Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Thuốc trị và dự phòng tái phát thấp khớp cấp

Khi thay đổi thời tiết, rất nhiều bệnh nhân bị viêm họng cấp. Đây tưởng như là một bệnh bình thường dễ điều trị, nhưng nếu chủ quan dễ dẫn đến biến chứng nguy hiểm là thấp khớp cấp.

Ngày nay với việc sử dụng steroid và kháng sinh trong điều trị và phòng bệnh đã hạn chế được bệnh thấp khớp cấp một cách rõ rệt.

Cách nhận biết thấp khớp cấp

Thấp khớp cấp là bệnh viêm lan tỏa của tổ chức liên kết khớp, nhưng cũng có thể ở các cơ quan khác như da, tổ chức dưới da, tim và thần kinh trung ương, bệnh có diễn biến cấp, bán cấp hay tái phát, thường xảy ra sau nhiễm liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A ở đường hô hấp trên gây tổn thương ở mô liên kết của nhiều cơ quan, trong đó quan trọng nhất là tổn thương khớp và tim. Khoảng 50-70% số bệnh nhân mở đầu bằng viêm họng. Có trường hợp viêm họng nhẹ thoảng qua biểu hiện bằng đau họng đơn thuần, cũng có khi không có biểu hiện viêm họng ban đầu. Sau viêm họng 7-15 ngày, các triệu chứng của thấp khớp cấp xuất hiện: Bệnh nhân sốt cao 38-39oC, tim đập nhanh, da tái xanh, vã mồ hôi.

Các tổn thương tại khớp thường chỉ thoảng qua và không để lại di chứng gì, nhưng tổn thương tại tim (chủ yếu các van tim) thì để lại những hậu quả nhiều khi rất nặng nề (do vậy bệnh còn được gọi là thấp tim) như hở van, hẹp van hoặc kết hợp.

Điều trị như thế nào?

Cần phải tiến hành đồng thời điều trị và dự phòng thấp tim bởi chúng liên quan chặt chẽ với nhau. Nhưng trước hết, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi tuyệt đối trong thời gian bệnh tiến triển, giữ ấm, ăn nhẹ. Ở những bệnh nhân không có triệu chứng viêm cơ tim, có thể bất động trong thời gian 2-3 tuần, nếu có viêm cơ tim thì thời gian bất động phải được kéo dài ít nhất 4 tuần. Nếu bệnh nhân có suy tim thì bất động khoảng 8 tuần cho đến khi các triệu chứng suy tim được cải thiện. Ngừng các vận động thể dục trong 6 tháng sau đó. Cụ thể:

Sử dụng thuốc chống viêm steroid cần được dùng sớm vì thuốc cho tác dụng nhanh, kết quả chắc chắn. Khi dùng thuốc, bệnh nhân cần lưu ý tuân theo chỉ định của bác sĩ. Thông thường liều điều trị kéo dài từ 2-3 tuần rồi giảm dần liều cho đến khi bệnh khỏi và xét nghiệm trở về bình thường (thời gian điều trị trung bình từ 2-3 tháng). Sau đó bác sĩ sẽ cho liều thuốc duy trì. Trong thời gian dùng thuốc, người bệnh cần theo dõi chặt chẽ để báo cáo với bác sĩ các bất thường xảy ra, để được xử lý kịp thời, thích hợp.

thuoc-tri-va-du-phong-tai-phat-thap-khop-cap-1

Aspirin là thuốc được nhiều bác sĩ ưa dùng hơn các steroid, bởi thuốc có tác dụng không kém steroid, mà giá thành lại rẻ hơn. Tuy nhiên, với hàm lượng thuốc cao, dùng kéo dài thì thuốc có nhiều tác dụng phụ bất lợi, nhất là trên đường tiêu hóa. Do vậy, nếu dùng thuốc này thì cần uống với nhiều nước và uống sau bữa ăn. Bệnh nhân cần theo dõi những bất thường trên hệ tiêu hóa như: khó chịu, đau dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, đi ngoài phân đen... Nếu có một trong những dấu hiệu trên thì báo cáo với bác sĩ để được cân nhắc thay thuốc điều trị.

Kháng sinh có tác dụng điều trị tình trạng nhiễm liên cầu khuẩn như: penicillin G; benzathin penicillin. Nếu bệnh nhân bị dị ứng với penicillin, có thể được thay bằng các kháng sinh khác như erythromycin, sulfadiazin...

Khi bệnh nhân chuyển bệnh nặng, có dấu hiệu múa giật, bác sĩ có thể phải kê thêm các thuốc an thần như diazepam, chlopromazin. Các thuốc này cần tuân thủ tuyệt đối liều dùng các cách dùng theo hướng dẫn của bác sĩ. Đối với các trường hợp bệnh nhân có suy tim cấp, cần điều trị với các thuốc trợ tim và lợi tiểu.

Có dự phòng được bệnh?

Để phòng bệnh, trước hết phải phòng nhiễm liên cầu khuẩn bằng cải thiện chế độ sinh hoạt, tăng cường vệ sinh, giữ ấm, khám và điều trị sớm, dứt điểm các ổ nhiễm khuẩn ở vùng tai, mũi, họng, răng (chân răng sâu, cắt amidan nếu có viêm mủ, điều trị viêm xoang...).

