Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Hút thuốc lá và bệnh ngoài da

Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong trên thế giới hiện nay là sử dụng các sản phẩm thuốc lá. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hằng năm có 6 triệu người chết do hút thuốc chủ động và khoảng 600.000 người chết do hút thuốc thụ động.

Khói thuốc lá chứa hơn 4.000 chất độc hấp thụ trực tiếp vào máu và được máu chuyển vào cấu trúc của làn da. Ngoài sự liên quan đã được biết từ lâu của thuốc lá đến bệnh phổi, bệnh tim và ung thư; hút thuốc hiện nay còn được biết có vai trò quan trọng trong sự lão hóa sớm của da, làm chậm lành vết thương cũng như có thể gây ra một số bệnh da khác, đặc biệt là bệnh vảy nến, viêm tuyến mồ hôi mủ và Lupus ban đỏ.
Bỏ thuốc lá để ngừa được nhiều bệnh -Ảnh minh họa

Thuốc lá và sự lão hóa da

Người hút thuốc lá nhiều sẽ có vẻ mặt hốc hác và làn da xanh xám. Việc hút thuốc có thể thúc đẩy nhanh quá trình lão hóa da: da mềm rũ, nhiều nếp nhăn, trở nên khô, thô ráp với màu da không đồng đều và có hiện tượng giãn mao mạch.

Các nghiên cứu đã xác nhận, hút thuốc làm xuất hiện nhiều nếp nhăn trên mặt sớm hơn so với tác động của ánh nắng mặt trời, các “vết chân chim” có thể phát triển rất sớm. Những nếp da thẳng đứng quanh miệng cũng xuất hiện, gọi là “nếp nhăn da thuốc lá”.

Nguyên nhân gây lão hóa sớm da mặt của thuốc lá có thể kể đến: nhiệt từ thuốc lá gây bỏng nhẹ da mặt; thay đổi các sợi đàn hồi của da; co thắt mạch máu làm giảm lượng máu cung cấp cho da, giảm lượng collagen và gây ra những thay đổi trong sợi đàn hồi của da; giảm độ ẩm của da.

Ngoài ra, người hút thuốc còn bị rụng tóc; râu tóc, móng tay có thể đổi màu vàng.

Hút thuốc và sự lành của vết thương

Hút thuốc có thể làm chậm lành các tổn thương da và các vết mổ. Thuốc lá làm tăng nguy cơ nhiễm trùng vết thương, nhiễm khuẩn mô ghép và sự hình thành cục máu đông do có liên quan đến: sự co mạch và thiếu ôxy đến các tế bào da; giảm tổng hợp collagen; chậm phát triển của các mạch máu mới trong vết thương.

Hút thuốc lá góp phần vào sự phát triển và tồn tại của các vết loét chi dưới, đặc biệt là loét mạch máu và loét bàn chân ở bệnh nhân tiểu đường.

Nhiễm virus

Hút thuốc lá có khả năng liên quan, có khi nghiêm trọng đến sự lây nhiễm một số virus trong đó có mụn cóc sinh dục (mào gà). Nếu vừa có mụn cóc sinh dục và vừa hút thuốc, bệnh nhân sẽ gặp nhiều nguy cơ phát triển các bệnh ung thư liên quan đến virus mụn cóc như: ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ hay ung thư dương vật.

Ung thư da

Người hút thuốc lá tăng gấp đôi nguy cơ phát triển ung thư da dạng biểu mô tế bào gai so với người không hút thuốc. 75% các trường hợp bạch sản miệng (tiền ung thư) và ung thư miệng có thể xảy ra ở người hút thuốc.

Bệnh vảy nến

Người hút thuốc có nguy cơ cao mắc bệnh vảy nến và bệnh có khuynh hướng phát triển nhiều hơn, nghiêm trọng hơn, đặc biệt nếu bệnh nhân có hội chứng chuyển hóa kèm theo. Dạng lâm sàng vảy nến khu trú ở lòng bàn tay, bàn chân với nhiều sang thương đau, có mủ, xảy ra phổ biến hơn so với người không hút thuốc lá.

Vảy nến là một tình trạng bệnh qua miễn dịch trung gian tế bào. Hút thuốc làm tăng nguy cơ phát triển bệnh vảy nến bằng cách ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch. Chất nicotin trong thuốc lá liên kết với các tế bào miễn dịch gọi là tế bào nhánh và tế bào T, làm thay đổi chức năng của chúng để thúc đẩy sự tăng sinh các tế bào sừng. Nicotin cũng liên kết trực tiếp với các tế bào sừng, giúp chúng phân chia nhanh hơn và di chuyển lên phía bề mặt da.

Bệnh viêm mủ tuyến mồ hôi

Bệnh viêm mủ tuyến mồ hôi rất thường xảy ra ở người hút thuốc lá. Các mụn mủ phát triển ở nách, dưới vú và ở bẹn. Cũng giống như mụn trứng cá thông thường, thoạt đầu các nang lông bị bít, sau đó bị viêm nhiễm và hình thành ổ nhọt. Nicotin trong thuốc lá làm tăng acetylcholine quanh nang lông, thúc đẩy sự phát triển quá mức ở phần trên nang lông và do đó gây ra sự tắc nghẽn.

