Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Những tai nạn mắt thường gặp

Bạn sẽ làm gì khi có các dị vật, các hóa chất trong mắt, hoặc khi bạn có các chấn thương và vết bỏng ở khu vực mắt?.

Những tai nạn mắt thường gặp

Hãy nhớ rằng, bạn nên tìm kiếm sự can thiệp y tế ngay lập tức nếu mắt bạn sưng lên, đỏ, hoặc đau mắt. Nếu không được điều trị kịp thời, tổn thương mắt có thể dẫn đến suy giảm thị lực một phần hoặc thậm chí là mù vĩnh viễn.

Cấu tạo mắt
Các triệu chứng tổn thương mắt thường gặp

Các tổn thương ở mắt rất đa dạng về nguyên nhân, và ở mỗi trường hợp lại có những triệu chứng và cách xử lí khác nhau. Bạn nên đến ngay cơ sở y tế khi bạn cảm thấy có bất kì bất thường nào ở mắt hoặc có một trong các triệu chứng dưới đây:

  • Giảm thị lực
  • Nhức mắt
  • Đồng tử hai mắt không đều
  • Một mắt di chuyển bất thường so với mắt còn lại
  • Một mắt nhô ra hoặc phồng lên
  • Đau mắt
  • Mất thị lực
  • Nhìn đôi
  • Mắt đỏ và kích ứng
  • Nhạy cảm với ánh sáng
  • Thâm tím quanh mắt
  • Chảy máu mắt
  • Có máu ở khu vực củng mạc màu trắng
  • Chảy mủ từ mắt
  • Mắt rất ngứa
  • Xuất hiện đau đầu hoặc đau đầu nặng hơn sau tổn thương mắt

Những việc bạn không nên làm khi có tổn thương tại mắt

Các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy khi bạn tự ý xử lí các tổn thương mà không có sự hỗ trợ của thầy thuốc. Vì thế khi bị tổn thương bạn không nên làm các việc sau:

  • Chà xát hoặc sử dụng bất kì biện pháp nào làm tăng áp lực lên mắt
  • Cố gắng loại bỏ các vật lạ bị kẹt tại bất kỳ khu vực nào của mắt
  • Không đưa nhíp hoặc bất kỳ dụng cụ nào khác vào trong mắt – tăm bông có thể được sử dụng, nhưng chỉ ở khu vực mi mắt.
  • Tự ý sử dụng thuốc (bôi thuốc mỡ hoặc đặt thuốc vào trong mắt)

Nếu bạn đeo kính áp tròng, đừng cố gắng đưa chúng ra nếu bạn nghĩ mình đang bị tổn thương mắt. Khi cố gắng thử những biện pháp trên bạn có thể làm cho tổn thương trở nên tồi tệ hơn. Trường hợp ngoại lệ bạn có thể đưa kính áp tròng ra ngoài là khi bạn bị tổn thương bởi các chất hóa học và mắt kính kẹt ở trong mắt làm ngăn cản quá trình bạn xả nước, rửa mắt.

Điều tốt nhất bạn có thể làm trong các trường hợp tổn thương mắt là đến bác sỹ càng sớm càng tốt. Trong những hoàn cảnh không thể tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức, hãy cùng chúng tìm hiểu những điều bạn có thể làm trong khi chờ đợi sự trợ giúp.

Tổn thương hóa chất

Các tổn thương do hóa chất sẽ xảy ra khi bạn sơ ý để các loại hóa chất tẩy rửa, làm vườn hoặc các hóa chất công nghiệp tác động vào mắt bạn. Bạn cũng có thể bị tổn thương hóa chất khi bạn bị các sản phẩm dạng xịt hoặc khói tác động vào mắt bạn.

Nếu mắt bạn bị nhiễm axit, điều trị sớm có thể dẫn đến kết quả điều trị tốt hơn. Tuy nhiên, các hóa chất kiềm như  natri hydroxit hoặc vôi có thể gây nên tổn thương nghiêm trọng và làm hỏng giác mạc của bạn.

