Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Làm thế nào giảm nguy cơ mắc viêm đường tiết niệu?

Cảm giác đau bỏng rát mỗi khi đi vệ sinh, luôn cảm thấy muốn đi tiểu suốt ngày, đau ở lưng dưới, buồn nôn, nôn mửa, hoa mắt – đây chỉ là một vài triệu chứng của bệnh viêm đường tiết niệu. Mặc dù một số phụ nữ dường như dễ mắc căn bệnh vô cùng khó chịu này, nhưng vẫn có những bước giúp bạn có thể giảm thiểu được nguy cơ nhiễm bệnh.

Làm thế nào giảm nguy cơ mắc viêm đường tiết niệu

Những biện pháp quan trọng hàng đầu

Bệnh viêm đường tiết niệu xảy ra theo 2 cơ chế: khi vi khuẩn bên ngoài cơ thể xâm nhập qua đường niệu đạo hoặc khi vi khuẩn trong bàng quang nhân lên quá mức và gây bệnh. Phần lớn các trường hợp viêm đường tiết niệu đều là do vi khuẩn đã tồn tại bên trong bàng quang, do vậy loại bỏ vi khuẩn ra ngoài là cách tốt nhất để đẩy lùi nhiễm trùng. Dưới đây là các biện pháp bạn có thể áp dụng:

Uống nhiều nước

Uống nhiều nước cũng sẽ khiến bạn phải đi vệ sinh nhiều hơn và do đó lượng nước tiểu trong bàng quang sẽ được thải ra ngoài thường xuyên hơn. Theo bác sỹ Kimberly Cooper thuộc Trung tâm y tế Đại học Columbia, nước giúp làm sạch hệ thống tiết niệu đồng thời pha loãng nước tiểu, do đó vi khuẩn sẽ không thể phát triển được. Các bác sỹ khuyến cáo bạn nên uống từ 6-8 cốc nước/ngày.

Làm rỗng bàng quang sau quan hệ tình dục

Theo bác sỹ Sandip Vasavada thuộc Trung tâm tiết niệu Glickman, Phòng khám Cleveland, việc quan hệ sẽ làm lây nhiễm vi khuẩn từ âm đạo sang niệu đạo. Đi tiểu sau khi quan hệ sẽ giúp xả các vi khuẩn này ra ngoài. Tuy nhiên, nếu không thực hiện được điều này thì sao? Bác sỹ Cooper nói rằng hầu hết bàng quang của mọi người đều đầy nước tiểu ngay cả khi bạn không thể cảm nhận thấy nó. Do vậy, bà khuyên mọi người nên đi tiểu trước và sau khi quan hệ.

Không nên nhịn tiểu

Bạn hãy thử tưởng tượng, khi nhịn tiểu nước tiểu được chứa trong bàng quang, nó sẽ tồn đọng ở đó trong một khoảng thời gian dài nếu không được thải ra ngoài. Và đây sẽ là môi trường vô cùng thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn. Các bác sỹ khuyên rằng nên đi tiểu ít nhất sau mỗi 4-6 tiếng và thường xuyên hơn (sau mỗi 3 tiếng) nếu bạn là đối tượng dễ bị viêm đường tiết niệu.

Những biện pháp quan trọng vừa

Mặc dù các vi khuẩn từ bên ngoài môi trường có thể xâm nhập vào bàng quang và gây viêm nhưng trường hợp này ít phổ biến. Tuy nhiên, tốt nhất là bạn vẫn cần tuân thủ những nguyên tắc sau đây để phòng tránh nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu:

Không thụt rửa

Bạn vẫn biết rằng thụt rửa là điều không nên làm nhưng không hiểu tại sao. Hãy để chúng tôi giải thích cho bạn: Việc thụt rửa sẽ đưa nước, hay nước kèm với những chất sát khuẩn như giấm vào bên trong âm đạo để loại bỏ những vi khuẩn gây mùi hôi. Nhưng đồng thời nó cũng rửa trôi ra ngoài luôn cả những vi khuẩn tốt, gây mất cân băng hệ vi khuẩn chí tự nhiên của âm đạo khiến cho nhiều hại khuẩn có cơ hội phát triển hơn.

