Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Người bệnh tim mạch đối phó với nắng nóng thế nào?

Trong những ngày nắng nóng gay gắt, nhiệt độ ngoài trời dao động 34 đến 40 độ C đã ảnh hướng rất lớn đến sức khoẻ mọi người, nhất là đối với người già, trẻ nhỏ và đặc biệt là những người bị bệnh tim mạch.

Bệnh nhân đến khám tại khoa tim mạch tăng đột biến trong những ngày nắng nóng gay gắt vừa qua.

Vậy người bệnh tim mạch bị ảnh hưởng thế nào trong thời tiết nắng nóng?

Theo thống kê tại khoa Tim mạch, Bệnh viên đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, tình hình bệnh nhân đến khám và điều trị tăng đột biến so với thời điểm đầu mùa hè và các năm trước. Bình quân mỗi ngày phòng khám tim mạch tiếp nhận khoảng 60-80 bệnh nhân đến khám, và 20-30 người phải nhập viện điều trị, trong đó chủ yếu bệnh nhân bị tăng huyết áp, suy tim, bệnh động mạch vành và đột quỵ, khá nhiều trường hợp vào khoa trong tình trạng nguy kịch. Những năm trước, thời điểm này số bệnh nhân điều trị tại khoa tim mạch dao động từ 50-60 bệnh nhân, nhưng đợt này có gần 100 bệnh nhân điều trị nội trú, tăng khoảng 60-80% so với cùng kỳ năm trước.

Để thích ứng với thời tiết nóng nực, cơ thể điều chỉnh bằng cách tăng tiết mồ hôi và giãn mạch máu ngoại biên. Khi tiết nhiều mồ hôi cơ thể sẽ mất nước, giảm thể tích máu lưu thông, trong khi đó tim vẫn phải co bóp để đảm bảo bơm đủ lượng máu đi khắp cơ thể. Do thể tích máu giảm nên tim phải làm việc nhiều hơn, tăng sức co bóp và tăng số tim trong một phút. Mặt khác khi vận động, mồ hôi ra nhiều, mất dịch nhiều, các cơ vận động đòi hỏi cần được cung cấp nhiều máu hơn. Khi mất quá nhiều dịch, thân nhiệt tăng lên, các cơ quan bị tổn thương, nhất là hệ thần kinh và tim mạch: người bệnh rất mệt mỏi, mất tỉnh táo, thiếu tập trung, tim đập nhanh, huyết áp tăng.

Đối với một số bệnh tim mạch như: suy tim, bệnh mạch vành, khi nắng nóng tim phải gắng sức co bóp, làm tình trạng suy tim tăng lên, có thể gây tử vong. Mặt khác, tim gắng sức sẽ tăng nhu cầu ôxy của tim nên dễ dẫn đến thiếu máu cơ tim cục bộ gây cơn đau thắt ngực, mệt, khó thở, nặng hơn là nhồi máu cơ tim. Những người đã đặt stent mạch vành hoặc van tim cơ học, việc mất nước khiến máu bị cô đặc, dễ tạo cục máu đông gây tắc stent hoặc kẹt van tim là những tình huống hết sức nguy hiểm.

Các thuốc tim mạch cũng góp phần ảnh hưởng tới người bệnh tim mạch trong thời tiết nắng nóng. Thuốc lợi tiểu làm mất nước, thuốc ức chế bêta làm giảm nhịp tim khiến tim không đáp ứng đủ như mức cần thiết để thích ứng với nắng nóng.

Những dấu hiệu nguy hiểm xuất hiện khi nắng nóng

Thời tiết nắng nóng gây ra hai hiện tượng kiệt sức do nóng và sốc nhiệt, những hiện tượng này rất dễ xảy ra đối với người bị bệnh tim mạch.

Kiệt sức do nóng: biểu hiện ra mồ hôi nhiều, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn và nôn, chuột rút, da lạnh và ẩm ướt, mạch nhanh, thở nhanh nông.

Sốc nhiệt: là tình trạng bệnh lý nặng nhất do nắng nóng, xảy ra khi cơ thể không còn khả năng điều hòa thân nhiệt. Thân nhiệt có thể tăng lên 40 độ C hoặc cao hơn trong 10-15 phút. Sốc nhiệt có thể gây tử vong hoặc để lại những hậu quả nặng nề nếu không được điều trị kịp thời. Những dấu hiệu cảnh báo gồm: thân nhiệt tăng trên 40 độ C; không ra mồ hôi; hoa mắt, chóng mặt; đau đầu dữ dội; nôn ói; da đỏ, nóng, khô; mạch nhanh, hoản loạn hay bết tỉnh.

Các biện pháp người bệnh tim mạch cần biết để phòng tránh khi nắng nóng

- Nên ở trong nhà vào thời gian nắng nóng nhất là từ 10 -15h, nếu có thể thì ở nơi có máy điều hòa nhiệt độ, mặc quần áo rộng rãi, thoải mái.

