Sán bắt nguồn từ đâu?
Chính con người mới là kẻ gieo rắc mầm bệnh, thông qua tập quán sống bẩn thỉu và thói quen phóng uế phân bừa bãi. Nếu bạn chẳng may bị nhiễm sán sau bữa ăn thịt lợn, thịt bò, hay cá chưa nấu chín; thì bạn đừng đổ tội cho những con vật ấy.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy, chính con người mới là kẻ gieo rắc mầm bệnh, thông qua tập quán sống bẩn thỉu và thói quen phóng uế phân bừa bãi.
Eric Hoberg, nhà kí sinh trùng học thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã bỏ nhiều công sức tái dựng lại lịch sử tiến hóa của sán dây, bằng cách nghiên cứu giải phẫu của nhiều chủng loại sán trên nhiều loài động vật khác nhau. Nghiên cứu của Hoberg chỉ ra rằng, tổ tiên của loài người chúng ta từ 2 triệu năm trước đã “bắt” những con sán từ châu Phi thông qua trò săn bắn, rồi thuần chủng những con sán ấy để truyền cho gia súc vật nuôi, như lợn và bò.
Theo Hoberg, họ hàng gần nhất của chủng loại sán dây chúng ta mắc bây giờ, có nguồn gốc từ sư tử và linh cẩu ở châu Phi, mà linh dương là vật chủ trung gian để những con sán cư trú suốt thời tuổi trẻ gọi ấu trùng.
Nhà khảo cổ học thuộc Đại học Cape Town, Julia Lee Thorp dành nhiều thời gian đi sâu nghiên cứu về tập quán ăn uống của loài vượn và người tiền sử, bà phát hiện ra khá nhiều điều lí thú liên quan đến con sán dây.
Lee Thorp lập luận, người tiền sử và các loài thú sống chung lãnh địa, tạo nên một vòng tròn lây nhiễm sán. Nếu như động vật chuyên ăn một loại thức ăn, thì người tiền sử lại ăn uống khá "bẩn thỉu”, từ ăn cây cỏ, chuyển sang ăn rác, rồi đến ăn thịt, nên người tiền sử dễ dàng nhiễm sán hơn các loài khác.
Chưa dừng lại ở đó, Lee Thorp còn suy luận, các loài thú lớn có thể bị lây nhiễm sán vì đã ăn thịt người tiền sử, bởi các bằng chứng khảo cổ học cho thấy người tiền sử chính là “mồi nhậu” ưa thích của báo và linh cẩu.
Cây gia phả họ nhà sán dây được con người truyền vào gia súc vật nuôi và thuần chủng hóa từ hơn 10.000 năm về trước. Đến nay, sán dây có hơn 10.000 loài nhưng may mắn là, chỉ một số nhỏ lây nhiễm gây bệnh cho con người.
Sán dây và những câu chuyện li kỳ
Đã có rất nhiều những câu chuyện kinh dị về sán dây.
Một trong những câu chuyện kinh dị nhất, là người đàn ông 41 tuổi, được các bác sĩ ở Colombia chẩn đoán ung thư trên nền nhiễm HIV chưa điều trị thuốc.
Bệnh nhân đến viện với lí do bị ho, sốt, sụt cân nhanh trong vài tháng. Kết quả chụp CT và sinh thiết chẩn đoán có khối ung thư trong phổi, di căn sang hạch bạch huyết. Nhưng có điều lạ, tế bào ung thư khá kì quái, nên các bác sĩ Colombia phải liên hệ với CDC để được hỗ trợ chẩn đoán.
Dưới kính hiển vi, các tế bào hoạt động theo đúng tính chất của ung thư, chúng nhân lên nhanh chóng và tụ tập lại thành đám, nhưng nó không giống những tế bào ung thư ở con người, kích thước nhỏ hơn gấp 10 lần.
Các bác sĩ đã quyết định xét nghiệm ADN. Kết quả thật kinh ngạc, tế bào ung thư ấy không phải của người đàn ông, mà là của một con sán dây, nghĩa là con sán ấy đã bị mắc bệnh ung thư. Người đàn ông đã chết sau 72 giờ và chưa kịp điều trị.
