Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Thông tin tham khảo về bệnh ung thư

Ung thư (UT) là bệnh lý ác tính của tế bào trong cơ thể người (và một số loài động, thực vật).

Cơ thể con người được cấu tạo bởi hàng tỷ tế bào. Mỗi tế bào được ví như những viên gạch, viên ngói để xây dựng nên “tòa lâu đài” cơ thể người. Bình thường, tế bào sinh ra, phát triển và chết đi, tuân theo qui luật tự nhiên được xác định...

Hiểu biết về bệnh ung thư

1. UNG THƯ  LÀ GÌ

Ung thư (UT) là bệnh lý ác tính của tế bào trong cơ thể người (và một số loài động, thực vật). Cơ thể con người được cấu tạo bởi hàng tỷ tế bào. Mỗi tế bào được ví như những viên gạch, viên ngói để xây dựng nên “tòa lâu đài” cơ thể người. Bình thường, tế bào sinh ra, phát triển và chết đi, tuân theo qui luật tự nhiên được xác định. Nếu trong quá trình phát sinh và phát triển, tế bào bị tác động bởi các tác nhân làm tổn thương, rối loạn các thành phần mang tính di truyền (gien) trong nhân tế bào, chúng có thể sẽ trở nên ác tính, không tuân theo qui luật tự nhiên của cơ thể mà phát triển vô hạn độ, thành bệnh UT.

2. ĐẶC ĐIỂM CỦA BỆNH UNG THƯ

Đa số bệnh UT biểu hiện dưới dạng các khối u ác tính. Khác với các khối u lành tính (chỉ phát triển tại chỗ, thường rất chậm, có vỏ bọc), các khối u ác tính xâm lấn vào các tổ chức xung quanh. Các tế bào của u ác tính có khả năng di căn tới các hạch bạch huyết hoặc các tạng ở xa, hình thành các khối u mới, tiếp tục xâm lấn, phá hủy các  bộ phận của cơ thể và dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Bệnh UT thường có biểu hiện mạn tính, có quá trình phát triển lâu dài qua nhiều giai đoạn. Trừ một số ít loại UT ở trẻ em, có thể do đột biến gien từ lúc bào thai, còn phần lớn UT  đều có giai đoạn tiềm tàng lâu dài, không có dấu hiệu gì trước khi phát hiện thấy. Triệu chứng đau chỉ là dấu hiệu ở giai đoạn muộn của bệnh.

3. NGUYÊN NHÂN SINH BỆNH UNG THƯ

Qua nhiều nghiên cứu dịch tễ học, các nhà khoa học  đã phát hiện ra chỉ có dưới 10% bệnh ung thư  phát sinh do các rối loạn từ bên trong cơ thể, gồm các rối loạn nội tiết, tổn thương có tính di truyền, gọi là các nguyên nhân nội sinh. Ngược lại, có đến hơn 80% ung thư phát sinh là có liên quan đến môi trường sống; bao gồm lối sống thiếu khoa học, các thói quen, tật xấu như hút thuốc, uống rượu, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, an toàn. Thêm vào đó là một số yếu tố liên quan nghề nghiệp và ô nhiễm môi trường, gọi chung là các nguyên nhân ngoại sinh (từ bên ngoài cơ thể). Có thể chia ra các nguyên nhân ngoại sinh này thành 3 nhóm chính sau đây:

A. Nhóm các tác nhân hóa học:

Thuốc lá:

Hút  thuốc lá được kể đến hàng đầu, đây là nguyên nhân của 30% trong tổng số các loại ung thư ở người, bao gồm UT phổi, thanh quản, thực quản, khoang miệng, bàng quang, tụy, dạ dày. Trong khói thuốc không chỉ có chất nicotine ảnh hưởng đến hệ tim mạch mà còn có trên 40 loại hóa chất khác nhau gây UT. Trong các chất độc này phải kể đến benzopyren là chất có khả năng 100% gây được UT trên thực nghiệm.

