Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Làm gì khi trẻ không đi ngoài?

Khi bạn có con, bạn sẽ phải chịu trách nhiệm cho cả việc đi ngoài của bé cho đến khi bé được 3-4 tuổi. Bạn sẽ phải dần làm quen với phân su, thay bỉm cho bé ở nơi công cộng, bé ị khi bạn đang muộn làm và cả việc phải tập ngồi bô cho bé nữa.

Một tình trạng mà bạn sẽ thường xuyên gặp phải đó là đôi khi, bé sẽ không đi ngoài/đi ị trong vài ngày, và việc này sẽ khiến bạn vô cùng đau đầu.

Tại sao?

Bạn cần biết những nguyên nhân phổ biến khiến trẻ không đi ngoài được, đa số các nguyên nhân này đều lành tính, ví dụ như:

  • Táo bón: nếu phân của bé cứng và khó ra, bé phải rặn hoặc bị đau khi rặn thì có thể bé sẽ nhịn/tránh việc đi ngoài
  • Bé sợ: nếu bé đã từng có trải nghiệm không tốt với việc đi ngoài (ví dụ đã từng bị một lần phân cứng, khó rặn ra) hoặc thậm chí là trải nghiệm không tốt với toilet (ví dụ như bé đi toilet ở nhà hàng xóm và âm thanh xả nước quá to khiến bé sợ) thì có thể bé sẽ có suy nghĩ tất cả những lần đi ngoài đều sẽ đáng sợ như vậy, từ đó dẫn đến việc nhịn đi ngoài
  • Bé chưa quen với việc ngồi bô: nhiều bé không gặp khó khăn với việc đi tè vào bô khi tập cai bỉm, nhưng đi ị lại là một câu chuyện khác. Nếu bé chưa quen hẳn với việc ngồi bô thì có thể bé sẽ tránh đi ị khi ngồi bô. Bé có thể sẽ đợi đến khi bạn mặc bỉm cho bé vào, bé mới có thể ị được
  • Bé muốn làm theo ý mình: khi bé ở vào độ tuổi 3-4 tuổi, bé sẽ bắt đầu phát triển các năng lực tự nhận thức. Do vậy, khi bạn muốn bé ị vào bô, bé chỉ đơn giản là không thích làm theo ý bạn. Việc này diễn ra càng lâu, bé sẽ càng khó thay đổi thói quen nhịn đi ngoài
  • Bé…quá bận rộn và có nhiều điều vui hơn để làm: nhiều bé không muốn dành thời gian để dừng lại, ngồi bô và đi ngoài, đặc biệt là nếu bé là một đứa trẻ hiếu động và tham gia vào tất cả các hoạt động. Đi ngoài mất nhiều thời gian hơn đi tè, và sẽ làm giảm thời gian vui chơi của bé.
  • Bé có các vấn đề phải lo lắng: có thể như không thích cảm giác đi ngoài. Tình trạng này có thể gặp phải với những trẻ bị tự kỷ hoặc rối loạn cảm giác. Mùi của phân cũng có thể khiến nhiều bé cảm thấy khó chịu. Hoặc có thể bé từng có cảm giác lo lắng khi đi ngoài: đã từng phải chạy té de khi buồn đi ngoài hoặc đã từng bị căng thẳng trong một tình huống nào đó trong nhà tắm.

Rất hiếm khi các vấn đề sức khoẻ là nguyên nhân khiến bé không đi ngoài được. Tuy nhiên, vẫn có thể có những nguyên nhân bệnh lý khiến bé không đi ngoài được, bao gồm:

  • Bệnh lý đường tiêu hoá gây táo bón mạn tính: bệnh celiac, hội chứng ruột khích thích hoặc không dung nạp lactose
  • Ứ phân: nếu trẻ thường xuyên bị táo bón, phân có thể sẽ bị cứng và tắc lại trong đại tràng hoặc trực tràng, khiến trẻ khó đi ngoài
  • Đờ đại tràng: khi hệ tiêu hoá không thể di chuyển được khối phân như bình thường, có thể sẽ gây ra tình trạng không đi ngoài được
  • Các vấn đề về tuyến giáp: táo bón là một triệu chứng phổ biến của bệnh suy giáp
  • Các vấn đề về giải phẫu: các bất thường về giải phẫu, ví dụ như cơ vòng hậu môn quá chặt có thể khiến trẻ khó đi ngoài. Rối loạn cơ vùng chậu cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng này.

Tại sao cần phải xử lý sớm tình trạng này?

Nhịn đi ngoài càng lâu thì việc đi ngoài sẽ càng khó hơn. Có thể có các rào cản về thể chất và tâm lý. Nhịn đi ngoài không chỉ khiến phân bị cứng và táo bón mà còn khiến bạn bị tốn thời gian, lo lắng và đau đớn cho bé. Ngoài ra, nhịn đi ngoài sẽ khiến việc tập ngồi bô của bé trở thành một vật đề nghiêm trọng – và điều này chắc hẳn bạn không mong muốn.

Nếu nguyên nhân là do các tình trạng bệnh lý (mặc dù rất hiếm gặp) thì bạn tìm ra nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, từ đó mới giải quyết được các triệu chứng (táo bón).