Sử dụng thực phẩm chức năng từ quả việt quất

Có một số nghiên cứu khoa học đã chỉ ra những tác dụng có lợi của nam việt quất đối với các bệnh đường tiết niệu, tuy nhiên cần nhớ rằng đây không phải là một loại thuốc tiên. Theo bác sỹ Cooper, “nam việt quất có chứa các proanthocyanidin được cho là có khả năng ngăn cản sự bám dính của vi khuẩn lên thành bàng quang.” Vấn đề là các sản phẩm thuốc từ trái nam việt quất vẫn chưa được kiểm soát đúng mức và không phải tất cả các sản phẩm đều có chất lượng như nhau. Bạn cần thận trọng không sử dụng quá liều khuyến nghị hàng ngày do một số nghiên cứu cũng chỉ ra mối liên quan giữa quá liều thực phẩm chức năng chứa nam việt quất và bệnh sỏi thận.

Lựa chọn các biện pháp tránh thai phù hợp

Nếu bạn thuộc nhóm đối tượng dễ bị viêm đường tiết niệu, nên tránh sử dụng các chất diệt tinh trùng và màng ngăn âm đạo. Các chất diệt tinh trùng không chỉ đưa thêm vi khuẩn vào âm đạo mà còn làm thay đổi pH vùng âm đạo, khiến cho vi khuẩn có hại sinh trưởng mạnh hơn. Màng ngăn âm đạo ít gây hại hơn, nhưng cũng có thể gây ảnh hưởng nếu chúng ngăn cản việc làm rỗng bàng quang hoàn toàn.

Bổ sung thêm estrogen

Trong thời kỳ mãn kinh, sự suy giảm nồng độ estrogen khiến cho hệ tiết niệu dễ nhạy cảm với các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn hơn. Estrogen giúp duy trì sự cân bằng của các lợi khuẩn trong âm đạo, nghĩa là nếu nồng độ hormon thấp sẽ khiến cho vi khuẩn có hại tăng sinh và gây bệnh. Bác sỹ khuyên rằng những phụ nữ trong độ tuổi hậu mãn kinh mà không có tiền sử bị ung thư vú hay ung thư tử cung có thể sử dụng một lựng nhỏ kem bôi âm đạo có chứa estrogen 2-3 lần/tuần.

Những biện pháp ít quan trọng hơn

Trừ khi bạn thuộc nhóm dễ bị viêm đường tiết niệu, nếu không những biện pháp sau đây sẽ ít khi tạo ra sự khác biệt lớn nào. Tuy nhiên, chúng vẫn rất đáng để thử:

Hạn chế tắm bồn

Tốt nhất là nên sử dụng vòi hoa sen. Nhiều phụ nữ vẫn tắm bồn và không gặp phải vấn đề gì. Tuy nhiên, một số khác thì lại nên tránh xa, bởi nước trong bồn chứa rất nhiều vi khuẩn từ da và cả những hóa chất từ xà phòng tắm, chúng có thể xâm nhập vào âm đạo và gây bệnh.

Mặc đồ lót thoáng mát

Những chất liệu khó thoát mồ hôi sẽ tạo ra môi trường ẩm ướt cho các vi khuẩn tăng sinh, do vậy tốt nhất là lựa chọn đồ lót từ chất liệu cotton thoáng mát. Tuy nhiên theo bác sỹ Griebling, có rất ít bằng chứng khoa học chứng minh điều đó. Nếu bạn thường bị viêm đường tiết niệu và cho rằng quần áo mình mặc luôn khiến cho bạn cảm thấy khó chịu nhiều hơn, hãy chuyển sang quần áo từ 100% cotton.