Viêm họng do liên cầu khuẩn có thể gây biến chứng nguy hiểm, nhưng ngày nay đã có các thuốc điều trị tốt nên có thể ngăn ngừa được biến chứng. Trong hầu hết các trường hợp, thuốc kháng sinh sẽ nhanh chóng tiêu diệt các vi khuẩn gây ra nhiễm trùng. Do đó, cần phát hiện bệnh sớm để được điều trị kịp thời.

Để dự phòng thấp khớp cấp tái phát: Sau khi bệnh nhân được điều trị khỏi, vẫn cần điều trị bằng thuốc tiêm benzathin penicillin 3 tuần 1 lần. Nếu không có biểu hiện tim, tiêm liền 5 năm sau đó và theo dõi nếu có dấu hiệu tái phát thì phải tiêm tiếp tục. Nếu có biểu hiện tim thì phải tiêm cho đến năm bệnh nhân 25 tuổi. Trường hợp bệnh nhân ở xa trung tâm y tế hoặc không có điều kiện tiêm, có thể uống loại penicillin V, uống liên tục hàng ngày, thời gian như trên. Hoặc uống sulfadiazin hàng ngày, liên tục, thời gian giống như trên. Trường hợp bệnh nhân dị ứng với penicillin, sulfadiazin có thể chuyển sang dùng erythromycin.

Dự phòng bằng tiêm penicillin chậm là biện pháp tốt nhất, bằng phương pháp này nhiều nước đã hạn chế đến mức thấp các bệnh van tim do thấp, ngăn ngừa được những đợt tái phát của bệnh.

Đối với chế độ sinh hoạt và nghỉ ngơi thì người bệnh cần được nghỉ  ngơi nhiều tại nhà để tránh lây lan bệnh ra cộng đồng (cho đến khi không có dấu hiệu của sốt và hoặc bệnh nhân cảm thấy khá hơn và sau tối thiểu 24 giờ điều trị kháng sinh). Nên uống nhiều nước, ăn thức ăn mềm, tránh các loại thực phẩm nhiều gia vị hoặc các loại thực phẩm có tính axit như nước cam. Tránh xa các chất kích thích như thuốc lá, khói bụi, mùi sơn... Nên có máy tạo độ ẩm trong phòng. Cần vệ sinh, rửa tay đúng cách với xà phòng, khi ho hoặc hắt hơi cần che miệng. Không dùng chung vật dụng cá nhân với người bệnh...

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: 5 loại viêm khớp có thể ảnh hưởng đến khớp vai

PGS.TS. Nguyễn Đức Hải - Theo Sức khỏe & Đời sống
Bình luận
Tin mới
  • 24/04/2024

    Nỗi lo an toàn thực phẩm mùa nắng nóng

    Thời tiết nắng nóng càng làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Cùng với sự quản lý của cơ quan chức năng, người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm, bởi nếu xuê xoa với bất kỳ vi phạm an toàn thực phẩm dù là nhỏ cũng gây hậu quả khôn lường.

  • 24/04/2024

    Tránh ăn gì khi bị viêm kết mạc để nhanh khỏi?

    Tuy chế độ ăn không giúp chữa khỏi viêm kết mạc (đau mắt đỏ) nhưng việc hạn chế ăn một số loại thực phẩm, đồ uống có thể giúp giảm bớt các triệu chứng và thúc đẩy quá trình phục hồi nhanh hơn.

  • 24/04/2024

    Triệu chứng của ung thư buồng trứng

    Hiện nay, ngày càng nhiều phụ nữ bị mắc phải căn bệnh ung thư buồng trứng, vậy triệu chứng của bệnh là gì, hãy cũng tìm hiểu ở bài viết dưới đây.

  • 23/04/2024

    Các phương pháp giảm đau nửa đầu mạn tính

    Chứng đau nửa đầu mạn tính có thể phòng ngừa và được điều trị một cách triệt để. Hiện nay, có rất nhiều loại thuốc và cũng như các phương pháp điều trị thích hợp giúp làm giảm các cơn đau nửa đầu mạn tính.

  • 23/04/2024

    Căng thẳng quá mức gây suy giảm nhiều chất dinh dưỡng trong cơ thể

    Căng thẳng mạn tính và kéo dài không chỉ ảnh hưởng sức khoẻ tinh thần mà còn khiến cơ thể có nguy cơ cạn kiệt nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu, ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch và sự phục hồi thể chất.

  • 23/04/2024

    7 mẹo giúp trẻ tránh xa đồ ăn vặt không tốt cho sức khỏe

    Trẻ em thường bị thu hút bởi đồ ăn vặt. Với bao bì đầy màu sắc và hương vị hấp dẫn, những món ăn nhẹ không lành mạnh này thường khiến trẻ thích thú và muốn ăn nhiều hơn.

  • 23/04/2024

    Chuẩn bị tốt thể lực khi tham gia chạy marathon

    Gần đây phong trào tập thể dục thể thao, các giải chạy bộ không chuyên marathon (42,295km), bán marathon (21,1km) ngày càng phổ biến, thu hút đông đảo người dân thuộc nhiều độ tuổi tham gia. Đây là dấu hiệu tốt chứng tỏ cộng đồng quan tâm tới vấn đề thể dục, thể thao, nâng cao sức khỏe.

  • 23/04/2024

    Trẻ trên 6 tháng tuổi dễ thiếu kẽm và sắt

    Do có nhiều vai trò quan trọng, không thể thiếu đối với cơ thể nên khi trẻ thiếu sắt và kẽm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đối với sự phát triển thể chất và tinh thần trẻ.

Xem thêm