Nếu bé không có các nguyên nhân bệnh lý, bạn cũng cần giải quyết vấn đề này của trẻ. Nhịn đi ngoài có thể gây ra:

  • Đau bụng
  • Rò rỉ phân, nước tiểu
  • Rối loạn đường ruột
  • Đái dầm hoặc viêm đường tiết niệu

Giải pháp

Do đây là vấn đề khá phổ biến nên bạn chưa cần đưa trẻ đi gặp bác sĩ. Bạn cần phối hợp nhiều biện pháp để làm mềm phân cũng như tạo tâm lý thoải mái cho bé khi đi ngoài.

Thư giãn.

Phương pháp này áp dụng cho cả bạn và trẻ. Bạn căng thẳng bao nhiêu về việc đi ngoài, bé cũng sẽ căng thẳng bấy nhiêu. Và đương nhiên, căng thẳng sẽ không giúp bé đi ngoài dễ dàng được.

Cho dù nguyên nhân là gì thì cũng không thể giải quyết sau 1 đêm được. Do vậy, bạn nên kiên nhẫn và chờ đợi để đến khi bé cảm thấy thoải mái hơn. Một số trẻ sẽ đi ngoài sau khi được tắm nước ấm một cách thoải mái hoặc sau khi được phân tâm bằng các hoạt động như đọc sách cùng con khi trẻ đang ngồi bô.

Kiểm tra độ phù hợp

Nếu bô của trẻ quá bé hoặc quá to, hoặc nếu chân trẻ không chạm được xuống đất khi ngồi bô…thì sẽ khiến trẻ không thoải mái và không thể đi ngoài được

Giáo dục

Đừng dạy trẻ rằng tất cả mọi người đều phải đi ngoài, mặc dù điều này là đúng, nhưng trẻ sẽ chẳng quan tâm đâu. Hãy dạy trẻ về việc tại sao cần phải đi ngoài và đi ngoài tốt cho cơ thể thế nào. Có thể mua một vài cuốn sách giải phẫu dành cho trẻ em và cùng nói với trẻ về quá trình biến từ thức ăn thành phân như thế nào. Việc này có thể sẽ khiến trẻ bớt sợ hơn hoặc thậm chí khiến trẻ muốn tự chăm sóc cơ thể mình như các anh chị lớn

Thay đổi chế độ ăn

Nếu trẻ chỉ thích ăn bánh quy, khoai tây, gà rán…thì nguy cơ trẻ bị táo bón cũng sẽ cao hơn. Mặc dù không dễ, nhưng bạn nên tăng lượng chất xơ trong chế độ ăn của trẻ để phân trẻ mềm hơn, ví dụ như rau xanh, trái cây tươi và một số loại ngũ cốc. Đồng thời bạn nên cắt giảm một chút sữa và tinh bột trong chế độ ăn của trẻ, ví dụ như bánh mì.

Cho trẻ uống đủ nước

Trẻ có thể ăn đủ lượng chất xơ mà bạn thêm vào nhưng nếu trẻ không uống đủ nước thì cũng không có tác dụng lắm, thậm chí có thể làm mọi việc xấu đi. Cho trẻ uống nước nhiều lần trong ngày, hoặc nếu trẻ không thích, có thể cho uống nước thông qua nước canh, súp, nước xương hoặc nước trái cây, hoa quả như dưa chuột, dưa hấu. Nếu trẻ không thích tất cả những thứ trên, bạn có thể cho trẻ uống nước từ loại quả mà trẻ thích, pha loãng với nước 1-2 lần/ngày. Cố gắng đặt mục tiêu cho trẻ uống khoảng  120-180ml nước trái cây tươi mỗi ngày. Đương nhiên, việc tạo thói quen uống nước trái cây cho trẻ là một điều không tốt, nhưng lúc này, ưu tiên của bạn là giúp trẻ đi ngoài được.

Tạo không khí tích cực

Hãy cho trẻ cảm thấy sự tích cực của việc sử dụng nhà tắm/toilet. Hãy cho trẻ dùng bô thử vài lần để xem trẻ có đi được không. Nếu trẻ đi được là một điều tốt, nhưng nếu không đi được, cũng không có gì pải lo lắng cả. Hãy để trẻ thử và cân nhắc việc trao phần thưởng cho trẻ, thay vì chỉ thưởng khi trẻ đi ngoài được.

 

Khi nào cần đến gặp bác sĩ

Nếu bạn đã thử tất cả các cách trên mà vẫn không có tác dụng, bạn nên đưa bé đến gặp bác sĩ. Trẻ có thể sẽ cần phải khám để đảm bảo rằng không có vấn đề gì về mặt thể chất khiến trẻ không đi ngoài được. Bác sĩ có thể kê một loại thuốc làm mềm phân hoặc bổ sung chất xơ (hoặc cả hai) để giúp trẻ vượt qua cả rào cản về vật lý và tinh thần, giúp bé đi ngoài được. Tuy nhiên, bạn không nên tự ý cho trẻ sử dụng những sản phẩm này mà không hỏi ý kiến bác sĩ.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Tại sao trẻ sơ sinh bú sữa mẹ bị táo bón?

Bình luận
Tin mới
Xem thêm