Người hút thuốc có nguy cơ mắc và chết do UT phổi và thanh quản cao gấp 10 đến 30 lần so với người không tiếp xúc với khói thuốc. Hút thuốc ở người tuổi càng trẻ, thời gian hút càng dài, số lượng hút trong một ngày càng nhiều thì càng có nguy cơ cao.

Ở Việt Nam, hút thuốc lào, ăn trầu thuốc cũng là yếu tố nguy cơ cao gây UT phổi và UT khoang miệng. Nếu người hút thuốc có kèm theo nghiện rượu thì nguy cơ mắc UT càng cao hơn nữa.

Người đang hút thuốc mà bỏ hút thì nguy cơ gây UT sẽ giảm dần theo thời gian. Sau 5 năm ngừng hút thì nguy cơ bị UT phổi giảm 50%, sau 10 năm ngừng hút thì nguy cơ còn không đáng kể, gần như người không hút.

Những người không hút thuốc nhưng sống cùng với người hút thuốc thì cũng có nguy cơ mắc các loại bệnh liên quan đến hút thuốc lá như bệnh tim mạch, hô hấp và UT như chính người hút, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em. Đây được gọi là hút thuốc thụ động.

Chế độ ăn uống không hợp lý và ô nhiễm thực phẩm

Chế độ ăn nhiều chất mỡ động vật, ít chất xơ làm tăng nguy cơ mắc UT đại – trực tràng và UT vú. Ngược lại, chế độ ăn ít chất béo, nhiều rau, hoa quả và các ngũ cốc dạng nguyên hạt, có thể làm giảm nguy cơ mắc các loại UT.

Các chất bảo quản thực phẩm, các chất nhuộm màu thực phẩm có nguồn gốc hóa học, các chất trung gian chuyển hóa và sinh ra từ thực phẩm bị nấm mốc, lên men là nguyên nhân gây ra nhiều loại UT đường tiêu hóa như UT dạ dày, UT gan, UT đại tràng… Ước tính yếu tố này gây ra đến 35% trong tổng số các loại UT.

Thịt hun khói, cá muối, các loại mắm và dưa muối, cà muối, nhất là dưa khú có nhiều muối nitrat, nitrit và nitrosamine và các chất gây UT thực quản và dạ dày. Gạo và lạc là 2 loại thực phẩm dễ bị nấm mốc Aspergillus Flavus xâm nhiễm và tiết ra một loại chất độc là Aflatoxin, chất này gây ra UT gan nguyên phát.

Ô nhiễm môi trường

Ở nước ta, thuốc trừ sâu diệt cỏ dùng phổ biến trong nông nghiệp là yếu tố nguy cơ gây UT vú và một số loại UT khác. Bên cạnh đó hậu quả của chất độc mầu da cam (dioxin) do Mỹ rải xuống trong chiến tranh đã để lại hậu quả nặng nề không những gây nên các dị tật bẩm sinh mà còn là yếu tố nguy cơ tiềm ẩn gây nhiều bệnh UT. Các nhà khoa học Mỹ đã nghiên cứu và kết luận chất dioxin làm tăng tỷ lệ UT gan, máu, hạch, phần mềm ở các cựu chiến binh Mỹ đã tham gia tại những vùng rải chất độc hóa học trong chiến tranh  ở miền Nam- Việt Nam và Chính phủ Mỹ đã phải có chính sách bồi thường cho các đối tượng này.

