Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Những điều cần biết về bệnh viêm túi thừa

Viêm túi thừa là bệnh khá phổ biến của đại tràng. Nguyên nhân chủ yếu là do chế độ ăn uống không cân đối và nhiễm khuẩn. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu sâu hơn về căn bệnh này.

Viêm túi thừa là gì?

Túi thừa là những túi nhỏ, phồng, có thể được hình thành ở bất cứ nơi nào của ống tiêu hóa từ thực quản đến dạ dày, ruột non và ruột già nhưng chủ yếu nhất là đại tràng sigma.

Viêm túi thừa xảy ra khi một hoặc nhiều túi thừa của ống tiêu hóa bị viêm hoặc nhiễm khuẩn. Nếu bị viêm hoặc nhiễm khuẩn nặng, túi thừa có thể bị vỡ, làm lây lan vi khuẩn từ đại tràng sang các mô xung quanh, gây viêm phúc mạc (nhiễm trùng ổ bụng) hoặc hình thành ổ áp-xe.

Dịch tễ bệnh

Viêm túi thừa là căn bệnh khá phổ biến ở  các nước công nghiệp nơi mà có chế độ dinh dưỡng chứa ít chất xơ và giàu carbohydrate. Các quốc gia như Mỹ, Anh và Australila có tỷ lệ bệnh nhân bị viêm túi thừa cao hơn hẳn khu vực châu Á và châu Phi.

Tại Mỹ, viêm túi thừa thường gặp ở những người trên 60 tuổi (chiếm trên 50%). Khoảng 10%-25% những bệnh nhân sẽ bị viêm túi thừa và dẫn đến nhiễm trùng.

Nguyên nhân gây bệnh

Người ta cho rằng túi thừa hình thành là do sự gia tăng áp lực lên thành đại tràng (ruột kết) do nhiều nguyên nhân như: chế độ ăn thiếu chất xơ khiến phân trở nên khô cứng và làm giảm thời gian vận chuyển thức ăn qua đại tràng, làm tăng áp lực tại đây;

Ngoài ra, tình trạng rặn gắng sức khi đại tiện cũng làm gia tăng áp lực lên thành đại tràng;

Một số loại thuốc như thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc lợi tiểu và thuốc giảm đau gây nghiện cũng có thể dẫn đến táo bón và gia tăng áp lực lên đại tràng. Tất cả những yếu tố nêu trên đều có thể là nguyên nhân gây hình thành các túi thừa.

Ảnh hưởng của chế độ dinh dưỡng đến bệnh viêm túi thừa

Chế độ ăn thiếu chất xơ khiến phân trở nên khô cứng và gây táo bón. Những người mắc bệnh táo bón khi đại tiện thường phải rặn nhiều, gây tăng áp lực lên thành ruột kết và dẫn tới sự hình thành túi thừa. Chế độ dinh dưỡng giàu chất xơ có thể giúp ngăn ngừa táo bón và giảm nguy cơ tạo thành túi thừa trong ống tiêu hóa.

Những thực phẩm giàu chất xơ

Có hai loại chất xơ có thể giúp làm mềm phân và ngăn ngừa táo bón: Chất xơ hòa tan (gồm pectin và chất nhầy có trong cùi bưởi, cam quýt…) có thể tan trong nước và hình thành nên một hỗn hợp dạng keo trong ống tiêu hóa, làm tăng độ xốp, mềm của phân; chất xơ không hòa tan (cellulose, hemicelluloses có trong hoa quả, rau và đậu đỗ) có đặc tính thẩm thấu nước trong ruột, trương lên làm tạo điều kiện cho chất bã dễ thải ra ngoài.

Triệu chứng của bệnh viêm túi thừa

Nhiều bệnh nhân mắc chứng viêm túi thừa không biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Khoảng 20% bệnh nhân gặp phải một số triệu chứng như đau bụng thường ở vùng bụng dưới bên trái, đầy bụng, rối loạn đại tiện thường là táo bón, đôi khi đi phân lỏng hoặc phân có máu, đau trực tràng.

