Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

U nang buồng trứng: thông tin cần biết

Buồng trứng là một phần của cơ quan sinh sản nữ, nằm ở hai bên tử cung, nối với tử cung bằng vòi trứng. Phụ nữ có hai buồng trứng để tạo ra trứng cũng như hoocmôn estrogen và progesterone.

Đôi khi, một túi chứa đầy dịch lỏng gọi là u nang có thể sẽ phát triển ở một trong hai buồng trứng. Rất nhiều phụ nữ sẽ có ít nhất một u nang trong suốt cả đời. Trong đa số các trường hợp, u nang thường không gây đau đớn hay bất cứ 1 triệu chứng gì.

Các loại u nang buồng trứng

Có rất nhiều loại u nang buồng trứng như u nang bì và u nang nội mạc tử cung. Tuy nhiên, các u nang chức năng thường là loại phổ biến nhất. Có 2 loại u nang chức năng là u nang noãn và u nang thể vàng.

U nang noãn: Trong chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ, trứng sẽ phát triển trong một túi gọi là noãn. Túi này được đặt ở bên trong buồng trứng. Trong đa số trường hợp, nang noãn này sẽ vỡ ra và giải phóng trứng. Nhưng nếu noãn không vỡ, dịch bên trong noãn có thể hình thành u nang trong buồng trứng.

U nang thể vàng: Các túi noãn thường sẽ tự tan sau khi giải phóng trứng. Nhưng nếu các túi này không tan và miệng của chúng mở ra, dịch có thể sẽ phát triển thêm bên trong túi và tích tụ lại gây ra u nang thể vàng.

Các loại u nang buồng trứng khác bao gồm:

U nang bì: Các u nang dạng túi có thể phát triển trong buồng trứng và có thể bao gồm lông, chất béo và các mô ở bên trong.

U nang tuyến: Các u nang không phải ung thư có thể phát triển ở bề mặt ngoài của buồng trứng.

U nang nội mạc tử cung: Các mô thường phát triển bên trong tử cung nay lại phát triển bên ngoài tử cung và dính vào buồng trứng, gây ra u nang.

Một số phụ nữ có thể bị hội chứng buồng trứng đa nang, nghĩa là buồng trứng chứa một số lượng lớn các nang trứng nhỏ và có thể khiến buồng trứng bị phì đại. Nếu không được điều trị, buồng trứng đa nang có thể dẫn đến vô sinh.

Triệu chứng của u nang buồng trứng

Thông thường, u nang buồng trứng thường không gây ra bất cứ triệu chứng nào. Tuy nhiên, triệu chứng có thể xuất hiện khi các u nang phát triển. Triệu chứng có thể bao gồm:

  • Chướng bụng hoặc sưng phù bất thường
  • Đau khi có nhu động ruột
  • Đau vùng chậu trước và trong chu kỳ kinh nguyệt
  • Đau khi quan hệ tình dục
  • Đau ở vùng lưng dưới hoặc đùi
  • Căng tức ngực
  • Buồn nôn và nôn mửa

Những triệu chứng nghiêm trọng hơn của u nang buồng trứng cần phải cấp cứu ngay lập tức bao gồm:

  • Đau dữ dội hoặc đau nhói vùng chậu
  • Sốt
  • Choáng hoặc chóng mặt
  • Thở gấp

Những triệu chứng này có thể cho thấy u nang đã bị vỡ hoặc buồng trứng bị xoắn lại. Cả hai biến chứng đều có thể để lại hậu quả nghiêm trọng nếu không được điều trị sớm.

Biến chứng của u nang buồn trứng

Đa số u nang buồng trứng thường lành tính, tồn tại hoặc tự biến mất mà không cần điều trị. Nếu có, u nang buồng trứng chỉ gây ra rất ít triệu chứng. Trong những trường hợp hiếm gặp, bác sỹ có thể sẽ phát hiện ra một số nang trứng bị ung thư trong quá trình khám.

Xoắn buồng trứng là một biến chứng hiếm gặp của u nang buồn trứng. Tình trạng này xảy ra khi u nang to làm cho buồng trứng xoắn lại hoặc thay đổi vị trí. Lưu lượng máu đến buồng trứng cũng sẽ bị ngắt quãng và nếu không được điều trị, tình trạng này có thể dẫn đễn tổn thương hoặc chết các mô buồng trứng. Mặc dù không phổ biến, xoắn buồng trứng vẫn xảy ra với khoảng 3% các trường hợp phẫu thuật phụ khoa khẩn cấp.