Một câu chuyện kinh dị khác, được bác sĩ Kenny Banh ở California kể lại, rằng ông nghi ngờ một bệnh nhân nam hốt hoảng đến khoa cấp cứu nhờ ông điều trị cho một “con sâu” vừa mới chui ra từ trong bụng.
Bệnh nhân kể lại với bác sĩ Banh, rằng anh ta bị tiêu chảy, thấy phân kèm theo máu tươi nên nhìn xuống, thì phát hiện “một đoạn ruột” của mình thò ra qua hậu môn, anh tưởng mình sắp chết. Người đàn ông lấy tay kéo đoạn ruột, thì ra cả một “con sâu” dài ngoẵng, anh sợ quá gói nó vào túi ni lông, rồi lao nhanh đến bệnh viện.
Bác sĩ Banh không tin vào lời kể, nên yêu cầu người đàn ông chứng minh “con sâu”, thì anh mở túi bóng ra, có một con vật mình dẹt dài gần 2 mét vẫn còn đang oằn mình ngọ nguậy trên sàn nhà, ngay trước mặt người đàn ông đang tái xanh vì sợ hãi.
Bác sĩ Banh xác định “con sâu” ấy chính là một con sán dây.
Hồi cứu lại, người đàn ông California này rất thích ăn món Shusi, thích ăn cá sống, đặc biệt là món Sashimi làm từ cá hồi tươi sống, anh vẫn thường ăn nó mỗi ngày.
Câu chuyện của người đàn ông nhiễm sán vì thích ăn cá sống đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận trên toàn thế giới, nhưng không có gì lạ với các bác sĩ, bởi chính Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh CDC đã đưa ra lời cảnh báo nguy cơ cao nhiễm ấu trùng sán dây, nếu ăn phải sẽ phát triển thành sán trưởng thành, ấu trùng ấy được tìm thấy ở cá hồi Thái Bình Dương và loài cá hồi Alaska đang rất thịnh hành ở Mỹ, cũng như nhiều các quốc gia khác.
Người Việt thế hệ 7X trở lại trước, sẽ chẳng lạ gì với hình ảnh của người đàn ông California ỉa ra “con sâu”, bởi xã hội Việt Nam suốt thế kỉ XX từ nông thông đến thành thị, người dân đều bụng ỏng đít vòn, thỉnh thoảng lại ỉa ra con sán dài vài mét, hoặc ỉa ra một đống đốt sán như xơ mít.
Cũng như vậy với hình ảnh thân thuộc ở làng quê Việt Nam, đó là những con lợn, những con trâu bò, chó và mèo chạy rông kéo theo con sán dài hàng mét quệt lê dưới đất, hình ảnh ấy đã từng trở nên quá quen thuộc, quen thuộc đến nỗi người ta nhìn thấy cũng không để ý và quên mất nó.
Chuyện thường ngày ở... thế giới
Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã phải đưa sán dây bổ sung vào danh mục 13 bệnh nhiệt đới bị bỏ quên. Nhiễm sán dây trên toàn thế giới không phải là những câu chuyện hiếm hoi, mà thực tế ngược lại, nó khá phổ biến ở những quốc gia nghèo, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tầng lớp người nghèo, nhưng ở đâu trên thế giới này câu chuyện sán dây cũng dễ bị bỏ qua.
Một câu chuyện nữa có thể coi là kinh dị, đó là sự việc hơn 2.000 trẻ ở Bắc Ninh được bố mẹ ồ ạt đưa về Hà Nội xét nghiệm, có hơn 200 cháu cho kết quả dương tính với sán dây, chiếm tỉ lệ 10%.
Đây chính là ví dụ điển hình, để minh chứng cho việc tại sao WHO lại cần thiết phải bổ sung sán dây vào danh mục bệnh nhiệt đới bị bỏ quên, mà thực tế xã hội Việt Nam đã bỏ quên căn bệnh này trong nhiều năm, mặc dù tỉ lệ nhiễm sán dây trung bình ở 55 tỉnh thành khoảng 11%.
Tự nhiên đấng sáng tạo ra con sán dây vô cùng quái dị và ấn tượng.
