếu tố có liên quan mật thiết, như phần lớn ung thư của đường ăn và đường thở.

- Môi trường khói bụi, độc hại: Cũng cần nói đến các yếu tố kích thích mạn tính khác như khói, bụi, đối với niêm mạc…; hoặc nghề nghiệp phải tiếp xúc kéo dài với các chất như amiăng và perchloroethylene…

- Virus HPV: Bệnh cũng đã được chứng minh có sự hiện diện của virus gây u nhú ở người (HPV nhóm nguy cơ). Sự hiện diện của HPV có thể làm thay đổi đáng kể tiên lượng của ung thư amidan.

2. Biểu hiện của ung thư amidan

Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng rất kín đáo. Thực tế thì người bệnh rất hiếm đến khám ở giai đoạn này. Giai đoạn này tiến triển âm thầm và kéo dài khá lâu đối với một số trường hợp.

Triệu chứng bắt đầu thường là nuốt khó hoặc cảm giác vướng ở một bên họng. Cảm giác này như có dị vật, nhất là lúc nuốt nước bọt. Đặc điểm là cảm giác vướng thường cố định ở một vị trí và một bên họng. Sau đó vài tuần hoặc một vài tháng thì nuốt khó lúc ăn và dần dần nuốt đau. Đặc biệt là đau nhói lên tai. Một số bệnh nhân khi khạc có đờm lẫn ít máu.

Khi giai đoạn đầu vết loét sùi thường là nông, bờ hơi cứng, chạm vào dễ chảy máu. Ở giai đoạn sau các biểu hiện rõ rệt hơn, người bệnh có biểu hiện đau liên tục, nhất là lúc nuốt thì đau nhói bên tai. Giai đoạn này thường kèm theo bội nhiễm. Rất đau và thở thường có mùi thối. Phát âm giọng mũi kín hay giọng ngậm hạt thị (vừa ngậm hạt vừa nói).

Ngoài ra, có một số người bệnh đến khám với bệnh cảnh như viêm họng, hoặc viêm tấy quanh amidan mà sau dùng kháng sinh thì có giảm nhẹ. Phần lớn bệnh nhân đến khám vì nổi hạch cổ. Đôi khi do ngẫu nhiên khám sức khoẻ định kỳ mà phát hiện thấy hạch.

Ung thư amidan có thể có triệu chứng sớm : cảm giác vướng ở một bên họng, khó nuốt...

3. Tổn thương amidan có nhiều hình thái

- Hình thái loét: Loét có thể nông hay sâu, đáy như núi lửa, rắn, thường thâm nhiễm vào các thành hố amiđan.

- Hình thái sùi: Tăng sinh làm cho thể tích amidan to lên rất giống một ung thư liên kết hay sacoma, hình thái này thường nhạy cảm với tia xạ.

- Hình thái thâm nhiễm: Thể này thường lan vào phía sâu nên sờ chắc rắn.

- Thể hỗn hợp: Loét sùi, loét thâm nhiễm. Thường do bội nhiễm nên u màu xám bẩn hoặc hoại tử. Có trường hợp người bệnh bị khít hàm nên khó há miệng.

Thông thường, những tổn thương ở amidan thì nhỏ nhưng hạch lại khá lớn. Hiện nay có thể dựa vào hạch đồ (tế bào học) giúp cho việc chẩn đoán, trường hợp cá biệt thì mới cần thiết làm sinh thiết hạch. Với các hạch to, nghi ngờ, có thể chọc hút làm xét nghiệm tế bào.

4. Điều trị ung thư amidan

Nói chung loại ung thư này nhạy cảm với tia xạ. Phẫu thuật có thể giải quyết những trường hợp u quá to, hạch cổ nhiều hoặc u và hạch còn sót sau xạ trị. Ngoài ra, nhiều trường hợp bị nghi ngờ ung thư amidan nhưng đã sinh thiết nhiều lần vẫn âm tính. Phẫu thuật nhằm hai mục đích: cắt rộng tổ chức amidan và gửi toàn bộ bệnh phẩm làm sinh thiết để tìm tổ chức ung thư.

- Tia xạ: thường dùng tia qua da, vào khối u nguyên phát và cả vùng hạch cổ. Tuỳ theo các nguồn năng lượng khác nhau và mục đích của việc điều trị.

- Phẫu thuật: Có nhiều phương pháp phẫu thuật. Bằng cách qua đường miệng tự nhiên hoặc đi đường ngoài qua xương hàm. Di chứng phẫu thuật ít. Tỷ lệ tử vong sau mổ cũng ít gặp.