Vỡ nang trứng cũng là một biến chứng hiếm, có thể gây ra đau đớn và xuất huyết trong. Biến chứng này sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị cấp cứu.

Chẩn đoán u nang buồng trứng

Bác sỹ có thể phát hiện ra u nang buồng trứng bằng việc khám vùng chậu và nhận thấy dấu hiệu sưng một trong hai buồng trứng và sẽ siêu âm để xác định. Siêu âm giúp xác định được kích thước, vị trí, hình dáng và thành phần của u nang (dịch hoặc chất rắn).

Các chẩn đoán hình ảnh khác cũng được dùng để chẩn đoán u nang buồn trứng bao gồm chụp cắt lớp (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI).

Bởi vì đa số các u nang sẽ biến mất sau vài tuần hoặc vài tháng, thông thường bác sỹ sẽ khuyên bạn chờ đợi và tái khám sau vài tuần hoặc vài tháng tùy theo tình hình của bạn. 

Nếu tình trạng của bạn không có gì thay đổi hoặc nếu u nang phát triển hơn, bác sỹ sẽ yêu cầu bạn làm thêm một vài xét nghiệm khác như thử thai (để chắc chắn rằng bạn không có thai), xét nghiệm nồng độ hoocmôn (để xem bạn có bị quá nhiều estrogen hoặc progesterone không) và xét nghiệm máu CA-125 (để kiểm tra ung thư buồng trứng).

Điều trị u nang buồng trứng

Bạn đẽ được điều trị để loại bỏ u nang nếu các u nang không tự biến mất hoặc phát triển lớn hơn.

Viên tránh thai: nếu bạn bị u nang buồn trứng tái phát, bác sỹ có thể sẽ kê đơn cho bạn viên uống tránh thai để ngăn chặn việc rụng trứng và đề phòng sự phát triển của u nang mới. Viên uống tránh thai cũng có thể làm giảm nguy cơ bị ung thư buồng trứng. Nguy cơ ung thư buồng trứng thường cao hơn ở những phụ nữ sau mãn kinh.

Phẫu thuật nội soi: Nếu u nang của bạn nhỏ và kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy bạn không bị ung thư, bác sỹ có thể tiến hành phẫu thuật nội soi để loại bỏ u nang. Quá trình này bác sỹ sẽ tạo ra một vết cắt nhỏ ở gần rốn và đưa một dụng cụ nhỏ vào bên trong bụng để loại bỏ u nang.

Dự phòng u nang buồng trứng

U nang buồng trứng không thể dự phòng được. Tuy nhiên thường xuyên đi khám phụ khoa có thể phát hiện sớm u nang buồng trứng. U nang lành tính sẽ không dẫn đến ung thư. Tuy nhiên, triệu chứng của ung thư buồng trứng có thể giống với triệu chứng của u nang buồng trứng. Do vậy, việc thường xuyên đi khám là rất quan trọng.

Báo cho bác sỹ biết nếu bạn có các triệu chứng sau đây:

  • Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt
  • Đau vùng chậu tiếp diễn
  • Mất vị giác
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân
  • Đầy bụng

Triển vọng lâu dài

Phụ nữ sau mãn kinh bị u nang buồng trứng có tiên lượng khá tốt, đa số các u nang sẽ biến mất trong vài tháng. Tuy nhiên, u nang buồng trứng có thể sẽ tái phát ở phụ nữ tiền mãn kinh và phụ nữ bị mất cân bằng hoocmôn.

Nếu không được điều trị, một số u nang có thể làm giảm khả năng thụ thai, thường phổ biến trong trường hợp buồng trứng đa nang và u nang nội mạc tử cung. Để tăng khả năng thụ thai, bác sỹ có thể sẽ loại bỏ u nang. Các u nang chức năng thường không ảnh hưởng đến khả năng thụ thai.