Mỗi con sán dây trưởng thành dài từ 2 đến 12 mét, cá biệt có con dài tới 25 mét gây nên tắc ruột cho bệnh nhân khi nó di chuyển. Sán kí sinh trong cơ thể, phát triển bằng cách nảy chồi, sinh đốt bắt đầu từ cổ, tạo thành vài trăm đốt sán.
Ở mỗi đốt, có riêng bộ phận sinh dục đực và cái cùng lúc, vì vậy mà đốt sán có thể tự thụ tinh bất cứ lúc nào để hình thành nên khoảng 50.000 quả trứng cho mỗi đốt. Sau khi thụ tinh xong, đốt sán rụng ra giống như xơ mít, rồi theo phân ra ngoài, phóng thích hàng trăm triệu quả trứng vào môi trường.
Sán dây có một cái đầu, nhưng chỉ có nhiệm vụ gắn chặt con sán vào thành ruột. Đầu sán không có chức năng hút máu, càng không phải để ăn thịt, nó chỉ để bám giữ mà thôi. Nhiệm vụ lấy thức ăn, là toàn bộ da của đốt sán tự hấp thụ dưỡng chất xung quanh. Bởi thế cho nên, người nhiễm sán dây trong đường ruột thường thường dễ bị bỏ qua vì không có biểu hiện triệu trứng, ngoại trừ con sán quá lớn và nhiều sẽ có cảm giác bò lổm ngổm trong bụng.
Peter Olson, một chuyên gia sán dây và là nhà nghiên cứu khoa học đời sống ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên (Mỹ), đã lí giải tại sao cá hồi Thái Bình Dương và Alaska lại chứa ấu trùng sán dây. Theo ông, vòng đời của “con sâu” mà người đàn ông California không may bị vướng mắc, nó hết sức dễ hiểu.
Đó là những con gấu ở vùng này ăn những con cá hồi bị nhiễm ấu trùng sán, ấu trùng vào ruột gấu phát triển thành sán dây trưởng thành, rồi các đốt sán rụng theo phân gấu chảy xuống sông. Các loài động vật giáp xác có chân chèo ăn các loài tảo, mùn, bã hữu cơ có trứng sán từ phân gấu.
Cá hồi lại ăn những động vật giáp xác này, trứng sán phát triển thành ấu trùng xâm nhập vào thịt cá hồi. Người ăn thịt cá hồi, ấu trùng sán vào ruột phát triển thành sán dây trưởng thành.
Người Việt và thói quen xấu
Người dân Việt có một nghịch lí, hầu hết họ dễ dàng để sử dụng 1 đến 2 chiếc điện thoại smarphone đời mời đắt tiền, hay làm chủ một chiếc xe máy như một tài sản đáng giá, nhưng họ lại không có nhà vệ sinh theo đúng cách.
Theo số liệu từ WHO, cứ 10 người dân ở khu vực nông thôn thì sẽ có 1 người đi vệ sinh theo cách nguyên thủy, tức là phân của họ được thải trực tiếp ra môi trường sống xung quanh, thải xuống sông hồ.
Đi khắp các vùng nông thôn Việt Nam, không khó để thấy những hố xí phân chảy thẳng xuống ao nuôi cá, trong ao lại thả bè rau muống hay cấy cần. Ngay ở thành phố cũng vậy, đi trên vỉa hè chỉ cần ngẩng mặt lên là giẫm phải bãi phân. Đó là chưa kể gia súc, chó, mèo thả rông, hay những chuồng trại chăn nuôi xả trực tiếp phân, gây ô nhiễm nguồn nước rất nặng.
Olson khẳng định, con người mới chính là nguồn gieo rắc mầm sán dây nhiều nhất, việc truyền bệnh chủ yếu từ hành vi phóng uế phân; chứ khả năng ít hơn nhiều từ nguyên nhân ăn thịt lợn, thì bò, cá, hay các loại rau thủy sinh chưa nấu chín.
Người nhiễm sán dây đường ruột, nếu phóng uế phân bừa bãi, sẽ thải ra môi trường hàng triệu triệu chứng sán, gieo rắc mầm bệnh kinh khủng khiếp trong sự lãng quên.