Nếu mắt bạn không may bị nhiễm hóa chất, bạn nên thực hiện các bước sau:

  • Quay đầu để mắt bị tổn thương hướng xuống và lệch về một phía.
  • Giữ mi mắt mở và rửa dưới vòi nước mát trong 15 phút.
  • Nếu bạn đeo kính áp tròng và chúng vẫn còn trong mắt của bạn sau khi bị đổ hóa chất, hãy cố gắng tháo bỏ chúng.
  • Đến cơ sở ý tế gần nhất càng nhanh càng tốt. Nếu có thể, hãy tiếp tục rửa mắt bằng nước sạch trong khi chờ xe cứu thương hoặc trên đường đi đến cơ sở y tế.
Dị vật nhỏ ở trong mắt

Nếu có dị vật ở trong mắt, nó có thể gây nên các tổn thương tại mắt hoặc làm giảm thị lực. Thậm chí một vật nhỏ như hạt cát hoặc bụi cũng có thể gây ra những kích ứng tại mắt. Thực hiện các bước sau nếu bạn có các dị vật nhỏ trong mắt:

  • Thử nhấp nháy mắt để xem nó có thể làm sạch mắt của bạn không. Đừng dụi mắt
  • Rửa tay sạch trước khi chạm vào mắt. Quan sát mắt của bạn để tìm vị trí của dị vật. Bạn có thể cần thêm sự trợ giúp của người khác khi làm việc này.
  • Nếu cần, hãy kéo nhẹ mi dưới xuống để quan sát phía sau. Hoặc sử dụng bông để lật mi trên và quan sát khu vực mắt phía sau mi.
  • Nếu dị vật bị mắc kẹt trong mi mắt của bạn, hãy rửa mi mắt bằng nước. Nếu dị vật ở bề mặt nhãn cầu, hãy rửa mắt bằng nước mát.

Nếu bạn không thể đưa dị vật ra ngoài hoặc nếu sự kích thích vẫn tiếp tục, hãy đến ngay cơ sở y tế..

Dị vật lớn mắc kẹt trong mắt

Kính, kim loại, hoặc các dị vật bắn vào mắt bạn với tốc độ cao có thể gây nên những tổn thương nghiêm trọng. Trong trường hợp này hãy để dị vật ở nguyên vị trí và đừng tìm cách tự ý lấy chúng ra.

Đừng chạm vào dị vật, tránh các áp lực lên dị vật, và không cố gắng để đưa dị vật ra ngoài. Đây là trường hợp y tế khẩn cấp và bạn nên tìm sự can thiệp y tế ngay lập tức. Cố gắng di chuyển mắt của bạn càng ít càng tốt trong khi chờ sự chăm sóc y tế. Nếu dị vật không quá lớn và bạn có người trợ giúp ở bên cạnh, bạn có thể nhờ người trợ giúp che mắt của bạn bằng một miếng vải sạch, chú ý hạn chế tối đa áp lực lên mắt bị tổn thương. Điều này sẽ làm giảm sự chuyển động của mắt cho đến khi bác sỹ thăm khám.

Vết cắt và rạch

Nếu bạn bị cắt hoặc rạch vào mắt hoặc mi mắt, bạn cần được chăm sóc y tế khẩn cấp. Bạn có thể chườm mát mắt trong khi bạn chờ đợi sự can thiệp y tế, nhưng hãy thật cẩn thận và đừng gây áp lực lên mắt.

Khu vực quanh mắt thâm đen

Bạn thường có tổn thương tại mắt và khu vực xung quanh mắt trở nên thâm đen khi bạn bị một vật gì đó đụng vào mắt. Tổn thương các mạch máu nhỏ dưới da tại khu vực này là nguyên nhân dẫn đến sự đổi màu của da.

Thông thường, thâm đen ở khu vực này sẽ dần chuyển thành màu tím màu vàng sau một vài ngày. Màu sắc sẽ trở về bình thường sau một hoặc hai tuần. Đôi khi mắt còn bị sưng trong trường hợp này. Bạn cũng không nên chủ quan và hãy thăm khám tại cơ sở y tế để xác định chính xác tổn thương và có biện pháp điều trị hợp lý.

Phòng ngừa các tổn thương mắt

Chấn thương mắt có thể xảy ra ở mọi nơi, ở nhà, nơi làm việc, khi bạn chơi hoặc tham gia các sự kiện thể thao. Tai nạn có thể xảy ra khi bạn tham gia các hoạt động có nguy cơ cao hay ở những nơi mà bạn cảm thấy an toàn nhất.

Những giải pháp hạn chế nguy cơ tổn thương mắt:

Đeo kính bảo hộ khi bạn sử dụng công cụ máy khoan máy cắt… hoặc khi tham gia vào các hoạt động thể thao có nguy cơ cao. Bạn cũng có nguy cơ bị tổn thương khi ở những nơi mà có các vật thể, đồ vật bay xung quanh như ở trên sân chơi hay công viên.

Thao tác theo hướng dẫn của nhà sản xuất và thận trọng khi làm việc với hóa chất hay các chất tấy rửa.  