Một số trường hợp, bác sỹ sẽ khuyên bạn nên phẫu thuật để loại bỏ u nang nếu bạn đã mãn kinh. Nguyên nhân là bởi nguy cơ phát triển u nang ung thư hoặc ung thư buồng trứng sẽ tăng lên ở giai đoạn sau mãn kinh. Tuy nhiên, u nang buồng trứng không làm tăng nguy cơ bị ung thư buồng trứng. Một vài bác sỹ sẽ loại bỏ các u nang nếu đường kính u nang lớn hơn 5cm.

Tham khảo thông tin về U nang buồng trứng tại bài viết: U nang hay Ung thư buồng trứng?

Ths.Bs.Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Tổng hợp từ Healthline
Bình luận
Tin mới
  • 15/01/2025

    Ăn cà chua mỗi ngày có tốt không?

    Nhiều người ăn cà chua hàng ngày vì sở thích và mong muốn nhận được lợi ích sức khỏe từ loại thực phẩm bổ dưỡng này. Vậy ăn cà chua mỗi ngày có tốt không?

  • 15/01/2025

    Đón năm mới khỏe mạnh cùng thói quen chăm sóc sức khỏe từ chuyên gia

    Năm mới đến gần là thời điểm lý tưởng để chúng ta đặt ra những mục tiêu mới cho bản thân. Bên cạnh những kế hoạch về công việc, tài chính, đừng quên dành sự quan tâm đặc biệt cho sức khỏe của bản thân và gia đình.

  • 14/01/2025

    Chế độ ăn khi bị nhiễm giun tóc

    Chế độ ăn uống có thể tạo ra khả năng miễn dịch bảo vệ, hỗ trợ phương pháp điều trị cho người mắc bệnh nhiễm ký sinh trùng đường ruột, trong đó có giun tóc.

  • 14/01/2025

    Bệnh tim mạch mùa lạnh ở người cao tuổi: Nhận biết sớm và phòng tránh

    Người cao tuổi thường dễ mắc các bệnh tim mạch, đặc biệt là trong thời tiết lạnh giá. Nhiệt độ xuống thấp khiến cơ thể phải làm việc nhiều hơn để duy trì thân nhiệt, gây áp lực lên hệ tim mạch. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu và áp dụng các biện pháp phòng tránh là vô cùng quan trọng để bảo vệ sức khỏe tim mạch cho người cao tuổi trong mùa lạnh.

  • 14/01/2025

    Chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm: Những điều cần lưu ý để bảo vệ sức khỏe

    Thời tiết hanh khô những ngay với sự chênh lệch nhiệt độ đáng kể giữa ngày và đêm. Ban ngày nắng ấm, chiều tối se lạnh, sáng sớm lại trở nên rét buốt. Sự thay đổi này khiến cơ thể chúng ta khó thích nghi, sức đề kháng suy giảm, dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, tim mạch, thậm chí là đột quỵ. Trẻ em và người lớn tuổi lại càng có nguy cơ cao hơn nên cần được quan tâm đặc biệt. Vậy chúng ta nên làm gì để bảo vệ sức khỏe trong những ngày này?

  • 13/01/2025

    THÔNG BÁO LỊCH NGHỈ TẾT NGUYÊN ĐÁN 2025

    Viện Y học ứng dụng xin gửi tới Quý khách hàng, Quý đối tác và toàn thể cán bộ nhân viên của VIAM lịch nghỉ Tết Nguyên Đán năm 2025:

  • 13/01/2025

    6 thực phẩm tốt nhất cho người bệnh viêm phổi

    Ngoài việc điều trị kịp thời, những người bị viêm phổi cần điều chỉnh lối sống như chế độ ăn uống, sinh hoạt để giúp bảo vệ phổi, tăng khả năng phục hồi.

  • 13/01/2025

    Các bệnh thường gặp ở trẻ trong mùa đông và cách phòng tránh

    Mùa đông là thời điểm trẻ em dễ mắc các bệnh về đường hô hấp. Sức đề kháng của trẻ còn non yếu, khiến chúng dễ bị nhiễm bệnh từ môi trường xung quanh. Trong bài viết này, hãy cùng Viện Y học ứng dụng Việt Nam tìm hiểu về các bệnh thường gặp ở trẻ trong mùa đông, nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng tránh hiệu quả.

Xem thêm