Động vật thả rông hay nuôi nhốt không xử lí phân đúng cách cũng vậy. Olson quan sát ở các vùng Trung Mỹ, nơi có ngành chăn nuôi lợn với số lượng lớn, nhưng điều kiện xử lí cả phân lợn lẫn phân người đều kém, vấn đề vệ sinh trở nên vô cùng tồi tệ, vì thế mà bệnh sán dây luôn trở thành đại dịch hoành hành tại đây.
Bệnh sán dây được phân ra 2 loại là bệnh ấu trùng và bệnh sán dây trưởng thành.
Bệnh ấu trùng sán dây, là do con người hay động vật thải ra phân có trứng sán, trứng phát tán môi trường xung quanh hoặc trôi xuống nước bám vào các loài rau thủy sinh như rau cần, rau rút, rau muống bè. Các loài giáp xác chân chèo cũng ăn phải trứng sán nên trở thành vật chủ trung gian mang mầm bệnh.
Người ăn phải các loại rau, tôm, hoặc các loài thân giáp xác khác có mang trứng sán, trứng vào ruột nở ra thành ấu trùng. Ấu trùng di chuyển đến mọi nơi trong cơ thể, nhiều nhất ở da, cơ vân, mắt, đặc biệt là não.
Sinh viên các trường y ở Việt Nam không lạ gì những bệnh nhân có ấu trùng sán khắp cơ thể, đặc biệt ấu trùng sán não khi vôi hóa chụp cắt lớp vi tính não trông như bầu trời sao ban đêm, đó là nguyên nhân gây động kinh rất nguy hiểm.
Điều trị bệnh ấu trùng sán dây không khó, Bộ Y tế đã có phác đồ hướng dẫn điều trị, chỉ cần uống thuốc 2 tuần là khỏi hoàn toàn. Nhưng nếu ấu trùng vào não, bị vôi hóa thành các nốt tổn thương, sẽ để lại di chứng đau đầu và động kinh vĩnh viễn, nên phải để phòng để không bị bệnh ấu trùng sán dây.
Nhà vệ sinh ở nông thôn thải trực tiếp phân ra môi trường nước là một nguyên nhân gây sán
Để phòng tránh bệnh ấu trùng sán dây, cần nấu chín kĩ các loài rau thủy sinh dưới nước, nấu chín tôm và các loài giáp xác, tuyệt đối không ăn rau sống bón phân người và gia súc, không phóng uế phân người và gia súc vào môi trường hay ao hồ, sông ngòi.
Bệnh sán dây trưởng thành, là do những vật chủ trung gian như lợn ăn phải trứng sán từ phân, trứng sán nở ra thành ấu trùng chui vào trong thịt lợn, dân gian vẫn gọi là lợn gạo. Không chỉ có lợn, mà trâu bò, thậm chí là thú cưng như chó hay ăn phân người, cá ở những ao hồ có nguồn nước phân nhiễm trứng sán cũng bị.
Người ăn phải lợn gạo, bò gạo, cá gạo hay chó gạo; ấu trùng vào ruột phát triển thành sán trưởng thành, con sán hấp thụ hết chất dinh dưỡng để sinh ra các đốt sán chứa hàng triệu triệu trứng.
Bệnh sán dây trưởng thành điều trị rất đơn giản, chỉ uống một ngày thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, là sẽ khỏi hoàn toàn. Nhưng quan trọng là phòng tránh, thực tế người nội trợ không khó để phân biệt lợn gạo, nhưng người chăn nuôi cần phải có kiến thức hiểu biết để tuân thủ trách nhiệm đạo đức với cộng đồng.
Sán dây là căn bệnh có thể xóa bỏ được bằng đầu tư vào vệ sinh, giáo dục nhận thức và quản lí thực phẩm. Bố mẹ của hơn 2000 trẻ ở Bắc Ninh phải bỏ ra hơn 2 tỉ đồng về Hà Nội làm xét nghiệm chẩn đoán sán dây, phát hiện được hơn 200 cháu dương tính; nhưng nếu cả 55 tỉnh thành xét nghiệm cũng sẽ có tỉ lệ tương tự.