- Điều trị đối với hạch cổ di căn: Chủ yếu là tia qua da đồng thời với u amidan. Điều trị bằng phẫu thuật trong trường hợp khối hạch còn bé, di động. Phẫu thuật viên thường nạo vét hạch cổ toàn bộ.

Như vậy, ung thư amidan là bệnh lý thường gặp, nhưng dễ bỏ sót nên khi phát hiện bệnh thường đã di căn xa. Để chủ động phát hiện sớm bệnh, hãy chú ý đi khám ngay khi bạn cảm thấy khó chịu tại họng, hay sờ có hạch cổ bất thường…

Lời khuyên của thầy thuốc

Để phòng tránh nguy cơ mắc ung thư amidan cần:

  • Từ bỏ thuốc lá và tránh xa khói thuốc từ người khác;
  • Hạn chế sử dụng rượu bia, các chất kích thích;
  • Vệ sinh răng miệng thường xuyên, sạch sẽ, đúng cách;
  • Tăng cường luyện tập thể dục, thể thao vừa sức, điều độ;
  • Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học: bổ sung các chất dinh dưỡng, chất xơ và vitamin có lợi cho cơ thể.
  • Không nên ăn quá nhiều đồ chiên, xào, nướng, giảm hàm lượng muối trong mỗi bữa ăn;
  • Khám sức khỏe định kỳ hàng năm để tầm soát ung thư và những bệnh lý khác.

Tham khảo thêm thông tin bài viết: Thủ phạm gây ung thư amidan bạn cần tránh.

ThS.BS Nguyễn Thị Bích - Theo suckhoedoisong.vn
Bình luận
Tin mới
  • 01/04/2025

    Tăng cường miễn dịch cho trẻ mùa xuân

    Mùa xuân đến, mang theo không khí ấm áp và sức sống mới cho vạn vật. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm giao mùa, khí hậu biến đổi thất thường, tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, virus và mầm bệnh sinh sôi phát triển.

  • 01/04/2025

    Ngày Thế Giới Nhận Thức về Tự Kỷ: Hiểu đúng và đồng hành cùng người tự kỷ

    Ngày 2 tháng 4 hàng năm, thế giới cùng hướng về Ngày Thế Giới Nhận Thức về Tự Kỷ – một sự kiện do Liên Hợp Quốc khởi xướng nhằm kêu gọi sự quan tâm sâu sắc hơn đến rối loạn phổ tự kỷ (ASD).

  • 31/03/2025

    Chăm sóc da cho bé vào mùa xuân: Mẹo nhỏ cho mẹ

    Mùa xuân là thời điểm giao mùa, khí hậu thất thường, hanh khô, độ ẩm thấp, dễ gây ra những ảnh hưởng không tốt đến làn da nhạy cảm của trẻ nhỏ.

  • 30/03/2025

    Những thay đổi về làn da tuổi mãn kinh

    Tuổi mãn kinh không chỉ gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe sinh lý nữ, mà còn ảnh hưởng đến làn da. Chị em phụ nữ nên lưu ý điều gì khi chăm sóc da tuổi ngoài 40?

  • 30/03/2025

    Người cao tuổi và bệnh giao mùa

    Giao mùa là thời điểm chuyển tiếp giữa các mùa trong năm, kéo theo sự thay đổi của thời tiết, khí hậu. Đối với người cao tuổi, giai đoạn này thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe do hệ miễn dịch suy giảm và cơ thể dần lão hóa.

  • 29/03/2025

    Đi bộ nhanh mỗi ngày có thể giúp giảm nguy cơ tử vong

    Một nghiên cứu mới cho thấy, hoạt động thể chất vừa phải như đi bộ nhanh, yoga, làm vườn… mỗi ngày có thể giúp giảm nguy cơ tử vong.

  • 29/03/2025

    Tại sao bạn bị đau bụng khi chạy?

    Các vấn đề dạ dày khi chạy bộ là một trong những nguyên nhân phổ biến gây khó chịu cho người chạy. Bạn có thể gặp tình trạng co thắt, đau bụng dẫn đến tiêu chảy trong khi chạy.

  • 28/03/2025

    3 nhóm người nên hạn chế ăn chanh

    Hầu hết mọi người có thể ăn chanh hoặc uống nước chanh một cách an toàn nhưng vì chanh có tính acid nên nó có nguy cơ gây bất lợi cho một số trường hợp cụ thể. Vậy nhóm người nào nên hạn chế ăn chanh?

Xem thêm