Giữ kéo, dao, và các vật dụng sắc nhọn khác tránh xa tầm tay trẻ nhỏ. Dạy trẻ lớn cách sử dụng an toàn và giám sát trẻ trong quá trình làm việc.

Đừng để trẻ em chơi với đồ chơi như phi tiêu hoặc các súng bắn ra các loại đạn nhựa, đạn bắn chim có thể gây tổn thương mắt.

Giữ an toàn cho trẻ bằng cách loại bỏ hoặc bọc kĩ các bờ, rìa sắc nhọn có trong nhà.

Hãy thận trọng khi nấu nướng với mỡ hoặc dầu.

Thận trọng khi sử dụng các thiết bị chăm sóc tóc bằng nhiệt nóng như máy sấy, thiết bị làm thẳng tóc để tránh các tổn thương tại mắt

Giữ khoảng cách an toàn ở những nơi có bắn pháo hoa, pháo sáng không được tổ chức chuyên nghiệp.

Để giảm các nguy cơ tổn thương mắt vĩnh viễn, bạn hãy đi khám tại các cơ sở y tế sau khi bị các tổn thương tại mắt.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Một số vấn đề về mắt nguy hiểm hơn bạn nghĩ

Bs. Nguyễn Thế Võ - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Healthline
Bình luận
Tin mới
  • 18/05/2025

    Lycopene có giúp giảm nguy cơ ung thư?

    Trong bối cảnh các nhà khoa học không ngừng tìm kiếm các biện pháp phòng ngừa ung thư, chế độ ăn uống, đặc biệt là việc tiêu thụ trái cây và rau quả, được xem là một yếu tố quan trọng. Cà chua, với thành phần lycopene nổi bật, đang thu hút sự chú ý đặc biệt.

  • 18/05/2025

    Cách để thức dậy đúng giờ vào buổi sáng

    Việc thiết lập lịch trình ngủ và thói quen trước khi đi ngủ, đặt đồng hồ báo thức và điều chỉnh chế độ ăn uống là một số phương pháp có thể giúp bạn ngủ ngon hơn và thức dậy dễ dàng vào buổi sáng.

  • 17/05/2025

    Chế độ ăn tham khảo với người mắc hội chứng thiên thần

    Tuy không có chế độ ăn kiêng đặc biệt nào có thể chữa khỏi hội chứng thiên thần nhưng dinh dưỡng hợp lý có thể giúp kiểm soát cân nặng, cải thiện giấc ngủ, quản lý táo bón và hỗ trợ phát triển nhận thức.

  • 17/05/2025

    Thanh thiếu niên và tuổi dậy thì

    Dậy thì là một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời mỗi người, đánh dấu sự chuyển đổi từ trẻ em sang người trưởng thành. Đây là giai đoạn cơ thể có nhiều thay đổi về mặt thể chất và tâm sinh lý, đặt nền móng cho sức khỏe sinh sản và sức khỏe tổng quát trong tương lai. Việc thấu hiểu những biến đổi này, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ từ gia đình và xã hội, sẽ giúp thanh thiếu niên vượt qua giai đoạn dậy thì một cách an toàn và khỏe mạnh.

  • 16/05/2025

    Chế độ ăn uống tốt cho bệnh nhân lao hạch

    Bệnh lao hạch gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và khả năng ăn uống. Việc phát hiện sớm, điều trị đúng phác đồ và có chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp người bệnh nhanh phục hồi sức khỏe.

  • 16/05/2025

    Lý do bạn bị đầy hơi sau khi ăn salad

    Bạn có thể dùng salad như một bữa ăn lành mạnh hoặc món ăn kèm, nhưng salad có thể gây ra một số vấn đề về tiêu hóa tùy thuộc vào thành phần của nó. Rau và trái cây sống là những thực phẩm có thể gây đầy hơi và chướng bụng do một số hợp chất và vi khuẩn, và chúng có thể là lý do tại sao bạn có thể bị đau bụng dữ dội sau khi ăn salad.

  • 15/05/2025

    5 lợi ích sức khỏe của quả lê và những kiêng kỵ khi ăn lê

    Quả lê không chỉ đơn thuần là một loại trái cây ngon mà còn là một vị thuốc tự nhiên rất tốt cho sức khỏe.

  • 15/05/2025

    Bệnh lý mùa hè thường gặp

    Mùa hè là thời điểm tuyệt vời để tận hưởng những ngày dài đầy nắng, tham gia các hoạt động ngoài trời và thư giãn. Tuy nhiên, nhiệt độ và độ ẩm cao trong mùa hè cũng có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe. Việc nhận biết các bệnh lý mùa hè phổ biến, nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng tránh sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Xem thêm