Rõ ràng, xóa bỏ bệnh sán dây không thể trông chờ vào xét nghiệm, cũng không thể đổ lỗi cho một vài cơ sở sản xuất hay vài khâu trung gian vận chuyển thực phẩm, buộc tội họ là xong. Mấu chốt của bệnh sán dây vẫn là câu chuyện xung quanh phân người và động vật.
Bởi vậy mà chúng ta cần phải quyết liệt thực hiện ít nhất 9 biện pháp:
1/ Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
2/ Nấu chín kĩ thức ăn.
3/ Không phóng uế phân bừa bãi.
4/ Sử dụng nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn và sạch sẽ.
5/ Không thả rông gia súc vật nuôi.
6/ Không xả phân gia súc vật nuôi xuống ao hồ sông ngòi.
7/ Không sử dụng phân người hay phân động vật để bón ruộng.
8/ Siết chặt quản lí nguồn gốc thực phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn.
9/ Sử dụng nguồn nước sạch.
Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Những dấu hiệu cho thấy bạn đã bị nhiễm sán dây
Bữa sáng bằng trái cây được nhiều người lựa chọn khi muốn giảm cân vì giàu vitamin, chất xơ và ít calo. Tuy nhiên, chỉ ăn trái cây vào buổi sáng có thực sự tốt cho sức khỏe và hỗ trợ giảm cân hiệu quả?
Khi chân tay không nhận đủ máu, tay hoặc chân của bạn có thể cảm thấy lạnh hoặc tê. Nếu bạn có làn da sáng, chân của bạn có thể chuyển sang màu xanh. Lưu thông máu kém cũng có thể làm khô da, khiến móng tay giòn và khiến tóc rụng, đặc biệt là ở chân và bàn chân. Một số nam giới có thể gặp khó khăn trong việc cương cứng hoặc duy trì sự cương cứng. Và nếu bạn bị tiểu đường, vết trầy xước, vết loét hoặc vết thương của bạn có xu hướng lành chậm hơn. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn một số mẹo để cải thiện lưu thông máu.
Người bị vảy nến nên bổ sung các loại thực phẩm chống viêm, giàu vitamin đồng thời hạn chế những thực phẩm có khả năng khiến bệnh phát triển, góp phần kiểm soát tốt bệnh và giúp làn da đẹp mịn màng hơn.
Bạn có bao giờ lo lắng khi thấy con chậm lớn, thấp còi hơn bạn bè cùng trang lứa? Hay những bữa ăn đầy ắp yêu thương lại trở thành "cuộc chiến" với bé biếng ăn, gầy gò? Đừng lo, bởi suốt 7 năm qua, Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM đã đồng hành cùng hàng nghìn gia đình, giúp các bé không chỉ tăng chiều cao mà còn khỏe mạnh, tự tin trong cuộc sống.
Đẻ mắc vai hay còn gọi là dấu hiệu “con rùa” - là tình trạng xảy ra khi một hoặc cả hai vai của em bé bị kẹt trong quá trình sinh thường. Không có dấu hiệu báo trước và không có cách nào để ngăn ngừa tình trạng này xảy ra. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể bao gồm việc em bé quá lớn, xương chậu của mẹ nhỏ hoặc đỡ đẻ sai tư thế. Tình trạng này có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng bao gồm cả chấn thương thần kinh cho em bé. Cùng đọc bài viết sau để hiểu thêm về tình trạng này!
Tầm vóc không chỉ là thước đo chiều cao đơn thuần mà còn phản ánh sức khỏe và sự phát triển toàn diện của một dân tộc. Tuy nhiên, thực trạng chiều cao của người Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế so với bạn bè quốc tế
Mùa xuân đến, mang theo không khí ấm áp và sức sống mới cho vạn vật. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm giao mùa, khí hậu biến đổi thất thường, tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, virus và mầm bệnh sinh sôi phát triển.
Ngày 2 tháng 4 hàng năm, thế giới cùng hướng về Ngày Thế Giới Nhận Thức về Tự Kỷ – một sự kiện do Liên Hợp Quốc khởi xướng nhằm kêu gọi sự quan tâm sâu sắc hơn đến rối loạn phổ tự kỷ (ASD).