Một tác nhân gây UT nữa là các hóa chất sử dụng trong công nghiệp. Ước tính nhóm nguyên nhân này gây ra khoảng 2-8% trong tổng số các loại UT. Các loại UT nghề nghiệp do tiếp xúc trực tiếp trong môi trường lao động với da, hệ thống hô hấp và tiết niệu. Ví dụ: ung thư bàng quang ở những người thợ nhuộm có tiếp xúc với chất aniline trong phẩm nhuộm, UT phổi ở những công nhân khai thác mỏ amiăng, làm việc ở nơi có tiếp xúc với thạch tín, UT máu ở những người có tiếp xúc với chất benzene, UT thanh quản ở những người có tiếp xúc với khí mù tạc…

B. Nhóm các tác nhân vật lý:

Bức xạ ion hóa: Bức xạ ion hóa như tia Rơn ghen, phát ra từ máy chiếu chụp X-quang, các chất phóng xạ dùng trong y học và một số ngành khoa học, có khả năng gây tổn thương gien và sự phát triển tế bào. Loại nguyên nhân này chiếm 3% trong số các trường hợp UT. Ví dụ như UT phổi ở công nhân khai thác mỏ uranium, UT da và UT máu gặp ở một số người làm nghề có tiếp xúc nhiều với tia X. Sau vụ Mỹ thả bom nguyên tử tại thành phố Hi-rô-si-ma và Na-ga-sa-ki của Nhật Bản, người ta nhận thấy tỷ lệ mắc bệnh bạch cầu tăng cao ở những người còn sống sót.

Cũng từ sau vụ nổ nhà máy điện nguyên tử Tréc-nô-bưn ở Liên Xô (cũ), đã ghi nhận được hơn 200 trẻ em mắc UT tuyến giáp và UT máu. Tác động của tia phóng xạ gây UT ở người phụ thuộc vào một số đặc điểm của tiếp xúc như: tuổi: tuổi càng nhỏ (nhất là khi còn là bào thai) thì mối nguy hiểm càng tăng cao; liều lượng: tiếp xúc với càng nhiều chất phóng xạ thì nguy cơ mắc UT càng cao; cơ quan bị tiếp xúc: các cơ quan nhạy cảm với tia phóng xạ là tuyến giáp, tủy xương.

Tia cực tím: Tia cực tím có trong ánh sáng mặt trời cũng là tác nhân gây UT da. Những người thường xuyên phải làm việc ngoài trời thiếu phương tiện che nắng có nguy cơ mắc UT da cao hơn ở những vùng da hở, nhiều nhất là da vùng đầu mặt. Nguy cơ này càng cao hơn ở những những người da trắng sống trong môi trường nhiệt đới (ví dụ ở nước Úc). Vì vậy, không nên tắm nắng dưới nắng hè gay gắt có nhiều tia cực tím và tắm nắng quá nhiều.

C. Nhóm tác nhân sinh học: Một số vi- rút, vi khuẩn có thể gây ung thư.

Vi – rút Epstein – Barr (EBV): có liên quan đến UT vòm mũi họng, UT hạch lymphô, gặp nhiều ở các nước châu Á, châu Phi.

Vi-rút viêm gan B: là nguyên nhân gây UT gan nguyên phát. Sau khi thâm nhập vào cơ thể nó gây viêm gan cấp, có trường hợp bệnh nhẹ thoáng qua, tiếp theo là thời kỳ viêm gan mạn tính tiến triển kéo dài không có triệu chứng, dẫn đến xơ gan và UT gan. Việc phát hiện ra vi-rút viêm gan B là nguyên nhân quan trọng gây UT gan đã mở ra hướng phòng bệnh hữu hiệu bằng cách tiêm chủng phòng bệnh viêm gan B.

Vi-rút gây u nhú ở người (Papiloma Human Virus- HPV): là nguyên nhân gây đến 70% UT tử cung ở phụ nữ. Vi-rút này lây truyền qua đường tình dục. Bệnh có tỷ lệ mắc cao ở những phụ nữ có quan hệ tình dục sớm, đẻ nhiều hoặc có nhiều bạn tình.

Vi khuẩn Helicobacter Pylory (HP): là loại vi khuẩn có vai trò quan trọng trong gây viêm loét dạ dày-tá tràng và UT dạ dày. Đây cũng là một loại UT khá phổ biến ở Việt Nam và một số nước châu Á.

