Tăng cường hệ miễn dịch
Nghiên cứu chỉ ra rằng, khi trẻ ăn quá nhiều đường, hệ miễn dịch sẽ suy yếu, khả năng hoạt động của tế bào bạch cầu giảm đi một nửa. Tình trạng này xảy ra trong vòng 2-5 tiếng sau khi trẻ ăn đồ ngọt. Ngoài ra, chế độ ăn nhiều thường gây mất cân bằng hệ vi sinh vật trong cơ thể, làm giảm sức đề kháng của trẻ.
Để cải thiện hệ miễn dịch của trẻ sau những ngày tận hưởng bánh kẹo Tết, cha mẹ nên bổ sung nhiều hoa quả vào chế độ ăn của trẻ. Những món sinh tố, nước ép từ trái cây tươi là nguồn vitamin cần thiết cho hoạt động của hệ miễn dịch. Vị ngọt tự nhiên của hoa quả cũng giúp trẻ bớt thèm đồ ngọt và bánh kẹo Tết.
Cải thiện hệ tiêu hóa của trẻ
Trẻ ăn quá nhiều bánh kẹo dễ gặp các vấn đề về tiêu hóa
Hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ còn non yếu, do đó, trẻ dễ bị tiêu chảy, đau bụng và buồn nôn khi ăn nhiều đồ ngọt. Đường và chất làm ngọt nhân tạo trong đồ ngọt, kẹo cao su và mứt có tác dụng nhuận tràng. Khi trẻ tiêu hóa quá nhiều đồ ngọt trong thời gian ngắn, đường sẽ hút nước vào đường ruột và có thể gây tiêu chảy. Ngoài ra, trẻ ăn quá nhiều bánh kẹo trong những ngày Tết có thể bị đau bụng do đầy hơi, khó tiêu.
Để trẻ bớt khó chịu, ấm ách sau khi ăn nhiều đồ ngọt, cha mẹ cần cho trẻ uống nhiều nước ấm, ăn thực phẩm nhiều chất xơ. Một số thực phẩm giàu probiotics như sữa chua không đường, men vi sinh cũng giúp giảm bớt gánh nặng lên hệ tiêu hóa của trẻ.
Đảm bảo dinh dưỡng cân bằng
Bữa ăn chính cần cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ
Đồ ngọt giàu năng lượng nhưng lại nghèo dưỡng chất, không cung cấp những vitamin thiết yếu cho sự phát triển của trẻ. Do đó, thực phẩm chứa nhiều đường là nguyên nhân dẫn tới tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ, ảnh hưởng tới sức khỏe, chiều cao và trí tuệ của trẻ.
Nếu thấy trẻ có hiện tượng chán ăn, bỏ bữa sau khi ăn bánh kẹo, cha mẹ cần lập tức cắt giảm các món ăn vặt nhiều đường trong chế độ ăn của trẻ. Bữa chính của trẻ cần cân bằng về dưỡng chất, có đầy đủ protein, chất xơ và chất béo có lợi cho sức khỏe của trẻ.
Hướng dẫn trẻ bảo vệ răng miệng
Trẻ cần vệ sinh răng miệng sau khi ăn nhiều đồ ngọt
Các loại kẹo dẻo, kẹo cứng và hoa quả sấy khô là thủ phạm hàng đầu gây ra tình trạng sâu răng ở trẻ nhỏ. Vi khuẩn có điều kiện phát triển trên những mảng bám trong kẽ răng, chuyển hóa thành acid bào mòn lớp men răng sữa của trẻ. Cha mẹ không nên chủ quan khi trẻ bị sâu răng sữa, bởi tình trạng này có thể gây hại đến tủy răng, nguy hiểm hơn là nhiễm trùng răng sữa ở trẻ.
Phụ huynh nên tạo cho trẻ thói quen súc miệng sau khi ăn bánh kẹo và đánh răng ít nhất 2 lần/ngày. Cha mẹ cần đảm bảo trẻ không mang bất kì thức ăn nào vào phòng ngủ, đồng thời không ăn vặt sau khi đã đánh răng.
Thừa cân, béo phì
Các món bánh kẹo, đồ ngọt là thực phẩm có hàm lượng đường, chất béo và calorie khá cao. Đường và chất béo mà cơ thể trẻ chưa kịp hấp thụ sẽ chuyển hóa thành các mô mỡ, gây thừa cân, béo phì. Lượng đường trong máu cao gây áp lực lên tuyến tụy, do đó, về lâu dài, trẻ bị thừa cân có nguy cơ mắc đái tháo đường type 2.
Để bảo vệ sức khỏe của trẻ sau những ngày Tết, cha mẹ cần khuyến khích trẻ hoạt động thể chất hoặc vui chơi ngoài trời để duy trì cân nặng ở mức khỏe mạnh. Phụ huynh cũng cần xây dựng thực đơn ăn uống lành mạnh cho cả gia đình, bổ sung nhiều rau xanh và protein vào chế độ ăn hàng ngày. Thay vì cấm trẻ ăn vặt, cha mẹ hãy chuẩn bị những món ăn tốt cho sức khỏe như hoa quả tươi, các loại hạt hạch…
Tham khảo thông tin tại bài viết: Những thực phẩm hạn chế sự phát triển chiều cao của trẻ