Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Trẻ sốt, ho nhiều ngày, cẩn thận viêm mủ màng phổi

Các bác sĩ khuyến cáo, viêm mủ màng phổi không phải là bệnh hiếm gặp và gây ảnh hưởng nặng nề đến hệ hô hấp của trẻ sau này nếu phát hiện và điều trị muộn.

Thấy con có biểu hiện ho, sốt và phát ban kéo dài 5 ngày, gia đình cháu Đào Duy Kh. (11 tháng tuổi) đưa con vào bệnh viện đa khoa tỉnh để chữa trị. Sau 5 ngày điều trị bằng kháng sinh nhưng bệnh tình không thuyên giảm, bé K. được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây trẻ được chẩn đoán viêm mủ màng phổi. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật làm sạch mủ trong khoang màng phổi kết hợp với dùng kháng sinh. Bé K. đã hồi phục và ra viện sau 16 ngày điều trị.

BS. Thanh Huyền, Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, mỗi năm Bệnh viện Nhi Trung ương đón nhận hàng trăm trường hợp trẻ em các độ tuổi khác nhau mắc viêm mủ màng phổi, trong đó có không ít bệnh nhân là trẻ nhỏ. Trong 9 tháng đầu năm 2015 có hơn 40 trẻ nhỏ mắc viêm mủ màng phổi điều trị tại Khoa Hô hấp của bệnh viện. Đa phần các cháu đến viện ở giai đoạn muộn nên cần điều trị phẫu thuật.

Cũng theo BS. Huyền, viêm mủ màng phổi là tình trạng bệnh lý gây nên bởi quá trình viêm kèm theo tích mủ trong khoang màng phổi do các vi khuẩn sinh mủ. Bệnh thường xuất hiện sau viêm phổi. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, mủ trong khoang màng phổi sẽ tạo thành các khoang vách, để lại hậu quả lâu dài, ảnh hưởng đến khả năng giãn nở của phổi và chức năng hô hấp của trẻ.

Phim X-quang lồng ngực ở một bệnh nhi 3 tuổi bị viêm mủ màng phổi với biểu hiện sốt và khó thở phát hiện đám mờ lớn ở phổi trái, góc sườn hoành trái bị tù. (Ảnh BS cung cấp)

Bệnh nhi được chẩn đoán viêm mủ màng phổi khi có biểu hiện sốt và khó thở, kèm hội chứng ba giảm ở vùng phổi bị tràn dịch: rung thanh giảm, rì rào phế nang giảm và gõ đục. Trẻ nhỏ chỉ có 2 dấu hiệu gõ đục và rì rào phế nang giảm. Chọc dò màng phổi thấy có mủ. Xét nghiệm máu ngoại biên phát hiện sự gia tăng số lượng bạch cầu nói chung và tỷ lệ bạch cầu đa nhân trung tính nói riêng, tốc độ máu lắng cũng tăng. Chụp X quang phổi thẳng và nghiêng thấy hình ảnh góc sườn hoành bị tù (mờ nhiều hay ít tuỳ mức độ tràn dịch) hoặc hình ảnh vách hoá khoang màng phổi. Siêu âm khoang màng phổi thấy hình ảnh tràn dịch toàn bộ hay vách hoá tạo thành ổ cặn.

BS. Huyền cho biết, trong 90% trường hợp, viêm mủ màng phổi khởi đầu bằng biểu hiện ho và sốt, giống như trong các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp thông thường. Những triệu chứng không điển hình này khiến việc chẩn đoán bệnh ở giai đoạn đầu trở nên khó khăn. Nhiều gia đình chỉ đưa con đến khám bác sĩ khi khoang màng phổi đã có rất nhiều mủ, gây khó khăn cho quá trình điều trị.

Trường hợp trẻ đến viện muộn, khi dịch mủ đã tạo thành các khoang vách, thì chọc hút hay dẫn lưu sẽ không kết quả. Lúc này trẻ cần được phẫu thuật để làm sạch mủ trong khoang màng phổi, phá bỏ các vách ngăn, tạo điều kiện cho phổi giãn nở. Tuy nhiên, phẫu thuật mở ngực ở trẻ nhỏ tiềm ẩn nhiều nguy cơ và về lâu dài vẫn ảnh hưởng đến chức năng hô hấp của trẻ. Ngoài ra, trẻ còn có nguy cơ bị dày dính màng phổi sau này.

Để đề phòng xảy ra các biến chứng ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của trẻ sau này, BS. Huyền khuyến cáo khi trẻ có biểu hiện sốt, ho và khó thở, gia đình nên đưa bé đi khám bác sĩ để có chẩn đoán chính xác và kịp thời. Viêm mủ màng phổi là bệnh lý hoàn toàn có thể điều trị khỏi. Nếu trẻ đến viện sớm, việc điều trị có thể bao gồm dùng kháng sinh hoặc kết hợp kháng sinh với chọc hút dịch mủ bằng kim hoặc dẫn lưu mủ khoang màng phổi.

Minh Trí - Theo Sức khỏe và Đời sống
Bình luận
Tin mới
Xem thêm