Như  vây, UT không phải do một nguyên nhân gây ra mà có rất nhiều nguyên nhân tùy theo mỗi loại UT, trong số đó, hút thuốc và chế độ dinh dưỡng không hợp lý là 2 nhóm nguyên nhân quan trọng nhất, gây nhiều loại UT nhất. Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây UT là biện pháp phòng bệnh UT hiệu quả và kinh tế nhất trong chiến lược PCUT ở mọi quốc gia.

(Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo)

GS.TS. Nguyễn Bá Đức - Theo ungbuou.vn
Bình luận
Tin mới
  • 21/11/2024

    Trị bệnh Parkinson bằng Đông y có hiệu quả không?

    Do các loại thuốc Tây y điều trị bệnh Parkinson thường đi kèm với tác dụng phụ và nguy cơ “nhờn thuốc” khi dùng lâu dài, nhiều người tìm tới các phương pháp Đông y với hy vọng các loại thảo dược tự nhiên sẽ an toàn hơn với cơ thể.

  • 21/11/2024

    Tăng cường sức khỏe xương khớp cho người cao tuổi trong mùa đông

    Khi bước vào giai đoạn lão hóa, cơ thể con người trải qua nhiều thay đổi sinh lý, suy giảm chức năng của hệ cơ xương khớp và dễ mắc phải các bệnh lý về xương khớp, đặc biệt là trong mùa đông lạnh

  • 21/11/2024

    Tức giận - Kẻ thù thầm lặng của sức khỏe

    Tức giận là một cảm xúc bình thường mà ai cũng sẽ trải qua, bởi hiếm ai có thể giữ được bình tĩnh khi bị tấn công, xúc phạm, phản bội hay thất bại... Tuy nhiên, tức giận quá thường xuyên hoặc kéo dài có thể gây ra nhiều vấn đề đối với sức khỏe.

  • 21/11/2024

    Bệnh hô hấp và cách bảo vệ sức khỏe trong mùa lạnh

    Mùa đông đến đi kèm với sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, không khí hanh khô và độ ẩm giảm. Những yếu tố này gây nên các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu. Các bệnh lý đường hô hấp không chỉ gây khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.

  • 20/11/2024

    9 cách chữa đau chân tại nhà hiệu quả

    Đau chân là vấn đề phổ biến ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của nhiều người. Cùng tìm hiểu 9 phương pháp đơn giản, hiệu quả để chữa đau chân tại nhà. Áp dụng đúng cách, bạn có thể giảm đau, cải thiện lưu thông máu và tăng cường sức khỏe cho đôi chân của mình.

  • 19/11/2024

    Các phương pháp điều trị bênh tiêu chảy tự nhiên khi bạn đang cho con bú

    Thật khó khăn khi bạn phải đối mặt với bệnh tiêu chảy, nhất là khi bạn đang phải cho con bú. Trong bài viết này, Viện Y học ứng dụng Việt Nam sẽ chia sẻ một số biện pháp khắc phục tự nhiên để điều trị bệnh tiêu chảy cho các bà mẹ vẫn đang trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ.

  • 18/11/2024

    Tại sao người đái tháo đường nên ăn rau đầu tiên?

    Ăn rau đầu tiên trong bữa ăn có tác dụng thế nào với người bệnh đái tháo đường? Thứ tự các ăn các món trong bữa ăn của người bệnh đái tháo đường có gì đặc biệt? Nhân Ngày thế giới phòng chống đái tháo đường 14/11, cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

  • 18/11/2024

    Ngày Trẻ em Thế giới: Bồi dưỡng sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ

    Ngày Trẻ em Thế giới là dịp để chúng ta cùng nhau tôn vinh và bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước. Trong bối cảnh cuộc sống hiện đại với nhiều thay đổi, việc chăm sóc sức khỏe toàn diện cho trẻ em càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Xem thêm