Tăng cường những thực phẩm giàu probiotic

Những thực phẩm lên men như sữa chua giàu lợi khuẩn như nấm sữa kefir có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe hơn là tác dụng hỗ trợ tiêu hóa. Một số nghiên cứu bước đầu cho rằng sử dụng viên uống bổ sung probiotic hay ăn những thực phẩm chứa probiotic có thể giúp tăng sinh những vi khuẩn có lợi tại âm đạo.

Thay đồ ngay sau khi tập thể thao và bơi lội

Trừ khi bạn dễ bị viêm đường tiết niệu, nếu không thì việc ngồi hàng giờ với đồ bơi ướt trên người cũng sẽ không gây ra điều gì quá nghiêm trọng. Nhưng nếu bạn thuộc nhóm đối tượng dễ mắc bệnh thì sau khi tập luyện hay bơi lội tốt nhất là nên thay quần áo khô sạch càng sớm càng tốt để giảm thiểu nguy cơ vi khuẩn sinh sôi trong môi trường ẩm của quần áo và di chuyển vào niệu đạo gây bệnh.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: 8 nguyên nhân phổ biến gây viêm đường tiết niệu

Ths.Bs. Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam
Bình luận
Tin mới
  • 19/04/2024

    Phát hiện ung thư dạ dày bằng hơi thở

    Hơi thở có mùi khiến cho bạn cảm thấy xấu hổ. Nhưng việc kiểm tra hơi thở nhanh ngoài việc có thể giúp bạn thoát khỏi nhiều tình huống khó xử còn có thể cứu mạng bạn. Theo một nghiên cứu, công nghệ kiểm tra hơi thở có thể phát hiện ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm nhất .

  • 19/04/2024

    Đưa con đến viện ngay nếu con có dấu hiệu này khi mắc cúm B

    Cúm B là một loại cúm mùa do virus, thường gây nhiễm trùng đường hô hấp. Phần lớn khi trẻ mắc cúm B nhẹ sẽ tự khỏi, tuy nhiên virus cũng có thể gây biến chứng nghiêm trọng. Nếu trẻ mắc cúm B có các dấu hiệu nguy hiểm dưới đây, cha mẹ cần đưa con đến viện ngay để điều trị.

  • 19/04/2024

    5 bệnh tự miễn thường gặp mà bạn cần biết

    Hệ thống miễn dịch của chúng ta có vai trò chính là nhận diện và bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus và nấm. Tuy nhiên, đôi khi, các thành phần của hệ thống miễn dịch lại nhầm lẫn phản ứng với các protein trong cơ thể và gây ra các bệnh tự miễn.

  • 19/04/2024

    Tìm hiểu về các rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng ở trẻ em

    Các rối loạn tiêu hóa ở trẻ em là một vấn đề phổ biến mà nhiều gia đình phải đối mặt. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về một số rối loạn tiêu hóa phổ biến ở trẻ, nguyên nhân và cách điều trị.

  • 19/04/2024

    Vì sao không nên uống trà khi ăn thực phẩm giàu sắt?

    Trà không chỉ là thức uống giải khát mà còn có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, kết hợp trà vào chế độ ăn uống không đúng cách có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu sắt của cơ thể, đặc biệt ở người bị thiếu máu do thiếu sắt.

  • 19/04/2024

    Những điều cần biết về bệnh viêm phổi ở trẻ em

    Viêm phổi là một trong những bệnh lý đường hô hấp nghiêm trọng thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là những trẻ dưới 5 tuổi có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Bệnh không chỉ gây ra những triệu chứng khó chịu như ho, sốt, khó thở mà còn tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.

  • 18/04/2024

    Tại sao bạn hay cảm thấy buồn ngủ quá mức?

    Buồn ngủ quá mức là gì và tại sao bạn lại gặp phải tình trạng này? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

  • 18/04/2024

    6 thực phẩm trong chế độ ăn giúp giảm nguy cơ ung thư

    Ung thư có thể phòng ngừa nhờ điều chỉnh lối sống với những thói quen tốt cho sức khỏe như ăn uống lành mạnh. Một số thực phẩm trong chế độ dinh dưỡng có thể hỗ trợ giảm nguy cơ mắc ung thư.

Xem thêm