Các triệu chứng nghiêm trọng và biến chứng của viêm túi thừa

Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể gặp phải một vài triệu chứng nghiêm trọng của bệnh viêm túi thừa, bao gồm:

  • Viêm túi thừa nặng do nhiễm khuẩn
  • Hình thành những ổ mủ trong vùng chậu (áp xe) do vỡ túi thừa bị viêm
  • Nhiễm trùng ổ bụng (viêm phúc mạc)
  • Tắc ruột
  • Xuất huyết trong đại tràng

Nguyên nhân gây xuất huyết do viêm túi thừa

Khi tình trạng viêm lan tới các mạch máu xung quanh có thể gây chảy máu khiến bệnh nhân đi ngoài phân đen, sẫm màu hoặc đi ngoài ra máu. Bệnh nhân có thể có hoặc không bị đau bụng. Tình trạng xuất huyết có thể chấm dứt hoặc kéo dài trong vài ngày liên tục. Trường hợp xuất huyết nặng, bệnh nhân cần được nhập viện để cầm máu hoặc phẫu thuật loại bỏ túi thừa.

Hãy đi khám bác sỹ ngay nếu bạn gặp phải dấu hiệu nào trong số các triệu chứng sau và đã từng được chẩn đoán mắc bệnh viêm túi thừa trước đây:

  • Đau bụng
  • Sốt
  • Tiêu chảy
  • Nôn mửa
  • Xuất huyết trực tràng

Những trường hợp cần cấp cứu:

  • Đau bụng dữ dội
  • Sốt cao dai dẳng kèm với đau bụng
  • Nôn mửa dữ dội
  • Táo bón kéo dài kèm đầy hơi chướng bụng, sưng phù vùng bụng
  • Đau đớn dữ dội hay các triệu chứng khác bạn đã từng gặp phải trước đây

Chẩn đoán

Bệnh viêm túi thừa thường được chẩn đoán bằng cách nội soi đại tràng. Ngoài ra bệnh cũng có thể được chẩn đoán bằng cách chụp CT ổ bụng và vùng chậu hoặc chụp X quang cản quang với Barium. Trong đợt cấp của viêm túi thừa, phương pháp chụp CT có thể được sử dụng để theo dõi sự lây lan của nhiễm trùng.

Điều trị

Với nhiều bệnh nhân mắc viêm túi thừa mà có ít triệu chứng hoặc không biểu hiện triệu chứng, các bác sỹ khuyến cáo nên áp dụng một chế độ dinh dưỡng giàu chất xơ và bổ sung chất xơ từ thực phẩm chức năng để phòng táo bón và hình thành các túi thừa.

Một số thuốc giảm đau bụng co thắt do viêm túi thừa:

  • Chlordiazepoxide (Librax)
  • Dicyclomine (Bentyl)
  • Hyoscyamine (Levsin)
  • Atropine, scopolamine, Phenobarbital, hyoscyamine (Donnatal)
  • Diphenoxylate và atropine (Lomotil)

Trước đây, các bác sỹ thường khuyên bệnh nhân tránh ăn ngô, các loại hạt và quả hạch do họ nghĩ rằng những thực phẩm này có thể lọt vào các túi thừa và gây nhiều biến chứng. Tuy nhiên không có bằng chứng nào chứng minh thực phẩm kể trên có thể gây ra bất cứ vấn đề này.

Các kháng sinh được sử dụng để điều trị viêm túi thừa:

  • Ciprofloxacin (Cipro)
  • Levofloxacin (Levaquin)
  • Amoxicillin/acid clavulanic (Augmentin)
  • Metronidazole (Flagyl)
  • Doxycycline (Vibramycin)

Nếu bạn đang trải qua cơn viêm túi thừa cấp, bạn có thể cần chuyển sang chế độ ăn lỏng và những thực phẩm ít chất xơ.

Liệu bệnh nhân viêm túi thừa có cần phẫu thuật hay không

Trong trường hợp viêm túi thừa không đáp ứng với các biện pháp điều trị dùng thuốc thì việc phẫu thuật có thể cần thiết. Phẫu thuật thường bao gồm các thủ thuật dẫn lưu mủ và loại bỏ túi thừa tại đại tràng. Trường hợp túi thừa bị xuất huyết cũng cần thiết phải phẫu thuật. Ngoài ra khi tình trạng viêm túi thừa ảnh hưởng đến các cơ quan khác như bàng quang (rò đại tràng – bàng quang gây nhiễm trùng đường tiểu tái phát nặng và có khí thoát ra khi đi tiểu) thì phẫu thuật là rất cần thiết.