Bệnh viêm mạch máu

Hút thuốc có thể khởi phát hoặc làm nặng thêm hiện tượng Raynaud gây co thắt hoặc tắc nghẽn mạch máu. Da biến đổi từ màu trắng bệch đến xanh xám và cuối cùng là màu đỏ như được sưởi ấm lại. Động mạch cung cấp máu đến ngón tay, ngón chân có thể bị co thắt tạm thời, sau đó là hẹp vĩnh viễn do tiếp xúc với nicotin trong thuốc lá, gây phát triển các vết loét ở đầu ngón tay, ngón chân. Nhiệt độ lạnh, nicotin và caffein đều là thủ phạm gây ra hiện tượng Raynaud. Hút thuốc cũng làm cục máu đông dễ phát triển gây bít lòng mạch. Triệu chứng “cước” (chilblain) cũng do co mạch và có thể bị tê cóng trầm trọng hơn khi hút thuốc.

Hút thuốc cũng có vai trò chính trong bệnh Buerger (viêm mạch huyết khối tắc nghẽn) với sự xuất hiện nhiều cục máu đông trong các mạch máu nhỏ cũng như trong nhiều trường hợp thuyên tắc do cholesterol có liên quan với xơ vữa động mạch. Hút thuốc có thể làm trầm trọng thêm xu hướng hình thành cục máu đông gây ra do thuốc hay hội chứng antiphospholipid.

Bệnh Lupus ban đỏ

Các nghiên cứu trong những năm gần đây cho thấy, người hút thuốc có nguy cơ bị bệnh Lupus ban đỏ dạng đĩa gấp 10 lần người không hút thuốc. Trong bệnh da tự miễn này, các vùng da tiếp xúc với ánh sáng như ở mặt sẽ phát triển các tổn thương có vảy màu đỏ có thể để lại sẹo. Hút thuốc gây tăng nguy cơ mắc bệnh Lupus đỏ do làm gia tăng hoạt động tự miễn dịch bằng cách kích hoạt các tế bào lympho B và T. Điều trị Lupus với hydroxychloroquine có hiệu quả rất kém ở những người hút thuốc.

Các bệnh lý ở miệng

Người hút thuốc thường mắc các bệnh lý ở miệng như: nhiễm nấm Candida; bệnh liken; lưỡi lông đen (lingua villosa nigra): bề mặt của lưỡi mọc nhiều lông dài màu vàng, nâu, xanh lá cây hoặc đen do vi khuẩn phát triển quá mức. Bệnh xảy ra do vệ sinh răng miệng kém, thiếu nước bọt và hút thuốc; viêm nướu, viêm miệng do nicotin; viêm môi do ánh sáng mặt trời; bạch sản lưỡi; ung thư biểu mô tế bào gai.  

BS. Lê Đức Thọ - Theo Sức khỏe & Đời sống
Bình luận
Tin mới
  • 23/11/2024

    Cách giảm đau mỏi chân khi đứng lâu

    Đau chân khi đứng lâu là tình trạng mà nhiều người gặp phải. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể khắc phục vấn đề này bằng một vài thay đổi nhỏ trong thói quen sinh hoạt hàng ngày

  • 23/11/2024

    Triệu chứng và biến chứng của bệnh vẩy nến

    Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh vẩy nến khác nhau tùy thuộc vào từng người và loại bệnh vẩy nến. Mặc dù bệnh vẩy nến là tình trạng mãn tính kéo dài suốt đời, một số người có thể thấy các triệu chứng biến mất trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.

  • 22/11/2024

    Thuốc xịt mũi ngừa cúm

    Bạn có bỏ qua mũi tiêm phòng cúm hàng năm vì bạn ghét bị tiêm không? Điều đó có thể hiểu được. Nhưng đừng để điều đó ngăn cản bạn tiêm vắc-xin. Có một lựa chọn khác: dành cho bạn: vắc-xin xịt mũi.

  • 22/11/2024

    Loại tiếng ồn nào tốt cho giấc ngủ?

    Chắc hẳn ai cũng đã từng nghe qua câu chuyện dùng tiếng ồn trắng giúp các bé sơ sinh ngủ ngon và sâu giấc. Vậy đã bao giờ bạn thắc mắc, có những loại tiếng ồn nào và đâu là tiếng ồn dành cho người lớn? Mọi câu hỏi sẽ được giải đáp ngay sau đây.

  • 22/11/2024

    Cách cải thiện triệu chứng đau thần kinh tọa

    Ngày càng nhiều người trẻ bị đau thần kinh tọa với biểu hiện đau phần lưng dưới lan xuống chân. Để kiểm soát cơn đau thần kinh tọa, người bệnh cần điều chỉnh từ thói quen sinh hoạt hàng ngày.

  • 21/11/2024

    Trị bệnh Parkinson bằng Đông y có hiệu quả không?

    Do các loại thuốc Tây y điều trị bệnh Parkinson thường đi kèm với tác dụng phụ và nguy cơ “nhờn thuốc” khi dùng lâu dài, nhiều người tìm tới các phương pháp Đông y với hy vọng các loại thảo dược tự nhiên sẽ an toàn hơn với cơ thể.

  • 21/11/2024

    Tăng cường sức khỏe xương khớp cho người cao tuổi trong mùa đông

    Khi bước vào giai đoạn lão hóa, cơ thể con người trải qua nhiều thay đổi sinh lý, suy giảm chức năng của hệ cơ xương khớp và dễ mắc phải các bệnh lý về xương khớp, đặc biệt là trong mùa đông lạnh

  • 21/11/2024

    Tức giận - Kẻ thù thầm lặng của sức khỏe

    Tức giận là một cảm xúc bình thường mà ai cũng sẽ trải qua, bởi hiếm ai có thể giữ được bình tĩnh khi bị tấn công, xúc phạm, phản bội hay thất bại... Tuy nhiên, tức giận quá thường xuyên hoặc kéo dài có thể gây ra nhiều vấn đề đối với sức khỏe.

Xem thêm