- Nếu có việc phải ra ngoài cần mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, đội mũ. Nếu việc không cần thiết thì nên đi vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối.

- Không ăn quá no, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, hạn chế lượng muối ăn vào. Nên ăn nhiều trái cây tươi như cam, quýt, chuối, nho để cung cấp đầy đủ các chất điện giải cho cơ thể, không uống rượu, bia, cà phê. Cần phải uống thuốc đầy đủ theo chỉ dẫn của bác sĩ.

- Uống đủ nước. Tuy nhiên, cần lưu ý người suy tim tránh uống quá nhiều nước vì làm tăng gánh nặng cho hệ tim mạch. Người bệnh tim cần theo dõi cân nặng mỗi ngày để bù vừa đủ lượng nước, chẳng hạn khi cân nặng giảm 1kg có nghĩa mất đi 1 lít nước nên cần uống lượng nước tương ứng để bù vào.

- Hạn chế vận động thể lực để tránh mất muối nước và tăng gánh nặng cho tim.

Tóm lại, thời tiết nắng nóng gay gắt là mối nguy hại cho người bệnh tim mạch đặc biệt là người bị suy tim và bệnh động mạch vành, thường xuất hiện nhiều biến chứng phức tạp làm bệnh thêm nặng hơn và có thể ảnh hướng tới tính mạng. Vì thế, những người bị các bệnh về tim mạch trong lúc thời tiết nắng nóng cần hết sức thận trọng để tránh được những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

TS.BS. Lê Văn Dũng - Theo Sức khỏe và Đời sống
Bình luận
Tin mới
  • 20/04/2024

    Chảy máu trong thai kỳ - Hiện tượng phổ biến nhưng đừng xem thường

    Chảy máu trong thời kỳ mang thai là một hiện tượng thường gặp, đặc biệt là trong 3 tháng đầu. Tuy nhiên, đôi khi đây có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng.

  • 20/04/2024

    Những tác hại khi nằm ngủ gối cao

    Lựa chọn một chiếc gối với độ cao phù hợp sẽ mang lại cho bạn một giấc ngủ ngon, cải thiện tư thế và giảm đau lưng, mỏi cổ. Dưới đây là một số vấn đề về sức khỏe khi nằm gối quá cao hoặc kê nhiều gối trong thời gian dài.

  • 20/04/2024

    Cách giúp đỡ người tự gây thương tích

    Khi người bạn yêu thương đang tự gây thương tích, những dấu hiệu tưởng chừng dễ dàng nhận biết thường bị bỏ qua. Đó thường là một hành vi bí mật, được giấu bởi lớp quần áo hoặc dưới lí do như những vết thương từ thể thao và các hoạt động khác. Hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình và thấu hiểu, lắng nghe một cách không phê phán, bạn có thể học cách giúp đỡ người đang tự gây thương tích.

  • 19/04/2024

    Phát hiện ung thư dạ dày bằng hơi thở

    Hơi thở có mùi khiến cho bạn cảm thấy xấu hổ. Nhưng việc kiểm tra hơi thở nhanh ngoài việc có thể giúp bạn thoát khỏi nhiều tình huống khó xử còn có thể cứu mạng bạn. Theo một nghiên cứu, công nghệ kiểm tra hơi thở có thể phát hiện ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm nhất .

  • 19/04/2024

    Đưa con đến viện ngay nếu con có dấu hiệu này khi mắc cúm B

    Cúm B là một loại cúm mùa do virus, thường gây nhiễm trùng đường hô hấp. Phần lớn khi trẻ mắc cúm B nhẹ sẽ tự khỏi, tuy nhiên virus cũng có thể gây biến chứng nghiêm trọng. Nếu trẻ mắc cúm B có các dấu hiệu nguy hiểm dưới đây, cha mẹ cần đưa con đến viện ngay để điều trị.

  • 19/04/2024

    5 bệnh tự miễn thường gặp mà bạn cần biết

    Hệ thống miễn dịch của chúng ta có vai trò chính là nhận diện và bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus và nấm. Tuy nhiên, đôi khi, các thành phần của hệ thống miễn dịch lại nhầm lẫn phản ứng với các protein trong cơ thể và gây ra các bệnh tự miễn.

  • 19/04/2024

    Tìm hiểu về các rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng ở trẻ em

    Các rối loạn tiêu hóa ở trẻ em là một vấn đề phổ biến mà nhiều gia đình phải đối mặt. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về một số rối loạn tiêu hóa phổ biến ở trẻ, nguyên nhân và cách điều trị.

  • 19/04/2024

    Vì sao không nên uống trà khi ăn thực phẩm giàu sắt?

    Trà không chỉ là thức uống giải khát mà còn có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, kết hợp trà vào chế độ ăn uống không đúng cách có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu sắt của cơ thể, đặc biệt ở người bị thiếu máu do thiếu sắt.

Xem thêm