Phòng bệnh viêm túi thừa

Một khi đã hình thành thì các túi thừa sẽ tồn tại mãi mãi trong ống tiêu hóa và chỉ có thể được loại bỏ bằng phẫu thuật. Hiện tại chưa có biện pháp nào để phòng bệnh viêm túi thừa. Tuy nhiên, một chế độ ăn giàu chất xơ luôn luôn được khuyến cáo để phòng táo bón, giảm áp lực lên đại tràng và ngăn cản sự hình thành túi thừa hay giảm bớt sự tiến triển nặng hơn của bệnh.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Đau bụng: khi nào cần đến khám bác sỹ?

Bình luận
Tin mới
  • 20/04/2025

    Nhận thức đúng về thực phẩm giải nhiệt mùa hè

    Mùa hè năm nay được dự báo nắng nóng gay gắt nên thực phẩm giải nhiệt, bảo vệ sức khỏe càng được người dân ưu tiên lựa chọn. Tuy nhiên, người dân cần nhận thức đúng để đưa ra lựa chọn chính xác

  • 20/04/2025

    6 loại thực phẩm nên thận trọng khi dùng chung với dứa

    Dứa là loại trái cây nhiệt đới có hương vị thơm ngon được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, đôi khi việc tiêu thụ dứa với một số loại thực phẩm lại không có lợi cho sức khỏe.

  • 20/04/2025

    7 loại thực phẩm cay giúp chống ngạt mũi và đau đầu do viêm xoang

    Đầu bạn đang đau nhức, bạn bị ngạt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, khó thở, rồi khứu giác và vị giác cũng rối loạn. Đây là những dấu hiệu phổ biến của cảm cúm, dị ứng thời tiết, viêm xoang. Một số thực phẩm có thể giúp bạn giảm các triệu chứng này !

  • 19/04/2025

    4 tác hại nghiêm trọng khi phụ nữ mang thai uống phải sữa giả

    Sữa giả không chỉ đơn giản là không có giá trị dinh dưỡng mà nó còn có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe người dùng, đặc biệt là phụ nữ mang thai cần được chăm sóc dinh dưỡng và đảm bảo an toàn sức khỏe.

  • 19/04/2025

    Chế độ ăn cho người bệnh lao vú

    Đối với người mắc bệnh lao vú, chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng để tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ quá trình điều trị và phục hồi sức khỏe.

  • 19/04/2025

    Sử dụng kháng sinh an toàn cho trẻ em

    Kháng sinh đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng do vi khuẩn, tuy vậy, việc dùng kháng sinh ở trẻ em phải được xem xét cẩn thận và tuân thủ nghiêm túc các chỉ dẫn. Lạm dụng kháng sinh có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khoẻ, bao gồm kháng kháng sinh, rối loạn tiêu hoá và các vấn đề sức khoẻ lâu dài khác.

  • 18/04/2025

    Cha mẹ thông thái chọn sữa nào cho trẻ tuổi học đường 6–15 tuổi

    Giai đoạn từ 6 đến 15 tuổi là thời kỳ vàng phát triển thể chất, đặc biệt là tăng trưởng chiều cao, và hoàn thiện trí tuệ. Giai đoạn này cũng là cơ hội cuối cùng bù lại những thiếu hụt về chiều cao của giai đoạn trước, chuẩn bị cơ sở phát triển vượt trội vào thời điểm dậy thì. Trong chế độ ăn của lứa tuổi này, sữa và các chế phẩm từ sữa đóng vai trò quan trọng như một thực phẩm tốt cung cấp các vitamin, khoáng chất và protein quý cho quá trình phát triển.

  • 18/04/2025

    Người mắc hội chứng ống cổ chân nên ăn gì và tránh ăn gì?

    Chế độ ăn uống không phải là phương pháp điều trị chính cho hội chứng ống cổ chân nhưng nó có thể giúp giảm viêm, kiểm soát cân nặng và cải thiện sức khỏe tổng thể, từ đó hỗ trợ quá trình phục hồi.

Xem thêm